Quyết định 234/2006/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết về khoa học và công nghệ, giai đoạn 2006 – 2010 do tỉnh Bình Dương ban hành

Số hiệu 234/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 13/10/2006
Ngày có hiệu lực 23/10/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Nguyễn Hoàng Sơn
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 234/2006/QĐ-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 13 tháng 10 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TỈNH ĐẢNG BỘ KHOÁ VIII VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 272/2003/QĐ-TTg ngày 31/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2010”;

Căn cứ Quyết định số 67/2006/QĐ-TTg ngày 21/03/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu giai đoạn 5 năm 2006 – 2010;

Theo đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 91/TTr-SKHCN ngày 12/9/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đại hội Tỉnh Đảng bộ khoá VIII về khoa học và công nghệ, giai đoạn 2006 – 2010 (kèm theo).

Điều 2. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Sơn

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

I. Những kết quả đạt được

1. Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ

- Trong giai đoạn 2001 - 2005, các sở, ban, ngành, cơ quan nghiên cứu và phát triển, trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh đã thực hiện 40 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đến nay đã tiến hành đánh giá nghiệm thu 24 đề tài, dự án. Các đề tài, dự án triển khai trong giai đoạn này hầu hết là các nghiên cứu gắn với ứng dụng, để giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tế. Nhiều đề tài, dự án phát huy hiệu quả ngay trong quá trình thực hiện và đều được ứng dụng vào thực tế sản xuất và đời sống ở các mức độ và phạm vi khác nhau.

- Các đề tài trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, y tế, giáo dục đã góp phần cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để soạn thảo các Nghị quyết, hoạch định chủ trương, chính sách, nâng cao hiệu lực quản lý của các cơ quan Nhà nước.

- Các đề tài, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp - phát triển nông thôn, tập trung nghiên cứu, thử nghiệm chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt. Công tác chuyển giao áp dụng mô hình kỹ thuật tiến bộ vào nông nghiệp được đẩy mạnh, góp phần tăng năng suất cây trồng từ 8 – 15% so với năm 2001. Tỷ lệ diện tích được trồng giống mới các loại như: cây cao su đạt 93%, bưởi 65%, sầu riêng 70%, mía 85%, điều 58%, đậu phộng 70% và rau đạt 100%. Năng suất và chất lượng giống gia súc, gia cầm được nâng lên, 85% là heo lai 2 - 3 máu ngoại, đàn bò nền được Sind hoá trên 90%. Một số hộ nông dân, tổ chức kinh tế đã áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp, công nghệ cao vào trồng rau, quả sạch.

- Các đề tài, dự án trong lĩnh vực công nghiệp - môi trường tập trung vào điều tra trình độ công nghệ, giải pháp cơ khí hoá nông nghiệp, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, chế biến nông, lâm sản.

- Ngoài các đề tài, dự án cấp tỉnh, trong giai đoạn này, còn có 4 dự án xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và 01 dự án sản xuất sứ polyme cách điện, được Trung ương hỗ trợ triển khai đạt kết quả trên địa bàn tỉnh.

2. Đổi mới công nghệ

Tiến hành điều tra, đánh giá trình độ về công nghệ tại 200 doanh nghiệp thuộc 6 ngành sản xuất chủ yếu của tỉnh: Chế biến thực phẩm; da - giày da; chế biến nông lâm sản; may mặc; điện - điện tử - thiết bị nghe nhìn; cao su và plastic cho thấy:

- Thiết bị sản xuất còn tương đối mới và còn khá tốt, do đó có khả năng tăng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp. 64,5% doanh nghiệp có chú ý đến việc đổi mới và nâng cấp thiết bị, trong đó ngành chế biến lâm sản và cao su - plastic có hệ số đổi mới thiết bị cao.

- 38,3% doanh nghiệp sử dụng hiệu quả trang thiết bị. Thiết bị tự động hóa trong dây chuyền sản xuất ở các ngành không đều nhau, trong đó ngành giày da và da mức độ tự động hóa thấp.

- Khoảng 50% doanh nghiệp có tỷ lệ phế phẩm thấp trong quá trình sản xuất.

- Về môi trường có khoảng 69% doanh nghiệp có môi trường sản xuất tương đối tốt, riêng ngành may mặc, giày da và da cần phải cải thiện môi trường sản xuất.

[...]