Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 22/2020/QĐ-UBND về đơn giá bồi thường thiệt hại đối với cây trồng khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Số hiệu 22/2020/QĐ-UBND
Ngày ban hành 31/03/2020
Ngày có hiệu lực 31/03/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Đoàn Văn Việt
Lĩnh vực Bất động sản,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2020/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 31 tháng 3 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐƠN GIÁ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI ĐỐI VỚI CÂY TRỒNG KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;

Căn cứ Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;

Căn cứ Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Ban hành kèm theo Quyết định này Bảng đơn giá các loại cây trồng để tính tiền bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Điều 2. Nguyên tắc và phương pháp áp dụng đơn giá bồi thường

1. Đơn giá các loại cây trồng ghi trong Bảng giá là đơn giá chuẩn, áp dụng để bồi thường cho cây trồng được đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, sinh trưởng và phát triển đạt các thông số kỹ thuật cơ bản theo quy định, đạt năng suất, sản lượng khá trở lên (gọi tắt là cây loại A).

a) Cây trồng ít được đầu tư chăm sóc hoặc trồng trên nền thổ nhưỡng không thích hợp, nên sinh trưởng kém, năng suất thấp, tuỳ tình hình cụ thể để đánh giá xếp loại B hoặc C. Mức bồi thường đối với cây loại B bằng 75% giá cây loại A; mức bồi thường cây loại C bằng 50% giá cây loại A.

b) Đối với các cây ăn quả thuộc loại giống mới, giống ghép chất lượng cao chưa có trong danh mục Bảng giá, thì mức giá bồi thường được tính bằng 1,2 lần mức giá bồi thường của cây trồng cùng loại (không phải giống mới, giống ghép) có trong danh mục Bảng giá.

2. Đối với trường hợp cá biệt cây trồng thuần cao hơn mật độ chuẩn, mà chất lượng vườn cây khi kiểm định đạt 100% loại A, thì giá trị bồi thường được xác định bằng đơn giá bồi thường cây trồng nhân (x) với số lượng cây thực tế nhưng tối đa không vượt quá 1,1 lần mật độ chuẩn.

3. Đối với trường hợp vườn cây trồng thấp hơn mật độ chuẩn thì giá trị bồi thường được xác định bằng đơn giá bồi thường cây trồng nhân (x) với số lượng cây thực tế khi kiểm đếm.

4. Đối với các loại cây trồng nằm trên diện tích đất thu hồi để xây dựng mới đường giao thông, xây dựng kênh, mương thủy lợi và đường điện, thì giá trị bồi thường được xác định bằng phương pháp tính mật độ chuẩn khi kiểm đếm.

5. Đối với các loại cây trồng nằm trên diện tích đất thu hồi để mở rộng đường giao thông, xây dựng kênh, mương thủy lợi và đường điện, thì giá trị bồi thường được xác định bằng đơn giá bồi thường cây trồng nhân (x) với số lượng và chất lượng cây trồng thực tế khi kiểm định nhưng không quá 1,5 lần mật độ chuẩn.

6. Đối với cây trồng chưa thu hoạch, nhưng có thể di chuyển đến địa điểm khác thì được được bồi thường tính theo chi phí công lao động và dự báo năng suất cây trồng bị giảm theo khảo sát thực tế của tổ chức làm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại thời điểm bồi thường.

7. Đối với trường hợp trên một đơn vị diện tích gieo trồng nhiều loại cây có chu kỳ sinh trưởng, sản xuất kinh doanh khác nhau: Khi kiểm tra hiện trạng cần xác định rõ cây trồng chính, cây trồng xen, mật độ thực tế của từng loại cây trồng để đánh giá chuẩn xác về chất lượng của cây trồng chính, cây trồng xen. Tổng chi phí bồi thường trên một đơn vị diện tích có trồng xen nhiều loại cây khác nhau bằng (=) chi phí bồi thường của từng loại cây trồng cộng lại (trên cơ sở số lượng, chất lượng và đơn giá của từng loại cây qua đo đếm, kiểm tra hiện trạng thực tế), nhưng tối đa không lớn hơn 1,5 lần giá trị bồi thường tính theo cây trồng chính khi trồng chuyên canh trên diện tích đó.

Cá biệt trên một đơn vị diện tích gieo trồng chất lượng của cây trồng chính, cây trồng xen đều đạt loại A thì tổ chức được giao thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tính toán mức bồi thường thiệt hại cụ thể từng trường hợp và đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính xem xét, có ý kiến trước khi trình phê duyệt thực hiện.

8. Đối với một số loại rau ở Đà Lạt; Đơn Dương; Đức Trọng; Lạc Dương, gồm: bắp cải, cải bông, súp lơ xanh, cà chua, khoai tây, cà rốt, cải thảo, củ dền, cô rôn, xà lách, bó xôi và đậu hoà lan; chi phí bồi thường được cộng thêm chi phí đầu tư vào đất chưa thu hồi kịp cho các năm tiếp theo, nhưng tổng chí phí bồi thường trên một đơn vị diện tích tối đa không quá 1,5 lần tính theo đơn giá của cây trồng tại bảng giá và nguyên tắc tính toán trên đây.

9. Trường hợp trên diện tích đất thu hồi có các loại cây rừng trồng tập trung theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì tổ chức được giao thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng có diện tích đất thu hồi cùng với tổ chức hoặc cá nhân có diện tích rừng trồng bị thiệt hại, lập hồ sơ báo cáo, đề xuất mức bồi thường thiệt hại theo giá trị đầu tư, thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng với Sở Tài chính thẩm định, trước khi trình phê duyệt thực hiện.

10. Những loại cây trồng chưa có trong danh mục bảng giá, khi xây dựng phương án, bồi thường giải phóng mặt bằng được vận dụng đơn giá của các loại cây tương đương (về chủng loại, năng suất, chất lượng sản phẩm) có trong bảng giá để tính toán chi phí bồi thường.

Trường hợp không có loại cây trồng tương đương thì tổ chức được giao thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện công tác khảo sát thực tế về chu kỳ sản xuất, năng suất, sản lượng và giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất để tính toán mức giá bồi thường phù hợp, đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính xem xét, có ý kiến trước khi trình phê duyệt thực hiện.

[...]