ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2520/QĐ-UBND
|
Long Xuyên, ngày 17 tháng 9 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH “XÚC TIẾN ĐẦU TƯ - THƯƠNG MẠI
- DU LỊCH TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2007 - 2010”
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
- Căn cứ Luật Tổ chức
Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;
- Căn cứ Quyết định số
279/2005/QĐ-TTg ngày 03-11-2005 của Thủ tướng Chính phủ Về việc ban hành quy chế
xây dựng và thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia giai đoạn
2006-2010.
- Căn cứ Quyết định số
109/2007/QĐ-TTg ngày 17/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế
xây dựng và thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia giai đoạn 2007 -
2010;
- Căn cứ Quyết định số
121/2006/QĐ-TTg ngày 29/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương
trình hành động quốc gia về du lịch giai đoạn 2006 - 2010;
- Căn cứ Quyết định số
1958/QĐ-UBND ngày 02/10/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc ban hành
kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006 - 2010 của tỉnh An Giang;
Theo đề nghị của Trung
tâm Xúc tiến Thương mại Du lịch & Đầu tư Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều
1. Ban hành kèm theo quyết định này Chương trình “Xúc tiến Đầu
tư - Thương mại - Du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2007- 2010".
Điều
2. Quyết định
này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều
3. Chánh Văn
phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Du lịch, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu
tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Thương mại, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến
Thương mại Du lịch & Đầu tư, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và
Chủ tịch UBND chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận:
- Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các Phó CT. UBND tỉnh;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Công Thương;
- Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch;
- Sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, KT, TH, XDCB, VHXH.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Vương Bình Thạnh
|
CHƯƠNG TRÌNH
XÚC TIẾN ĐẦU TƯ - THƯƠNG MẠI - DU LỊCH TỈNH AN GIANG GIAI
ĐOẠN 2007 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số ……../QĐ-UBND ngày …/9/2007 của UBND tỉnh An
Giang)
Phần
I
NHỮNG NHÂN TỐ
TÁC ĐỘNG ĐẾN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA TỈNH
I. Bối
cảnh quốc tế và khu vực tác động đến thị trường trong nước.
Trong xu thế hội nhập và
toàn cầu hóa, sự tất yếu và tác động của nền kinh tế thế giới sẽ chi phối đến sự
phát triển của nền kinh tế quốc gia và địa phương, đặc biệt khi mà Việt Nam là
thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng có nghĩa là Việt Nam được
tham gia một “sân chơi” chung, có điều kiện tiếp cận và mở rộng thị trường, tìm
kiếm đối tác... là cơ hội quảng bá và thu hút đầu tư nước ngoài, tạo ra năng lực
sản xuất mới, tăng khả năng xuất khẩu và chuyển dịch nhanh cơ cấu nền kinh tế.
Bên cạnh đó cũng có những thách thức không nhỏ trước sức ép cạnh tranh ngày
càng lớn trên cả ba cấp độ là quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm, tức là đặt ra
yêu cầu hoàn toàn mới trong thay đổi tư duy, cách hành xử trong hoạt động sản
xuất, kinh doanh và dịch vụ để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp
Việt Nam, đồng thời phải có những chính sách điều chỉnh, phân bổ nguồn lực và
chiến lược phát triển một cách hợp lý nhất, tạo ra một hướng đi thích hợp nhất
mà trong đó việc nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về hoạt động xúc tiến trên
các lĩnh vực đầu tư - thương mại - du lịch là rất cần thiết nhằm xác định đúng
thế mạnh tiềm năng tự nhiên, lợi thế ngành hàng, nguồn nhân lực, thực trạng môi
trường đầu tư và khai thác thông tin thị trường để phục vụ cho việc hoạch định
chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
II. Những
cơ hội và thách thức ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
1. Khó khăn và thách
thức:
An Giang có vị trí địa lý
ở xa các trung tâm kinh tế lớn, đường giao thông thủy và bộ đều có nhưng chưa
thuận lợi, chi phí đầu tư chưa hấp dẫn các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài
trong lĩnh vực công nghiệp và công nghệ cao. Cụ thể:
- Dân số An Giang trên 2
triệu người đang là tác nhân kéo thấp các chỉ tiêu về chất lượng cuộc sống của
người dân, mặc dù hoạt động kinh tế của tỉnh rất năng động hiệu quả, nhưng khó
cải thiện năng lực cạnh tranh nếu tính trên bình quân đầu người.
- Nguồn nhân lực trình độ
dân trí thấp, đội ngũ công chức quản lý nhà nước chưa chuyên nghiệp và lực lượng
lao động phần lớn chưa được đào tạo chuyên môn, vẫn là nguyên nhân chủ quan làm
hạn chế khả năng tiếp cận khai thác những cơ hội đi tắt đón đầu về khoa học
công nghệ và sự hợp tác thông qua các chương trình, dự án quốc tế.
- Cơ sở hạ tầng kỹ thuật
còn thiếu, suất đầu tư xây dựng cơ bản cao do cao trình và nền đất yếu làm hạn
chế việc thu hút đầu tư vào các công trình quy mô lớn; quy trình công nghệ đầu
tư cho nông sản từ sản xuất đến tiêu dùng chưa được đầu tư đồng bộ.
- Lực lượng sản xuất nông
nghiệp nhiều kinh nghiệm năng động nhưng tập quán làm ăn nhỏ và mang tính tự
phát, thiếu sự liên kết trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ nên chưa tạo được
vùng nguyên liệu nông sản ổn định cả về chất lượng và số lượng.
- Lực lượng doanh nghiệp
năng động nhưng hầu hết quy mô nhỏ, trình độ quản lý và kỹ năng tiếp cận thị
trường của doanh nghiệp còn thấp, tính cộng đồng liên kết rất yếu nên chưa tạo
được sức mạnh về nguồn lực, nhân lực để trở thành đối tác của các thương vụ quốc
tế. Năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa chưa ổn định về chuẩn và lượng.
- Sự phát triển thị trường
nội địa và xuất khẩu chưa bền vững, thiếu định hướng chiến lược trong sản xuất
và kinh doanh; thiếu các doanh nghiệp giỏi trong lĩnh vực phân phối.
2. Thuận lợi:
An Giang là cửa ngõ của
ngã ba giao thương của biên giới Tây Nam và các nước ASEAN, có sức thu hút các
nhà nhập khẩu quốc tế từ nguồn hàng nông sản chế biến, có vùng sinh thái và nét
văn hóa đặc trưng của châu thổ Tiểu vùng sông Mêkông để khai thác du lịch. Xuất
phát từ những nguyên nhân nêu trên, việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư -
thương mại - du lịch có hiệu quả là rất quan trọng và cấp thiết để thu hút các
nhà đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu và phát triển du lịch góp phần thúc đẩy
phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
III. Mục
tiêu, nội dung chương trình xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch
1. Mục tiêu.
- Duy trì tốc độ tăng trưởng
kinh tế nhanh bền vững, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng phát triển. Cải thiện
đáng kể về vị trí, năng lực cạnh tranh của tỉnh trong vùng ĐBSCL.
- Nâng cao chất lượng, hiệu
quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho
phát triển kinh tế xã hội.
- Chủ động tạo các điều
kiện để đáp ứng tốt yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường, đẩy
mạnh xuất khẩu.
- Xây dựng An Giang thành
địa bàn kinh tế mở của khu vực ĐBSCL với Campuchia và các nước ASEAN.
- Tăng trưởng kinh tế đi
đôi với phát triển văn hóa - xã hội và bảo đảm phát triển bền vững.
- Kết hợp công nghiệp hóa
nông nghiệp nông thôn với mở rộng và xây dựng các khu đô thị và các vùng kinh tế
trọng điểm.
2. Nội dung.
- Nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao năng lực quản lý nhà
nước về xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch; tạo môi trường đầu tư minh bạch
và thân thiện trong cải cách các thủ tục hành chính một cửa và một cửa liên
thông.
- Xác định ngành hàng chiến
lược: lúa, cá, rau củ, đặc sản...có chương trình xây dựng vùng nguyên liệu cho
các sản phẩm nông nghiệp chiến lược, áp dụng công nghệ sinh học trong sản xuất
giống, kỹ thuật sản xuất đồng bộ với quy trình công nghệ chế biến để đáp ứng
tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, tăng chuỗi giá trị sản phẩm.
- Xác định đối tượng hỗ
trợ xúc tiến là các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực: sản xuất - kinh
doanh, dịch vụ, kỹ thuật, công nghệ thông tin, công nghệ sạch, tài chính, du lịch,
văn hóa, môi trường sinh thái...
- Hợp tác với các chương
trình mục tiêu, dự án quốc tế có liên quan đến nội dung nâng cao trình độ dân
trí, đào tạo nghề, kỹ năng quản lý nhà nước; kỹ năng quản trị doanh nghiệp... để
khai thác nguồn nhân lực tích cực phục vụ nhiệm vụ kinh tế xã hội của tỉnh.
- Tăng cường hỗ trợ thông
tin về thị trường; quảng bá thương hiệu xuất xứ An Giang và thương hiệu sản phẩm;
kiến thức kinh tế hội nhập; chính sách kinh tế; kỹ năng nghiệp vụ và thủ tục đầu
tư...
- Tìm kiếm, khai thác cơ
hội có liên quan: Hoạt động xúc tiến phải chủ động khai thác thông tin, kết nối
cơ hội với mọi thành phần kinh tế có năng lực tham gia vào các hoạt động xúc tiến
đầu tư - thương mại - du lịch phù hợp chương trình, chủ trương chính sách phát
triển kinh tế - xã hội trên mọi lĩnh vực của tỉnh.
- Đẩy mạnh các hoạt động
hợp tác với các thành phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh lân cận nhằm tạo điều
kiện và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong tỉnh hợp tác liên kết, liên doanh để
khai thác hết tiềm năng thế mạnh của tỉnh.
- Quảng bá, tiếp thị địa
phương: Tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức trực tiếp cộng tác với các cơ
quan truyền thông cung cấp thông tin tiềm năng, các lễ hội, sự kiện.... nâng
cao tần suất thông tin quảng bá giới thiệu hình ảnh An Giang trên mạng và báo
đài, tổ chức và tham gia các diễn đàn, hội nghị, hội thảo chuyên đề.
Phần
II
MỤC TIÊU -
NHIỆM VỤ - GIẢI PHÁP XÚC TIẾN ĐẦU TƯ - THƯƠNG MẠI - DU LỊCH 2007- 2010
I. Mục
tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xúc tiến Đầu tư
1. Mục tiêu
- Gắn kết với Quy chế xây dựng và thực hiện Chương
trình xúc tiến đầu tư quốc gia giai đoạn 2007 - 2010;
- Tăng hiệu quả đầu tư để đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng
kinh tế xã hội của tỉnh đề ra trong 5 năm 2006-2010.
- Thu hút nguồn vốn đầu
tư trong và ngoài nước, vốn ngân sách.... tập trung đầu tư cho các dự án chiến
lược đòn bẩy, làm nền cho các dự án đầu tư có trọng tâm trọng điểm. Chú trọng
các dự án phúc lợi dân sinh, văn hóa xã hội nhằm phục vụ yêu cầu cao nâng chất
lượng cuộc sống cho nhân dân nhất là khu vực dân tộc, nông thôn.
2. Nhiệm vụ:
- Tạo quỹ đất sạch để mời
gọi và thu hút đầu tư; tuyên truyền vận động mọi nguồn lực từ các thành phần
kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư các dự án trọng điểm.
- Chọn và lập danh mục dự
án theo nhóm, chuẩn bị đề cương chi tiết, các yếu tố kỹ thuật cần thiết để định
hướng đối tác mời gọi đầu tư hàng năm.
- Tranh thủ các nguồn vốn
trong nước, ODA, FDI
- Cải cách hành chính
trong xúc tiến kêu gọi đầu tư.
- Đào tạo nhân lực, đào tạo
nghề, đào tạo quản lý doanh nghiệp, kỹ năng doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề,
đối thoại doanh nghiệp...
- Thực hiện Chương trình
tin học nối mạng đăng ký kinh doanh.
3. Giải pháp
a) Phân loại các nhóm
dự án theo tính chất và quy mô
- Đối với nhóm dự án chiến
lược quy mô lớn (đầu tư hạ tầng kỹ thuật và phúc lợi - xã hội mang tính chất cộng
đồng): Chủ động tăng cường tìm kiến cơ hội hợp tác, liên kết với các tổ chức quốc
tế nhằm tranh thủ nguồn vốn đầu tư và nguồn tài trợ; các Chương trình mục tiêu,
chương trình quốc gia của các ngành Trung ương.
- Đối với nhóm dự án xã hội
hóa thuộc các ngành: Giáo dục, y tế, thể dục thể thao, văn hóa... khuyến khích,
ưu đãi các nhà đầu tư, đầu tư bằng nhiều hình thức (BT, BOT) hoặc nhà nước và
nhân dân cùng làm.
- Đối với nhóm đầu tư sản
xuất kinh doanh, dịch vụ: Đây là nhóm dự án đa dạng về tính chất và quy mô thuộc
nhiều lĩnh vực. Do đó, cần tích cực chủ động, khuyến khích và kêu gọi đầu tư từ
các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.
- Đối với nhóm đầu tư
khoa học - kỹ thuật: Hỗ trợ cho các nhà đầu tư tiếp cận các nguồn vốn tín dụng
đối với các dự án phục vụ yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, khai
thác tiền năng tài nguyên, xây dựng vùng nguyên liệu, công nghệ sinh học, công
nghệ chế biến, công nghệ thông tin...
b) Lập danh mục các dự
án mời gọi đầu tư:
- Nghiên cứu, xây dựng chiến lược xúc tiến đầu tư dài hạn (5
năm, 10 năm) và kế hoạch hành động ngắn hạn từng năm trên cơ sở phát huy lợi thế
so sánh, bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói
chung và của từng địa phương nói riêng, trong đó cần tập trung xây dựng một chiến
lược cụ thể về xúc tiến đầu tư gồm các bước cơ bản: xác định các cơ sở để xây dựng
chiến lược xúc tiến đầu tư; xác định ngành nghề và khu vực ưu tiên thu hút đầu
tư; xây dựng chương trình xúc tiến và cơ chế chính sách đầu tư; xây dựng kế hoạch
hành động; đánh giá hiệu quả....
- Hàng năm trên cơ sở quy
hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư xây dựng, Sở Kế
hoạch & Đầu tư phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại Du lịch và Đầu tư
thông báo đến các ngành và địa phương để đăng ký danh mục dự án kêu gọi đầu tư,
lựa chọn nhà đầu tư, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định ban hành danh mục dự
án kêu gọi đầu tư.
- Dựa theo danh mục dự án
kêu gọi đầu tư, UBND tỉnh sẽ giao các sở, ngành chức năng có liên quan lập dự
án đầu tư để xúc tiến đầu tư.
c) Xúc tiến mời gọi đầu
tư:
- Tăng cường công tác quảng
bá các dự án đầu tư trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, Internet về
môi trường đầu tư, các hoạt động hỗ trợ đầu tư, chính sách và dự án mời gọi đầu
tư; tổ chức và chủ động tham gia các hoạt động hội thảo, diễn đàn, khảo sát, tổ
chức sự kiện địa phương...
- Tổ chức các cuộc xúc tiến
đầu tư trong và ngoài nước; tranh thủ quan hệ với các Lãnh sự quán Việt Nam
đang làm nhiệm vụ tại các nước trên thế giới; các tổ chức quốc tế, các kiều
bào.... nhằm kết nối, vận động nguồn đầu tư nước ngoài từ các chương trình mục
tiêu, hợp tác quốc tế.
- Hình thành quỹ đất sạch
và các yếu tố hạ tầng kỹ thuật cho các dự án mời gọi đầu tư.
4. Cải cách thủ tục
hành chính thu hút đầu tư:
- Tăng cường công tác cải
cách thủ tục hành chính theo quy chế một cửa và một cửa liên thông về thủ tục đầu
tư và quản lý nhà nước về cải thiện môi trường đầu tư đối với nhà đầu tư theo
hướng xây dựng cơ chế hành chính công và dịch vụ công.
- Thường xuyên cập nhật
thông tin về những cơ chế, chính sách và quy định chuyên ngành có liên quan đến
hoạt động đầu tư để cung cấp kịp thời cho nhà đầu tư.
5. Nâng cao nguồn lực
trong xúc tiến đầu tư:
- Đào tạo, bồi dưỡng cho
đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên viên chuyên trách về tăng cường vai trò tư vấn,
hướng dẫn trong quan hệ với doanh nghiệp và nhà đầu tư.
- Gắn kết với các chương
trình của tổ chức GTZ, Trung tâm Đầu tư nước ngoài phía Nam, VCCI, các tổ chức
trong và ngoài nước có liên quan, thực hiện các chương trình, các đề tài cải
thiện môi trường đầu tư, kỹ năng xúc tiến đầu tư; kỹ năng hỗ trợ thủ tục hồ sơ
đầu tư và xây dựng; tổ chức và tham gia các khóa tập huấn, các đợt khảo sát cho
đội ngũ cán bộ chuyên trách.
II.
Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xúc tiến thương mại
1. Mục tiêu
- Gắn kết với Quy chế xây dựng và thực hiện Chương
trình Xúc tiến thương mại quốc gia giai đoạn 2006-2010.
- Nâng cao năng lực cạnh
tranh mở rộng thị phần bền vững cho các ngành hàng chiến lược của tỉnh ở thị
trường trong và ngoài nước, đa dạng hóa sản phẩm, tăng giá trị sản phẩm, nâng
chất lượng các hoạt động dịch vụ, góp phần thực hiện chỉ tiêu tăng nhanh cơ cấu
kinh tế thương mại dịch vụ của tỉnh.
- Đào tạo bồi dưỡng nâng
cao kỹ năng quản trị và kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế cho nguồn nhân lực sản
xuất kinh doanh của tỉnh.
- Đề cao nhân tố văn hóa,
xã hội, nhân văn trong hoạt động sản xuất và kinh doanh tạo mối liên kết gắn bó
bằng lợi ích kinh tế và cơ chế trách nhiệm từ sản xuất đến kinh doanh trong cơ
chế thị trường.
- Tăng cường mối liên kết
hợp tác giao thương với các tổ chức thương mại khu vực và quốc tế.
2. Nhiệm vụ.
- Trợ giúp các doanh nghiệp,
ngành hàng trong tỉnh tiếp cận với thị trường, mở rộng thị trường và thị phần tại
chỗ, trong nước và ngoài nước theo định hướng (bán lẻ > 20% và xuất nhập khẩu
tăng 15%/năm).
- Xúc tiến thương mại
theo 03 hình thức và cấp độ (tại chỗ, trong nước và nước ngoài): Trợ giúp doanh
nghiệp tham gia các hội chợ thương mại tổng hợp và chuyên ngành (trong đó cần
quan tâm đến triển lãm, nhằm giới thiệu sản phẩm hàng hóa để doanh nghiệp giao
lưu gặp gỡ đối tác; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm cho
các doanh nghiệp tham gia hội chợ, cách thức trưng bày gian hàng triển lãm,
giao tiếp khách hàng và kỹ năng tiếp thị; hướng dẫn, tư vấn, cung cấp đầy đủ và
thường xuyên về thông tin thương mại (danh mục hội chợ hàng năm, thị trường,
khách hàng uy tín...)
- Đổi mới hoàn thiện cơ
chế chính sách xúc tiến thương mại theo xu hướng trọng tâm là thực hiện chiến
lược xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài; hỗ trợ,
khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuật lợi cho các thành phần kinh tế tham gia
vào hoạt động xúc tiến thương mại.
3. Giải pháp
a) Tăng cường quản lý
và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến Thương mại
- Tăng cường công tác quản
lý Nhà nước về hoạt động thương mại, đồng thời đẩy mạnh công tác phổ biến pháp
luật về những cơ chế chính sách, quy định mới cũng như những thay đổi về chính
sách thương mại quốc tế của các nước tới các cá nhân và tổ chức tham gia hoạt động
xúc tiến thương mại thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hội nghị, hội
thảo....
- Thường xuyên tổ chức
các cuộc hội thảo, giao lưu, tiếp xúc với các đối tác trong nước và quốc tế; xuất
bản bản tin,Thông tin và dự báo thị trường, cung cấp cho Doanh nghiệp trong tỉnh
và tư vấn giúp các doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa;
danh mục hội chợ hàng năm, khách hàng uy tín....
- Hướng dẫn Doanh nghiệp
nghiên cứu, phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu, tìm hiểu bạn hàng và
chiến lược phát triển mặt hàng xuất khẩu của Doanh nghiệp.
- Hỗ trợ Doanh nghiệp đặt
văn phòng đại diện, chi nhánh tại nước ngoài. Nghiên cứu lập trang thông tin
Kinh tế - Thương mại của tỉnh trên mạng Internet để giới thiệu hàng hóa của tỉnh.
- Nâng cao chất lượng
công tác tổ chức các hội chợ Tịnh Biên, An phú theo tính chuyên nghiệp để thu
hút mạnh mẽ các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia nhằm thúc đẩy đầu tư
phát triển các loại hình thương mại - dịch vụ - du lịch.
- Xây dựng kế hoạch phát
triển thương mại điện tử nhằm hỗ trợ cho hoạt động xúc tiến thương mại.
b) Xây dựng mạng lưới
phân phối, củng cố thị trường trong nước.
- Tiếp tục duy trì và
phát triển thị trường trong nước, đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, thị
trường ổn định, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống
nhân dân, thông qua việc cung ứng vật tư hàng tiêu dùng và tiêu thụ các sản phẩm
sản xuất, nhất là nông sản hàng hóa. Liên kết chặt chẽ với thị trường khu vực
ĐBSCL và thành phố Hồ Chí Minh thông qua việc triển khai thực hiện ký kết hợp
tác phát triển kinh tế - xã hội.
- Hiện đại hóa cơ sở vật
chất kỹ thuật thương mại và mạng lưới phân phối, tiêu thụ của các thành phần
kinh tế trên địa bàn; chuẩn bị đầy đủ cơ sở kinh tế - xã hội của thị trường nội
địa cho quá trình hội nhập thị trường khu vực và quốc tế.
- Tập trung hỗ trợ nâng
cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng chiến lược
kinh doanh, cải tiến chất lượng mẫu mã hàng hóa, xây dựng thương hiệu.....
- Tạo điều kiện hỗ trợ
liên kết trong sản xuất và kinh doanh để phát triển mạng lưới tiêu thụ đối với
các vùng miền trong nước qua nhiều kênh phân phối bằng các hoạt động hội chợ,
triển lãm, quảng cáo, mở đại lý, chi nhánh, ký gửi hàng....
- Nâng cấp hệ thống chợ
nông thôn, mở rộng phát triển hợp tác xã Thương mại - dịch vụ ở các huyện, thị,
thành phố. Hình thành các kênh lưu thông hàng hóa theo hướng gắn sản xuất với
thị trường.
- Xây dựng môi trường văn
minh thương mại, nâng chất lượng hoạt động của hệ thống chợ, trung tâm thương mại,
siêu thị, cửa hàng tự chọn, thương mại điện tử...
- Gắn kết phát triển
Thương mại với phát triển Du lịch tạo thị trường cho việc xuất khẩu tại chỗ.
Nghiên cứu sản xuất những sản phẩm hàng lưu niệm mang đậm nét đặc trưng của
trưng địa phương, phong phú về mẫu mã và chất lượng để phục vụ khách du lịch tại
các khu điểm du lịch của tỉnh.
c) xây dựng chiến lược
phát triển thị trường xuất khẩu:
- Giữ vững thị trường
truyền thống, nghiên cứu mở rộng thị trường xuất khẩu mới: Thị trường Hoa Kỳ
(may mặc, da giầy), thị trường Trung Đông và Châu Phi (hàng thủ công mỹ nghệ: gỗ,
mây tre đan, đồng...), thị trường Nhật Bản và Ấn Độ (tơ tằm, vải tơ tằm)...
- Hỗ trợ các tổ chức nghề
nghiệp, các doanh nghiệp xuất khẩu có năng lực kinh doanh các ngành hàng chiến
lược tham gia các hoạt động liên kết vùng, khu vực và các tổ chức thương mại quốc
tế.
- Khuyến khích và hỗ trợ
Doanh nghiệp xây dựng mạng lưới đại lý, phân phối, trung tâm trưng bày giới thiệu
sản phẩm ở nước ngoài hoặc áp dụng phương thức mua bán linh hoạt như gửi bán,
thanh toán chậm hoặc hỗ trợ cộng đồng người Việt ở nước ngoài nhập hàng của các
doanh nghiệp trong tỉnh.
- Tổ chức các đoàn Doanh
nhân và hỗ trợ một phần kinh phí cho các Doanh nghiệp đi khảo sát thị trường nước
ngoài và tham gia tổ chức hội chợ, triển lãm khu vực và quốc tế với từng mặt
hàng cụ thể.
- Liên hệ chặt chẽ, thường
xuyên với cơ quan Tham tán Thương mại Việt Nam ở nước ngoài và Tham tán Thương
mại của nước ngoài tại Việt Nam để giới thiệu hàng hóa, sản phẩm xuất khẩu của
tỉnh.
III
Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xúc tiến Du lịch
1. Mục tiêu
- Gắn kết với Chương trình hành động quốc gia về du lịch giai
đoạn 2006 - 2010.
- Nâng cao tiềm năng, vị
trí thế mạnh và nhận thức xã hội về du lịch thông qua quảng bá, xúc tiến du lịch.
- Đảm bảo phát triển ổn định,
bền vững của ngành trong giai đoạn 2006 - 2010, phấn đấu lượng khách quốc tế
tăng 103,1%, khách nội địa tăng 103,9%. Phấn đấu đến năm 2010 An Giang trở
thành là tỉnh phát triển du lịch cấp khu vực.
2. Nhiệm vụ
- Đẩy mạnh quảng bá các
hoạt động của doanh nghiệp du lịch và hình ảnh các khu du lịch của tỉnh trên
Internet và các phương tiện thông tin đại chúng.
- Phối hợp tổ chức các hội
thảo, hội chợ, các lễ hội văn hóa, lịch sử truyền thống; phát triển du lịch gắn
kết với các loại hình văn hóa nghệ thuật của các dân tộc: Kinh - Chăm - Hoa -
Khơmer; tổ chức và phát triển các loại hình du lịch mùa nước nổi; phát triển du
lịch cộng đồng; gắn kết du lịch với các làng nghề và sản phẩm làng nghề truyền
thống.
- Giữ gìn, bảo vệ tài
nguyên tự nhiên - xã hội; trùng tu, tôn tạo, bảo vệ, sử dụng hợp lý các di tích
văn hóa, lịch sử, nguồn tài nguyên du lịch và đảm bảo môi trường bền vững.
3. Giải pháp
- Tập trung đầu tư cho
phát triển cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật nhất là có chính sách khuyến khích
đặc biệt đối với các dịch vụ còn thiếu và yếu như các cơ sở lưu trú cao cấp từ
3 sao trở lên, nhà hàng sang trọng, khu vui chơi giải trí đa năng…
- Kiện toàn bộ máy quản
lý và hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý khai thác tài nguyên du lịch; tổ chức
các lớp tập huấn về nghiệp vụ quảng bá xúc tiến du lịch.
- Tăng cường công tác xây
dựng quy hoạch và quản lý quy hoạch du lịch nhất là hoàn thiện quy hoạch tổng
thể phát triển du lịch An Giang đến năm 2010 và có tầm nhìn cho các năm tiếp.
- Phát triển nguồn nhân lực
về du lịch, có chính sách thu hút các nguồn nhân lực trẻ có trình độ chuyên
ngành về du lịch; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc giữ
gìn, phát triển và khai thác thế mạnh du lịch của từng địa phương.
- Xúc tiến, tuyên truyền
quảng bá du lịch một cách chuyên nghiệp hơn; liên kết với các tỉnh, thành trong
và ngoài khu vực tổ chức các hội chợ, hội thảo và sự kiện du lịch trên địa bàn
tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia các hội chợ, hội thảo về du lịch
ở trong nước và quốc tế; in và phát hành các ấn phẩm tuyên truyền quảng bá du lịch:
bản đồ, sách hướng dẫn, các loại tranh ảnh, băng đĩa CD, VCD về giới thiệu du lịch
An Giang; trực tiếp biên tập bản tin nội bộ ngành, quản lý và cập nhật nội dung
trang web du lịch An Giang; đầu tư lắp dựng và quản lý hệ thống biển quảng cáo
về du lịch tại các vị trí quan trọng của tỉnh; phối hợp xây dựng phim du lịch,
chuyên trang, chuyên mục du lịch trên các báo và Đài Phát thanh Truyền hình của
tỉnh.
- Tăng cường cung cấp
thông tin cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp về thị trường và nhu cầu thị
hiếu của khách du lịch; về hệ thống các cơ sở dịch vụ du lịch, về tuyến, điểm
du lịch và sản phẩm du lịch của địa phương; thông tin về tổ chức các sự kiện du
lịch; về chính sách, luật lệ, tập quán du lịch; về quy hoạch và các dự án đầu
tư du lịch của tỉnh; về tình hình các doanh nghiệp du lịch trong nước và nước
ngoài.
- Tổ chức nghiên cứu chiến
lược phát triển mở rộng thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế. Xây dựng
và gắn kết các tuyến du lịch trọng điểm của từng địa phương với các hãng, công
ty lữ hành trong nước và nước ngoài.
- Mở rộng quan hệ ký kết
hợp tác phát triển về du lịch, tư vấn tổ chức cho các doanh nghiệp du lịch An
Giang đi khảo sát nghiên cứu thị trường và đặt chi nhánh, đại diện du lịch ở
trong nước và quốc tế.
- Tổ chức triển khai thực
hiện các dự án về phát triển du lịch của tỉnh đã được phê duyệt để kêu gọi đầu
tư trong và ngoài nước.
- Xúc tiến các hoạt động
hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh và khu vực để thu hút các
doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch - dịch vụ.
Phần
III
TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
I. Tổ
chức thực hiện
- Các Sở Thương mại; Du Lịch;
Kế hoạch & Đầu tư với chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành chịu trách
nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách của
tỉnh đã ban hành cho phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước quy
định hiện hành; xây dựng chỉ tiêu phát triển ngành, nguồn vốn đầu tư; kinh phí
đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chuyên ngành; và phối hợp thực hiện các hoạt động
xúc tiến ngành trong kế hoạch hàng năm.
- Trung tâm Xúc tiến
Thương mại Du lịch và Đầu tư với chức năng tác nghiệp xúc tiến chịu trách nhiệm
phối hợp trên cơ sở các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Ủy
ban nhân dân tỉnh công bố và kế hoạch xúc tiến ngành của Sở Kế hoạch & Đầu
tư, Sở Thương mại, Sở Du lịch tổng hợp, xây dựng kế hoạch và giải pháp tổ chức
thực hiện các hoạt động xúc tiến cụ thể từng năm để trình UBND tỉnh phê duyệt.
Định kỳ báo cáo, sơ kết đánh giá kết quả của công tác hoạt động xúc tiến đầu tư
- thương mại - du lịch để rút kinh nghiệm cho các năm tiếp theo.
- Các sở, ban, ngành có
liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành chịu trách nhiệm
phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại Du lịch & Đầu tư, Sở kế hoạch và
Đầu tư, Sở Thương mại, Sở Du lịch tổ chức triển khai thực hiện tốt nội dung
Chương trình Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch tỉnh An Giang giai đoạn
2007 - 2010 đã được phê duyệt ban hành.
- Ủy ban nhân dân huyện,
thị, thành phố căn cứ vào các quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về đầu tư -
thương mại - du lịch ở địa phương phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại Du
lịch & Đầu tư, Sở kế hoạch và Đầu tư, Sở Thương mại, Sở Du lịch và các sở,
ban, ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện tốt nội dung Chương trình
Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2007 - 2010 đã
được phê duyệt.
II.
Kinh phí thực hiện
Hàng năm căn cứ nội dung
Chương trình Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch tỉnh An Giang giai đoạn
2007 - 2010 đã được phê duyệt và Kế hoạch xúc tiến ngành. Trung tâm Xúc tiến
Thương mại Du lịch & Đầu tư tổng hợp, xây dựng kế hoạch và kinh phí cho các
hoạt động xúc tiến tổng hợp chung của tỉnh; xúc tiến ngoại giao của UBND tỉnh,
hỗ trợ một phần chi phí để tạo cơ hội xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp;
hỗ trợ cho các địa phương và các ngành trong lĩnh vực xúc tiến quảng bá tiếp thị
địa phương. Giao Sở Tài chính bố trí kinh phí đảm bảo cho công tác hoạt động
xúc tiến hàng năm đúng theo quy định của Luật Ngân sách. Trong quá trình
triển khai thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc kịp thời báo cáo UBND tỉnh để xử
lý./.