Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 22/QĐ-UBND năm 2019 quy định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh

Số hiệu 22/QĐ-UBND
Ngày ban hành 03/01/2019
Ngày có hiệu lực 03/01/2019
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Nguyễn Đức Long
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/QĐ-UBND

Quảng Ninh, ngày 03 tháng 01 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TRUNG TÂM PHỤC VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG TỈNH QUẢNG NINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính;

Căn cứ Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép thí điểm thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh;

Căn cứ văn bản số 8292/VPCP-KSTT ngày 31 tháng 8 năm 2018 của Văn phòng Chính phủ về việc tổ chức Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh;

Xét đề nghị của Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tại Tờ trình số 775/TTr-TTHCC ngày 24/10/2018 và Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 158/TTr- SNV ngày 12/11/2018 và Văn bản số 2686/SNV-TCBC,TCPCP ngày 18/12/2018 và Văn bản thẩm định số 1707/STP-CB&TDTHPL ngày 14/12/2018 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Đổi tên Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh thành Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh.

Điều 2. Vị trí và chức năng

1. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh (sau đây gọi tắt là Trung tâm) trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

2. Trung tâm có chức năng là cơ quan đầu mối tập trung thực hiện hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính, tổ chức giải quyết thủ tục hành chính và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân theo quy định; theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân; tham mưu các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hành chính.

3. Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời, chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trụ sở tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn

1. Nhiệm vụ

a) Bố trí khoa học, hợp lý các khu vực cung cấp thông tin, giải quyết thủ tục hành chính, trang thiết bị phục vụ tổ chức, cá nhân đến thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm. Công khai đầy đủ, kịp thời bằng phương tiện điện tử hoặc bằng văn bản danh mục thủ tục hành chính được thực hiện tại Trung tâm; các nội dung thủ tục hành chính được công khai theo quy định của pháp luật về kiểm soát thủ tục hành chính và Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; hỗ trợ những trường hợp không có khả năng tiếp cận thủ tục hành chính được công khai bằng phương tiện điện tử.

b) Hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính; tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân; thu phí, lệ phí (nếu có) theo quy định đối với các thủ tục hành chính đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh công bố, quyết định thực hiện tiếp nhận, giải quyết tại Trung tâm.

c) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để giải quyết, trả kết quả giải quyết cho tổ chức, cá nhân đối với trường hợp thủ tục hành chính yêu cầu giải quyết ngay trong ngày hoặc các thủ tục hành chính được người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực tiếp giải quyết hoặc giao cho cấp phó hoặc ủy quyền cho cán bộ, công chức, viên chức tại Trung tâm giải quyết theo nguyên tắc 4 tại chỗ “Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả tại Trung tâm”; phối hợp với các địa phương trong giải quyết, trả kết quả giải quyết đối với các thủ tục hành chính liên thông và hướng dẫn công tác nghiệp vụ đối với Trung tâm cấp huyện.

d) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định; hỗ trợ tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

đ) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu các quy định của nhà nước về cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để báo cáo đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung danh mục, quy trình và các nội dung liên quan khác trong việc giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm; vận hành, đề xuất nâng cấp cơ sở vật chất, phần mềm ứng dụng, tích hợp dữ liệu hoạt động, thực hiện công tác an ninh mạng và một số nội dung khác trong phạm vi hoạt động của Trung tâm.

e) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

f) Tiếp nhận, xử lý kịp thời theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân đối với cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan có thẩm quyền liên quan đến việc hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết, chuyển hồ sơ giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; chuyển ý kiến giải trình của cơ quan có thẩm quyền về các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo đến tổ chức, cá nhân; phối hợp với các cơ quan, đơn vị cử cán bộ, công chức, viên chức đến làm việc tại Trung tâm xem xét, xử lý hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức (nếu có) và công khai kết quả xử lý cho tổ chức, cá nhân có phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức được biết.

g) Chủ trì kiểm soát, giám sát, đôn đốc việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành tại Trung tâm; Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại các Trung tâm Hành chính công cấp huyện.

h) Bố trí trang thiết bị tại Trung tâm theo quy định và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cần thiết về pháp lý, tổng đài hỗ trợ, thanh toán phí, lệ phí, nộp thuế, phiên dịch tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc (nếu cần), sao chụp, in ấn tài liệu và các dịch vụ cần thiết khác khi tổ chức, cá nhân có nhu cầu theo mức giá dịch vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

i) Đảm bảo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, môi trường làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin và các điều kiện cần thiết khác để các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm thực hiện tốt nhất việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân khi đến Trung tâm liên hệ giải quyết thủ tục hành chính.

k) Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc của Trung tâm; quản lý, sử dụng, thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật và theo sự phân công hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh.

[...]