Quyết định 26/2008/QĐ-NHNN sửa đổi Quy chế cấp, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động Quỹ tín dụng nhân dân; mở, chấm dứt hoạt động sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện và phòng giao dịch, điểm giao dịch của Quỹ tín dụng nhân dân; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập Quỹ tín dụng nhân dân; thanh lý Quỹ tín dụng nhân dân dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước kèm theo Quyết định 24/2006/QĐ-NHNN do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành

Số hiệu 26/2008/QĐ-NHNN
Ngày ban hành 09/09/2008
Ngày có hiệu lực 11/10/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Trần Minh Tuấn
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số : 26/2008/QĐ-NHNN

Hà Nội, ngày 09 tháng 9 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ CẤP, THU HỒI GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN; MỞ, CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG SỞ GIAO DỊCH, CHI NHÁNH, VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN VÀ PHÒNG GIAO DỊCH, ĐIỂM GIAO DỊCH CỦA QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN; CHIA, TÁCH, HỢP NHẤT, SÁP NHẬP QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN; THANH LÝ QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN DƯỚI SỰ GIÁM SÁT CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 24/2006/QĐ-NHNN NGÀY 06/6/2006 CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2003;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2004;
Căn cứ Luật hợp tác xã năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 52/2003/NĐ-CP ngày 19/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 48/2001/NĐ-CP ngày 13/8/2001 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân và Nghị định số 69/2005/NĐ-CP ngày 26/5/2005 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 48/2001/NĐ-CP;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Các tổ chức tín dụng hợp tác,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế cấp, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động Quỹ tín dụng nhân dân; mở, chấm dứt hoạt động sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện và phòng giao dịch, điểm giao dịch của Quỹ tín dụng nhân dân; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập Quỹ tín dụng nhân dân; thanh lý Quỹ tín dụng nhân dân dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 24/2006/QĐ-NHNN ngày 06/6/2006 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước như sau:

1. Điều 1 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 1. Đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh

1. Quy chế này quy định:

a) Việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động (sau đây gọi tắt là giấy phép) đối với Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương (sau đây gọi chung là Quỹ tín dụng nhân dân);

b) Việc mở, chấm dứt hoạt động sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, phòng giao dịch, Quỹ tiết kiệm của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương; việc mở, chấm dứt hoạt động phòng giao dịch, Quỹ tiết kiệm của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở;

c) Việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở;

d) Việc thu hồi giấy phép và thanh lý Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

2. Việc thu hồi giấy phép và thanh lý Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương thực hiện theo quy định riêng của Ngân hàng Nhà nước.

3. Quỹ tín dụng nhân dân quyết định việc mở điểm giao dịch theo quy định tại Điều 2 (sửa đổi, bổ sung) của Quy chế này.”

2. Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 2. Trong Quy chế này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Sở giao dịch của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương là đơn vị phụ thuộc trụ sở chính của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương, hạch toán phụ thuộc, có con dấu, thực hiện hoạt động kinh doanh theo uỷ quyền của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương.

Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương chỉ được mở sở giao dịch nằm trong phạm vi địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương đặt trụ sở chính.

2. Chi nhánh của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương là đơn vị phụ thuộc Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương, có con dấu, thực hiện hoạt động kinh doanh theo uỷ quyền của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương.

3. Văn phòng đại diện của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương là đơn vị phụ thuộc Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương, có con dấu, thực hiện chức năng đại diện theo uỷ quyền của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương. Văn phòng đại diện không được thực hiện hoạt động kinh doanh.

4. Phòng giao dịch là bộ phận phụ thuộc của Quỹ tín dụng nhân dân, hạch toán báo sổ, có con dấu, chịu sự quản lý toàn diện và trực tiếp của Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở (đối với phòng giao dịch của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở), của Giám đốc sở giao dịch hoặc Giám đốc chi nhánh của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương (đối với phòng giao dịch của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương), thực hiện một số giao dịch với khách hàng, hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ đã được Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng nhân dân quy định.

5. Quỹ tiết kiệm là bộ phận phụ thuộc của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở (đối với Quỹ tiết kiệm của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở), của sở giao dịch, chi nhánh của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương (đối với Quỹ tiết kiệm của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương), hạch toán báo sổ, có con dấu, được thực hiện một hoặc một số giao dịch theo quy định của Quỹ tín dụng nhân dân.

6. Điểm giao dịch là bộ phận phụ thuộc của Quỹ tín dụng nhân dân, không có con dấu, thực hiện việc nghiên cứu, tìm hiểu, giới thiệu khách hàng, tiếp nhận hồ sơ vay vốn, giải ngân và thu nợ đối với những hợp đồng tín dụng của Quỹ tín dụng nhân dân (đối với điểm giao dịch của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở), của sở giao dịch, chi nhánh (đối với điểm giao dịch của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương).

7. Chia Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở là một Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở (sau đây gọi chung là Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở được chia) có thể chia thành hai hay nhiều Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở mới theo quy định của Điều lệ, quyết định của Đại hội thành viên và chấm dứt tư cách pháp nhân của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở được chia; toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở được chia được chuyển giao cho các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở mới.

8. Tách Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở là việc một Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở tách thành hai hay nhiều Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở mới theo quy định của Điều lệ và quyết định của Đại hội thành viên; đồng thời sau khi tách, Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở bị tách và Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở mới sau khi tách thực hiện quyền, nghĩa vụ pháp nhân của mình phù hợp với mục đích hoạt động ghi trong giấy phép.

9. Hợp nhất Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở là việc hai hay nhiều Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở (sau đây gọi chung là Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở được hợp nhất) có thể hợp nhất thành một Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở mới (sau đây gọi chung là Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở hợp nhất) theo thoả thuận giữa các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở được hợp nhất bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở hợp nhất, đồng thời chấm dứt tư cách pháp nhân của các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở được hợp nhất.

10. Sáp nhập Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở là việc một hoặc một số Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở được sáp nhập (sau đây gọi chung là Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở được sáp nhập) vào một Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở khác (sau đây gọi chung là Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở sáp nhập) theo thoả thuận giữa các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở được sáp nhập sang Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở sáp nhập, đồng thời chấm dứt tư cách pháp nhân của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở được sáp nhập.”

[...]