Quyết định 24/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 24/QĐ-TTg
Ngày ban hành 06/01/2010
Ngày có hiệu lực 06/01/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Hoàng Trung Hải
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 24/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 06 tháng 01 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2025

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về Quy hoạch xây dựng;
Xét Tờ trình số 903/TTr-UBND ngày 09 tháng 3 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Tờ trình số 76/TTr-BXD ngày 20 tháng 8 năm 2009 của Bộ Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Phạm vi nghiên cứu và lập điều chỉnh Quy hoạch:

- Phạm vi nghiên cứu gồm 8 tỉnh, thành phố trong Vùng thành phố Hồ Chí Minh với diện tích 30.404 km2.

- Phạm vi, ranh giới lập điều chỉnh Quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Hồ Chí Minh với diện tích 2.095km2.

2. Tính chất, mục tiêu và quan điểm phát triển:

a) Tính chất:

Là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước; đầu mối giao lưu quốc tế; trung tâm công nghiệp, dịch vụ đa lĩnh vực của khu vực và Đông Nam Á.

b) Quan điểm:

- Phát huy vai trò đặc biệt của thành phố trong mối quan hệ với Vùng thành phố Hồ Chí Minh, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, với cả nước và quốc tế;

- Phát triển hài hòa, đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo chỉnh trang đô thị; giữa phát triển không gian đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường;

- Phát triển thành phố hiện đại, có bản sắc; phát huy thế mạnh đặc thù sông nước, đồng thời tạo sức hấp dẫn của đô thị; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

c) Mục tiêu phát triển:

Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng theo hướng liên kết vùng để trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển của khu vực phía Nam và cả nước; từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ của khu vực và Đông Nam Á.

d) Vị trí, vai trò và định hướng phát triển thành phố Hồ Chí Minh trong mối quan hệ với các đô thị của Vùng thành phố Hồ Chí Minh:

- Là đô thị trung tâm của Vùng thành phố Hồ Chí Minh, bố trí và hình thành các trung tâm tổng hợp và chuyên ngành về thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế kỹ thuật cao, văn hóa, giải trí, thể dục thể thao… của Vùng;

- Định hướng phát triển các công nghiệp sạch không gây ô nhiễm môi trường, có công nghệ hiện đại, hàm lượng khoa học cao và giá trị gia tăng lớn, sử dụng ít lao động phổ thông;

- Định hướng phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không để trở thành đầu mối giao thông trong Vùng và kết nối khu vực Đông Nam Bộ với Tây Nam bộ, với khu vực và quốc tế.

3. Về quy mô dân số và đất đai:

a) Dự báo dân số đến năm 2025 khoảng 10 triệu người, khách vãng lai và tạm trú (dưới 6 tháng) khoảng 2,5 triệu người;

- Dân số khu vực nội thành khoảng 7,0 - 7,4 triệu người;

- Dân số ngoại thành khoảng 2,6 - 3,0 triệu người (trong đó dân số nông thôn khoảng 0,5 triệu người).

b) Dự báo đất xây dựng đô thị đến năm 2025 khoảng 90.000 - 100.000 ha, trong đó khu vực nội thành khoảng 49.000 ha và khu vực ngoại thành khoảng 40.000 - 50.000 ha.

4. Mô hình phát triển và các chỉ tiêu chính:

[...]