Quyết định 259/QĐ-UBND năm 2020 về ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

Số hiệu 259/QĐ-UBND
Ngày ban hành 25/06/2020
Ngày có hiệu lực 25/06/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Nguyễn Văn Phong
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 259/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 25 tháng 6 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VỀ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ GIAI ĐOẠN 2019 – 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2015;

Căn cứ Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/03/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

Căn cứ Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030;

Theo đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 422/TTr-SCT ngày 05/06/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Điều 2. Giao Sở Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ báo cáo UBND tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.

Điều 4. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, viện; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, CN.XDCB, KTTH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phong

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VỀ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ GIAI ĐOẠN 2019 – 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 259/QĐ-UBND ngày 25/6/2020 của UBND tỉnh Bắc Ninh)

I. Tình hình chung về sử dụng năng lượng và thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiểu quả trên địa bàn tỉnh

1. Khái quát tình hình về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh

Ngày 16/06/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 289/QĐ-UBND ngày 16/6/2017 về việc ban hành kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2017-2020; Kế hoạch đã đề ra mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp cơ bản để thực hiện chương trình sử dụng năng lượng tiết kiếm và hiệu quả trên địa bàn, làm cơ sở để các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan triển khai thực hiện.

Giai đoạn 2017-2019, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn đã được các cấp chính quyền, sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị và nhân dân trên địa bàn được quan tâm thực hiện; công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cộng đồng được tăng cường rõ rệt thông qua báo đài, bản tin, phóng sự, các chương trình, hoạt động hằng năm như Chiến dịch Giờ trái đất, Gia đình tiết kiệm điện, hội thi tiết kiệm năng lượng trong trường học, hưởng ứng ngày môi trường thế giới... và đạt được kết quả nhất định như: Các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước đều có quy chế thực hiện văn hóa công sở, quản lý, sử dụng điện, mua sắm trang thiết bị tại cơ quan đảm bảo tiết kiệm hiệu quả; công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm được tăng cường (trên địa bàn tỉnh năm 2016 có 78 cơ sở, năm 2017 và 2018 có 86 cơ sở); các đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm như sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất bia, nước giải khát, sản xuất thép, sản xuất nhựa... như Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Công ty TNHH Canon Việt Nam, Công ty TNHH kính nổi Việt Nam… thực hiện định mức tiêu hao năng lượng trên đơn vị sản phẩm theo quy định; hằng năm hệ thống điện được đầu tư đồng bộ nhằm cấp điện an toàn ổn định cho người dân và các tổ chức trên địa bàn thông qua các dự án: Sửa chữa lớn, đầu tư cơ bản... từ ngân sách tỉnh và của ngành điện; mời gọi, thu hút được các dự án năng lượng tái tạo có quy mô lớn như: Các Dự án điện từ chất thải rắn…; việc áp dụng quy chuẩn quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong quá trình xây dựng, cải tạo đối với các toàn nhà, công trình có quy mô lớn; đầu tư sử dụng bóng đèn LED thay thế bóng đèn thường, thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, ứng dụng các hệ thống thiết bị điều khiển tự động đảm bảo chiếu sáng hợp lý trong chiếu sáng công cộng; khuyến khích việc sử dụng xăng sinh học E5 cho phương tiện giao thông vận tải; thắt chặt quản lý theo quy hoạch khai thác sử dụng khoáng sản, tài nguyên môi trường để bảo vệ nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, hạn chế biến đổi khí hậu.

2. Một số khó khăn, vướng mắc

Mặc dù Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ra đời năm 2010, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, tồn tại như: Nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chưa cao; việc đầu tư cải tạo, nâng cấp các thiết bị dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng đòi hỏi phải có nguồn vốn đầu tư lớn, là rào cản cho việc cải tiến công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật, chưa thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng (do đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn); nguồn lực tài chính đầu tư cho tiết kiệm năng lượng còn hạn chế; việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình có vốn ngân sách gặp trở ngại về định mức, đơn giá, suất đầu tư; việc triển khai thực hiện quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chưa quyết liệt; công tác phối hợp giữa các sở, ngành đôi khi chưa được đồng bộ…

Trong lĩnh vực cung ứng điện, do thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, năm 2019 đã xảy ra đợt nắng nóng kéo dài khiến nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn tỉnh tăng cao, công suất Pmax đạt 1.212MW (tăng 8,48% so với cùng kỳ năm 2018). Trước tình hình kinh tế phát triển với tốc độ khá cao, cộng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thì nguy cơ quá tải cục bộ, thiếu điện hoàn toàn có thể xảy ra trong những năm tiếp theo, ảnh hướng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội. Trước tình hình đó, ngoài việc đầu tư các dự án nguồn điện, đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống truyền tải, phân phối điện thì cần tăng cường hơn nữa các giải pháp về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.

II. Căn cứ xây dựng Kế hoạch

- Luật sử dụng năng lượng tiết kệm và hiệu quả số năm 2010;

[...]