Quyết định 223-QĐ/TW năm 2009 ban hành Quy chế về quan hệ công tác giữa Đảng đoàn Quốc hội với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, tổ đảng các đoàn đại biểu Quốc hội, các ban Trung ương Đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ và các tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương do Bộ Chính trị ban hành

Số hiệu 223-QĐ/TW
Ngày ban hành 15/05/2009
Ngày có hiệu lực 15/05/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Chính trị
Người ký Trương Tấn Sang
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ CHÍNH TRỊ
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------

Số: 223-QĐ/TW

Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA ĐẢNG ĐOÀN QUỐC HỘI VỚI UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI, HỘI ĐỒNG DÂN TỘC, CÁC UỶ BAN CỦA QUỐC HỘI, TỔ ĐẢNG CÁC ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, CÁC BAN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BAN CÁN SỰ ĐẢNG, ĐẢNG ĐOÀN, ĐẢNG UỶ VÀ CÁC TỈNH UỶ, THÀNH UỶ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

- Căn cứ Điều lệ Đảng;
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá X;
- Căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khoá X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị,

BỘ CHÍNH TRỊ QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế về quan hệ công tác giữa Đảng đoàn Quốc hội với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội, tổ đảng các đoàn đại biểu Quốc hội, các ban Trung ương Đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ và các tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương.

Điều 2. Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội, tổ đảng các đoàn đại biểu Quốc hội, các ban Trung ương Đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ và các tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

 

 

T/M BỘ CHÍNH TRỊ




Trương Tấn Sang

 

QUY CHẾ

VỀ QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA ĐẢNG ĐOÀN QUỐC HỘI VỚI UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI, HỘI ĐỒNG DÂN TỘC, CÁC UỶ BAN CỦA QUỐC HỘI, TỔ ĐẢNG CÁC ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, CÁC BAN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BAN CÁN SỰ ĐẢNG, ĐẢNG ĐOÀN, ĐẢNG UỶ VÀ CÁC TỈNH UỶ, THÀNH UỶ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
(ban hành kèm theo Quyết định số 223-QĐ/TW, ngày 15-5-2009 của Bộ Chính trị)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định quan hệ lãnh đạo của Đảng đoàn Quốc hội đối với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội, tổ đảng các đoàn đại biểu Quốc hội và quan hệ phối hợp công tác giữa Đảng đoàn Quốc hội với các ban Trung ương Đảng, Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng uỷ Quân sự Trung ương, Đảng uỷ Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Toà án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước, ban cán sự đảng các bộ, cơ quan ngang bộ, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đảng đoàn các tổ chức chính trị-xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương và Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương (sau đây gọi là các tổ chức đảng trực thuộc Trung ương).

Điều 2. Nguyên tắc quan hệ công tác

Quan hệ công tác giữa Đảng đoàn Quốc hội với các cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 1 của Quy chế này phải dựa trên các nguyên tắc cơ bản sau đây:

1- Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện đúng Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.

2- Phù hợp với nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan tổ chức đã được quy định tại Điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật.

3- Bảo đảm phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả trên cơ sở hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi để mỗi cơ quan, tổ chức hoàn thành tốt nhiệm vụ.

4- Văn bản, tài liệu trao đổi về nội dung quan hệ công tác giữa các cơ quan, tổ chức phải được quản lý theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước.

Chương II

NỘI DUNG VÀ CÁCH THỨC LÃNH ĐẠO CÔNG TÁC

Điều 3. Đối với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

1- Lãnh đạo việc chuẩn bị, trình Quốc hội những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội; việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Hiến pháp, pháp luật, nhất là về các vấn đề: tổ chức và hoạt động của Quốc hội; rút ngắn và kéo dài nhiệm kỳ Quốc hội; chủ trì các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội; công bố tình trạng khẩn cấp, tổng động viên, chiến tranh và hoà bình của đất nước.

2- Lãnh đạo việc chuẩn bị và báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau và những vấn đề phức tạp, nhạy cảm thuộc chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

3- Lãnh đạo việc dự kiến nhân sự của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

[...]