UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2251/QĐ-UBND
|
Vĩnh Long,
ngày 30 tháng 10 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA TỈNH VĨNH LONG
GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ
ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 30c/NQ-CP, ngày
08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà
nước giai đoạn 2011 – 2020;
Xét Tờ trình số 460/TTr-SNV, ngày 23 tháng 10
năm 2015 của Giám đốc Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này
Kế hoạch Cải cách hành chính của tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016 - 2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ
ngày ký.
Điều 3. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh,
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Quang Trung
|
KẾ HOẠCH
CẢI CÁCH HÀNH
CHÍNH TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2251/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 của Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)
A. MỤC TIÊU:
1. Tiếp tục xây dựng hệ thống văn
bản quy phạm pháp luật đồng bộ, ổn định và thống nhất, bảo đảm việc tổ chức thực
thi pháp luật được nghiêm minh.
2. Tiếp tục rà soát đơn giản thủ tục
hành chính trên các lĩnh vực, tạo ra bước chuyển biến mới về chất; hoàn thiện
các thủ tục hành chính đảm bảo tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch và công bằng,
thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp khi có yêu cầu giải quyết các công việc
về sản xuất, kinh doanh và đời sống. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế
một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đến
năm 2020 có 8/8 huyện, thị xã, thành phố, 30% cấp xã triển khai mô hình một cửa
hiện đại.
3. Kiện toàn chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn, tổ chức bộ máy các sở, ban ngành, UBND cấp huyện theo Nghị định số
24/2014/NĐ-CP, ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về việc quy định tổ chức
các cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị định
số 37/2014/NĐ-CP, ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về việc quy định tổ chức
các cơ quan chuyên môn UBND cấp huyện trực thuộc tỉnh.
4. Đến năm 2020
có 100% đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện
có cơ cấu hợp lý, đủ trình độ, năng lực và phẩm chất thực hiện công vụ,
phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, phục vụ nhân dân.
5. Tổ chức triển khai thực hiện
Nghị định số 36/2013/NĐ-CP, ngày 22/4/2013 của Chính phủ về vị trí việc làm và
cơ cấu ngạch công chức; triển khai thực hiện Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, ngày
20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế đúng quy định,
đạt hiệu quả.
6. Đẩy mạnh phân cấp quản lý ngân
sách. Nâng cao tính minh bạch, dân chủ và công khai trong quản lý ngân sách nhà
nước; xây dựng thể chế giám sát tài chính đồng bộ và hiệu quả. Tích cực phòng,
chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục thực hiện khoán biên chế và kinh phí hành
chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, ngày 17 tháng 10 năm 2005; Nghị định số
115/2005/NĐ-CP, ngày 05 tháng 9 năm 2005 Nghị định số 43/2006/NĐ-CP, ngày 25
tháng 4 năm 2006 và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP, ngày 07 tháng 10 năm 2013 của
Chính phủ.
7. Đến năm 2020, đảm bảo 100% cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, huyện, thị xã, thành phố,
cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 20% mức độ 4; giao dịch
giữa các cơ quan hành chính nhà nước với doanh nghiệp và công dân được
thực hiện trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của tỉnh. Triển khai ứng dụng công nghệ thông
tin vào trong hoạt động cơ quan hành chính như: Phần mềm quản lý văn bản và hồ
sơ công việc, hệ thống thư điện tử tỉnh Vĩnh Long, triển khai sử dụng văn bản
điện tử (chữ ký số).
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả
việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2008
vào hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
- Đầu tư xây dựng hiện đại hoá các
công sở hành chính các cấp. Tiếp tục thực hiện tốt Quy chế văn hoá công sở, bảo
đảm tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.
B. NỘI DUNG VÀ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU:
I. CẢI CÁCH THỂ CHẾ:
1. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
thuộc thẩm quyền của địa phương nhằm đảm bảo công tác quản lý và khuyến khích,
tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất,
kinh doanh, thu hút lao động, giải quyết việc làm, thực hiện các chính sách xã
hội,... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2. Tạo điều kiện thuận lợi để Uỷ ban Mặt trận Tổ
quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ
chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, các nhà khoa học thực hiện phản biện
các chương trình, đề án, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội và dự thảo
văn bản quy phạm pháp luật của địa phương; xây dựng quy chế cụ thể để lấy ý kiến
của nhân dân và đối tượng bị điều chỉnh trước khi ban hành văn bản quy phạm
pháp luật.
3. Thường xuyên rà soát và kịp thời tham mưu, đề
xuất cấp có thẩm quyền hủy bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật
cho phù hợp với thực tiễn của địa phương và quy định của Trung ương.
II. CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH:
1. Thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát thủ tục
hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân tỉnh.
2. Kiểm tra chặt chẽ việc
ban hành mới các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của Uỷ ban nhân
dân tỉnh.
3. Công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành
chính bằng nhiều hình thức thích hợp; duy trì và nhập cơ sở dữ liệu quốc gia về
thủ tục hành chính.
4. Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá
nhân, tổ chức về quy định hành chính để nâng cao chất lượng các thủ tục hành
chính.
5. Tiếp tục nhân rộng, nâng cao chất lượng và hiệu
quả của cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; triển khai mô hình một cửa
hiện đại; đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện liên thông
giữa các cơ quan cùng cấp hành chính và giữa các cấp hành chính, nhằm nâng cao
tính công khai, minh bạch và giải quyết tốt công việc cho tổ chức, công dân và
doanh nghiệp.
III. CẢI CÁCH TỔ CHỨC BỘ MÁY:
1. Rà soát xác định cụ thể chức năng, nhiệm vụ,
thẩm quyền của các cơ quan hành chính ở từng cấp, loại bỏ nhiệm vụ chồng chéo,
trùng lắp, bổ sung những nhiệm vụ mới cho phù hợp với yêu cầu quản lý đa ngành,
đa lĩnh vực; kiện toàn các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, đảm bảo tinh
gọn, hợp lý, tương xứng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao;
2. Đẩy mạnh phân cấp quản lý giữa Uỷ ban nhân
dân tỉnh với các Sở, ngành tỉnh, huyện, thị xã, thành phố và giữa huyện, thị
xã, thành phố với xã, phường, thị trấn, đảm bảo tương xứng với nhiệm vụ, thẩm
quyền, trách nhiệm và đồng bộ với nguồn lực tài chính, phù hợp với năng lực của
cán bộ, công chức và các điều kiện cần thiết khác; nhằm khắc phục tình trạng
đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành, các cấp;
3. Kiện toàn các tổ chức tư vấn (Hội đồng, Ban
chỉ đạo...) do Uỷ ban nhân dân tỉnh thành lập theo hướng giao cho một cơ quan
hành chính chủ trì phối hợp với các cơ quan khác trong tổ chức thực hiện;
4. Tiếp tục cải tiến chế độ làm việc, tăng cường
trách nhiệm, năng lực của người đứng đầu cơ quan hành chính và cá nhân từng cán
bộ, công chức trong giải quyết công việc của tổ chức, công dân và doanh nghiệp.
IV. ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG
ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC:
1. Xác định cơ cấu cán bộ, công chức, xây dựng vị
trí việc làm theo tiêu chuẩn chức danh, chức vụ và ngạch công chức để làm cơ sở
xác định biên chế, tuyển dụng và quy hoạch đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ,
công chức;
2. Thực hiện đúng quy định về tuyển dụng công chức,
đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, để chọn người có đủ tiêu chuẩn, phẩm
chất đạo đức, năng lực vào bộ máy nhà nước và có tỷ lệ nữ hợp lý trong các
ngành, lĩnh vực;
3. Đổi mới công tác đánh giá, nhận xét đối với
cán bộ, công chức, đảm bảo trung thực, khách quan và đúng với thành tích, kết
quả thực thi công vụ, nhiệm vụ của từng cán bộ, công chức;
4. Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch phát
triển nguồn nhân lực của từng ngành, từng cấp; có kế hoạch đào tạo chuyên gia về
một số ngành, lĩnh vực ở cấp tỉnh, cấp huyện;
5. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo,
bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã theo tiêu chuẩn của chức vụ, chức danh và ngạch
công chức;
6. Đổi mới phân cấp quản lý công tác cán bộ,
công chức, đảm bảo đồng bộ với phân cấp nhiệm vụ và kinh phí;
7. Tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao
trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của cán bộ, công
chức, viên chức.
8. Triển khai việc ứng dụng
phần mềm quản lý hồ sơ điện tử cán bộ, công chức đến viên chức sự nghiệp công lập
và cán bộ, công chức cấp xã.
V. CẢI CÁCH TÀI CHÍNH CÔNG:
1. Thực hiện phân cấp tài chính và ngân sách,
kinh phí phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của từng sở,
ngành, cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã;
2. Tiếp tục thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu
trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính ở tất cả cơ quan
hành chính các cấp và ở một số xã, phường, thị trấn; (theo Nghị định
130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ về quyền tự chủ, tự chịu
trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với
cơ quan nhà nước và Nghị định 117/2013/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2013 của
Chính phủ về sửa đổi, bổ sung môt số điều của Nghị định 130/2005/NĐ-CP ngày 17
tháng 10 năm 2005 của Chính phủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện
nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với cơ quan nhà nước).
3. Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực
hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với tất cả đơn vị sự
nghiệp công lập; (theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quyền tự chủ, tự
chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối
với đơn vị sự nghiệp công lập).
VI. HIỆN ĐẠI HOÁ NỀN HÀNH CHÍNH:
1. Nâng cấp hệ thống Mạng
tin học của Uỷ ban nhân dân tỉnh, mạng LAN của các Sở, ngành tỉnh, cấp huyện, cấp
xã; phấn đấu đến năm 2020, 100% các văn bản, tài liệu chính thức của hệ
thống các cơ quan hành chính từ cấp tỉnh đến cấp huyện sẽ làm việc, trao đổi
thông tin, báo cáo, luân chuyển, góp ý dự thảo văn bản (không thuộc danh mục bí
mật nhà nước) qua mạng.
2. Thường xuyên cải tiến
Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, Trang thông tin điện tử của các Sở, ngành
tỉnh và huyện, thị xã, thành phố; đưa các thủ tục hành chính lên mức 3, và từng
bước giải quyết thủ tục hành chính thông qua hồ sơ điện tử; nâng cấp hạ tầng
thông tin để đẩy nhanh quá trình xây dựng Chính quyền điện tử;
3. Duy trì, mở rộng và cải tiến việc áp dụng hệ
thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ
quan hành chính nhà nước.
4. Tăng cường đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp
trụ sở các cơ quan hành chính, nhất là ở cấp xã, đảm bảo có đủ điều kiện làm việc
như phương tiện, trang thiết bị hiện đại cần thiết... nhằm thực hiện tốt nhiệm
vụ quản lý hành chính nhà nước và phục vụ tốt nhân dân, doanh nghiệp.
C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
I. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:
1. Thủ trưởng các Sở, ngành tỉnh và Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phải tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện
các nhiệm vụ cải cách hành chính đã đề ra, đưa cải cách hành chính thành một
trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của ngành, địa phương.
2. Nâng cao năng lực nghiên cứu, tham mưu của
các cơ quan chức năng, của cán bộ, công chức chuyên trách cải cách hành chính
trong việc giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng Sở, ngành tỉnh và Uỷ ban nhân
dân cấp huyện, cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính.
3. Bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các
chương trình, đề án cải cách hành chính đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền,
kịp thời phát hiện, phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến, biểu dương những
tập thể, cá nhân làm tốt và phê phán, chỉ rõ những nơi có tiêu cực, thái độ,
tác phong làm việc quan liêu, hách dịch, nhũng nhiễu,... để tất cả cán bộ, công
chức, viên chức nhà nước và nhân dân nhận thức đúng về cải cách hành chính và
thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.
5. Tiếp tục đưa nội dung cải cách hành chính vào
chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở Trường Chính trị Phạm Hùng
và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện.
6. Xây dựng, bổ sung, điều chỉnh Bộ tiêu chí
đánh giá cải cách hành chính.
II. TRÁCH NHIỆM TỔ CHỨC THỰC HIỆN CỦA CÁC
NGÀNH, CÁC CẤP:
1. Sở Nội vụ:
a) Sở Nội vụ là cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban
nhân dân tỉnh tổ chức, triển khai thực hiện kế hoạch này.
b) Hướng dẫn các Sở, ban, ngành và Uỷ ban nhân
dân cấp huyện xây dựng kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn và hàng năm; đồng
thời chủ trì phối hợp các cơ quan có liên quan tham mưu, đề xuất Uỷ ban nhân
dân tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện các nhiệm vụ về cải cách tổ
chức bộ máy và đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
c) Chủ trì phối hợp các cơ quan có liên quan
tham mưu, đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh cụ thể
hoá thành Kế hoạch cải cách hành chính hàng năm của tỉnh; đồng thời triển khai,
đôn đốc, kiểm tra, báo cáo và đánh giá, xếp loại kết quả thực hiện cải cách
hành chính ở các sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện.
2. Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh:
a) Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan
tham mưu, đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện
nhiệm vụ cải cách hành chính;
b) Xây dựng và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện
Quy chế làm việc của Uỷ ban nhân dân tỉnh, chương trình công tác và chương
trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân
dân tỉnh.
3. Sở Tư pháp:
Chủ trì phối hợp các cơ quan có liên quan tham
mưu, đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm
vụ kiểm soát thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban
hành, kiểm tra và báo cáo việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật.
4. Sở Tài chính:
a) Chủ trì phối hợp các cơ quan có liên quan
tham mưu, đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phân bổ
và quyết toán ngân sách thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính và tài chính
công.
b) Chủ trì và phối hợp với các sở, ngành liên
quan triển khai, hướng dẫn thực hiện việc đổi mới cơ chế tự chủ, tự chịu trách
nhiệm của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Chủ trì phối hợp các cơ quan có liên quan tham
mưu, đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc xây
dựng, cải tạo, nâng cấp trụ sở cơ quan hành chính các cấp.
6. Sở Thông tin và Truyền thông:
Chủ trì phối hợp các cơ quan có liên quan tham
mưu, đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện các
nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, xây dựng cơ
quan, đơn vị điện tử và phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về
cải cách hành chính.
7. Sở Khoa học và Công nghệ:
Chủ trì phối hợp các cơ quan có liên quan tham
mưu, đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện ứng
dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 vào hoạt động của
các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Thủ trưởng các Sở, ngành tỉnh và Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân huyện, thị xã, thành phố căn cứ kế hoạch này và kế hoạch hàng năm của
Uỷ ban nhân dân tỉnh, để xây dựng kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016 -
2020 và hàng năm của ngành, địa phương và tổ chức thực hiện; định kỳ quý, 6
tháng, năm báo cáo Sở Nội vụ để theo dõi, tổng hợp và báo cáo Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân tỉnh theo quy định./.