Quyết định 2397/1999/QĐ-BYT ban hành quy định "Đạo đức hành nghề dược" do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 2397/1999/QĐ-BYT
Ngày ban hành 10/08/1999
Ngày có hiệu lực 25/08/1999
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Lê Văn Truyền
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

BỘ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2397/1999/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH "ĐẠO ĐỨC HÀNH NGHỀ DƯỢC"

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

- Căn cứ Nghị định số 68/CP ngày 11/10/1993 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Y tế;

- Theo đề nghị của các ông, bà: Vụ trưởng Vụ pháp chế, Cục trưởng Cục Quản lý dược Việt Nam - Bộ Y tế.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Bản quy định "Đạo đức hành nghề dược" để áp dụng cho người hành nghề dược kể cả người nước ngoài hành nghề dược tại Việt Nam.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3: Các ông, bà: Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Vụ trưởng các vụ thuộc Bộ Y tế, Cục trưởng Cục Quản lý dược Việt Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty dược Việt Nam, Giám đốc Sở y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế ngành, thủ trưởng, người đứng đầu các cơ sở hành nghề dược và các đối tượng quy định tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

THỨ TRƯỞNG BỘ Y TẾ




Lê Văn Truyền

 

ĐẠO ĐỨC HÀNH NGHỀ DƯỢC

(Ban hành kèm theo Quyết định số 2397/1999/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 10 tháng 8 năm 1999)

Là một bộ phận của những người làm công tác y tế, người hành nghề dược có trách nhiệm thực hiện 12 điều quy định về Y đức, đồng thời phải có những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp riêng- đạo đức hành nghề dược- để rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu góp phần thực hiện sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Đạo đức hành nghề dược bao gồm những nội dung sau:

1. Phải đặt lợi ích của người bệnh và sức khoẻ nhân dân lên trên hết.

2. Phải hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và tiết kiệm cho người bệnh và nhân dân. Tích cực, chủ động tuyên truyền kiến thức về chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

3. Phải tôn trọng và bảo vệ quyền của người bệnh, những bí mật liên quan đến bệnh tật của người bệnh.

4. Phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và những quy định chuyên môn; thực hiện Chính sách quốc gia về thuốc. Không lợi dụng hoặc tạo điều kiện cho người khác lợi dụng nghề nghiệp để mưu cầu lợi ích cá nhân, vi phạm pháp luật.

5. Phải tôn trọng và hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước, kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động nghề nghiệp.

6. Phải trung thực, thật thà, đoàn kết, kính trọng các bậc thầy, tôn trọng đồng nghiệp. Sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm, trao đổi kiến thức với đồng nghiệp và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

7. Phải hợp tác chặt chẽ với các cán bộ y tế khác để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học.

8. Phải thận trọng, tỷ mỉ, chính xác trong khi hành nghề. Không được vì mục đích lợi nhuận mà làm thiệt hại sức khoẻ và quyền lợi của người bệnh, ảnh hưởng xấu đến danh dự và phẩm chất nghề nghiệp.

9. Không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp, tích cực nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học- công nghệ, phát huy sáng kiến, cải tiến, đáp ứng tốt các yêu cầu phục vụ xã hội trong mọi tình huống.

10. Phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trong hành nghề, gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh; tích cực tham gia đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội.