ỦY BAN
NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------
|
CỘNG HÒA
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2479/QĐ-UBND
|
Vĩnh
Phúc, ngày 13 tháng 12 năm 2022
|
QUYẾT
ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA ĐỒNG
BÀO DÂN TỘC SÁN DÌU TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2022-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
”
ỦY BAN
NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Di
sản văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Di sản Văn hóa ngày 18/6/2009;
Căn cứ
Luật Du lịch ngày 19 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị quyết
08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành
ngành kinh tế mũi nhọn;
Căn cứ Kết luận số
65-KL/W ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số
24-NQ/TW của BCH TW Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới;
Căn cứ Nghị quyết
88/2019/QH14, ngày 18/11/2019 của Quốc hội về Phê duyệt Đề án tổng thể phát
triển Đề án tổng thể phát triển Kinh tế - Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
và Miền núi giai đoạn 2021-2030.
Căn cứ Nghị quyết
12/NQ-CP, ngày 15/02/2020 của Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết
88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về Phê duyệt Đề án tổng thể
phát triển Kinh tế - Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và Miền núi giai
đoạn 2021-2030.
Căn cứ Nghị quyết số
92/NQ-CP, ngày 8/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển
du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới;
Căn cứ Nghị định số
168/2017/ NĐ-CP, ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều về
du lịch;
Căn cứ Quyết định số
124/QĐ-TTg, ngày 17/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án bảo
tồn, phát huy văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số
201/QĐ-TTg, ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch
tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030;
Căn cứ Quyết định số
1775/QĐ-TTg, ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược
phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số
147/QĐ-TTg, ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát
triển du lịch Việt Nam đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số
1230/QĐ-TTg, ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình
bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hoá Việt Nam giai đoạn
2021-2025, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số
1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục
tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền
núi giai đoạn 2021-2025;
Căn cứ Quyết định số
1909/QĐ-TTg, ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát
triển văn hoá đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số
2714/QĐ-BVHTTDL ngày 03/8/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê
duyệt Đề án “Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch đến năm 2025, định hướng
đến năm 2030”;
Căn cứ Nghị quyết số
04-NQ/TU ngày 20 tháng 10 năm 2017 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc về
việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2025;
Căn cứ Thông báo số
238-TB/TU ngày 14/4/2016 của Tỉnh ủy về Ý kiến kết luận của đồng chí Bí thư
Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Tam Đảo;
Căn cứ Nghị quyết số
12/2020/NQ-HĐND ngày 14/12/2020 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về việc hỗ trợ đối với
các nghệ nhân và các câu lạc bộ dân ca tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
giai đoạn 2021-2025;
Căn cứ Quyết định số
1929/QĐ-UBND ngày 16/7/2015 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về ban hành Kế hoạch hành
động thực hiện Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 8/12/2014 của Chính phủ về một số
giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới; Quyết định số
946/QĐ-UBND ngày 16/5/2022 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội cùng đồng bào dân
tộc thiểu số và miền núi tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2022-2025;
Căn cứ Kế hoạch số
185/KH-UBND ngày 15/7/2022 của UBND tỉnh thực hiện chiến lược công tác dân tộc
giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045; Kế hoạch số 306/KH-UBND ngày 09/12/2021 về
Bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn
2021-2025, định hướng đến năm 203;.
Theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du
lịch tại Tờ trình số 194/TTr-SVHTTDL, ngày 08/8/2022; Văn bản số
1798/SVHTTDL-QLDSVH ngày 01/11/2022.
QUYẾT
ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền
thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025, định
hướng đến năm 2030 ”, (sau đây gọi tắt là Đề án), với những nội dung chính như
sau:
1. Phạm vi: Trên
địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
2. Đối tượng:
- Đối tượng nghiên cứu
là chủ thể các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu tỉnh
Vĩnh phúc.
- Đối tượng thụ hưởng
là cộng đồng người dân tộc Sán Dìu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
3. Quan điểm:
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa
truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Sán Dìu tỉnh Vĩnh Phúc là nhiệm vụ
chiến lược mang tính lâu dài và là trách nhiệm của toàn xã hội, cần có sự phối
hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân. Trong đó, Nhà
nước đóng vai trò quản lý và hỗ trợ, tác động tạo điều kiện thuận lợi để bảo
tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu tỉnh
Vĩnh Phúc.
Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền
thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu tỉnh Vĩnh Phúc được thực hiện trên quan điểm
bảo tồn, kế thừa có chọn lọc các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp gắn với
phát triển du lịch, khai thác các tiềm năng, lợi thế phù hợp với quy hoạch tổng
thể phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Phát huy các giá trị văn hoá truyền
thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu gắn với phát triển kinh tế du lịch cộng đồng
nhằm đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển văn hóa và kinh tế - xã hội
trên địa bàn tỉnh.
Bảo tồn và phát huy các giá trị văn
hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu tỉnh Vĩnh Phúc được dựa trên quan
điểm thống nhất và xuyên suốt đó là phát huy nội lực kết hợp với huy động nguồn
lực từ bên ngoài, nhằm bảo tồn và nâng cao nhận thức, lòng tự hào về những giá
trị truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu trên địa bàn toàn tỉnh.
4. Mục tiêu:
4.1.
Mục tiêu chung:
- Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá
truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu tỉnh Vĩnh Phúc phải đặt sự ưu tiên
bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa
cấp quốc gia; di sản văn hóa đang có nguy cơ bị mai một trước tác động của nền
kinh tế thị trường; đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca
Soọng Cô để sớm được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân
loại.
- Xây dựng
các sản phẩm văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của đồng bào dân tộc
Sán Dìu nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân
tộc Sán Dìu, khai thác có hiệu quả các sản phẩm đảm bảo cho sự phát triển văn
hóa và kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.
- Phấn đấu mức thu nhập bình quân của
người dân tộc Sán Dìu tăng 2 đến 2,5 lần so với năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo
mỗi năm từ 3 đến 3,5%.
4.2. Mục tiêu
cụ thể:
- Bảo tồn các
giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu.
- Phát huy
giá trị truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Dìu
- Về
kinh tế - xã hội: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cộng đồng; phấn
đấu giải quyết việc làm và làm gia tăng thu nhập cho mỗi người dân thuộc dân
tộc Sán Dìu.
- Tăng
cường, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, chỉnh trang thôn bản.
- Xây dựng
các sản phẩm du lịch: Du lịch khám phá trải
nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Dìu; Du lịch nghỉ dưỡng (homestay); Du
lịch khám phá văn hóa ẩm thực; Du lịch tham quan cảnh quan thiên nhiên; Du lịch
vui chơi giải trí các ngày nghỉ lễ và ngày nghỉ cuối tuần; Du lịch nghỉ dưỡng
kết hợp chữa bệnh, phục hồi sức khỏe, mua sắm quà tặng và sản vật đặc trưng của
đồng bào dân tộc Sán Dìu
5. Nhiệm
vụ của Đề án:
(1).
Khảo sát, sưu tầm thu thập thông tin, dữ liệu về văn hóa truyền thống của đồng
bào dân tộc Sán Dìu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
(2). Tổ
chức các lớp truyền dạy tiếng nói, chữ viết, các làn điệu dân ca và phục dựng
các diễn xướng dân gian của đồng bào dân tộc Sán Dìu tỉnh Vĩnh Phúc.
(3). Xây dựng kịch bản tổ chức lễ hội truyền thống
của đồng bào dân tộc Sán Dìu tỉnh Vĩnh Phúc gắn với các loại hình lễ hội hàng
năm của các huyện và của tỉnh.
(4). Đào tạo bồi dưỡng tập huấn cho đồng bào dân tộc
Sán Dìu tỉnh Vĩnh Phúc tham gia các hoạt động dịch vụ, phục vụ du lịch cộng
đồng.
(5). Phục dựng nghi lễ cấp sắc truyền thống của đồng bào dân
tộc Sán Dìu tỉnh Vĩnh Phúc.
(6). Phục dựng nghi lễ trong đám cưới truyền thống của đồng
bào dân tộc Sán Dìu tỉnh Vĩnh Phúc.
(7). Xây dựng hình thành làng nghề sản xuất các sản phẩm, quà
tặng của đồng bào dân tộc Sán Dìu tỉnh Vĩnh Phúc.
(8). Tuyên
truyền quảng bá đặc trưng văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Sán Dìu tỉnh Vĩnh
Phúc trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương
trong chương trình Ngày hội văn hóa.
(9). Xây
dựng tổ hợp Làng Văn hóa kiểu mẫu của đồng bào dân tộc Sán Dìu trên địa bàn
tỉnh Vĩnh Phúc gắn với phát triển du lịch:
- Tổ hợp
Làng Văn hóa kiểu mẫu của đồng bào dân tộc Sán Dìu tại xã Đạo Trù, huyện Tam
Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc gắn với phát triển du lịch
- Tổ hợp
Làng Văn hóa kiểu mẫu của đồng bào dân tộc Sán Dìu tại xã Ngọc Thanh, thành phố
Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc gắn với phát triển du lịch.
- Tổ hợp
Làng Văn hóa kiểu mẫu của đồng bào dân tộc Sán Dìu tại xã Trung Mỹ, huyện Bình
Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc gắn với phát triển du lịch.
- Tổ hợp
Làng Văn hóa kiểu mẫu của đồng bào dân tộc Sán Dìu tại xã Quang Sơn, huyện Lập
Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc gắn với phát triển du lịch.
6. Giải pháp thực
hiện
6.1. Giải pháp về quy
hoạch
6.2. Giải
pháp xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách
6.3. Giải
pháp về mô hình quản lý và phối hợp hình thành các tuyến du lịch
6.4. Giải
pháp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực
6.5. Giải
pháp bảo vệ tài nguyên và môi trường
6.6. Giải
pháp tuyên truyền, giáo dục, quảng bá
7. Nguồn kinh
phí: Ngân
sách nhà nước và nguồn xã hội hóa.
8. Tổ chức thực hiện:
8.1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Chủ trì phối hợp với Ban Dân tộc xây
dựng các nhiệm vụ thuộc Đề án; phối hợp với các Sở, ngành có liên quan
thẩm định, đánh giá các nhiệm vụ thuộc Đề án.
Xây dựng các chương trình,
kế hoạch tổ chức các lớp, khoá học để truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể
trong danh mục quốc gia hoặc cấp tỉnh để trao truyền, khôi phục, giữ gìn và
phát huy.
Xây dựng chương trình
truyền thông, quảng bá du lịch cộng đồng đến du khách trong nước và quốc tế.
Phối hợp với các Hiệp hội du lịch, doanh nghiệp lữ hành… quảng bá các sản phẩm
du lịch tại khu vực.
Phổ biến nội dung Đề
án được phê duyệt cho các đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú, hướng dẫn viên điểm du
lịch trên địa bàn để đưa vào tour, tuyến phục vụ khách du lịch khi đến với địa
phương.
Nghiên cứu đề xuất
các quy định về thời gian hoạt động, xác định giới hạn mức độ âm thanh cho phép
tại khu vực phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử tại
Tổ hợp Làng Văn hóa kiểu mẫu đồng bào dân tộc Sán
Dìu.
Giám sát, đôn đốc các
đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ được giao trong Đề án. Tổng hợp những kiến
nghị, đề xuất xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án để báo cáo, tham
mưu đề xuất UBND các cấp quyết định.
8.2. Sở
Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Tài chính
tổng hợp, cân đối kinh phí hỗ trợ một phần từ ngân sách Nhà nước để thực hiện
Đề án theo quy.
Hướng dẫn, cung cấp thông
tin, tư vấn, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính cho các nhà
đầu tư, cơ chế hợp tác công - tư để tổ chức, cá nhân và người dân thực
hiện nhiệm vụ đầu tư hoạt động; phối hợp thẩm định các nhiệm
vụ đầu tư tại Tổ hợp Làng Văn
hóa kiểu mẫu dân tộc Sán Dìu. Cơ chế quản lý sau đầu
tư.
8.3.
Sở Tài chính
Chủ trì, phối
hợp với các đơn vị liên quan đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền cân đối,
bố trí vốn sự nghiệp hàng năm để thực hiện các nội dung (thuộc trách nhiệm đảm
bảo của ngân sách tỉnh) của đề án.
Kiểm tra, giám sát nguồn
vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp cho địa phương.
8.4.
Sở Tài nguyên và Môi trường
Phối hợp
với địa phương trong việc quản lý đất đai, cơ chế
giao đất, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất cho việc
thực hiện nhiệm vụ xây dựng Tổ hợp Làng Văn hóa kiểu mẫu đồng
bào dân tộc Sán Dìu trên địa bàn tỉnh.
Thẩm định kế hoạch bảo vệ
môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường của các sản phẩm dịch vụ du
lịch thuộc Đề án trước khi triển khai thực hiện.
8.5.
Sở Xây dựng
Chủ trì phối hợp với địa
phương và các cơ quan liên quan trong việc triển khai quy hoạch xây dựng để
thực hiện nhiệm vụ của đề án.
Có ý kiến thẩm định đối
với phương án quy hoạch chỉnh trang khu vực, phương án kiến trúc, vật liệu đặc
trưng làm nhà ở, nhà văn hóa của người dân tộc Sán Dìu tại khu vực có đơn vị
liên quan đề xuất và làng văn hóa kiểu mẫu
8.6.
Sở Giao thông vận tải
Phối hợp với UBND
các huyện, thành phố, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tham mưu
giúp UBND tỉnh trong việc xem xét các
hạng mục về hệ thống giao thông (tỉnh, huyện, xã, liên xã) có liên quan thuộc
chức năng, nhiệm vụ của Sở trong thực hiện
Đề án.
Có ý kiến thẩm định đối
với phương án quy hoạch giao thông tại khu vực do UBND các huyện, thành phố và
các đơn vị liên quan đề xuất.
8.7. Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì, phối hợp với các
sở, ngành và UBND các huyện, thành phố định hướng phát triển nông nghiệp gắn
với du lịch cộng đồng, trải nghiệm.
Đề xuất các chính sách hỗ
trợ về nông nghiệp công nghệ cao để khuyến khích phát triển mô hình du lịch
sinh thái gắn với cộng đồng, đa dạng hoá các sản phẩm nông nghiệp để phục vụ
phát triển du lịch, dịch vụ nói chung du lịch tại Tổ hợp Làng Văn
hóa kiểu mẫu đồng bào dân tộc Sán Dìu trên địa bàn tỉnh.
8.8. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chủ trì
phối hợp với Ban dân tộc tỉnh, Sở Văn hoá thể thao và du lịch, UBND các huyện,
thành phố xây dựng các chương trình, nhiệm vụ, kế hoạch dạy và học trong các
nhà trường để khôi phục, giữ gìn và phát huy tiếng nói, chữ viết đồng bào dân
tộc Sán Dìu.
Xây dựng
cơ chế cho người dạy học và người đi học thuộc chương trình phục hồi tiếng nói,
chữ viết.
8.9. Ban
Dân tộc tỉnh
Phối hợp với Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành
phố xây dựng Kế hoạch để triển khai thực hiện việc bảo tồn, khôi phục và phát
triển bản sắc truyền thống văn hóa(vật
thể, phi vật thể) đặc trưng của đồng bào các dân
tộc Sán Dìu trên địa bàn tỉnh.
Thông tin, tuyên truyền,
phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao cho đồng
bào dân tộc Sán Dìu; phối hợp vận động đồng bào dân tộc Sán Dìu tham gia triển
khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng Tổ hợp Làng Văn hóa kiểu mẫu dân
tộc Sán Dìu.
Phối hợp với Sở Văn hoá
Thể thao và Du lịch và UBND các huyện, thành phố trong việc hướng dẫn đồng bào
dân tộc Sán Dìu khôi phục lại các hoạt động truyền thống, xây dựng mô hình du
lịch cộng đồng đặc trưng của địa phương;
Vận dụng và kết hợp lồng
ghép có hiệu quả các chính sách, chương trình do Ủy ban Dân
tộc, Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc giao thực hiện để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ xây
dựng Tổ hợp Làng Văn hóa kiểu mẫu đồng bào dân
tộc Sán Dìu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
8.10.
Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố.
UBND các huyện, thành phố
là đơn vị chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và đơn vị liên quan để tổ chức,
triển khai thực hiện Đề án.
Xây dựng kế hoạch triển
khai các công việc thuộc nội dung của Đề án, xây dựng phương án quản lý, khai
thác cho các hạng mục dịch vụ được giao tiếp nhận quản lý, khai thác (phương án
quản lý, khai thác các hoạt động du lịch tại Tổ hợp Làng Văn hóa kiểu mẫu của
đồng bào dân tộc Sán Dìu)
Vận động, tuyên truyền để
tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động du lịch cộng
đồng tại địa phương thông qua tổ chức các buổi họp dân và đối thoại doanh
nghiệp.
Vận động, khuyến khích các
hộ dân chuyển đổi ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển du lịch cộng
đồng nêu tại Đề án.
Mời các nhà đầu tư, doanh
nghiệp quan tâm đầu tư vào thực hiện nhiệm vụ: Xây dựng Tổ hợp Làng Văn hoá
kiểu mẫu đồng bào dân tộc Sán Dìu xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo; xã Ngọc Thanh,
thành phố Phúc Yên; xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên; xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch.
Tổng hợp, đề xuất nguồn
vốn ngân sách được giao triển khai đầu tư, nâng cấp hạ tầng và các hạng mục tại
khu vực; vận động, kêu gọi các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn thực hiện
xã hội hóa đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại khu vực.
Xây dựng phương án quản lý
bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan các lô đất trống, lắp đặt hệ thống camera
an ninh giám sát (nếu cần).
Chủ trì đề xuất một số chỉ
tiêu phương án kiến trúc nhà dân tại khu vực cho phù hợp với văn hóa cộng đồng
dân tộc Sán Dìu, thực hiện quản lý, cấp phép, vận động hộ dân thực hiện cải tạo
chỉnh trang nhà cửa làm homestay.
Chủ trì xây dựng bộ quy
tắc, quy định, quy chế hoạt động cho các đơn vị, cơ sở hoạt động kinh doanh,
doanh nghiệp, các hộ dân của khu vực trong khuôn khổ quy định của pháp luật,
lưu ý các chế tài để xử lý hành vi vi phạm an ninh trật tự, an toàn, vệ sinh
môi trường và quy hoạch cảnh quan.
Rà soát, cập nhật tình
hình triển khai thực hiện, báo cáo theo yêu cầu và kịp thời báo cáo khó khăn,
vướng mắc, đề xuất hướng xử lý trong quá trình triển khai thực hiện (nếu có);
đôn đốc hoặc tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các
nhiệm vụ của Đề án.
8.11. Sở Thông tin và Truyền thông
Phối hợp
với cấp uỷ, chính quyền các cấp, các đoàn thể tổ chức truyền thông, phổ biến,
quán triệt sâu rộng Đề án tới cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và toàn
thể nhân dân trong tỉnh biết và hưởng ứng tham gia thực hiện Đề án.
Xây dựng
kế hoạch tuyên truyền lâu dài về các nhiệm vụ của Đề án.
8.12. Các đơn vị tham gia thực hiện
* Đối với các cơ quan quản
lý Nhà nước:
- Căn
cứ chức năng, nhiệm vụ tham mưu,
đề xuất với UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách của từng lĩnh vực.
- Xây
dựng các nhiệm vụ cụ thể để phối hợp với UBND các
huyện, thành phố trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.
* Các đơn vị doanh nghiệp:
- Tuân thủ nghiêm túc các
quy định của Nhà nước và pháp luật về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp khi
tham gia Đề án.
- Xây dựng, hoàn thiện các
thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật, tài trợ và đầu tư sản phẩm dịch vụ
hấp dẫn phục vụ khách du lịch tại địa bàn.
- Thực hiện các thủ tục
theo Quy định và triển khai các nhiệm vụ xây dựng Tổ hợp Làng Văn hoá kiểu mẫu
dân tộc Sán Dìu theo quy hoạch được phê duyệt để tạo thêm sản phẩm và hạ tầng
cơ sở vật chất hỗ trợ cho các sản phẩm du lịch thuộc Đề án.
- Xây dựng phương án quản
lý giao thông trong nội bộ khu vực để đảm bảo cho cả người dân và du khách đều
có thể tham gia trải nghiệm các sản phẩm du lịch thuộc Đề án.
- Phối hợp với UBND các
huyện, thành phố và các sở ngành của tỉnh để thực hiện các thủ tục lựa chọn phê
duyệt Nhà đầu tư và tổ chức, triển khai đầu tư các hạng mục theo cam kết cụ thể
giữa Nhà đầu tư và UBND các huyện, thành phố.
- Thực hiện tài trợ một số
hạng mục thuộc sản phẩm du lịch trong đề án theo thủ tục đầu tư, tiến độ.
(Có Đề án
chi tiết kèm theo)
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng
các Sở, Ban, ngành; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban,
ngành, đoàn thể của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có
liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
|
TM. ỦY
BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Vũ Việt Văn
|