THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
251/1998/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 25 tháng 12 năm 1998
|
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 251/1998/QĐ-TTG NGÀY 25 THÁNG 12
NĂM 1998 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN XUẤT KHẨU THỦY SẢN ĐẾN NĂM
2005
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thủy sản,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Chương trình phát triển xuất khẩu thủy sản đến năm 2005 với các nội
dung sau:
I. MỤC TIÊU:
- Đẩy nhanh quá trình công nghiệp
hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản, đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng nhanh,
đạt 1,1 tỷ USD vào năm 2000 và 2 tỷ USD vào năm 2005; đưa kinh tế thủy sản phát
triển thành ngành mũi nhọn trong nền kinh tế đất nước, tạo thêm nhiều việc làm,
góp phần nâng cao đời sống nhân dân, cải thiện bộ mặt nông thôn và ven biển, đồng
thời góp phần giải quyết các vấn đề về môi trường sinh thái ;
- Gắn chế biến, xuất khẩu thủy sản
với nuôi trồng, khai thác, bảo quản nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm, tạo cơ sở
vững chắc cho sản xuất và khai thác có hiệu quả tiềm năng thủy sản, nâng cao chất
lượng, giảm giá thành, tăng hiệu quả và tăng tích lũy để tái sản xuất mở rộng,
nâng cao khả năng cạnh tranh, giữ vững và phát triển thị trường tiêu thụ hàng
thủy sản Việt Nam.
II. NHIỆM VỤ.
1. Phát triển
nuôi trồng, khai thác, đảm bảo đủ nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu:
a) Nuôi trồng thủy sản: Đưa nuôi
trồng thủy sản trở thành nguồn chính cung cấp nguyên liệu cho xuất khẩu, cụ thể
là:
- Phát triển nuôi tôm: chuyển dần
từ nuôi quảng canh sang quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh, khuyến
khích các hình thức nuôi xen canh, đồng thời hình thành các vùng nuôi tập trung
cao sản, phấn đấu đến năm 2000 đưa diện tích nuôi tăng sản lên 175.000 ha, để
có sản lượng tôm nuôi từ 160.000 đến 180.000 tấn và đến năm 2005 diện tích nuôi
tôm tăng sản là 345.000 ha, chủ yếu nuôi tôm sú, tôm càng để có sản lượng tôm
nuôi từ 220.000 đến 240.000 tấn.
- Tổ chức rộng rãi việc nuôi cá
biển có giá trị xuất khẩu cao như: song, hồng, cam, giò, vược, bống, bớp, ... bằng
phương thức nuôi lồng bè và nuôi cao triều để có sản lượng cá biển nuôi từ
4.000 đến 5.000 tấn vào năm 2000 và 8.000 đến 10.000 tấn vào năm 2005; đưa
nhanh việc nuôi các loài thủy đặc sản có giá trị xuất khẩu cao, chủ yếu là nhuyễn
thể hai mảnh vỏ như: nghêu, ngao, sò lông, điệp, bào ngư, trai ngọc, hầu ... ở
các vùng ven biển, để có sản lượng nhuyễn thể hai mảnh vỏ nuôi đạt 100.000 tấn
vào năm 2000 và 150.000 tấn vào năm 2005.
- Mở rộng và khuyến khích việc
nuôi các loài thủy sản nước ngọt phục vụ xuất khẩu như cá rô phi đơn tính, cá bống
tượng, ba sa, cá tra, cá quả, cá thác lác, ba ba, lươn, ếch ... để đạt sản lượng
trên 50.000 tấn vào năm 2000 và trên 100.000 tấn vào năm 2005.
b) Khai thác hải sản:
- Tiếp tục cải tiến nghề nghiệp
và công nghệ khai thác hải sản, từng bước xây dựng đội tàu đánh cá xa bờ để
khai thác hợp lý nguồn lợi ven bờ đi đôi với khai thác có hiệu quả nguồn lợi hải
sản xa bờ, nhằm tăng nhanh tỷ trọng sản lượng hải sản có giá trị xuất khẩu
trong tổng sản lượng hải sản khai thác, đạt 20% đến 22% vào năm 2000 và trên
22% đến 24% vào năm 2005.
- Tăng cường trang thiết bị và
phương tiện bảo quản trên các tàu cá, từng bước đầu tư đóng mới đội tàu chuyên
môn hóa để bảo quản, vận chuyển sản phẩm hải sản cung cấp các dịch vụ ngoài
khơi; xây dựng mới, nâng cấp hệ thống cảng cá, chợ cá để thay đổi công nghệ bảo
quản sau thu hoạch, nhằm nâng cao chất lượng nguyên liệu chế biến xuất khẩu;
c) Khuyến khích việc nhập khẩu
nguyên liệu thủy sản để chế biến tái xuất khẩu, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập
cho người lao động, tăng kim ngạch xuất khẩu và sử dụng có hiệu quả công suất của
các cơ sở chế biến.
Phấn đấu đến năm 2000 xuất khẩu
đạt 195.000 tấn sản phẩm thủy sản, trong đó tôm 90.000 tấn, cá 60.000 tấn, nhuyễn
thể 45.000 tấn và đến năm 2005 đạt 310.000 tấn, trong đó tôm 140.000 tấn, cá
100.000 tấn, nhuyễn thể 70.000 tấn; đồng thời tăng cường các mặt hàng xuất khẩu
khác như cá hộp, các loại thực phẩm phối chế có gốc thủy sản và các đặc sản như
cua, ghẹ, rong biển, trai ngọc...
2. Tăng cường
năng lực chế biến phục vụ xuất khẩu:
Quy hoạch lại hệ thống các cơ sở
chế biến thủy sản để tiếp tục đầu tư nâng cấp và xây dưng mới, cụ thể là:
- Đầu tư xây dựng mới một số cơ
sở chế biến đi đôi với mở rộng, nâng cấp đồng bộ cả về cơ sở hạ tầng, điều kiện
sản xuất, đổi mới công nghệ, đổi mới trang thiết bị, thực hiện đầu tư chiều sâu
cho số cơ sở chế biến thủy sản hiện có, có đủ điều kiện mở rộng nâng cấp, trên
cơ sở tính toán kỹ về hiệu quả kinh tế của từng cơ sở, nâng công suất chế biến
lên 1000 tấn sản phẩm/ngày vào năm 2000 và 1500 tấn sản phẩm/ngày vào năm 2005;
đồng thời đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, phấn đấu
đến năm 2001 các cơ sở chế biến thủy sản đều được áp dụng hệ thống quản lý chất
lượng tiên tiến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng sản phẩm xuất
khẩu;
- Mở rộng chủng loại và khối lượng
các mặt hàng thủy sản chế biến có giá trị gia tăng, đưa tỷ trọng mặt hàng có
giá trị gia tăng từ 17,5% hiện nay lên 25% đến 30% vào năm 2000 và 40% đến 45%
vào năm 2005.
- Nâng tỷ trọng xuất khẩu các mặt
hàng thủy sản tươi sống từ 4% đến 5% trong tổng sản phẩm xuất khẩu hiện nay lên
10% vào năm 2000 và 14% đến 16% vào năm 2005.
III. CÁC GIẢI
PHÁP THỰC HIỆN
1. Về giống:
a) Giống tôm:
Sắp xếp lại các cơ sở sản xuất
giống tôm gắn với công nghệ sản xuất tôm giống sạch bệnh, giá thành hạ đi đôi với
nhập tôm giống, tôm bố mẹ để bổ sung; nuôi dưỡng thuần hóa tôm bố mẹ nhập ngoại
và khai thác tự nhiên, để đảm bảo có từ 5 đến 6 tỷ tôm giống, chủ yếu là tôm sú
vào năm 2000 và 15 đến 16 tỷ tôm giống vào năm 2005, đáp ứng đủ nhu cầu về tôm
giống và tôm bố mẹ cho nuôi trồng hàng năm, đặc biệt cho các vùng nuôi thâm
canh và nuôi công nghiệp quy mô lớn.
b) Giống cá:
Mở rộng việc nhập giống và nhập
công nghệ sản xuất giống cá biển và giống thủy đặc sản ở quy mô công nghiệp, đồng
thời thực hiện chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản
xuất giống cá biển tại Việt Nam để có khả năng sản xuất 5 đến 6 triệu con giống/năm
vào năm 2000 và 8 đến 10 triệu con giống/năm vào năm 2005. Mặt khác, đầu tư
hoàn thiện các trung tâm nghiên cứu giống hải sản ở một số vùng trọng điểm; xây
dựng mới và khôi phục, nâng cấp một số trại sản xuất giống cá, giống đặc sản phục
vụ nuôi xuất khẩu ở một số địa phương thuộc miền Bắc, miền Trung và Nam Trung bộ;
c) Bảo tồn giống:
Nghiên cứu xây dựng đề án nuôi
dưỡng và bảo tồn các loài giống thủy sản bố mẹ, giống gốc tại các Viện nghiên cứu
và vùng trọng điểm nuôi thủy sản; có biện pháp bảo tồn giống tự nhiên.
2. Về thức ăn
cho thủy sản:
Đầu tư xây dựng một số cơ sở sản
xuất thức ăn cho thủy sản theo công nghệ mới nhằm tăng cường chất lượng thức ăn
và hạ giá thành, đảm bảo vệ sinh và phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, đáp ứng
nhu cầu về thức ăn công nghiệp cho nuôi thủy sản.
3. Về thị trường:
Bộ Thủy sản chủ trì, phối hợp chặt
chẽ với các Bộ Thương mại, Ngoại giao trong công tác xúc tiến thương mại và
tăng cường công tác thông tin thị trường tăng cường đào tạo cán bộ thị trường
và tiếp thị chuyên nghiệp ở các doanh nghiệp, để giữ vững và ổn định thị trường
truyền thống, đặc biệt là thị trường Nhật Bản, đồng thời mở rộng hơn nữa các mặt
hàng Việt Nam có khả năng phát triển để xuất ra các thị trường lớn như: Liên
minh Châu Âu (EU), Mỹ, Trung Quốc...; giảm tỷ trọng các thị trường trung gian,
tăng nhanh tỷ trọng các thị trường tiêu thụ trực tiếp, cụ thể là:
- Đối với thị trường Nhật Bản cần
tăng tỷ trọng các mặt hàng thủy sản tinh chế và hàng phối chế đóng gói nhỏ cho
siêu thị, tôm sống, cá ngừ tươi và đông và các đặc sản khác, đưa tỷ trọng các mặt
hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản chiếm từ 38% đến 40% trong tổng
sản phẩm xuất khẩu và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt từ 760 triệu đến 800 triệu
USD vào năm 2005.
- Đối với thị trường Bắc Mỹ và
Châu á ( kể cả thị trường Trung Quốc), xúc tiến việc công nhận lẫn nhau giữa Việt
Nam và Mỹ về kiểm soát và chứng nhận chất lượng hàng thủy sản; bàn để thỏa thuận
cơ chế thanh toán chính thức và mở rộng thị trường chính ngạch với Trung Quốc,
nhất là với các tỉnh phía Tây Nam và Đông Bắc của Trung Quốc, cố gắng đưa tỷ trọng
hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường Châu á từ 20% đến 22%, thị trường Bắc Mỹ
từ 16% đến 18% trong tổng sản phẩm xuất khẩu; giá trị kim ngạch xuất khẩu vào
hai thị trường này đạt từ 720 triệu đến 800 triệu USD vào năm 2005.
- Đối với thị trường khối liên
minh Châu Âu (EU) và một số thị trường mới khác ngoài các thị trường trên đây,
cần nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm đáp ứng theo yêu cầu của các thị trường
này, phấn đấu đưa tỷ trọng các mặt hàng thủy sản xuất khẩu vào EU đạt từ 12% đến
16% và vào các thị trường khác từ 8% đến 10% trong tổng sản phẩm xuất khẩu, tổng
giá trị kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường này đạt từ 400 triệu đến 520 triệu
USD vào năm 2005.
Về Qũy hỗ trợ phát triển xuất khẩu
thủy sản, Bộ Thủy sản cùng với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan căn cứ
vào các qui định chung về Quĩ hỗ trợ xuất khẩu được ban hành để hướng dẫn thực
hiện.
4. Về khoa học,
công nghệ:
Bộ Thủy sản chủ trì, phối hợp với
Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các Bộ ngành có liên quan trong việc tập
trung nghiên cứu công nghệ cao về di truyền, chọn giống, nhân giống, công nghệ
sinh học, công nghệ xử lý môi trường, công nghệ chuẩn đoán phòng trừ dịch bệnh,
công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Khuyến khích các doanh nghiệp nhập
khẩu các bí quyết công nghệ, công nghệ cao từ các nước phát triển; đầu tư
nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới về nuôi trồng, khai thác và chế biến xuất
khẩu.
5. Về đổi mới
quan hệ sản xuất và đào tạo cán bộ:
- Tiếp tục sắp xếp và đổi mới
các doanh nghiệp Nhà nước về chế biến thủy sản theo hướng đẩy mạnh cổ phần hóa.
- Khuyến khích các thành phần
kinh tế đầu tư vào phát triển thủy sản. Khuyến khích hộ gia đình và cá nhân xây
dựng trang trại nuôi trồng thủy sản; phát triển các loại hình kinh tế hợp tác
trong việc chế biến thức ăn, nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản xuất khẩu;
- Tăng cường và mở rộng hình thức
đào tạo trong và ngoài nước cho cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý và kỹ thuật về
công nghệ mới trong sản xuất giống, nuôi cao sản, khai thác, bảo quản sau thu
hoạch và về quản lý chuyên ngành, đồng thời tăng cường đào tạo công nhân kỹ thuật
về nuôi, khai thác, bảo quản, chế biến và nhân viên tiếp thị.
6. Chính sách đầu
tư:
a) Vốn ngân sách Nhà nước đầu tư
vào:
- Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật
phục vụ nuôi trồng thủy sản tại các vùng nuôi tập trung gồm đê bao, kênh cấp và
thoát nước cấp 1, cống và trạm bơm lớn; cảng cá và cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong
hệ thống cảng cá, chợ cá quốc gia ở các vùng trọng điểm nghề cá của cả nước;
- Xây dựng hệ thống trại giống
quốc gia;
- Nghiên cứu và phát triển công
nghệ sản xuất thức ăn, nuôi trồng, khai thác và chế biến xuất khẩu; Xây dựng cơ
sở nghiên cứu sản xuất thuốc phòng trị bệnh cho thủy sản; xây dựng cơ sở và
trang thiết bị phục vụ việc kiểm dịch và kiểm tra chất lượng hàng thủy sản; điều
tra và bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; nhập khẩu công nghệ mới để nâng
cao chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất đến chế biến; mở rộng và nâng cao chất
lượng công tác khuyến ngư.
- Đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ
cho cán bộ phục vụ chương trình phát triển xuất khẩu thủy sản.
b) Vốn tín dụng ưu đãi đầu tư
theo kế hoạch Nhà nước tập trung vào:
Xây dựng trại giống cấp cơ sở;
ao, kênh mương cấp 2 phục vụ cấp, thoát nước cho nuôi trồng thủy sản; xây dựng
cơ sở sản xuất thức ăn cho thủy sản, phương tiện khai thác thủy sản, thiết bị kỹ
thuật phục vụ nuôi thủy sản; nhà máy sản xuất nước đá phục vụ bảo quản và chế
biến thủy sản xuất khẩu; xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, các cơ sở chế biến thủy
sản xuất khẩu và chợ cá địa phương...
7. Chính sách
thuế:
Các tổ chức, cá nhân thuộc các
thành phần kinh tế tham gia thực hiện Chương trình phát triển xuất khẩu thủy sản
được hưởng các ưu đãi về thuế theo quy định của Luật Khuyến khích đầu tư trong
nước và các qui định hiện hành.
8. Về hợp tác đầu
tư nước ngoài:
- Khuyến khích việc liên doanh với
các nhà đầu tư nước ngoài để đầu tư nuôi trồng thủy sản, sản xuất thức ăn và
phát triển giống nuôi thủy sản, đổi mới công nghệ nuôi, công nghệ khai thác và
chế biến thủy sản xuất khẩu;
- Bộ Thủy sản phối hợp với Bộ Kế
hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành có liên quan trong việc tranh thủ nguồn tài trợ
của các nước và các tổ chức quốc tế để có thêm nguồn vốn cho chương trình phát
triển xuất khẩu thủy sản, trước mắt ưu tiên cho các dự án về nuôi trồng thủy sản
cung cấp nguyên liệu cho xuất khẩu.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN:
Chương trình xuất khẩu thủy sản
được thực hiện thông qua các chương trình cụ thể của địa phương, trên cơ sở các
dự án được duyệt.
Nhiệm vụ chủ yếu của các Bộ,
ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực
hiện chương trình xuất khẩu thủy sản được quy định như sau:
1. Bộ Thủy sản là cơ quan chỉ đạo
và tổ chức thực hiện chương trình xuất khẩu thủy sản có trách nhiệm:
- Hướng dẫn việc xây dựng chương
trình xuất khẩu thủy sản của địa phương trên cơ sở cụ thể hóa chương trình xuất
khẩu thủy sản của cả nước; xây dựng kế hoạch đầu tư và các dự án cụ thể để thực
hiện chương trình, đồng thời tổng hợp và trình duyệt theo quy định.
- Bổ sung, cụ thể hóa các giải
pháp thực hiện chương trình. Tổng kết các mô hình tốt ở các tỉnh để phổ biến rộng
rãi trong cả nước;
- Xây dựng đề án về quản lý an
toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn dịch bệnh cho vật nuôi thủy sản, trình Thủ tướng
Chính phủ;
- Xây dựng các tiêu chuẩn nhà nước
và tiêu chuẩn ngành về điều kiện sản xuất, an toàn vệ sinh đối với các cơ sở chế
biến thủy sản, các cảng cá, chợ cá; xây dựng các cơ chế chính sách... để trình
duyệt và chỉ đạo việc áp dụng thực hiện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và đơn giản
về thủ tục cho việc triển khai thực hiện chương trình;
- Củng cố và tăng cường năng lực
hoạt động của các cơ quan nghiên cứu khoa học và cơ quan nhà nước có thẩm quyền
về kiểm tra và chứng nhận an toàn vệ sinh thủy sản;
2. Các Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
Tài chính, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Thương mại, Lao động -Thương binh
và Xã Hội, Ngoại giao, Ngân hàng nhà nước và các Bộ, ngành có liên quan tham
gia và phối hợp với Bộ Thủy sản trong việc xây dựng kế hoạch đầu tư hàng năm;
xây dựng và cụ thể hóa các cơ chế chính sách, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho
việc triển khai thực hiện chương trình.
3. Uỷ ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuôc Trung ương (nơi có sản xuất và xuất khẩu thủy sản) có
trách nhiệm xây dựng chương trình phát triển xuất khẩu thủy sản của địa phương,
phù hợp với chương trình xuất khẩu thủy sản chung của cả nước và có ý kiến thống
nhất của Bộ Thủy sản; cân đối ngân sách địa phương, giành phần vốn thích hợp,
cùng với nguồn vốn của trung ương để thực hiện chương trình; chỉ đạo xây dựng
các dự án cụ thể để trình duyệt theo quy định, đồng thời tổ chức chỉ đạo thực
hiện chương trình ở địa phương, sơ kết, tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Bộ Thủy sản chủ trì, phối hợp với
các Bộ, Ngành có liên quan hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện Quyết định này.
Điều 3.
Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính
phủ và Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có sản xuất
và xuất khẩu thủy sản chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.