Thứ 3, Ngày 05/11/2024

Quyết định 2504/2009/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp xử lý biến động thị trường bất thường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

Số hiệu 2504/2009/QĐ-UBND
Ngày ban hành 13/11/2009
Ngày có hiệu lực 25/11/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Ngọc Thiện
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 2504/2009/QĐ-UBND

Huế, ngày 13 tháng 11 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP XỬ LÝ BIẾN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG BẤT THƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Giá ngày 26 tháng 4 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá;
Căn cứ Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá;
Căn cứ Nghị định số 107/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại;
Căn cứ Thông tư số 104/2008/TT-BTC ngày 13 tháng 11 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 và Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2008 của Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 11/2009/TT-BCT ngày 20 tháng 5 năm 2009 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 107/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 792/SCT-QLTM ngày 03 tháng 8 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế phối hợp xử lý biến động thị trường bất thường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 11 năm 2009.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài chính, Công Thương, Tư pháp, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông; Giám đốc Công an tỉnh, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Huế; Giám đốc các doanh nghiệp đầu mối; Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công Thương;
- Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL-Bộ Tư pháp;
- TV Tỉnh ủy, TT HĐND Tỉnh (để b/cáo);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các cơ quan báo, đài TW và ĐP;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- VP: CVP, PCVP Mai Hùng Tuân;
- Lưu:VT, TM

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Thiện

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP XỬ LÝ BIẾN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG BẤT THƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2504/2009/QĐ-UBND ngày 13 tháng 11 năm 2009 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

Quy chế này quy định về trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; giữa các doanh nghiệp đầu mối, các hợp tác xã thương mại dịch vụ (sau đây gọi là doanh nghiệp đầu mối) với các cơ quan quản lý nhà nước để tập trung xử lý những biến động thị trường bất thường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 2. Ban Chỉ đạo

Ban Chỉ đạo Xử lý những biến động thị trường bất thường tỉnh Thừa Thiên Huế do UBND tỉnh quyết định thành lập; có trách nhiệm chủ trì, điều phối hoạt động và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, giữa các doanh nghiệp đầu mối với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc triển khai các giải pháp cấp bách khi thị trường xảy ra biến động bất thường trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi là Ban Chỉ đạo). Sở Công Thương là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hàng hoá, dịch vụ thiết yếu là các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá theo quy định của Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong từng thời kỳ.

2. Biến động bất thường là biến động xảy ra không bình thường về giá cả hoặc về lượng cung - cầu đối với các mặt hàng thiết yếu, làm giá bán lẻ trên thị trường tăng hoặc giảm bình quân 15% trở lên so với mức giá trên thị trường trước khi có biến động trong thời gian tối thiểu 15 ngày liên tục theo từng danh mục hàng hoá-dịch vụ; do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, địch họa, khủng hoảng kinh tế; các tổ chức, cá nhân lạm dụng vị thế độc quyền, liên kết độc quyền để quy định giá gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc gây thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân khác; do đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; do tác động bởi tin đồn thất thiệt, thông tin không chính xác; hoặc do các điều kiện bất thường khác gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

3. Doanh nghiệp đầu mối là một trong các loại doanh nghiệp sau đây:

a) Các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh chuyên ngành hoặc đa ngành, trong đó mặt hàng kinh doanh chủ lực của doanh nghiệp là một hoặc nhiều mặt hàng thiết yếu thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá theo quy định của Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh từng thời kỳ.

b) Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh được Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ tham gia tạo nguồn hàng bình ổn thị trường từng thời kỳ.

Chương II

QUY TRÌNH VÀ QUAN HỆ PHỐI HỢP XỬ LÝ BIẾN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG BẤT THƯỜNG

[...]