Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 255/2013/QĐ-VKSTC-V10 về Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 255/2013/QĐ-VKSTC-V10
Ngày ban hành 19/06/2013
Ngày có hiệu lực 04/07/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Hải Phong
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 255/2013/QĐ-VKSTC-V10

Hà Nội, ngày 19 tháng 6 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ CÔNG TÁC KIỂM SÁT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

- Căn cứ Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002;

- Căn cứ Luật Thi hành án dân sự năm 2009;

- Căn cứ Nghị quyết số 522d/NQ/UBTVQH13 ngày 16/8/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Phê chuẩn việc điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ và đổi tên một số đơn vị thuộc bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao”;

- Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ kiểm sát thi hành án dân sự,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 132/QĐ-VKSTC-V10 ngày 10/4/2012 và Quy chế công tác kiểm sát thi hành án của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Điều 3. Vụ trưởng Vụ kiểm sát thi hành án dân sự, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Lãnh đạo VKSNDTC;
- Như Điều 3;
- VKS Quân sự TW;
- Lưu VT (1b), Vụ 10 (20b).
100b.

KT. VIỆN TRƯỞNG
PHÓ VIỆN TRƯỞNG




Nguyễn Hải Phong

 

QUY CHẾ

CÔNG TÁC KIỂM SÁT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 255/2013/QĐ/VKSTC-V10 ngày 19/6/2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Vị trí của công tác kiểm sát thi hành án dân sự

Công tác kiểm sát thi hành án dân sự là một trong những công tác thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân theo qui định của Hiến pháp và pháp luật.

Điều 2. Đối tượng của công tác kiểm sát thi hành án dân sự

Đối tượng của công tác kiểm sát thi hành án dân sự là việc tuân theo pháp luật của Toà án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan trong việc thi hành bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật của Toà án; các quyết định của Trọng tài thương mại; quyết định của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và những bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay theo đúng qui định của pháp luật.

Điều 3. Phạm vi, nội dung của công tác kiểm sát thi hành án dân sự

Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc chấp hành các nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành các bản án, quyết định dân sự; hôn nhân gia đình, lao động, phá sản, hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, các khoản tạm thu phí, dự phí, các khoản thu trước xét xử của các cơ quan, tổ chức và của công dân, xử lý vật chứng, tài sản, việc kê biên, cưỡng chế thi hành án; hoạt động bán đấu giá tài sản để thi hành án; án phí, phí thi hành án và quyết định dân sự trong bản án, quyết định dân sự trong bản án hình sự; các bản án, quyết định hành chính của Toà án; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành án của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định của Trọng tài Thương mại; bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài đã được Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, cho tới khi bản án, quyết định đó được thi hành xong.

Điều 4. Nhiệm vụ của công tác kiểm sát thi hành án dân sự

1. Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Toà án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan trong việc thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và những bản án, quyết định dân sự chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay theo qui định của pháp luật.

2. Kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật trong việc thi hành án, ban hành kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu khắc phục phòng ngừa vi phạm pháp luật và đề xuất các biện pháp xử lý bảo đảm việc thi hành án dân sự kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật.

3. Giải quyết các khiếu nại, tố cáo có liên quan đến công tác kiểm sát thi hành án dân sự; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, của cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới.

[...]