UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH GIA LAI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
26/2013/QĐ-UBND
|
Gia Lai , ngày
06 tháng 9 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG HỒ SƠ, BẢN ĐỒ VÀ MỐC
ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH CÁC CẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật
của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 119-CP ngày 16/9/1994 của
Chính phủ ban hành quy định về việc quản lý, sử dụng hồ sơ địa giới, bản đồ địa
giới và mốc địa giới hành chính các cấp; Nghị định số 12/2002/NĐ-CP ngày
22/01/2002 của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ;
Căn cứ Thông tư số 28/TCCP- ĐP ngày 17/3/1995
của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) hướng dẫn thực hiện Nghị
định số 119-CP; Thông tư số 109/1998/TT-TCCP ngày 28/5/1998 của Ban Tổ chức -
Cán bộ Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 28/TCCP-ĐP;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số
06/2006/TTLT/BTNMT-BNV-BNG-BQP ngày 13/6/2006 của Liên Bộ: Tài nguyên Môi trường,
Nội vụ, Ngoại giao, Quốc phòng hướng dẫn quản lý công tác đo đạc và bản đồ về
ĐGHC và biên giới Quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 12/2008/QĐ-BTNMT ngày
18/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật
Quốc gia về phân định địa giới hành chính và lập hồ sơ địa giới hành chính các
cấp”;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý, sử dụng hồ
sơ, bản đồ và mốc địa giới hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày
ký.
Bãi bỏ Quyết định số 1091/QĐ-UB ngày 27 tháng 9
năm 1997 của Ủy ban nhân tỉnh Gia Lai về việc ban hành Quy chế quản lý, sử dụng
và khai thác hồ sơ địa giới, bản đồ địa giới và mốc địa giới hành chính các cấp
của tỉnh Gia Lai.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ
trưởng các Sở, Ban, Ngành, đơn vị có liên quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ
tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã,
phường, thị trấn; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Phạm Thế Dũng
|
QUY CHẾ
VỀ VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG HỒ SƠ, BẢN ĐỒ VÀ MỐC ĐỊA GIỚI HÀNH
CHÍNH CÁC CẤP CỦA TỈNH GIA LAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 26/2013/QĐ-UBND ngày 06/9/2013 của UBND tỉnh
Gia Lai)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng và phạm
vi điều chỉnh
Quy chế này quy định trách nhiệm và quyền hạn của
Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản
lý, khai thác, sử dụng hồ sơ, bản đồ và mốc địa giới hành chính các cấp của tỉnh
theo Hệ quy chiếu UTM, Hệ tọa độ Quốc gia Việt Nam VN-2000 (thay thế hồ sơ, bản
đồ và mốc địa giới hành chính các cấp của tỉnh đã được lập theo Chỉ thị số
364/CT ngày 06/11/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) theo
Hệ quy chiếu Gauss, Hệ tọa độ HN-72).
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Đường địa giới hành chính là đường ranh giới
phân chia lãnh thổ giữa các đơn vị hành chính với nhau.
2. Phân định địa giới hành chính là việc xác định
đường địa giới hành chính, cắm mốc địa giới hành chính trên thực địa và thể hiện
lên bản đồ có xác nhận của các đơn vị hành chính có liên quan.
3. Điều chỉnh địa giới hành chính là việc chia
tách, sáp nhập, thành lập mới đơn vị hành chính làm thay đổi đường địa giới
hành chính và diện tích tự nhiên của một hoặc một số đơn vị hành chính theo quyết
định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
4. Bản đồ địa giới hành chính là bản đồ chuyên đề,
được lập trong quá trình lập hồ sơ địa giới hành chính cho từng đơn vị hành
chính (ở tỷ lệ quy định) trên cơ sở nền bản đồ địa hình quốc gia dạng số, có thể
hiện các đường địa giới hành chính, các mốc địa giới hành chính và các yếu tố địa
lý, địa danh khác có liên quan đến địa giới hành chính, được cơ quan nhà nước
có thẩm quyền xác nhận.
5. Hồ sơ địa giới hành chính là bộ tài lịêu được
lập cho từng đơn vị hành chính bao gồm các văn bản, số liệu và bản đồ địa giới
hành chính.
6. Mốc địa giới hành chính là điểm đánh dấu giới
hạn địa giới hành chính giữa các đơn vị hành chính với nhau. Mốc địa giới hành
chính có các loại: 2 mặt, 3 mặt, 4 mặt và 5 mặt, được cắm ở những nơi dễ thấy
ngoài thực địa. Các mốc địa giới đều vẽ sơ đồ vị trí mốc và biểu thị đầy đủ
trên bản đồ địa giới hành chính.
7. Điểm đặc trưng là điểm được lựa chọn để phục
vụ việc mô tả địa giới hành chính trong hồ sơ địa giới hành chính các cấp.
8. Hệ quy chiếu là hệ thống tọa độ toán học
trong không gian và trên mặt phẳng để biểu thị lên đó các kết quả đo đạc và bản
đồ; hệ quy chiếu quốc gia là hệ quy chiếu được lựa chọn để sử dụng thống nhất
trong cả nước.
Điều 3. Hồ sơ địa giới
hành chính của từng đơn vị hành chính
1. Hồ sơ địa giới hành chính xã, phường, thị trấn
(gọi chung là cấp xã) gồm:
a) Các văn bản pháp lý về thành lập xã và điều
chỉnh địa giới hành chính xã;
b) Bản đồ địa giới hành chính cấp xã;
c) Các văn bản xác nhận sơ đồ vị trí, các mốc địa
giới hành chính cấp xã, huyện, tỉnh (có trên đường địa giới hành chính cấp xã);
d) Bản xác nhận tọa độ các mốc địa giới hành
chính cấp xã;
đ) Bảng tọa độ các điểm đặc trưng trên đường địa
giới hành chính cấp xã;
e) Bản mô tả tình hình chung về địa giới hành
chính cấp xã;
f) Các biên bản xác nhận mô tả đường địa giới
hành chính cấp xã;
g) Các phiếu thống kê (dân cư, sơn văn, thủy hệ…);
h) Biên bản bàn giao mốc địa giới hành chính các
cấp.
2. Hồ sơ địa giới hành chính huyện, thị xã,
thành phố (gọi chung là cấp huyện), gồm:
a) Các văn bản pháp lý về thành lập huyện và điều
chỉnh địa giới hành chính huyện;
b) Bản đồ địa giới hành chính cấp huyện;
c) Các văn bản xác nhận sơ đồ vị trí các mốc địa
giới hành chính cấp huyện và cấp tỉnh (có trên đường địa giới hành chính của
huyện);
d) Bản xác nhận tọa độ các mốc địa giới hành
chính cấp huyện;
đ) Bảng tọa độ các điểm đặc trưng trên đường địa
giới hành chính cấp huyện;
e) Bản mô tả tình hình chung về địa giới hành
chính cấp huyện;
f) Các biên bản xác nhận mô tả đường địa giới
hành chính cấp huyện, tỉnh (có trên đường địa giới hành chính cấp huyện);
g) Bản thống kê các tài liệu về địa giới hành
chính của các xã trong huyện.
3. Hồ sơ địa giới hành chính tỉnh gồm:
a) Các văn bản pháp lý về thành lập tỉnh và điều
chỉnh địa giới hành chính tỉnh;
b) Bản đồ địa giới hành chính tỉnh;
c) Các văn bản xác nhận sơ đồ vị trí, các mốc địa
giới hành chính tỉnh trên đường địa giới hành chính tỉnh;
d) Bảng xác nhận tọa độ các mốc địa giới hành
chính và các điểm đặc trưng trên đường địa giới hành chính tỉnh;
đ) Bản mô tả tình hình chung về địa giới hành
chính tỉnh;
e) Các bản xác nhận mô tả đường địa giới hành
chính tỉnh, đường biên giới quốc gia (có trên đường địa giới hành chính tỉnh);
f) Bản thống kê các tài liệu về địa giới hành
chính của các huyện trong tỉnh.
Chương II
QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG HỒ SƠ
BẢN ĐỒ, MỐC ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH
Điều 4. Cơ quan quản lý, lưu
trữ hồ sơ, bản đồ, mốc địa giới hành chính
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp là người có
thẩm quyền quản lý, sử dụng, khai thác và chịu trách nhiệm trước các cơ quan cấp
trên có thẩm quyền về tình trạng hồ sơ, bản đồ và mốc địa giới hành chính được
giao quản lý.
2. Các cơ quan được Chủ tịch Ủy ban nhân dân
cùng cấp giao quản lý, lưu trữ hồ sơ, bản đồ và mốc địa giới hành chính gồm:
a) Sở Nội vụ quản lý, lưu trữ hồ sơ, bản đồ địa
giới hành chính tỉnh, cấp huyện, cấp xã trong toàn tỉnh.
b) Phòng Nội vụ hoặc Văn phòng Hội đồng nhân dân
- Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý, lưu trữ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính
cấp huyện và cấp xã thuộc phạm vi cấp huyện.
c) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quản lý,
lưu trữ hồ sơ, bản đồ cấp xã và mốc địa giới hành chính các cấp.
Điều 5. Việc giao, nhận quản
lý hồ sơ, bản đồ và mốc địa giới hành chính
1. Việc giao, nhận quản lý hồ sơ, bản đồ và mốc
địa giới hành chính phải được lập thành văn bản; xác định rõ tình trạng bộ hồ
sơ, bản đồ và mốc địa giới hành chính khi giao nhận, quản lý.
2. Việc quản lý hồ sơ, bản đồ địa giới hành
chính: Sở Nội vụ, Phòng Nội vụ hoặc Văn phòng Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân
dân cấp huyện phải giao cụ thể cho công chức có năng lực, có trách nhiệm quản lý
và lưu trữ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính. Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã
thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giao cho công chức địa chính - xây dựng -
nông nghịêp và môi trường (đối với xã) hoặc công chức địa chính - xây dựng - đô
thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) quản lý, lưu trữ hồ sơ địa giới
hành chính cấp xã.
3. Việc quản lý mốc địa giới hành chính: Căn cứ
vào biên bản bàn giao mốc địa giới hành chính của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch
Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cấp xã
có liên quan để thống nhất giao cho các Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố nơi
có mốc địa giới hành chính trực tiếp quản lý và tuyên truyền, giáo dục cho nhân
dân nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ mốc địa giới hành chính.
Trong trường hợp mốc địa giới hành chính được Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho một số đơn vị cấp xã có liên quan quản lý
thì các đơn vị cấp xã phải phối hợp chặt chẽ với nhau để có biện pháp đảm bảo
an toàn và ổn định lâu dài cho các mốc đó. Các đơn vị cấp xã có liên quan phải
bàn bạc thống nhất lập biên bản giao cho người có điều kiện thuận lợi nhất bảo
quản, giữ gìn mốc. Người được giao quản lý mốc phải thực hiện đầy đủ chế độ báo
cáo với Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại Điều 9 của Quy chế này.
Điều 6. Thay đổi người quản
lý, lưu trữ hồ sơ, bản đồ và mốc địa giới hành chính
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng
cơ quan và cán bộ, công chức, cá nhân được phân công quản lý, lưu trữ hồ sơ, bản
đồ và mốc địa giới hành chính khi kết thúc nhiệm kỳ hoặc thay đổi vị trí công
tác hoặc không đảm nhận nhiệm vụ này nữa thì phải tiến hành lập biên bản bàn
giao tình trạng hồ sơ, bản đồ và mốc địa giới hành chính cho người mới tiếp tục
đảm nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật.
2. Việc bàn giao phải có sự chứng kiến của Sở Nội
vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường và đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh (đối với hồ
sơ, bản đồ và mốc địa giới hành chính cấp huyện); Phòng Nội vụ, Phòng Tài
nguyên và Môi trường và đại diện Ủy ban nhân dân cấp huyện (đối với hồ sơ, bản đồ
và mốc địa giới hành chính cấp xã).
3. Khi các bên bàn giao hồ sơ, bản đồ và mốc địa
giới hành chính các cấp phải lập thành văn bản theo quy định của nhà nước.
Điều 7. Quản lý, khai thác,
sử dụng hồ sơ, bản đồ và mốc địa giới hành chính
1. Hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp được
quản lý và lưu trữ trong thùng hoặc tủ có khoá đảm bảo an toàn lâu dài, chống
được ẩm thấp, các loại côn trùng thâm nhập phá hoại và phòng cháy tốt.
2. Trường hợp hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính
bị hư hỏng hoặc mất mát không phải do thiên tai, hỏa hoạn gây ra thì Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các cấp báo cáo ngay lên cơ quan cấp trên trực tiếp đề nghị sao lại
hồ sơ, bản đồ và tiến hành điều tra nguyên nhân để xử lý theo quy định của pháp
luật hiện hành.
Trường hợp mốc địa giới hành chính bị xê dịch,
phá hủy, hư hỏng, mất mát… thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm
quản lý phải kịp thời báo cáo bằng văn bản lên Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp
để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ); đồng thời tổ chức
khôi phục lại mốc địa giới hành chính và điều tra nguyên nhân để xử lý.
Tổ chức, cá nhân khi thi công các công trình
giao thông, xây dựng… có ảnh hưởng đến mốc địa giới hành chính phải báo cáo trực
tiếp người có trách nhiệm quản lý mốc địa giới hành chính để báo cáo cấp có thẩm
quyền xem xét. Trong trường hợp mốc địa giới hành chính phải chuyển dịch vị trí
thì phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của các đơn vị cấp xã có liên quan và được
sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp huyện, đồng thời phải được sự đồng ý của Ủy
ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) để theo dõi, chỉ đạo. Nguồn kinh phí để di dời,
sửa chữa, làm mới, xác định vị trí mốc địa giới hành chính do tổ chức, cá nhân
thi công công trình chịu trách nhiệm.
3. Hồ sơ, bản đồ và mốc địa giới hành chính các
cấp là cơ sở pháp lý làm tài liệu để chính quyền các cấp sử dụng thống nhất
trong công tác quản lý nhà nước về địa giới hành chính ở địa phương; làm căn cứ
pháp lý để giải quyết các vấn đề có liên quan đến địa giới hành chính các cấp;
làm cơ sở để nghiên cứu, xây dựng các đề án về phát triển kinh tế - xã hội, an
ninh, quốc phòng và điều chỉnh địa giới hành chính các cấp khi cần thiết.
4. Khi có tranh chấp địa giới hành chính hoặc
tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính trong phạm vi quản lý, Ủy
ban nhân dân các cấp căn cứ vào hồ sơ, bản đồ và mốc địa giới hành chính để giải
quyết và báo cáo lên cơ quan cấp trên trực tiếp về kết quả giải quyết; trường hợp
không giải quyết được thì báo cáo tình hình và xin ý kiến để giải quyết.
Việc giải quyết các tranh chấp thực hiện theo
nguyên tắc:
a) Tranh chấp về đất đai liên quan đến đường địa
giới hành chính cấp nào thì trên cơ sở các quy định và trình tự hiện hành của
nhà nước, Ủy ban nhân dân, các đơn vị hành chính cấp đó trao đổi với nhau để thống
nhất giải quyết, có sự chứng kiến của Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp; trong
trường hợp đã giải quyết hoặc chưa giải quyết được cũng phải báo cáo về Ủy ban
nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) và nêu rõ lý do.
b) Tình trạng xâm canh thực hiện giải quyết theo
quy định hiện hành của pháp luật về đất đai.
c) Tình trạng xâm cư thực hiện giải quyết theo
quy định của Luật Cư trú hiện hành.
5. Nghiêm cấm mọi hành vi sửa đổi các nội dung của
hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính dưới bất kỳ hình thức nào; không được mang hồ
sơ, bản đồ địa giới hành chính ra khỏi trụ sở cơ quan quản lý khi chưa được cấp
có thẩm quyền cho phép. Đối với những đơn vị cấp xã vùng sâu, vùng xa, biên giới
để đảm bảo an toàn hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính, nếu có yêu cầu lưu trữ tại
nơi ở của người được giao quản lý hồ sơ, bản đồ theo quy định tại Điều 5 của
Quy chế này phải có văn bản đồng ý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên trực
tiếp.
Việc sao chép và mượn hồ sơ, bản đồ địa giới
hành chính phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp.
6. Việc in ấn, biên tập bản đồ hành chính cấp tỉnh,
cấp huyện, cấp xã để treo tường hoặc sử dụng trong các cơ quan, đơn vị phải sử
dụng bản đồ Hệ quy chiếu UTM, Hệ toạ độ Quốc gia Việt Nam VN-2000.
Các loại bản đồ khác như: Bản đồ kinh tế - xã hội,
an ninh - quốc phòng của địa phương, bản đồ quy hoạch, bản đồ địa chính, bản đồ
lâm nghiệp… nếu biểu thị đường địa giới hành chính thì phải đúng với đường địa
giới hành chính đã được xác lập theo Hệ quy chiếu UTM, Hệ toạ độ Quốc gia Việt
Nam VN-2000.
7. Khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm
quyền về việc điều chỉnh địa giới hành chính và khi có sự biến động về địa hình
ảnh hưởng đến đường địa giới hành chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo
bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính. Việc chỉnh sửa, bổ sung hồ
sơ, bản đồ địa giới hành chính thực hiện trên bản sao không trực tiếp chỉnh sửa
vào bản chính.
Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và
Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện lập kế hoạch và phương án đo bổ sung, chỉnh
lý hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phê
duyệt, đồng thời Ủy ban nhân dân cấp huyện bàn giao bộ hồ sơ, bản đồ địa giới
hành chính cũ về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) quản lý và lưu trữ.
Mỗi đơn vị cấp xã phải có ít nhất một bản đồ thường
trực để theo dõi tình hình biến động của địa bàn dân cư, mạng lưới giao thông,
thủy lợi… trên địa bàn và biên vẽ lên bản đồ vị trí các địa danh, dân cư, hệ thống
giao thông, thủy lợi mới nếu có.
Điều 8. Việc duy tu, bảo dưỡng
và chế độ báo cáo công tác quản lý hồ sơ, bản đồ và mốc địa giới hành chính
1. Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã
được trích một khoản kinh phí dùng cho việc duy tu, bảo dưỡng mốc địa giới hành
chính. Kinh phí duy tu, bảo dưỡng mốc địa giới hành chính thuộc ngân sách nhà
nước được cân đối vào ngân sách của địa phương quản lý.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng
cơ quan và cán bộ, công chức, cá nhân được phân công quản lý, lưu trữ hồ sơ, bản
đồ và mốc địa giới hành chính phải thực hiện trách nhiệm kiểm tra và báo cáo về
tình trạng hồ sơ, bản đồ và mốc địa giới hành chính theo định kỳ (trừ trường hợp
phải báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền) như sau:
a) Hàng tháng, người được giao trực tiếp quản
lý, lưu trữ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính có trách nhiệm theo dõi tình trạng
của hồ sơ và bản đồ, báo cáo Thủ trưởng cơ quan và Chủ tịch UBND cùng cấp giải
quyết kịp thời khi có hiện tượng làm ảnh hưởng đến chất lượng của tài liệu.
b) Hàng quý, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố
được giao quản lý mốc địa giới hành chính phải báo cáo tình trạng về mốc địa giới
hành chính lên Ủy ban nhân dân cấp xã. Khi phát hiện mốc địa giới bị xê dịch,
phá hủy, hư hỏng, mất mát… Ủy ban nhân dân cấp xã phải kịp thời báo cáo lên Ủy
ban nhân dân cấp trên trực tiếp biết, đồng thời tổ chức khôi phục lại mốc địa
giới hành chính.
c) Sáu tháng một lần, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện báo
cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) về tình trạng hồ sơ, bản đồ và mốc địa
giới hành chính được giao quản lý.
d) Tháng 12 hàng năm, Giám đốc Sở Nội vụ có
trách nhiệm tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng và những thay đổi về địa giới
hành chính để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nội vụ theo quy định.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Xử lý vi phạm và
khen thưởng
1. Trong quá trình quản lý, khai thác và sử dụng
hồ sơ, bản đồ và mốc địa giới hành chính các cấp trên địa bàn, nếu tổ chức, cá
nhân có hành vi vi phạm, gây thiệt hại thì tùy theo tính chất, mức độ để xử lý
kỷ luật, xử phạt hành chính, bồi thường hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Kết
quả xác minh, xử lý trách nhiệm những hành vi vi phạm phải báo cáo về Ủy ban
nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ).
2. Tổ chức, cá nhân có thành tích tốt trong việc
quản lý, lưu trữ, khai thác, bảo vệ hồ sơ, bản đồ, mốc địa giới hành chính các
cấp được cấp có thẩm quyền xem xét khen thưởng theo quy định của pháp luật hiện
hành.
Điều 10. Trách nhiệm thi
hành
1. Các cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức
năng nhiệm vụ của ngành có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn các địa phương, tổ
chức, cá nhân thực hiện công tác quản lý hồ sơ, bản đồ và mốc địa giới hành
chính theo đúng quy định pháp luật.
2. Hàng năm, Sở Nội vụ có trách nhiệm theo dõi,
xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nội vụ về
công tác quản lý, sử dụng hồ sơ, bản đồ và mốc địa giới hành chính các cấp trên
địa bàn của tỉnh.
Trong quá trình tổ chức thực hiện Quy chế này, nếu
có khó khăn, vướng mắc, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và các đơn vị, tổ chức,
cá nhân có liên quan báo cáo, phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ)
để xem xét và giải quyết./.