Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 263/QĐ-TW năm 2014 xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

Số hiệu 263/QĐ-TW
Ngày ban hành 08/10/2014
Ngày có hiệu lực 08/10/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký ***
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 263-QĐ/TW

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2014

 

QUY ĐỊNH

XỬ LÝ KỶ LUẬT TỔ CHỨC ĐẢNG VI PHẠM

- Căn cứ Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước;

- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XI;

- Bộ Chính trị quy định về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

1- Quy định này quy định nội dung vi phạm do tập thể tổ chức đảng bàn và quyết định; hình thức xử lý kỷ luật đối với tổ chức đảng vi phạm.

2- Tổ chức đảng vi phạm bị xử lý kỷ luật gồm: chi ủy, chi bộ, đảng ủy bộ phận, đảng ủy, ban thường vụ đảng ủy cơ sở; cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy từ cấp trên cơ sở trở lên; ủy ban kiểm tra các cấp; các ban cán sự đảng, đảng đoàn.

Xem xét, xử lý kỷ luật phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng loại tổ chức đảng và nội dung vi phạm, bảo đảm công khai, chính xác.

3- Trường hợp tổ chức đảng vi phạm những nội dung chưa nêu trong Quy định này thì căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước và vận dụng Quy định này để xử lý kỷ luật cho phù hợp.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1- Tổ chức đảng: Là tổ chức do đại hội bầu hoặc do cấp ủy có thẩm quyền bầu hay chỉ định thành lập, hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và quyết định theo đa số.

2- Tổ chức đảng vi phạm kỷ luật đảng: Là việc tổ chức đảng không tuân theo, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận, hướng dẫn, thông báo… của Đảng (gọi chung là nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng); nghị định, chỉ thị, quy định, quyết định, chính sách, pháp luật… của Nhà nước (gọi chung là chính sách, pháp luật của Nhà nước).

3- Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng: Là vi phạm làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi tổ chức đảng vi phạm trực tiếp lãnh đạo, quản lý; ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ, gây dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

4- Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng: Là vi phạm làm giảm sút uy tín của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi tổ chức đảng vi phạm trực tiếp lãnh đạo, quản lý; gây dư luận xấu, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

5- Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng: Là vi phạm làm mất uy tín, mất vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi tổ chức đảng vi phạm trực tiếp lãnh đạo; quản lý; làm mất đoàn kết nội bộ, mất niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với tổ chức đảng.

6- Cố ý vi phạm: Là việc tổ chức đảng đã được thông báo, phổ biến về các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đã được cảnh báo vi phạm, nhận thức được hành vi vi phạm của tổ chức đảng, nhưng vẫn cố tình thực hiện.

7- Vô ý vi phạm: Là việc tổ chức đảng không thấy trước hành vi, việc làm của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại.

8- Tái phạm: Là việc tổ chức đảng vi phạm đã được kiểm điểm rút kinh nghiệm hoặc đã bị xử lý kỷ luật, nhưng tiếp tục vi phạm nội dung đã được kiểm điểm hoặc đã bị xử lý kỷ luật.

9- Thiếu trách nhiệm: Là việc tổ chức đảng thực hiện không đúng, không đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao; không thực hiện đúng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định về một nhiệm vụ hoặc công việc cụ thể.

10- Buông lỏng lãnh đạo, quản lý: Là việc tổ chức đảng có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, nhưng thực hiện không đúng, không đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; không ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo hoặc đề ra chủ trương, kế hoạch, biện pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện; không phân công trách nhiệm cụ thể, không đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý.

Điều 3. Nguyên tắc xử lý kỷ luật

1- Chỉ có đảng ủy cơ sở, đảng ủy cấp trên cơ sở; cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy từ cấp huyện, quận và tương đương trở lên mới có thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng vi phạm. Tổ chức đảng vi phạm phải kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật và báo cáo cấp ủy có thẩm quyền xem xét, quyết định.

2- Các tổ chức đảng đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng; tổ chức đảng ở bất cứ cấp nào, lĩnh vực công tác nào, nếu vi phạm đến mức phải kỷ luật thì phải được xem xét, xử lý kỷ luật công minh, chính xác, kịp thời.

3- Việc thi hành kỷ luật tổ chức đảng vi phạm, thực hiện đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, quy trình, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng.

4- Khi xem xét, quyết định hình thức kỷ luật tổ chức đảng vi phạm, phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu phê bình và sửa chữa, khắc phục; mục tiêu, yêu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.

[...]