Quyết định 264/2007/QĐ-UBND về Kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2006 - 2010

Số hiệu 264/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 09/02/2007
Ngày có hiệu lực 19/02/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Hà Đức Toại
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 264/2007/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 9 tháng 02 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA TỈNH BẮC KẠN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể Cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 - 2010; Quyết định số 94/2006/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2006 - 2010;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 37/TTr-SNV ngày 18/01/2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2006 - 2010.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Các ông, bà: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn và các đơn vị sự nghiệp công thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH



Hà Đức Toại

 

KẾ HOẠCH

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA TỈNH BẮC KẠN GIAI ĐOẠN (2006 - 2010)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 26/2007/QĐ-UBND ngày 09 tháng 02 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)

Thực hiện Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 - 2010, công tác cải cách hành chính của tỉnh Bắc Kạn những năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tuy vậy, qua 5 năm thực hiện giai đoạn I (2001- 2005) Chương trình tổng thể cải cách hành chính tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém, một số mục tiêu đề ra chưa thực hiện được. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và những mặt còn hạn chế cùng với những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn thực hiện trong giai đoạn I, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2006 đến năm 2010 tỉnh Bắc Kạn:

I. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TỪ 2006 ĐẾN NĂM 2010.

1. Mục tiêu chung: Tạo một bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cải cách hành chính, xây dựng một nền hành chính dân chủ trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp và hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

2. Mục tiêu cụ thể:

2.1. Nâng cao một bước công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân các cấp; đảm bảo chất lượng, hợp hiến, hợp pháp, phù hợp thực tiễn và theo hướng tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân, đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế. Uỷ ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn các cấp loại bỏ hoặc sửa đổi kịp thời những văn bản quy phạm trái luật, không phù hợp thực tiễn và những giấy tờ, thủ tục hành chính gây khó khăn cho tổ chức và công dân; giải quyết dứt điểm theo thẩm quyền những kiến nghị, vướng mắc của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

2.2. Xây dựng tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước các cấp hợp lý, hoạt động hiệu quả, đảm bảo hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Các cơ quan nhà nước các cấp và trong từng cấp, trong từng cơ quan đơn vị không có sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ; phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng bộ phận, từng tổ chức, từng vị trí công tác.

2.3. Tạo sự chuyển biến cơ bản chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn đảm bảo đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

2.4. Xây dựng nền tài chính công lành mạnh. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của nhà nước về quản lý tài chính công; sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

II. NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU.

1. Đổi mới và cải cách thể chế:

1.1. Xây dựng và hoàn thiện thể chế:

- Thể chế về quản lý nhà nước đối với tài nguyên, môi trường, phát triển nông, lâm nghiệp, du lịch ở địa phương;

[...]