Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Quyết định 2627/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án thực hiện Thỏa thuận giữa Việt Nam - Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 2627/QĐ-TTg
Ngày ban hành 31/12/2013
Ngày có hiệu lực 31/12/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Quyền dân sự,Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2627/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THỰC HIỆN "THỎA THUẬN GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ NGƯỜI DI CƯ TỰ DO, KẾT HÔN KHÔNG GIÁ THÚ TRONG VÙNG BIÊN GIỚI HAI NƯỚC"

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Quyết định số 1797/2013/QĐ-CTN ngày 27 tháng 9 năm 2013 của Chủ tịch nước về việc phê chuẩn Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước;

Xét đề nghị của Bộ Ngoại giao tại Tờ trình số 4534/TTr-BNG-UBBG ngày 19 tháng 11 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.  Phê duyệt Đề án kèm theo Quyết định này về việc thực hiện Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3.  Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum;
- Văn phòng Quốc hội và các Ủy ban của QH;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đảng;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các vụ: TH, PL, KTTH, V.III, KTN, KGVX, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, QHQT (3b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

ĐỀ ÁN

THỰC HIỆN "THỎA THUẬN GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CHDCND LÀO VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ NGƯỜI DI CƯ TỰ DO, KẾT HÔN KHÔNG GIÁ THÚ TRONG VÙNG BIÊN GIỚI HAI NƯỚC"
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2627/QĐ-TTg, ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ)

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Di cư nói chung và di cư tự do trong vùng biên giới Việt Nam - Lào nói riêng là vấn đề hết sức phức tạp, chịu tác động của nhiều nhân tố nhưng chủ yếu là vì lý do kinh tế, phong tục, tập quán và quan hệ gia đình, dòng tộc. Thực tiễn cho thấy di cư tự do có tác động tiêu cực đến ổn định chính trị, an ninh biên giới, đến công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới nói riêng, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của hai nước nói chung và đây cũng chính là vấn đề mà các thế lực thù địch, phản động thường lợi dụng để chống phá công cuộc xây dựng và phát triển đất nước của mỗi nước cũng như quan hệ hai nước.

Việc ký Thỏa thuận đã tạo khuôn khổ pháp lý cho các cơ quan chức năng hai nước hợp tác nhằm hạn chế, giảm thiểu và triệt tiêu những tác động tiêu cực của vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước trên cơ sở các nguyên tắc và yêu cầu cụ thể là: (1) Bảo đảm tăng cường, củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào; tăng cường sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau; tiếp tục xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào trở thành đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững, góp phần củng cố chủ quyền, an ninh biên giới; (2) Đề cao tinh thần nhân đạo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người di cư tự do, tạo điều kiện thuận lợi cho số này ổn định cuộc sống, hòa nhập vào đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội nước cư trú hoặc nước gốc (đối với những người không được cư trú, phải về nước); (3) Giải quyết cơ bản vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước, ngăn chặn tái di cư tự do và di cư tự do mới; (4) Ngăn chặn tổ chức, cá nhân hoặc nhóm người xấu gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự trong vùng biên giới hai nước.

Thực tiễn cho thấy, quá trình hợp tác giữa hai nước trong việc giải quyết vấn đề di cư tự do là tương đối tốt, việc thực hiện Thỏa thuận là phù hợp với lợi ích của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước; bảo đảm tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào. Đây là công việc hết sức phức tạp. Ngoài khía cạnh pháp lý, công việc này còn liên quan đến vấn đề dân tộc, phong tục tập quán, quyền và lợi ích chính đáng của người di cư tự do, trực tiếp tác động đến an ninh chính trị, kinh tế, quốc phòng, trật tự và an toàn xã hội của mỗi nước và quan hệ hai nước.

Do đó, để triển khai thực hiện hiệu quả Thỏa thuận, đáp ứng được mục đích, nguyên tắc và nội dung của Thỏa thuận, bên cạnh việc tăng cường sự phối hợp và hợp tác giữa Chính phủ và các cơ quan chức năng của hai nước, thì việc xây dựng Đề án thực hiện Thỏa thuận nhằm quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ giữa các cơ quan chức năng của ta từ Trung ương đến địa phương trong quá trình thực hiện Thỏa thuận là hết sức cần thiết.

III. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục đích

Thỏa thuận đã tạo khuôn khổ pháp lý cho sự hợp tác giữa Việt Nam và Lào trong việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước, ngăn chặn tái di cư tự do và di cư tự do mới. Mặt khác, do số người Việt Nam sang Lào đông hơn, nên ta cũng có nhu cầu lớn hơn trong việc xây dựng một môi trường pháp lý thuận lợi, giúp bà con ổn định cuộc sống ở Lào. Tuy nhiên, để việc thực hiện Thỏa thuận đạt hiệu quả cao, đáp ứng được mục đích, yêu cầu của Thỏa thuận, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cơ quan chức năng hữu quan từ Trung ương đến địa phương của cả hai nước. Do đó Đề án thực hiện Thỏa thuận cần đạt được các yêu cầu sau:

- Xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, ngành và địa phương hữu quan trong việc triển khai thực hiện hiệu quả Thỏa thuận;

- Xây dựng đầu mối, cơ chế hợp tác, trao đổi thông tin thông suốt và hiệu quả giữa các Bộ, ngành và địa phương hữu quan của ta với nhau và giữa các Bộ, ngành hữu quan của ta và Bạn, giữa các cặp tỉnh biên giới để triển khai thực hiện tốt Thỏa thuận, trong đó đặc biệt chú trọng việc hợp tác, phối hợp với phía Lào trong công tác nắm tình hình, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động di cư tự do trái phép trong vùng biên giới hai nước;

- Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm huy động mọi nguồn lực, bằng nhiều hình thức và biện pháp khác nhau triển khai thực hiện hiệu quả Thỏa thuận, trong đó chú trọng: (1) Tăng cường đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới; giải quyết hợp lý vấn đề nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, tạo việc làm nhằm ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trong vùng biên giới, tạo nền tảng cho việc giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào; (2) Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân trong vùng biên giới Việt Nam - Lào về hệ thống nội luật và Thỏa thuận song phương về biên giới hai nước; (3) Đưa các nhiệm vụ đặc biệt trên đây vào kế hoạch hoạt động hàng năm của cấp ủy các cấp, của các Bộ, ngành và Chính quyền địa phương các cấp có liên quan; (4) Quán triệt sâu rộng và thực hiện nghiêm chỉnh Thỏa thuận theo đúng chức năng nhiệm vụ được phân công.

2. Yêu cầu

[...]