Quyết định 263/2006/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2006 - 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 263/2006/QĐ-TTg
Ngày ban hành 15/11/2006
Ngày có hiệu lực 13/12/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Doanh nghiệp

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 263/2006/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2006

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Chương trình hành động của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị quyết số 25/2006/NQ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X, Nghị quyết của Quốc hội Khoá XI về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 1010;
Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Chính phủ về đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2006 - 2010.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- BQL KKTCKQT Bờ Y;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính Quốc gia;
- Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91;
- VPCP: BTCN, các PCN,
 Website Chính phủ, Ban điều hành 112,
 Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
 các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, ĐMDN (5).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
 Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ

VỀ ĐẨY MẠNH SẮP XẾP, ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢDOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 263/2006/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ)

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết thông qua Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010; trong đó, một trong các giải pháp quan trọng được đề ra là tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước. Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 9 đã ban hành Nghị quyết số 56/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 thông qua báo cáo về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010. Thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội nêu trên, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X và Nghị quyết của Quốc hội khoá XI về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010.

Để thể chế hoá các quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X; cụ thể hoá Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X và Nghị quyết của Quốc hội khoá XI về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 đối với nội dung sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ ban hành Chương trình hành động về đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2006 - 2010, gồm những nội dung sau:

Phần 1:

NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Tiếp tục rà soát, phân loại để sắp xếp, đổi mới các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm trong việc thực hiện kế hoạch, lộ trình sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đã được phê duyệt và giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện.

2. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, hoạt động, tăng cường đầu tư phát triển những tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty nhà nước mà trước mắt Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ để đáp ứng được vai trò là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô trong nền kinh tế thị trường, hoạt động có hiệu quả, có khả năng cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế; giám sát chặt chẽ hoạt động của các công ty nhà nước và người đại diện phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp khác, thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của các công ty nhà nước để bảo đảm việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào hoạt động kinh doanh có hiệu quả, phòng, chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.

Hoàn thành việc chuyển đổi toàn bộ các công ty thuộc diện Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ sang hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một hoặc nhiều thành viên hoặc công ty cổ phần của chủ sở hữu là Nhà nước vào năm 2009. Tăng cường hỗ trợ công ty nhà nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản trị doanh nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý.

Tiếp tục nghiên cứu, mở rộng thí điểm các mô hình tổ chức quản lý mới như: Hội đồng quản trị tổng công ty, công ty nhà nước ký hợp đồng thuê Tổng giám đốc điều hành, kể cả với người nước ngoài; chuyển các đơn vị sự nghiệp nghiên cứu khoa học - công nghệ thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước sang loại hình doanh nghiệp khoa học - công nghệ.

3. Đẩy nhanh tiến độ, mở rộng diện cổ phần hoá công ty nhà nước. Tập trung chỉ đạo cổ phần hoá các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước quy mô lớn, các ngân hàng thương mại quốc doanh, công ty tài chính nhà nước; bảo đảm hiệu quả, đạt mục tiêu thu hút vốn và đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Cổ phần hoá gắn với niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán phải tạo được hàng hoá có chất lượng cao cho thị trường chứng khoán; mở rộng thí điểm cổ phần hoá vườn cây gắn với cơ sở chế biến đối với các nông, lâm trường quốc doanh; thí điểm để nhân rộng cổ phần hoá công ty nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích, các đơn vị sự nghiệp kinh tế có thu.

4. Thực hiện sắp xếp các nông, lâm trường quốc doanh gắn với rà soát lại hiện trạng sử dụng đất và phân loại đất giao cho các nông, lâm trường, các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để sử dụng có hiệu quả quỹ đất, đúng quy định của pháp luật về đất đai.

5. Hoàn thiện mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con với các công ty con là công ty đa sở hữu để phát huy hiệu quả liên kết kinh tế của tổ hợp doanh nghiệp và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các công ty tham gia liên kết. Cổ phần hoá tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty mẹ với lộ trình phù hợp.

6. Khẩn trương củng cố cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động và năng lực quản lý, điều hành của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước để Tổng công ty sớm thực hiện được chức năng quản lý, đầu tư có hiệu quả vốn nhà nước được quy định tại Luật Doanh nghiệp nhà nước và Quyết định số 151/2005/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.

7. Tích cực đổi mới tổ chức quản lý, nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp nhà nước để ngày một thích nghi hơn với cơ chế kinh tế thị trường và điều kiện mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế.

8. Tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để triển khai rộng rãi các mô hình tổ chức quản lý, các cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp đối với công ty có vốn nhà nước.               

9. Trong thời gian tới, cần ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung ngay các văn bản quy phạm pháp luật về sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước sau đây:

a) Tiêu chí, danh mục phân loại, sắp xếp các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X;

b) Danh mục những lĩnh vực Nhà nước độc quyền, lộ trình xoá bỏ độc quyền trong một số lĩnh vực;

c) Sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác;

[...]