Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 25/2008/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh vùng Tây Nguyên đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 25/2008/QĐ-TTg
Ngày ban hành 05/02/2008
Ngày có hiệu lực 29/02/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 25/2008/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 02 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI ĐỐI VỚI CÁC TỈNH VÙNG TÂY NGUYÊN ĐẾN NĂM 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số 8409/TTr-BKH ngày 15 tháng 11 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh vùng Tây Nguyên đến năm 2010 (gồm các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị với nội dung sau:

1. Một số mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2010:

- Tốc độ tăng trưởng GDP của Vùng đạt bình quân hàng năm từ 12 - 13%;

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm từ 3 - 4%, thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững, không để tái đói nghèo;

- Giải quyết việc làm mới cho từ 12 - 14 vạn lao động/năm;

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 25 - 30%;

- Tổng diện tích rừng đạt khoảng 3,54 triệu ha (rừng phòng hộ 95 vạn ha), nâng độ che phủ rừng đạt 65%;

- Tỷ lệ dân dùng nước sạch ở thành phố 95%; ở nông thôn 80%.

(Có Phụ lục: một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đến năm 2010 kèm theo).

2. Nhiệm vụ trọng tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực chủ yếu.

a) Ngành công nghiệp

Tập trung đầu tư một số ngành chủ yếu như: chế biến nông, lâm sản, thủy điện, sản xuất vật liệu xây dựng và khai khoáng.

- Công nghiệp chế biến nông, lâm sản:

Phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản là nhiệm vụ trọng tâm của mỗi địa phương trong Vùng từ nay đến năm 2010. Mục tiêu là xây dựng ngành công nghiệp chế biến trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của Vùng.

Việc xây dựng các cơ sở công nghiệp chế biến nông, lâm sản chủ yếu dựa vào nguồn nguyên liệu sẵn có, khả năng sản xuất của địa phương và phải trên cơ sở quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm chủ yếu của Vùng đã được phê duyệt. Đầu tư thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại để sản phẩm có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Việc phát triển công nghiệp cần đa dạng hóa về quy mô và loại hình sản xuất, kết hợp quy mô vừa và nhỏ, xây dựng cơ sở chế biến tập trung tại các vùng nguyên liệu lớn, khuyến khích phát triển chế biến thủ công hoặc sơ chế theo hộ gia đình đối với những loại sản phẩm đơn giản, sản xuất ở vùng xa nhà máy; khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư phát triển công nghiệp.

Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp chế biến có điều kiện đầu tư tập trung quy mô lớn như cà phê, cao su, điều, bông, chè, thịt, sữa,.... Phấn đấu đến năm 2010 có ít nhất 50% sản lượng cà phê tại địa bàn được chế biến thành sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, có thương hiệu để xuất khẩu. Đầu tư nâng cấp thiết bị, đồng bộ hoá dây chuyền đối với những nhà máy sản xuất cao su hiện có và xây dựng mới một số nhà máy để có cơ cấu sản phẩm: mủ cốm chiếm khoảng 45%, mủ kem 20%, mủ cao su kỹ thuật chiếm khoảng 35- 40%; trong đó một phần được sản xuất ra thành sản phẩm chất lượng cao như săm, lốp ô tô, băng tải,... để thay thế hàng nhập khẩu. Chế biến bông, hạt điều chủ yếu lựa chọn dây chuyền công nghệ hợp lý, đa dạng hoá các sản phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất. Chế biến chè chủ yếu giữ công suất các nhà máy hiện có, chỉ đầu tư thay đổi thiết bị công nghệ để có trên 70% sản lượng chè đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Tổ chức lại các cơ sở sản xuất đường hiện có đi đôi với việc duy trì sản xuất đường thủ công nhằm đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của nhân dân địa phương. Chế biến ngô, tinh bột sắn phục vụ nhu cầu ăn, chăn nuôi và xuất khẩu phù hợp với vùng nguyên liệu; hạn chế phát triển sắn để bảo vệ môi trường và chống xói mòn đất.

Chế biến lâm sản, chủ yếu là gỗ, kể cả việc tận dụng gỗ cây cao su thanh lý hàng năm. Hướng đầu tư chính là sản xuất ván nhân tạo, gỗ ván dăm, đồ mộc tinh chế đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

- Về thủy điện, tập trung hoàn thành các dự án đang xây dựng, từng bước đa dạng hoá phương thức đầu tư và kinh doanh điện đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, kết hợp xây dựng các công trình thuỷ điện với cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho đồng bào trong Vùng.

- Tăng cường dịch vụ cơ khí sửa chữa phục vụ cơ giới nông nghiệp, phương tiện vận tải, sản xuất nông cụ, phụ tùng thay thế cho công nghiệp chế biến; phát triển tiểu thủ công nghiệp, sản xuất các mặt hàng truyền thống ở địa phương.

- Đầu tư sớm các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, gạch nung, đá, fenspat,... Khai thác bauxite, sản xuất alumil, tiến tới luyện như nhôm, v.v.

b) Ngành nông, lâm nghiệp

[...]