ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2542/QĐ-UBND
|
Lâm Đồng, ngày 17 tháng 11 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC CÔNG BỐ THỦ
TỤC HÀNH CHÍNH THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA BAN DÂN TỘC TỈNH LÂM ĐỒNG
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 19 tháng 06 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP
ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính và Nghị
định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung
một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;
Căn cứ Thông tư số 05/2014/TT-BTP
ngày 07 tháng 02 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn công bố, niêm yết
thủ tục hành chính và báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện kiểm soát thủ tục
hành chính.
Xét đề nghị của Trưởng Ban Dân tộc
tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Công
bố kèm theo Quyết định này bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết
của Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng.
Điều 2. Quyết
định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2147/QĐ-UBND ngày
25 tháng 10 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng.
Điều 3. Chánh
Văn phòng UBND tỉnh; Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban,
ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và các tổ
chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp Cục
KSTTHC);
- TT. Tỉnh ủy, TT.
HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Cổng
thông tin điện tử tỉnh;
- Website VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, NC.
|
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Yên
|
THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA BAN
DÂN TỘC TỈNH LÂM ĐỒNG
(Kèm theo Quyết
định số 2542/QĐ-UBND ngày 17/11/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)
Phần I
DANH MỤC THỦ TỤC
HÀNH CHÍNH ĐẶC THÙ VÀ LIÊN THÔNG CỦA BAN DÂN TỘC
STT
|
Tên
Thủ tục hành chính
|
1
|
Tiếp công dân
|
2
|
Bình xét, công nhận người có uy tín
trong đồng bào dân tộc thiểu số
|
3
|
Xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã
thuộc khu vực I, II, III
|
Phần
II
NỘI
DUNG CỤ THỂ CỦA TỪNG THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUỘC THẨM
QUYỀN GIẢI QUYẾT DÂN
TỘC TỈNH LÂM ĐỒNG
1. Thủ tục tiếp công dân
1.1. Trình tự thực hiện:
Bước 1: Đón tiếp, xác định nhân thân
của công dân.
Người tiếp công dân yêu cầu công dân
nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân; trường hợp ủy quyền
thì yêu cầu xuất trình giấy ủy quyền; trường hợp công dân là người dân tộc
thiểu số không biết tiếng Việt thì người tiếp công dân đề xuất lãnh đạo mời
người phiên dịch.
Bước 2: Nghe, ghi chép nội dung khiếu
nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tiếp nhận thông tin, tài liệu.
- Nếu công dân trình bày trực tiếp
thì người tiếp công dân yêu cầu công dân trình bày trung thực sự việc; người
tiếp công dân ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung công dân trình bày, sau đó
đọc lại cho công dân nghe, đề nghị công dân ký hoặc điểm
chỉ xác nhận vào văn bản.
- Trường hợp
nhiều người cùng đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về cùng một nội
dung thì người tiếp công dân hướng dẫn họ cử người đại diện để trình bày; người
tiếp công dân ghi lại và yêu cầu người đại diện ký hoặc điểm chỉ xác nhận.
- Trường hợp đơn có nhiều nội dung
khác nhau thì người tiếp công dân hướng dẫn công dân viết tách riêng từng nội
dung để gửi đến đúng cơ quan, đơn vị, tổ chức có thẩm quyền giải quyết.
- Công dân có đơn khiếu nại, tố cáo,
kiến nghị, phản ánh nhưng nội dung không rõ ràng, chưa đầy đủ thì người tiếp
công dân đề nghị công dân viết lại đơn hoặc viết bổ sung vào đơn những nội dung còn chưa rõ.
- Người tiếp công dân tiếp nhận các
thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo, kiến
nghị, phản ánh do công dân cung cấp và viết giấy biên nhận tài liệu (theo Mẫu số 02-TCD ban hành kèm theo Thông tư 01/2015/TT-UBDT ngày 23/7/2015 của Ủy ban Dân tộc).
Bước 3: Xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến
nghị, phản ánh tại địa điểm tiếp công dân.
- Trường hợp khiếu nại, tố cáo, kiến
nghị, phản ánh không thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Dân tộc thì người tiếp
công dân trực tiếp hướng dẫn công dân hoặc đề xuất với lãnh đạo xử lý đơn theo
quy định.
- Trường hợp khiếu nại, tố cáo, kiến
nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Dân tộc thì người tiếp công
dân tiếp nhận đơn, đề xuất thụ lý giải quyết theo quy định.
1.2. Cách thức thực hiện:
Công dân trực tiếp đến địa điểm tiếp
công dân của Ban Dân tộc.
1.3. Thành phần, số lượng hồ sơ:
- Đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị,
phản ánh hoặc bản ghi lời khiếu nại (có ký nhận hoặc điểm chỉ của công dân).
- Các văn bản, thông tin tài liệu,
bằng chứng do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp.
Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
1.4. Thời hạn giải quyết:
Trong giờ hành chính.
1.5. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:
- Cơ quan, tổ chức.
- Cá nhân.
1.6. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:
- Cơ quan có thẩm quyền quyết định:
Ban Dân tộc.
- Cơ quan hoặc người có thẩm quyền
được ủy quyền hoặc phân cấp thực hiện: Chánh Thanh tra Ban Dân tộc.
- Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC:
Thanh tra Ban Dân tộc.
- Cơ quan phối hợp (nếu có): Văn
phòng và các phòng ban khác có liên quan.
1.7. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:
Giấy biên nhận thông tin, tài liệu;
văn bản hướng dẫn; văn bản chuyển đơn.
1.8. Lệ phí: Không
1.9. Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Không
1.10. Yêu cầu điều kiện thực hiện thủ tục
hành chính:
Từ chối tiếp công dân trong những
trường hợp sau:
- Vụ việc đã được giải quyết đúng
chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát,
thông báo bằng văn bản nhưng vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo kéo dài;
- Khiếu nại không thuộc thẩm quyền
giải quyết của Trưởng Ban Dân tộc sau khi đã hướng dẫn, giải thích, trả lời
theo quy định;
- Những người đang trong tình trạng
say do dùng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả
năng nhận thức, điều khiển hành vi của mình;
- Người có hành vi vi phạm nội quy,
quy chế tiếp công dân;
- Những trường hợp khác theo quy định
của pháp luật;
1.11. Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
Luật Khiếu nại năm 2011; Luật Tố cáo
năm 2011; Luật Tiếp công dân năm 2013; Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày
03/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của
Luật Khiếu nại; Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo; Nghị định số
64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân; Thông
tư số 01/2015/TT-UBDT ngày 23/7/2015 của Ủy ban Dân tộc
quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo thuộc phạm vi quản lý
nhà nước của Ủy ban Dân tộc.
2. Thủ tục bình xét người có uy
tín trong đồng bào dân tộc thiểu số:
2.1. Trình tự thực hiện:
a) Bình chọn người có uy tín:
Hằng năm, ngay sau khi có văn bản
hướng dẫn của cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh, Ủy ban
nhân dân (UBND) cấp xã chỉ đạo các thôn tổ chức hội nghị liên ngành (thành phần gồm: Chi ủy, Trưởng
thôn, Trưởng ban Công tác mặt trận, đại diện các đoàn thể và hộ gia đình trong
thôn) do Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn chủ trì để bình chọn người có uy tín
bằng một hai hình thức biểu quyết giơ tay hoặc bỏ phiếu kín (do hội nghị quyết
định). Người được bình chọn phải đạt trên 50% tổng số đại biểu dự họp tán thành
(trường hợp lần 1 chưa bình chọn được thì tiến hành bình chọn lần 2 theo trình
tự nêu trên, nếu không bình chọn được thì thôn đó không có người có uy tín);
Trưởng thôn lập 01 bộ tài liệu gồm
văn bản đề nghị gửi UBND xã kèm theo biên bản hội nghị liên ngành thôn (theo
biểu mẫu 01 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số
01/2014/TTLT-UBDT-BTC ngày 10 tháng 01 năm 2014 của Ủy ban
Dân tộc và Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn
thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số).
Thời gian thực hiện bình chọn người có uy tín không có 05 ngày làm việc kể từ
ngày nhận đủ các tài liệu hợp lệ của thôn và hoàn thành trước 20 tháng 01 hàng
năm.
b) Rà soát kết quả bình chọn người có
uy tín:
UBND xã kiểm tra, rà soát kết quả
bình chọn người có uy tín của các thôn trong xã; lập 01 bộ tài liệu gồm văn bản
gửi UBND huyện kèm theo biên bản họp rà soát kết quả bình chọn người có uy tín
của các thôn (theo biểu mẫu 02 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số
01/2014/TTLT-UBDT-BTC ngày 10 tháng 01 năm 2014 của Ủy ban
Dân tộc và Bộ Tài chính).
Thời gian thực hiện không quá 05 ngày
làm việc kể từ ngày nhận đủ các tài liệu hợp lệ của các
thôn và hoàn thành trước ngày 10 tháng 02 hằng năm.
c) Tổng hợp đề nghị xét công nhận
người uy tín:
UBND huyện kiểm tra, tổng hợp đề nghị của các xã; lập 01 bộ tài liệu gồm văn bản đề nghị gửi Ban
Dân tộc tỉnh kèm theo biểu tổng hợp danh sách đề nghị xét công nhận người có uy
tín của huyện.
Thời gian thực hiện không quá 05 ngày
làm việc kể từ ngày nhận đủ các tài liệu hợp lệ của các thôn và hoàn thành
trước ngày 25 tháng 02 hằng năm.
d) Hoàn thiện hồ sơ, trình và phê
duyệt danh sách người có uy tín:
Ban Dân tộc cấp tỉnh kiểm tra, tổng
hợp đề nghị xét công nhận người có uy tín của các huyện; lập 01 bộ hồ sơ gồm Tờ
trình kèm theo biểu tổng hợp danh sách (theo biểu mẫu 03 ban hành kèm theo
Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-UBDT-BTC ngày 10 tháng 01 năm 2014), văn bản
đề nghị của các huyện trình chủ tịch UBND tỉnh. Thời gian hoàn thiện hồ sơ thực
hiện không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ các tài liệu hợp lệ của các huyện và trình Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 20 tháng 3
hằng năm.
Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt
danh sách người có uy tín của tỉnh trong thời hạn 05 ngày làm việc và thời gian
hoàn thành trước ngày 31 tháng 3 hằng năm gửi Ủy ban Dân
tộc và Bộ Tài chính (gồm: Quyết định phê duyệt và danh
sách người có uy tín theo biểu mẫu 03 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số
01/2014/TTLT-UBDT-BTC ngày 10 tháng 01 năm 2014 của Ủy ban
Dân tộc và Bộ Tài chính).
2.2. Cách thức thực hiện:
a) Qua bưu điện;
b) Trực tiếp tại trụ sở cơ quan hành
chính.
2.3. Thành phần số lượng hồ sơ:
a) Thành phần hồ sơ bao gồm:
- Tờ trình Chủ tịch UBND tỉnh phê
duyệt danh sách người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số;
- Biểu tổng hợp
danh sách người có uy tín đề nghị phê duyệt (theo biểu mẫu 03 ban hành kèm theo
Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-UBDT-BTC ngày 10 tháng
01 năm 2014) do Ban Dân tộc cấp tỉnh lập, trình Chủ tịch UBND
tỉnh công nhận người có uy tín trong đồng bào dân tộc
thiểu số.
b) Số lượng hồ sơ: 01(một) bộ.
2.4. Thời hạn giải quyết:
15 ngày làm việc kể từ ngày ngày nhận
được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ và hoàn thành trước ngày 31 tháng 3 hằng năm.
2.5. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:
Tổ chức, cá nhân
2.6. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:
- Cơ quan có thẩm quyền quyết định:
UBND cấp tỉnh;
- Người có thẩm quyền quyết định: Chủ
tịch UBND tỉnh;
- Cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục
hành chính: UBND cấp xã;
- Cơ quan phối hợp (nếu có): Ban Dân
tộc.
2.7. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:
Quyết định của Chủ tịch phê duyệt
danh sách người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
2.8. Lệ phí: không
2.9. Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai (nếu có): không
2.10. Yêu cầu, điều kiên thực hiện thủ tục hành chính:
a) Yêu cầu:
- Là công dân Việt Nam, cư trú hợp pháp, ổn định ở vùng dân tộc thiểu số;
- Bản thân và gia đình gương mẫu chấp
hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các
quy định của địa phương nơi cư trú; có nhiều công lao,
đóng góp xây dựng và bảo vệ thôn, bản, buôn, làng phum, sóc, ấp, tổ dân phố
và tương đương, giữ gìn khối đại đoàn kết dân tộc;
- Là người tiêu biểu, có ảnh hưởng
trong dòng họ, dân tộc, thôn và cộng đồng dân cư nơi cư trú; có mối liên hệ
chặt chẽ, gắn bó với đồng bào dân tộc, hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán dân tộc; có khả
năng quy tụ, tập hợp đồng đồng bào dân tộc thiểu số trong phạm vi nhất định, được người dân trong cộng đồng tín
nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo.
b) Điều kiện:
- Thôn có từ 1/3 số hộ gia đình hoặc
số nhân khẩu trở lên là người dân tộc thiểu số (thôn đủ điều kiện) được bình
chọn, xét công nhận 01 người có uy tín;
- Trường hợp thôn không đủ điều kiện
nhưng cần bình chọn một người có uy tín hoặc thôn đủ điều kiện cần bình chọn
hơn một người có uy tín do có nhiều dân tộc cùng sinh sống, ở địa bàn đặc biệt
khó khăn, biên giới, xung yếu, phức tạp về an ninh, trật tự: căn cứ đề nghị của
Ủy ban nhân dân (UBND) huyện, Ban Dân tộc cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan
công an, Ủy ban mặt trận Tổ quốc tỉnh và các ban, ngành liên quan tham mưu trình
chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định số lượng và việc bình chọn, xét công
nhận người có uy tín đối với các thôn quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 của Thông
tư liên tịch số 01/2014/TTLT-UBDT-BTC ngày 10 tháng 01 năm 2014, nhưng tổng số
người có uy tín được bình chọn, xét công nhận toàn tỉnh không vượt quá tổng số
thôn vùng dân tộc thiểu số của tỉnh.
2.11. Căn cứ pháp lý của thủ tục hành
chính:
- Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày
18 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số;
- Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg ngày
07 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg;
- Thông tư liên tịch số
01/2014/TTLT-UBDT-BTC ngày 10 tháng 01 năm 2014 của liên bộ: Ủy ban Dân tộc - Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện
chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
3. Quy trình, thủ tục rà soát, xác
định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc khu vực I, II, III:
Quá trình rà soát, xác định thôn
ĐBKK, xã thuộc khu vực I, II, III được thực hiện theo trình tự từ thôn đến cấp
xã, cấp huyện và cấp tỉnh với các bước cụ thể ở mỗi cấp như sau:
3.1. Trình tự thực hiện:
3.1.1. Các bước tiến hành ở thôn:
Bước 1: Trưởng thôn họp tổ chức phổ
biến các tiêu chí thôn ĐBKK và thông tin về các số liệu, chỉ tiêu thực tế của
thôn theo từng tiêu chí; tổng hợp kết quả xác định thôn thuộc diện ĐBKK theo
biểu mẫu 01 kèm theo Thông tư số 01/2012/TT-UBDT;
Bước 2: Họp thôn lấy ý kiến thông qua
các số liệu, chỉ tiêu thực tế của thôn và kết quả đối chiếu với từng tiêu chí
quy định tại Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg để xác định thôn thuộc diện ĐBKK hay
không thuộc diện ĐBKK. Kết quả xác định thôn thuộc diện ĐBKK hay không thuộc
diện ĐBKK chỉ được thông qua khi có ít nhất 2/3 đại diện các hộ gia đình trong
thôn tham gia cuộc họp và trên 50% số người dự họp biểu quyết đồng ý;
Bước 3: Trưởng thôn làm văn bản gửi
Chủ tịch UBND xã về kết quả xác định thôn kèm theo Biên bản họp thôn thông có
chữ ký của Trưởng thôn và người ghi biên bản;
Thời gian hoàn thành tất cả các bước
ở thôn không quá 15 ngày làm việc.
3.1.2. Các bước tiến hành ở cấp xã:
Bước 1: UBND cấp xã tổng hợp kết quả xác định các thôn trong xã. Căn cứ vào
số liệu, tài liệu liên quan của xã, đối chiếu các chỉ tiêu trong từng tiêu chí
quy định tại Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg, UBND xã xác định xã thuộc khu vực I,
II, III theo Mẫu biểu số 02 kèm theo Thông tư 01/2012/TT-UBDT;
Bước 2: UBND cấp
xã tổ chức họp thông qua kết quả xác định thôn ĐBKK, xã thuộc khu vực I, II, III.
Thành phần tham gia cuộc họp gồm đại diện: Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, Ủy ban Mặt trận tổ quốc VN xã, các tổ chức chính trị-XH và tất cả các
Trưởng thôn trong xã. Kết quả xác định
thôn ĐBKK, xã thuộc khu vực I, II, III chỉ được thông qua khi có ít nhất 2/3
thành viên tham gia cuộc họp và trên 50% tổng số đại biểu tham dự đồng ý bằng hình
thức biểu quyết;
Bước 3: Chủ tịch UBND xã làm Tờ trình
gửi UBND cấp huyện về kết quả xác định thôn ĐBKK, xã thuộc khu vực I, II, III;
gửi kèm biên bản họp của xã có chữ ký của: Đảng ủy, UBND, HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN,
đại diện Trưởng thôn và danh sách thôn ĐBKK của xã (Mẫu
biểu số 03 kèm theo Thông tư số 01/2012/TT-UBDT).
Thời gian hoàn thành tất cả các bước
ở cấp xã không quá 15 ngày làm việc.
3.1.3. Các bước tiến hành ở cấp huyện:
Bước 1: Chủ tịch UBND huyện ra quyết
định thành lập Hội đồng tư vấn giúp Chủ tịch UBND huyện xét
duyệt thôn ĐBKK, xã thuộc khu vực I, II, III. Thành phần Hội đồng tư vấn gồm
có: 01 đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Chủ tịch Hội đồng, thành viên là
đại diện các phòng chuyên môn liên quan của UBND huyện, mời đại diện Thường
trực HĐND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
VN huyện tham gia;
Bước 2: Hội đồng tư vấn huyện căn cứ
vào tình hình thực tế của từng thôn, xã, đối chiếu với các tiêu chí thôn ĐBKK,
tiêu chí xác định xã tại Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg để giúp Chủ tịch UBND huyện xét duyệt thôn ĐBKK của từng xã và xếp
các xã vào từng khu vực;
Bước 3: Chủ tịch UBND huyện trình
UBND tỉnh kết quả xét duyệt thôn ĐBKK và danh sách xã thuộc khu vực I, II, III
của huyện theo Mẫu biểu số 04, số 05 kèm theo Thông tư
01/2012/TT-UBDT và Biên bản họp Hội đồng tư vấn cấp huyện
Thời gian hoàn thành tất cả các bước
xét duyệt thôn ĐBKK, xã thuộc khu vực I, II, III ở cấp huyện không quá 15 ngày
làm việc.
3.1.4. Các bước tiến hành ở cấp tỉnh:
Bước 1: Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết
định thành lập Hội đồng tư vấn xét duyệt thôn ĐBKK, xã thuộc khu vực I, II, III.
Thành phần Hội đồng tư vấn cấp tỉnh gồm: 01 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm
Chủ tịch Hội đồng, lãnh đạo cơ quan làm công tác Dân tộc cấp tỉnh làm Phó Chủ
tịch Hội đồng, thành viên là đại diện các sở: Kế hoạch và
Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Lao động- TBXH, Nông nghiệp và PTNT, Giao thông VT,
Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa - TT&DL, và
một số sở -ngành liên quan. Mời đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN tỉnh và đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
tham gia;
Bước 2: Hội đồng tư vấn cấp tỉnh căn
cứ vào kết quả xét duyệt của Chủ tịch UBND các huyện và tình hình cụ thể của
địa phương, trên cơ sở các tiêu chí quy định tại Quyết định số 30/QĐ-TTg ngày
18/7/2012 của Thủ tướng CP rà soát, xét duyệt các thôn ĐBKK và các xã thuộc khu
vực I, II, III;
Bước 3: Chủ tịch UBND tỉnh làm văn
bản gửi Ủy ban Dân tộc đề nghị phê duyệt danh sách thôn
ĐBKK, xã thuộc khu vực I, II, III theo Mẫu biểu số 04, 05
kèm theo Thông tư 01/2012/TT-UBDT và Biên bản họp Hội đồng tư vấn cấp tỉnh.
3.2. Cách thức thực hiện:
- Qua bưu điện;
- Qua thư điện tử;
- Nộp trực tiếp tại Trụ sở: Ban Dân
tộc (cấp huyện), Ủy ban Dân tộc (cấp tỉnh).
3.3. Thành phần, số lượng hồ sơ:
Thành phần hồ sơ bao gồm:
- Văn bản của UBND huyện (tỉnh) gửi
Ban Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) kết quả xét duyệt thôn ĐBKK
và xã thuộc khu vực I, II, III;
- Danh sách thôn ĐBKK, xã thuộc khu
vực I, II, III theo mẫu biểu số 04 và Mẫu biểu số 05 (gửi
kèm file điện tử định dạng Microsoft Office Excel, cỡ chữ
14, phông chữ Times New Roman về hộp thư điện tử của Ban Dân tộc);
- Biên bản họp Hội đồng tư vấn cấp
huyện (cấp tỉnh).
Số lượng
hồ sơ: 01 bộ.
3.4. Thời hạn giải quyết:
- Thời gian hoàn thành tất cả các
bước xét duyệt thôn ĐBKK, xã thuộc khu vực I, II, III ở cấp tỉnh không quá 20
ngày làm việc.
- Đối với hoạt động rà soát, bổ sung
thôn ĐBKK, xã khu vực I, II, III: Thời gian hoàn thành tất cả các bước xét
duyệt ở Trung ương không quá 30 ngày làm việc đối với những hồ sơ hợp lệ.
3.5. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Tổ chức.
3.6. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:
- Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Ủy ban Dân tộc;
- Người có thẩm quyền quyết định: Bộ
trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc;
- Cơ quan trực tiếp thực hiện: Vụ
Chính sách Dân tộc của Ủy ban Dân tộc, UBND cấp xã, UBND cấp huyện, UBND cấp
tỉnh.
- Cơ quan phối hợp (nếu có): Ban Dân
tộc tỉnh, Các Vụ/đơn vị thuộc Ủy ban
và một số Vụ/đơn vị thuộc các Bộ, ngành liên quan.
3.7. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:
Quyết định hành chính.
3.8. Lệ phí: Không.
3.9. Tên mẫu biểu (nếu có):
Gồm 05 biểu mẫu (ban hành kèm theo
Thông tư số 01/2012/TT-UBDT).
3.10. Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
- Thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc
vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2016-2020 có đủ các điều kiện quy định tại
Điều 2, Điều 3 Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2012 của Thủ
tướng Chính phủ;
- Việc xác định được tiến hành theo
đúng quy trình, thủ tục quy định tại Điều 5, Điều 7 Thông tư số
01/2012/TT-UBDT, đảm bảo công khai, dân chủ, đúng đối tượng.
3.11. Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
- Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg ngày
18 tháng 7 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định thôn đặc biệt
khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015;
- Thông tư số 01/2012/TT-UBDT ngày 24
tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc
hướng dẫn thực hiện Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg ngày 18/7/2012 của Thủ tướng
Chính phủ về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc và
miền núi giai đoạn 2012-2015.