Quyết định 2209/QĐ-UBND năm 2013 Đề án thành lập Phòng Pháp chế và củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế theo Nghị định 55/2011/NĐ-CP do tỉnh Đồng Nai ban hành

Số hiệu 2209/QĐ-UBND
Ngày ban hành 16/07/2013
Ngày có hiệu lực 16/07/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Đinh Quốc Thái
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
 TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2209/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 16 tháng 7 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN THÀNH LẬP PHÒNG PHÁP CHẾ VÀ CỦNG CỐ, KIỆN TOÀN TỔ CHỨC PHÁP CHẾ THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 55/2011/NĐ-CP NGÀY 04/7/2011 CỦA CHÍNH PHỦ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế;

Căn cứ Quyết định số 1477/QĐ-BTP ngày 23/8/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 57/TTr-STP ngày 10/6/2013 về việc ban hành Đề án thành lập Phòng Pháp chế và củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án thành lập Phòng Pháp chế và củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ.

Điều 2. Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức triển khai, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Đề án này và định kỳ báo cáo UBND tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đinh Quốc Thái

 

ĐỀ ÁN

THÀNH LẬP PHÒNG PHÁP CHẾ TẠI 14 SỞ VÀ CỦNG CỐ, KIỆN TOÀN TỔ CHỨC PHÁP CHẾ THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 55/2011/NĐ-CP NGÀY 04/7/2011 CỦA CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2209/QĐ-UBND ngày 16/7/2013 của UBND tỉnh Đồng Nai)

Căn cứ Điều 9 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (sau đây gọi tắt là Nghị định 55); thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Thông báo số 241-TB/TU ngày 23/11/2012 về kết luận Hội nghị giao ban Khối Nội chính quý III/2012, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Đề án thành lập Phòng Pháp chế tại 14 sở và củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ như sau:

Phần I

SỰ CẦN THIẾT THÀNH LẬP, CỦNG CỐ, KIỆN TOÀN TỔ CHỨC PHÁP CHẾ CÁC CƠ QUAN, DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THUỘC UBND TỈNH ĐỒNG NAI QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 55/2011/NĐ-CP NGÀY 04/7/2011 CỦA CHÍNH PHỦ

I. THỰC TRẠNG VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG TÁC PHÁP CHẾ TẠI CÁC SỞ, BAN, NGÀNH VÀ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THUỘC UBND TỈNH

1. Đánh giá thực trạng đội ngũ pháp chế theo Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Quyết định số 46/2009/QĐ-UBND ngày 02/7/2009 của UBND tỉnh ban hành Quy định về thành lập, chức năng và nhiệm vụ của tổ chức pháp chế tại các sở, ban, ngành và doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND tỉnh Đồng Nai thì hầu hết các cơ quan, đơn vị được tổ chức theo mô hình bố trí cán bộ kiêm nhiệm hoặc Tổ Pháp chế với tổng số lượng là 72 người làm công tác pháp chế.

Phần lớn người làm công tác pháp chế của các sở, ban, ngành và doanh nghiệp được bố trí theo chế độ kiêm nhiệm từ bộ phận thanh tra hoặc tổ chức tại đơn vị; một số ít doanh nghiệp thuê luật sư cố vấn làm công tác pháp chế.

Vào thời điểm này, nhiệm vụ của đội ngũ pháp chế tại 14 sở nói riêng tương đối nhẹ; đồng thời, do công chức đảm đương nhiệm vụ này là kiêm nhiệm, thời gian chủ yếu tập trung vào các công việc khác thuộc phạm vi, chức năng của sở nên không có điều kiện cũng như môi trường để cọ xát với nhiệm vụ được pháp luật quy định.

Song song với thực trạng đó, Thủ trưởng một số cơ quan tại các sở, ban, ngành chưa thực sự quan tâm và phân công hợp lý công việc với trình độ nghiệp vụ của bộ phận này. Do đó, chỉ bố trí 01 công chức chuyên trách hoặc kiêm nhiệm nhưng chủ yếu mang tính hình thức. Theo đó, từ 72 người làm công tác pháp chế hiện nay chỉ còn 43 người do chưa tận dụng hết khả năng của bộ phận này nên một số người làm công tác pháp chế trước đây không tiếp tục kiện toàn mà được bố trí sang bộ phận khác.

2. Đánh giá hiện trạng về tổ chức pháp chế theo Nghị định 55

Thực hiện theo Nghị định số 55; hiện nay, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND tỉnh đã bố trí đội ngũ làm công tác pháp chế thuộc bộ phận văn phòng hoặc thanh tra. Một số cơ quan thuộc 14 sở theo Điều 9 Nghị định 55 đã thành lập Tổ Pháp chế (Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư) hay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo đã bổ sung “Phòng Pháp chế” vào tổ chức bộ máy của sở.

Với hình thức tổ chức, cơ cấu bộ máy như trên thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc 14 sở hiện nay chưa đồng bộ, thống nhất nên việc thành lập Phòng Pháp chế là cần thiết trong tình hình hiện nay; đồng thời cũng nhằm đảm bảo tính thống nhất, phù hợp cả về tổ chức lẫn chuyên môn nghiệp vụ của tổ chức pháp chế.

[...]