BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2368/QĐ-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 29
tháng 7 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT NHÓM CẢNG BIỂN BẮC TRUNG BỘ
(NHÓM 2) GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Luật Xây dựng số
50/2014/QH13 năm 2014;
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt
Nam năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP
ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số
92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý
quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP
ngày 11 tháng 01 năm 2008 về sửa đổi, bổ sung một số điểm của Nghị định số
92/2006/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số
1037/QĐ-TTg ngày 24 năm 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều
chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định
hướng đến năm 2030;
Xét Tờ trình số
4852/TTr-CHHVN ngày 25 tháng 11 năm 2015; Văn bản số 2547/CHHVN-KHĐT ngày 23
tháng 6 năm 2016 của Cục Hàng hải Việt Nam tiếp thu, giải trình các ý kiến của
thành viên Hội đồng thẩm định kèm theo hồ sơ quy hoạch hoàn chỉnh; Biên bản Hội
đồng thẩm định tháng 6 năm 2016 về Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển
Bắc Trung bộ (Nhóm 2) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Xét đề nghị của Thường trực
Hội đồng thẩm định và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt chỉnh Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển Bắc
Trung bộ (Nhóm 2) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ
yếu sau:
I. Phạm vi
quy hoạch
Phạm vi quy hoạch là các cảng
biển thuộc các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ: Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Phạm
vi phục vụ bao gồm các tỉnh trên và một số tỉnh phía Bắc, trung Lào và Đông Bắc
Thái Lan.
II. Quan điểm
và mục tiêu phát triển
1. Quan điểm phát triển
- Phát triển cảng biển đáp ứng
hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và
Hà Tĩnh, đồng thời tạo động lực thúc đẩy phát triển mạnh các khu kinh tế, khu
công nghiệp ven biển gồm Khu kinh tế Nghi Sơn, Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An và
Khu kinh tế Vũng Áng.
- Phát triển các bến cảng tổng
hợp tại cảng Nghi Sơn, Cửa Lò, Vũng Áng thành các bến cảng đầu mối đáp ứng nhu
cầu vận tải biển khu vực nội vùng, nội Á và là các bến cảng vệ tinh đối với cảng
cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Vũng Tàu; các bến cảng chuyên dùng có bến tổng hợp
phục vụ trực tiếp cho các khu công nghiệp.
- Chú trọng sự kết nối liên
hoàn giữa cảng biển Nhóm 2 với mạng giao thông quốc gia và hành lang Đông -
Tây, đặc biệt với Lào qua các Quốc lộ 217, Quốc lộ 7, Quốc lộ 8, Quốc lộ 12A.
- Tận dụng điều kiện tự nhiên
thuận lợi để phát triển phù hợp, ổn định các bến phao, điểm chuyển tải hàng hóa
trên quan điểm không làm ảnh hưởng đến các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội
khác, thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn, an
ninh hàng hải, nhằm giảm chi phí đầu tư, chi phí vận tải đường biển, góp phần
giảm áp lực vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông trên đường bộ.
- Cỡ tàu theo quy hoạch (tấn trọng
tải) để làm cơ sở đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng công cộng cảng biển, không là
cơ sở để không cho phép tàu có trọng tải lớn hơn hành hải trên luồng và ra, vào
cảng. Các tàu có trọng tải lớn hơn nhưng có thông số kỹ thuật phù hợp với khả
năng tiếp nhận của cầu cảng, phù hợp chuẩn tắc kỹ thuật của luồng tàu (bề rộng,
chiều sâu, tĩnh không...), đảm bảo điều kiện an toàn đều được cấp phép ra, vào
cảng.
Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp
cầu bến phải gắn liền với đầu tư xây dựng các công trình phụ trợ (kho hàng,
bãi...) và đầu tư trang thiết bị bốc dỡ đồng bộ, phù hợp với cỡ tàu tiếp nhận,
đảm bảo công suất thiết kế của cảng.
2. Mục tiêu, định hướng phát
triển
a) Mục tiêu chung:
Phát triển cảng biển Bắc Trung
bộ (Nhóm 2) đồng bộ, hài hòa giữa các bến tổng hợp và các bến cảng chuyên dùng
để kịp thời đáp ứng cho sự hình thành và phát triển của các khu kinh tế trọng
điểm, khu công nghiệp, các cơ sở công nghiệp tập trung ngành điện, khai khoáng,
lọc hóa dầu trong khu vực; kết hợp thu hút và đáp ứng một phần nhu cầu vận tải
biển một số tỉnh của Lào và Thái Lan.
b) Mục tiêu cụ thể:
Bảo đảm thông qua cảng lượng
hàng các giai đoạn quy hoạch như sau:
- Khoảng từ 107 đến 141 triệu tấn/năm
vào năm 2020, trong đó lượng hàng tổng hợp từ 15,8 đến 19,5 triệu tấn/năm.
- Khoảng từ 179 đến 238 triệu tấn/năm
vào năm 2030, trong đó lượng hàng tổng hợp từ 32,0 đến 43,2 triệu tấn/năm.
Trong đó tập trung phát triển
ba bến cảng tổng hợp chính là bến cảng Nghi Sơn, bến cảng Cửa Lò, bến cảng Vũng
Áng, tạo động lực phát triển các khu kinh tế ven biển thuộc ba tỉnh Thanh Hóa,
Nghệ An và Hà Tĩnh.
III. Nội
dung quy hoạch
1. Quy hoạch chi tiết các cảng
trong nhóm
a) Cảng biển Nghi Sơn (Thanh
Hóa): Là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), gồm các khu bến
cảng Nam Nghi Sơn, Bắc Nghi Sơn và khu bến Hòn Mê.
Lượng hàng thông qua dự kiến
vào năm 2020 khoảng từ 32,7 đến 38,7 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng từ 56,4 đến
65,6 triệu tấn/năm. Trong đó, riêng công ten nơ dự kiến vào năm 2020 khoảng từ
40 đến 80 ngàn TEU/năm; năm 2030 khoảng từ 110 đến 180 ngàn TEU/năm.
Quy hoạch chi tiết các khu bến
chức năng chính như sau:
- Khu bến cảng Nam Nghi Sơn:
khu bến tổng hợp, công ten nơ, có bến chuyên dùng, tiếp nhận tàu có trọng tải từ
30.000 đến 50.000 tấn. Đáp ứng lượng hàng thông qua dự kiến khoảng 16,5 triệu tấn/năm
vào năm 2020, khoảng 27,6 triệu tấn/năm vào năm 2030. Bao gồm:
+ Bến cảng tổng hợp (bao gồm cả
hàng rời, sản phẩm thép): Thông qua dự kiến đạt 12,25 triệu tấn/năm vào năm
2020, khoảng 19,5 triệu tấn/năm vào năm 2030. Giai đoạn đến 2020, đầu tư xây mới
các bến tổng hợp số 6, số 7 và 04 bến sản phẩm thép.
+ Bến cảng công ten nơ: Phát
triển có điều kiện, phù hợp nhu cầu, năng lực của nhà đầu tư, đảm bảo tính khả
thi.
+ Bến cảng Trung tâm điện lực
Nghi Sơn (gồm Nhà máy Nghi Sơn 1 và 2): thông qua dự kiến đạt 4,2 triệu tấn/năm
vào năm 2020, khoảng 8,1 triệu tấn/năm vào năm 2030.
- Khu bến cảng Bắc Nghi Sơn: Là
khu vực tập trung các bến chuyên dùng của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, bến
chuyên dùng của các nhà máy trong khu công nghiệp, tiếp nhận cỡ tàu có trọng tải
từ 30.000 đến 50.000 tấn. Năng lực thông qua dự kiến đạt 21,5 triệu tấn/năm vào
năm 2020, khoảng 36,5 triệu/tấn vào năm 2030. Bao gồm:
+ Bến cảng nhà máy lọc hóa dầu:
Năng lực thông qua dự kiến đạt 17,5 triệu tấn/năm vào năm 2020 và khoảng 32,5
triệu tấn/năm vào năm 2030 (tính cả lượng dầu thô nhập từ SPM ngoài khơi).
+ Bến cảng nhà máy xi măng Nghi
Sơn: Năng lực thông qua dự kiến đạt khoảng 4,0 triệu tấn/năm.
- Khu bến đảo Hòn Mê ngoài khơi
cảng Nghi Sơn gồm có: (i) Khu nhập dầu thô cho nhà máy lọc hóa dầu (SPM) tiếp
nhận tàu dầu trọng tải từ 200.000 đến 400.000 tấn; (ii) Khu chuyển tải than và
hàng hóa xuất nhập khẩu cho tàu trọng tải lớn vượt khả năng tiếp nhận của luồng
cào cảng Nam Nghi Sơn.
- Khu bến Lệ Môn, Quảng Châu,
Quảng Nham: là các bến cảng tổng hợp địa phương (loại II), có bến chuyên dùng
tiếp nhận tàu trọng tải đến 1.000 tấn. Năng lực thông qua dự kiến khoảng 0,75
triệu tấn/năm vào năm 2020, khoảng 1,5 triệu tấn/năm vào năm 2030.
b) Cảng biển Nghệ An: Là
cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), gồm các khu bến Nam Cửa Lò, Bắc
Cửa Lò và khu bến cảng chuyên dùng Đông Hồi. Trong đó:
- Khu bến Nam Cửa Lò: Là khu bến
tổng hợp kết hợp công ten nơ, gồm 4 bến cảng hiện hữu tiếp nhận tàu trọng tải
10.000 tấn; phát triển các bến phía hạ lưu (2 đến 4 bến) tiếp nhận tàu trọng tải
đến 20.000 tấn; bến cảng phía bờ đối diện phát triển có điều kiện, phù hợp với
năng lực, nhu cầu, tiến trình đầu tư khu kinh tế Đông Nam Nghệ An và phát triển
kinh tế khu vực. Đáp ứng lượng hàng thông qua dự kiến khoảng 5,5 triệu tấn/năm
vào năm 2020; khoảng 15 triệu tấn/năm vào năm 2030.
- Khu bến Bắc Cửa Lò: Là khu bến
chuyên dùng có bến tổng hợp, tiếp nhận cỡ tàu có trọng tải từ 10.000 đến 70.000
tấn (tùy thuộc vào nhu cầu và năng lực nhà đầu tư). Đáp ứng lượng hàng thông
qua dự kiến khoảng 6,25 triệu tấn/năm vào năm 2020 và 8,0 triệu tấn/năm vào năm
2030. Bao gồm:
+ Bến chuyên dùng xăng dầu: Cho
tàu có trọng tải đến 30.000 tấn. Năng lực thông qua dự kiến đạt khoảng 0,75 triệu
tấn/năm vào năm 2020 và 1,5 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2030.
+ Bến chuyên dùng xi măng,
clinker: cho tàu có trọng tải 10.000 tấn đến 70.000 tấn. Năng lực thông qua dự
kiến đạt khoảng 5,5 triệu tấn/năm vào năm 2020 và 6,5 triệu tấn/năm trong giai
đoạn 2030.
+ Bến tổng hợp kết hợp công ten
nơ: Cho tàu trọng tải từ 30.000 đến 50.000 tấn, phát triển phụ thuộc vào tiến
trình phát triển khu kinh tế, nhu cầu và năng lực Nhà đầu tư.
- Khu bến Đông Hồi: Khu bến cảng
chuyên dùng có bến tổng hợp phục vụ trực tiếp các cơ sở công nghiệp thuộc khu
công nghiệp Đông Hồi (Nghệ An), tiếp nhận tàu có trọng tải từ 30.000 đến 50.000
tấn vào làm hàng. Đáp ứng lượng hàng thông qua theo nhu cầu và năng lực đầu tư
khu công nghiệp Đông Hồi.
- Khu bến Bến Thủy, Cửa Hội: Có
chức năng là khu bến cảng tổng hợp địa phương có bến chuyên dùng, tiếp nhận cỡ
tàu có trọng tải từ 1.000 đến 2.000 tấn, đáp ứng lượng hàng thông qua dự kiến
khoảng 0,75 triệu tấn/năm vào năm 2020. Khu bến Bến Thủy sẽ dần chuyển đổi công
năng thành khu bến dịch vụ du lịch của địa phương và phao neo Nghi Hương giảm dần
tiến tới ngừng khai thác sau năm 2025.
c) Cảng biển Hà Tĩnh: Là
cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I) gồm khu bến Vũng Áng và khu bến
Sơn Dương. Trong đó:
- Khu bến cảng Vũng Áng: Có chức
năng là khu bến bến tổng hợp, công ten nơ, có bến chuyên dùng. Năng lực thông
qua dự kiến khoảng 18,5 triệu tấn/năm vào năm 2020, khoảng 29,7 triệu tấn/năm
vào năm 2030. Bao gồm:
+ Bến cảng tổng hợp và công ten
nơ: Giữ vai trò trung tâm của khu bến cảng, tiếp nhận tàu có trọng tải đến
50.000 tấn, tàu chở công ten nơ đến 4.000 TEU vào làm hàng. Năng lực thông qua
dự kiến khoảng 9,0 triệu tấn/năm vào năm 2020, khoảng 19,7 triệu tấn/năm vào
năm 2030.
+ Bến chuyên dùng xăng dầu: Tiếp
nhận tàu có trọng tải đến 15.000 tấn, thông qua dự kiến 1,0 triệu tấn/năm vào
năm 2020, khoảng 1,5 triệu tấn/năm vào năm 2030.
+ Bến chuyên dùng cho các nhà
máy nhiệt điện: Tiếp nhận tàu chở than có trọng tải đến 120.000 tấn. Năng lực
thông qua dự kiến đạt 8,5 triệu tấn/năm vào năm 2020, khoảng 8,5 triệu tấn/năm
vào năm 2030.
- Khu bến cảng Sơn Dương: Là
khu bến chuyên dùng có bến tổng hợp phục vụ chủ yếu cho các cơ sở công nghiệp
sau cảng như luyện kim, lọc hóa dầu, khai khoáng..., có thể đáp ứng cho tàu trọng
tải đến 300.000 tấn; hình thành các bến tổng hợp, công ten nơ khi các bến tổng
hợp, công ten nơ tại Vũng Áng đã phát triển hết công suất. Nghiên cứu bố trí cảng
trung chuyển than cho tàu 100.000 đến 200.000 tấn phục vụ các trung tâm nhiệt
điện tại khu vực. Năng lực thông qua cảng Sơn Dương dự kiến đạt khoảng 63 triệu
tấn/năm vào năm 2020 và đạt khoảng 108 triệu tấn/năm vào năm 2030.
- Bến cảng Xuân Hải: Là bến cảng
tổng hợp địa phương, tiếp nhận cỡ tàu có trọng tải từ 1.000 đến 2.000 tấn vào
làm hàng. Đáp ứng lượng hàng thông qua dự kiến khoảng 0,5 triệu tấn/năm đến năm
2030.
- Bến cảng Cửa Sót (Thạch Khê):
Khu bến cảng chuyên dùng tiềm năng phục vụ công nghiệp khai khoáng khi có yêu cầu.
- Bến cảng xăng dầu Xuân Giang:
Tiếp nhận tàu trọng tải 2.000 tấn.
(Chi tiết về dự báo lượng
hàng thông qua cảng; quy mô, chức năng, công suất từng bến cảng trong nhóm tại
Phụ lục và hồ sơ quy hoạch kèm theo Quyết định này).
2. Quy hoạch phát triển luồng
vào cảng
- Luồng vào khu bến Nam Nghi
Sơn: Khai thác hiệu quả tuyến luồng hiện hữu, đảm bảo cho tàu 30.000 tấn và
cỡ tàu lớn hơn phù hợp với thông số kỹ thuật luồng tàu. Đầu tư mới vũng quay
tàu dùng chung tại địa điểm trước bến số 4 và số 5. Các giai đoạn tiếp theo sẽ
căn cứ vào thực tế phát triển của cảng, lượng hàng hóa và đội tàu đến cảng để
nghiên cứu nâng cấp, mở rộng luồng tàu.
- Luồng vào khu bến Nam Cửa
Lò: Khai thác hiệu quả tuyến luồng hiện hữu, đảm bảo cho tàu 10.000 tấn và
tàu có trọng tải lớn hơn phù hợp với thông số kỹ thuật của luồng tàu; tiếp tục
nghiên cứu, triển khai đầu tư nâng cấp, mở rộng luồng cho tàu có trọng tải lớn
hơn để đáp ứng nhu cầu khai thác cảng.
- Luồng vào khu bến Vũng
Áng: Khai thác hiệu quả tuyến luồng hiện hữu cho tàu 40.000 tấn và tàu có
trọng tải lớn hơn phù hợp với thông số kỹ thuật của luồng tàu. Nghiên cứu phát
triển luồng tàu, đê chắn sóng theo quy hoạch trên cơ sở thực tế phát triển của
cảng.
3. Định hướng đối với hạ tầng
giao thông kết nối
- Đường bộ: Khai thác hiệu
quả các tuyến đường bộ đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng: Quốc lộ 1, Quốc lộ
217, Nghi Sơn - Bãi Trành, Quốc lộ 8, Quốc lộ 12A, 12C; Thực hiện đầu tư nâng cấp,
mở rộng và tổ chức khai thác hiệu quả các tuyến kết nối cảng biển: Nghi Sơn -
Thọ Xuân, Quốc lộ 7 và các tuyến nối với bến cảng Cửa Lò;
- Đường thủy nội địa: Khai
thác hiệu quả tuyến vận tải ven biển kết nối tới các cảng biển; tuyến sông Lam
kết nối với bến cảng Bến Thủy và bến cảng Cửa Lò theo cấp kỹ thuật đã được quy
hoạch.
- Đường sắt: Nghiên cứu
đầu tư tuyến đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ kết nối bến cảng Vũng Áng.
4. Các dự án ưu tiên giai đoạn
đến năm 2020
- Đầu tư mới vũng quay tàu trước
bến số 4, số 5 khu bến Nam Nghi Sơn.
- Nâng cấp tuyến luồng vào bến
cảng Cửa Lò Giai đoạn 2.
- Nghiên cứu đầu tư nối dài tuyến
đê chắn sóng hiện hữu tại khu bến Vũng Áng.
IV. Các
chính sách, cơ chế và giải pháp thực hiện
1. Giải pháp quản lý thực hiện
quy hoạch
- Đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu
tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển bằng các hình thức PPP (BOT, BTO...).
Tăng cường xúc tiến đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi
thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển cảng biển bằng
các hình thức theo quy định; khuyến khích các nhà đầu tư thuộc khu kinh tế, khu
công nghiệp tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển và cơ sở hạ tầng kết nối cảng.
- Nguồn vốn ngân sách chỉ đầu
tư cho các hạng mục cơ sở hạ tầng công cộng (luồng tàu, đê chắn sóng...) của cảng
biển, bến cảng quan trọng. Việc đầu tư bến cảng theo quy hoạch được thực hiện
theo hình thức xã hội hóa. Các bến cảng do Nhà đầu tư đề xuất sẽ do Nhà đầu tư
chịu trách nhiệm về nguồn vốn, hiệu quả đầu tư hạ tầng bến cảng và hạ tầng kết
nối cảng.
- Trường hợp Nhà đầu tư đề xuất
được đầu tư cầu cảng, bến cảng với quy mô lớn hơn (về trọng tải tàu tiếp nhận)
so với quy hoạch, Bộ Giao thông vận tải chấp thuận trên cơ sở xem xét cụ thể loại
hàng, chủng loại tàu vào làm hàng tại cảng nhưng không làm thay đổi công năng cảng;
đồng thời, Nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư của dự án.
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách
hành chính trong quản lý đầu tư và hoạt động khai thác bến cảng theo hướng đơn
giản hóa và hội nhập quốc tế. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong quá
trình thực hiện quy hoạch.
- Lưu ý dành quỹ đất thích hợp
phía sau cảng để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa với chức năng đầu mối
logistics.
- Quy hoạch chi tiết xây dựng bến
cảng cần quy hoạch cơ sở làm việc của cảng vụ hàng hải, các cơ quan quản lý nhà
nước chuyên ngành tại các khu cảng mới để đảm bảo việc quản lý nhà nước tại các
cảng được thuận lợi, hiệu quả.
2. Giải pháp đối với các bến
phao, khu chuyển tải
- Các bến phao, điểm chuyển tải
hàng hóa theo quy hoạch: Được quy hoạch, tổ chức quản lý quy hoạch và được khuyến
khích đầu tư, khai thác ổn định, lâu dài, phù hợp quy hoạch chung của cảng như
đối với các cầu cảng, bến cảng.
- Các bến phao, điểm chuyển tải
tạm thời: Không được quy hoạch, chỉ được cấp phép hoạt động trong thời gian nhất
định, tối đa không quá 5 năm và chỉ khi các cầu, bến cảng, bến phao, điểm chuyển
tải theo quy hoạch tại khu vực chưa đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa thực tế.
Chủ đầu tư các bến phao phải dừng hoạt động và thu hồi các bến phao khi hết thời
hạn hoạt động.
Điều 2. Quản
lý và tổ chức thực hiện quy hoạch
1. Cục Hàng hải Việt Nam
- Chủ trì, phối hợp với Sở,
ban, ngành các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan công bố và quản lý thực
hiện quy hoạch được duyệt.
- Chủ trì, phối hợp với Sở,
ban, ngành các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan tham mưu cho Bộ Giao
thông vận tải trong việc thỏa thuận đầu tư dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp,
mở rộng cầu cảng, bến cảng.
- Chủ trì thẩm định, báo cáo Bộ
Giao thông vận tải xem xét, quyết định việc cập nhật, bổ sung, điều chỉnh quy
mô, chức năng, tiến độ thực hiện các cầu, bến cảng.
- Đối với các cảng, bến cảng tiềm
năng: Căn cứ nhu cầu thực tế, theo đề xuất của Nhà đầu tư và Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố, Cục Hàng hải Việt Nam tổng hợp, báo cáo Bộ Giao thông vận
tải xem xét, quyết định.
- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế cụ
thể để quản lý, khai thác bến phao, khu neo chuyển tải hoạt động dài hạn, tạm
thời.
- Thường xuyên phối hợp với
chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan, tổ chức kiểm tra tình hình thực
hiện quy hoạch phát triển cảng biển, đề xuất xử lý các dự án không tuân thủ quy
hoạch; định kỳ hàng năm báo cáo Bộ tổng kết tình hình triển khai thực hiện quy
hoạch.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương
- Chỉ đạo việc lập các quy hoạch
của địa phương phù hợp quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển được duyệt; trên cơ sở
đó, tổ chức quản lý chặt chẽ quỹ đất xây dựng cảng; bố trí quỹ đất theo quy hoạch
để phát triển đồng bộ cảng và hạ tầng kết nối với cảng, khu dịch vụ hậu cảng, dịch
vụ hàng hải đảm bảo điều kiện hoạt động thuận lợi cho các cảng biển.
- Trước khi cấp vùng đất, vùng
nước khu vực quy hoạch đầu tư xây dựng cảng biển, bến cảng, cấp Giấy chứng nhận
đầu tư cho dự án đầu tư xây dựng cảng, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành
phố có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải để Bộ tham gia ý kiến về các nội dung
liên quan đến quy hoạch cảng (công năng, quy mô, thời điểm, tiến độ đầu tư)
theo quy định, đồng thời phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác quản
lý thực hiện quy hoạch.
- Chỉ đạo cơ quan chức năng của
địa phương phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng hải Việt Nam trong quá trình lập, thẩm
định, trình duyệt quy hoạch chi tiết các khu bến cảng; báo cáo Bộ Giao thông vận
tải việc cập nhật, bổ sung hoặc điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng biển, bến cảng
theo quy định.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế
Quyết định số 1742/QĐ-BGTVT ngày 03 tháng 8 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải.
Điều 4.
Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ; Vụ trưởng các Vụ;
Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các tổ chức, cá nhân có liên quan
chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
|
BỘ TRƯỞNG
Trương Quang Nghĩa
|
- Ký hiệu: TH - tổng hợp; CD -
chuyên dùng; Chưa XD - chưa xây dựng; Đang XD - đang xây dựng;
Tiến độ đầu tư các bến cảng là
dự kiến theo dự báo nhu cầu thông qua hàng hóa, có thể được thay đổi để phù hợp
với nhu cầu thực tế.