ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
25/2013/QĐ-UBND
|
Quảng Trị, ngày
03 tháng 10 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng
11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng
6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách
nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15
tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định xây dựng,
quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia;
Căn cứ Thông tư số 88/2011/TT-BTC ngày 17 tháng
6 năm 2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ từ ngân sách nhà
nước để thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về quản lý và sử dụng
kinh phí xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài
chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư; Thủ trưởng các Sở, Ban ngành liên quan
và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Đức Cường
|
QUY CHẾ
QUẢN
LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 25/2013/QĐ-UBND ngày 03 tháng 10 năm 2013 của
UBND tỉnh Quảng Trị)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và
đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định việc quản lý và sử dụng
kinh phí xúc tiến thương mại đối với hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn
tỉnh Quảng Trị (sau đây gọi tắt là Quy chế).
2. Quy chế này áp dụng đối với các đơn vị chủ trì
thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại, các đơn vị tham gia thực hiện
Chương trình xúc tiến thương mại và cơ quan quản lý Chương trình xúc tiến
thương mại (sau đây gọi tắt là Chương trình).
Điều 2. Đơn vị chủ trì thực
hiện Chương trình
1. Đơn vị chủ trì bao gồm: Trung tâm Khuyến công và
Xúc tiến thương mại trực thuộc Sở Công Thương, các Hiệp hội, Hội doanh nghiệp,
Liên minh Hợp tác xã và Doanh nghiệp ngoài quốc doanh tỉnh và các đơn vị được
giao chức năng, nhiệm vụ xúc tiến thương mại có đề án xúc tiến thương mại đáp ứng
các mục tiêu, yêu cầu và tiêu chí quy định tại Quy chế này và được Giám đốc Sở
Công Thương phê duyệt.
2. Đơn vị chủ trì phải đáp ứng đủ các điều kiện: có
tư cách pháp nhân; có khả năng huy động các nguồn lực để tổ chức thực hiện
Chương trình; có kinh nghiệm, năng lực trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến
thương mại; thực hiện Chương trình nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng doanh
nghiệp, không nhằm mục đích lợi nhuận.
3. Đơn vị chủ trì có nhiệm vụ hướng dẫn việc xây dựng,
tiếp nhận, đánh giá sơ bộ các đề án xúc tiến thương mại gửi Sở Công Thương; được
tiếp nhận kinh phí hỗ trợ để triển khai thực hiện Chương trình và có trách nhiệm
quyết toán kinh phí hỗ trợ theo quy định.
Điều 3. Đơn vị tham gia thực hiện
Chương trình
Đơn vị tham gia thực hiện Chương trình gồm: các
doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân
có đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh được thành lập theo quy định của pháp
luật hiện hành.
Điều 4. Cơ quan quản lý nhà nước
về Chương trình
1. Sở Công Thương là cơ quan được UBND tỉnh Quảng
Trị giao trách nhiệm quản lý Chương trình.
2. Giám đốc Sở Công Thương ra Quyết định thành lập
và ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng thẩm định Chương trình. Thành phần Hội
đồng thẩm định bao gồm đại diện Sở Công Thương, Sở Tài chính, Trung tâm Khuyến
công và Xúc tiến thương mại và một số thành viên có liên quan (trong trường hợp
cần thiết), do lãnh đạo Sở Công Thương làm Chủ tịch. Hội đồng có nhiệm vụ thẩm
định các đề án xúc tiến thương mại của các đơn vị đề nghị hỗ trợ xây dựng để
trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt. Trường hợp đề án phát sinh ngoài kế hoạch
xúc tiến thương mại theo từng giai đoạn của tỉnh, Hội đồng thẩm định thực hiện
thẩm định đề án và trình UBND tỉnh phê duyệt bổ sung. Hội đồng có thể mời và
tham khảo ý kiến chuyên gia trong quá trình thẩm định.
Điều 5. Kinh phí thực hiện
Chương trình
a) Ngân sách nhà nước do UBND tỉnh giao hàng năm.
b) Ngân sách từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại
quốc gia.
c) Đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp tham gia
Chương trình.
d) Tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài
nước.
e) Nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của
pháp luật.
Chương 2.
NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH VÀ
MỨC HỖ TRỢ
Điều 6. Một số mức chi chung
1. Biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu đào
tạo của Chương trình xúc tiến thương mại thực hiện theo Thông tư số
123/2009/TT-BTC ngày 17 tháng 6 năm 2009 của Bộ Tài chính quy định nội dung
chi, mức chi xây dựng chương trình khung và biên soạn chương trình, giáo trình
các môn học đối với các ngành đào tạo Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp.
2. Điều tra, khảo sát và tổng hợp tư liệu: định mức
chi áp dụng theo Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Bộ Tài
chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều
tra thống kê.
3. Hội nghị, hội thảo thực hiện theo Quyết định số
2697/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2010 của UBND tỉnh ban hành Quy định chế độ
công tác phí, chế độ chi tổ chức hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị
sự nghiệp công lập tỉnh Quảng Trị.
4. Các lớp đào tạo, tập huấn ngắn hạn cho các doanh
nghiệp, thương nhân; cán bộ các đơn vị chủ trì, thực hiện theo Thông tư số
139/2010/TT-BTC ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự
toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo,
bồi dưỡng cán bộ, công chức hoặc học phí trọn gói của khóa học.
5. Khảo sát nước ngoài thực hiện theo Thông tư số
102/2012/TT-BTC ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ công
tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân
sách nhà nước bảo đảm kinh phí.
6. Chi xây dựng hệ thống dữ liệu điện tử về xúc tiến
thương mại áp dụng theo quy định tại Thông tư số 137/2007/TT-BTC ngày 28 tháng
11 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập tin điện tử và các quy định
khác về xây dựng và quản lý hệ thống dữ liệu của Nhà nước.
7. Đối với các khoản chi theo quy định phải thực hiện
đấu thầu thì áp dụng theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn
Luật; Thông tư số 68/2012/TT-BTC ngày 26 tháng 4 năm 2012 của Bộ Tài chính quy
định việc đấu thầu để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của
cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính
trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị
vũ trang nhân dân.
Điều 7. Một số mức chi hỗ trợ cụ
thể
1. Tổ chức hội chợ - triển lãm tổng hợp do các tổ
chức có chức năng xúc tiến thương mại tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Đơn vị chủ trì tổ chức hội chợ thực hiện theo chủ
trương xã hội hóa (lấy thu bù chi), Nhà nước chỉ hỗ trợ 50% chi phí thuê gian
hàng cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có sản phẩm được sản xuất, chế biến
trên địa bàn tỉnh tham gia. Mức hỗ trợ tối đa cho mỗi doanh nghiệp tham gia
không quá 02 gian hàng tiêu chuẩn (3 m x 3 m) và không quá 6.000.000 đồng/doanh
nghiệp.
2. Tham gia hội chợ, triển lãm tỉnh, ngoài tỉnh và
nước ngoài
a) Đối với đơn vị chủ trì: Nhà nước hỗ trợ 100% chi
phí thuê gian hàng triển lãm chung, chi phí trang trí, chi phí vận chuyển, chi
phí bảo vệ, công tác phí cho cán bộ của Đoàn chủ trì (bao gồm cán bộ cơ quan quản
lý nhà nước về Chương trình); tổ chức hội thảo, trình diễn sản phẩm (nếu có).
b) Đối với cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có sản phẩm
được sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh tham gia: Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí
thuê gian hàng. Mức hỗ trợ tối đa cho mỗi doanh nghiệp tham gia không quá 02
gian hàng tiêu chuẩn (3 m x 3 m) và không quá 6.000.000 đồng/doanh nghiệp khi
tham gia hội chợ trong nước và không quá 12.000.000 đồng/doanh nghiệp khi tham
gia hội chợ nước ngoài.
3. Tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông
thôn, các khu công nghiệp, khu đô thị thông qua các doanh nghiệp.
a) Đối với đơn vị chủ trì: Nhà nước hỗ trợ 100% các
chi phí tổ chức thực hiện chương trình. Mức hỗ trợ tối đa không quá 70.000.000
đồng/chương trình.
b) Đối với các đơn vị tham gia: Nhà nước hỗ trợ
100% chi phí vận chuyển hàng hóa và trang thiết bị. Mức hỗ trợ tối đa không quá
1.000.000 đồng/doanh nghiệp tham gia.
4. Tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại thị trường
trong tỉnh
Đơn vị chủ trì được Nhà nước hỗ trợ 100% các chi
phí tổ chức thực hiện chương trình. Mức hỗ trợ tối đa không quá 50.000.000 đồng/chương
trình.
5. Tổ chức đoàn doanh nghiệp của tỉnh khảo sát thị
trường, giao dịch thương mại ở trong nước, nước ngoài.
a) Đối với đơn vị chủ trì: Nhà nước hỗ trợ 100% chi
phí vé xe, vé máy bay (nếu đi nước ngoài), chi phí tổ chức hội thảo và gặp gỡ
giao dịch thương mại; chi phí tuyên truyền, quảng bá; công tác phí cho cán bộ của
Đoàn chủ trì (bao gồm cán bộ cơ quan quản lý nhà nước về Chương trình).
b) Đối với doanh nghiệp tham gia: Nhà nước hỗ trợ
50% tiền vé đi lại cho 01 người/doanh nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa không quá
3.000.000 đồng/doanh nghiệp.
6. Tổ chức tiếp xúc với các khách hàng, nhà nhập khẩu
nước ngoài vào tỉnh xúc tiến thương mại theo lời mời của Lãnh đạo tỉnh: Nhà nước
hỗ trợ 100% chi phí thuê và trang trí hội trường, trang thiết bị, phiên dịch,
biên dịch, in ấn tài liệu, tuyên truyền quảng bá; công tác phí cho cán bộ đơn vị
chủ trì đi cùng đoàn để thực hiện công tác tổ chức (không quá 02 người).
7. Tổ chức tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực và
kỹ năng kinh doanh cho các doanh nghiệp của tỉnh: Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí
thuê giảng viên, thuê và trang trí hội trường, in ấn tài liệu, nước uống, các
chi phí quản lý khác liên quan.
8. Tổ chức hội thảo hoặc thuê chuyên gia trong nước,
ngoài nước tư vấn tiêu thụ sản phẩm của tỉnh: Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí thuê
giảng viên, thuê và trang trí hội trường, in ấn tài liệu, nước uống, chi phí
phiên dịch, biên dịch (nếu có), các chi phí quản lý khác có liên quan.
9. Nhà nước hỗ trợ cho đơn vị chủ trì 100% chi phí
quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng như: báo, đài truyền hình,
website, in ấn tài liệu giới thiệu sản phẩm nhằm hỗ trợ sản phẩm được sản xuất,
chế biến trên địa bàn tỉnh thâm nhập thị trường trong nước, thị trường nước
ngoài.
10. Xây dựng và ứng dụng quy trình thương mại điện
tử cho cộng đồng các doanh nghiệp của tỉnh: hỗ trợ đơn vị chủ trì 100% chi phí
tổ chức xây dựng quy trình và vận động triển khai.
11. Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí cho công tác điều
tra, khảo sát, nghiên cứu thị trường trong nước; xây dựng cơ sở dữ liệu các mặt
hàng quan trọng, thiết yếu; nghiên cứu phát triển hệ thống phân phối, cơ sở hạ
tầng thương mại; quản lý, vận hành cơ sở hạ tầng thương mại.
12. Các hoạt động xúc tiến thương mại khác do Chủ tịch
UBND tỉnh quyết định.
13. Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí điều hành cho Sở
Công Thương để thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh.
a) Chi kiểm tra, thẩm định đánh giá đề án Chương
trình xúc tiến thương mại: Dự toán kinh phí theo chế độ chi tiêu tài chính hiện
hành bao gồm: tiền xăng xe, công tác phí, hội nghị thẩm định để xây dựng, kiểm
tra việc sử dụng và quyết toán kinh phí xúc tiến thương mại.
b) Hỗ trợ kinh phí mua sắm tài sản, thiết bị phục vụ
công tác xúc tiến thương mại. Dự toán kinh phí theo chế độ chi tiêu tài chính
hiện hành.
c) Chi khen thưởng: Chi thưởng các cá nhân, doanh
nghiệp có nhiều thành tích trong việc tổ chức quản lý, sử dụng và tạo nguồn
kinh phí xúc tiến thương mại.
Chương 3.
QUẢN LÝ KINH PHÍ XÚC TIẾN
THƯƠNG MẠI
Điều 8. Quản lý kinh phí xúc tiến
thương mại
1. Sở Công Thương xây dựng kế hoạch, dự toán kinh
phí xúc tiến thương mại của tỉnh, trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê
duyệt theo quy định của pháp luật.
2. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt và Sở Tài chính
thông báo dự toán chi ngân sách nhà nước cho Chương trình, Giám đốc Sở Công
Thương tiến hành phê duyệt từng đề án nằm trong kế hoạch xúc tiến thương mại của
tỉnh hàng năm và kinh phí được hỗ trợ theo nguyên tắc không vượt quá dự toán được
phê duyệt.
3. Căn cứ quyết định phê duyệt đề án của Giám đốc Sở
Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại ký hợp đồng thực hiện
các đề án thuộc Chương trình với các đơn vị chủ trì và thanh, quyết toán kinh
phí hỗ trợ theo hợp đồng đã ký; thực hiện trực tiếp các đề án thuộc Chương
trình do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại chủ trì.
4. Kinh phí xúc tiến thương mại của tỉnh do ngân
sách cấp chưa sử dụng hết trong năm kế hoạch được bổ sung để sử dụng trong năm
tiếp theo.
5. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Công
Thương hướng dẫn việc lập dự toán, phân bổ, sử dụng và thanh quyết toán các khoản
kinh phí xúc tiến thương mại của tỉnh theo quy định của pháp luật.
Chương 4.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Trách nhiệm của các Sở,
Ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ
nguồn vốn xúc tiến thương mại
1. Trách nhiệm của Sở Công Thương
a) Chủ trì phối hợp với các Sở, Ban ngành và các tổ
chức liên quan chỉ đạo, kiểm tra định kỳ, đột xuất, giám sát đánh giá tình hình
triển khai dự án sử dụng kinh phí xúc tiến thương mại đúng mục đích, tiết kiệm
và hiệu quả; hướng dẫn đôn đốc, triển khai thực hiện các đề án sử dụng kinh phí
xúc tiến thương mại đúng kế hoạch, tiến độ được phê duyệt.
b) Xây dựng Chương trình xúc tiến thương mại hàng
năm (kể cả Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia); tổ chức, theo dõi, kiểm
tra, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ theo quy định, thực hiện chế độ báo cáo
theo định kỳ về công tác xúc tiến thương mại tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
2. Trách nhiệm của Sở Tài chính
a) Thẩm định kinh phí xúc tiến thương mại hàng năm
trình UBND tỉnh; kiểm tra quyết toán kinh phí xúc tiến thương mại hàng năm theo
quy định.
b) Phối hợp với Sở Công Thương thẩm định Chương
trình xúc tiến thương mại của tỉnh, triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực hiện
các đề án thuộc Chương trình xúc tiến thương mại.
c) Hướng dẫn việc lập dự toán, phân bổ, sử dụng và
thanh quyết toán các khoản kinh phí xúc tiến thương mại theo quy định của pháp
luật.
3. Các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị,
thành phố phối hợp với Sở Công Thương thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực
hiện đề án; hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia các đề án
thuộc Chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh.
4. Trách nhiệm của đơn vị chủ trì và đơn vị tham
gia
a) Tổ chức thực hiện các đề án được phê duyệt theo
đúng mục tiêu, nội dung, tiến độ, dự toán trong hợp đồng đã ký; đảm bảo sử dụng
kinh phí hỗ trợ của Nhà nước tiết kiệm, có hiệu quả, chịu trách nhiệm về nội dung
chi theo đúng quy định hiện hành.
b) Đối với đề án có nhiều đơn vị tham gia, đơn vị
chủ trì có trách nhiệm phối hợp và phân công các đơn vị tham gia thực hiện từng
nội dung của đề án.
c) Cung cấp đầy đủ tài liệu, thông tin trung thực
liên quan đến tình hình thực hiện đề án, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm
tra, giám sát theo quy định tại Quy chế này; chấp hành các chế độ kiểm tra,
thanh tra của các cấp có thẩm quyền về nguồn kinh phí được hỗ trợ.
Điều 10. Khen thưởng - kỷ luật
Các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc tổ chức
quản lý, sử dụng và tạo nguồn kinh phí xúc tiến thương mại được xem xét khen
thưởng theo quy định hiện hành.
Các tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm Quy chế này,
tùy theo mức độ, bị xử lý theo các quy định của pháp luật.
Điều 11. Tổ chức thực hiện
1. Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các Sở,
ngành liên quan triển khai Quy chế này sau khi được phê duyệt.
2. Trong quá trình thực hiện Quy chế nếu phát sinh những
vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung, giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở,
ngành liên quan đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, trình
UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.