Quyết định 2326/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Phương án chuyển đổi đất trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp sang loại cây trồng khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản để có hiệu quả kinh tế cao hơn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 2326/QĐ-UBND
Ngày ban hành 01/07/2016
Ngày có hiệu lực 01/07/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Nguyễn Đức Quyền
Lĩnh vực Bất động sản

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2326/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 01 tháng 7 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN CHUYỂN ĐỔI ĐẤT TRỒNG LÚA NĂNG SUẤT, HIỆU QUẢ THẤP SANG CÁC LOẠI CÂY TRỒNG KHÁC VÀ KẾT HỢP NUÔI TRỒNG THỦY SẢN ĐỂ CÓ HIỆU QUẢ KINH TẾ CAO HƠN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 20/4/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững;

Căn cứ Quyết định số 287-QĐ/TU ngày 27/5/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII về ban hành chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016- 2020;

Căn cứ Quyết định số 4833/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2320/QĐ-UBND, ngày 24/6/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về ban hành chương trình hành động của UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 20/4/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 125/ TTr-SNNPTNT ngày 20/6/2016 về việc đề nghị phê duyệt Phương án chuyển đổi đất trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp sang các loại cây trồng khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản để có hiệu quả kinh tế cao hơn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án chuyển đổi đất trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp sang các loại cây trồng khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản để có hiệu quả kinh tế cao hơn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020.

(Có phương án kèm theo)

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã thành phố và các cơ quan liên quan thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Công thương, Cục Thống kê tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Quyền

 

PHƯƠNG ÁN

CHUYỂN ĐỔI ĐẤT TRỒNG LÚA NĂNG SUẤT, HIỆU QUẢ THẤP SANG CÁC LOẠI CÂY TRỒNG KHÁC VÀ KẾT HỢP NUÔI TRỒNG THỦY SẢN ĐỂ CÓ HIỆU QUẢ KINH TẾ CAO HƠN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2326/QĐ-UBND, ngày 01/7/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa)

I. THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH CHUYỂN ĐỔI

1. Kết quả thực hiện mô hình chuyển đổi giai đoạn 2011 - 2015

Với diện tích đất trồng lúa và cây hàng năm lớn, điều kiện thời tiết khí hậu đa dạng, cùng với điều kiện sản xuất, trình độ canh tác của nhân dân ở nhiều vùng có sự khác nhau làm cho hệ thống cây trồng trong tỉnh khá đa dạng, phong phú. Giai đoạn 2011 - 2015, chương trình chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, gắn với đổi mới cơ cấu cây trồng đã đạt được những kết quả quan trọng; nhiều đối tượng cây trồng tăng nhanh về diện tích, sản lượng và giá trị.

Tổng diện tích đất lúa chuyển đổi sang trồng cây khác và đất lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản từ 2011 - 2015 đạt 5.608 ha, trong đó: đất lúa chuyển đổi sang trồng cây khác 4.809ha, chuyển đổi theo hình thức lúa - cá kết hợp 799ha. Trong đó:

- Các mô hình chuyển đất lúa sang trồng ngô: Diện tích chuyển đổi lúa kém hiệu quả sang trồng ngô từ năm 2011 - 2015 đạt 1.114,6ha, tập trung tại các huyện: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Vĩnh Lộc, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Yên Định...; nâng tổng diện tích đất chuyên ngô từ 2 vụ/năm trở lên đạt trên 5.100ha. Ngoài ra, diện tích ngô vụ đông trồng trên đất lúa tiếp tục được mở rộng; năm 2011 đạt 9.846ha đến năm 2015 đạt khoảng 18.000ha. Năng suất 3 vụ ngô trên đất này đạt bình quân 52 tạ/ha/vụ, cao hơn năng suất ngô trung bình toàn tỉnh 10 tạ/ha/vụ; sản lượng ngô đông trên đất lúa từ 44.300 nghìn tấn/năm 2011 lên 80.000 tấn năm 2015; hiệu quả trong sản xuất ngô đạt lợi nhuận bình quân khoảng 16,4 triệu đồng/ha/vụ. Mặt khác, một số địa phương còn chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô ngọt, ngô giống đạt bình quân hàng năm trên 250ha, doanh thu trên 100 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/ha/năm.

Ngô luôn đang là đối tượng cây trồng có lợi thế về thị trường tiêu thụ trong nước, hiện tại sản phẩm ngô hạt chủ yếu dùng làm thức ăn chăn nuôi, trong tương lai có thể sản xuất ethanol để làm nhiên liệu sinh học; các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất ngô, nhất là các giống ngô biến đổi gen đang từng bước được ứng dụng rộng rãi trong nước và trong tỉnh cho năng suất, sản lượng cao. Mặt khác, kỹ thuật sản xuất ngô dễ thực hiện, khả năng thích ứng rộng trên nhiều loại đất, mùa vụ không quá khắt khe, có thể sản xuất được 3 vụ/năm, yêu cầu nước tưới trong việc trồng ngô ít hơn so với trồng lúa.

- Các mô hình chuyển từ đất lúa sang trồng mía: diện tích chuyển đổi đạt 538ha, năng suất đạt từ 80 tấn/ha trở lên, doanh thu 80 triệu/ha/năm trở lên, lợi nhuận trên 26 triệu đồng/ha/năm, cao hơn lợi nhuận trung bình 9,7 triệu/ha. Tại các huyện: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Bá Thước, Triệu Sơn, Đông Sơn, Thọ Xuân, Như Thanh,... còn chuyển đổi khoảng 1.200ha đất lúa sang trồng các loại mía ăn tươi (mía tím, mía ép nước) cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

- Mô hình chuyển đất lúa sang trồng ớt: diện tích chuyển đổi đạt 685ha (Yên Định 345ha, Hậu Lộc 130ha, Quảng Xương 45ha; Thiệu Hóa 70ha, Vĩnh Lộc 55ha, Nông Cống 40ha...). Ngoài ra mỗi năm có trên 1.000ha ớt được trồng vụ đông trên đất lúa; năng suất bình quân 22 tấn/ha đối với ớt kim chỉ thiên, 34 tấn đối với ớt chỉ địa, ớt ngọt; giá sàn thấp nhất đối với ớt kim là 10.000đ/kg, ớt ngọt 5.000 đồng/kg, doanh thu 160 - 340 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận 100 - 260 triệu đồng/ha/năm.

- Mô hình chuyển đất lúa sang trồng rau màu các loại: diện tích chuyển đổi 757,5ha. Rau được trồng bình quân 4 - 5 vụ/năm như cà chua, khoai tây, rau ăn lá...; bình quân doanh thu từ 45 - 50 triệu đồng/ha/vụ, tổng doanh thu cả năm từ 130 - 200 triệu đồng/ha; lợi nhuận 50 - 60 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có nhiều đối tượng cây trồng có giá trị thu nhập cao như các chua, bí xanh, dưa xuất khẩu đạt từ 80 - 200 triệu/ha.

[...]