Quyết định 2180/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt “quy hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2006-2020 trên địa bàn tỉnh Hải Dương"

Số hiệu 2180/QĐ-UBND
Ngày ban hành 12/06/2007
Ngày có hiệu lực 12/06/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Phan Nhật Bình
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Bộ máy hành chính

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
------------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2180/QĐ-UBND

Hải Dương, ngày 12 tháng 6 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2006-2020”

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 92/2006/NĐ - CP ngày 7/9/2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triền kinh tế xã hội;

Căn cứ Thông tư số 05/TT - BKH ngày 22/7/2003 của Bộ Kế hoạch - Đầu tư hướng dẫn về nội dung, trình tự lập, thẩm định và quản lý các dự án quy hoạch ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội lãnh thổ;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006 - 2020”; bao gồm các nội dung cơ bản sau:

1- Tên dự án: Quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006 - 2020.

2- Địa điểm và quy mô dự án: Dự án được thực hiện trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

3- Thời gian thực hiện: Gồm 3 giai đoạn

- Giai đoạn I: 2006 – 2010;

- Giai đoạn II: 2011 – 2015;

- Giai đoạn III: 2016 – 2020.

4- Quan điểm phát triển: Phát triển công nghiệp nhanh và bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập, làm động lực quyết định để Hải Dương cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015.

Ưu tiên phát triển mạnh công nghiệp sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh và công nghiệp phụ trợ.

Phát triển mạnh công nghiệp trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam, phù hợp với phương hướng phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và Quy hoạch tồng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh năm 2006-2020.

Phát triển công nghiệp gắn với việc bảo vệ môi trường, gắn với an ninh quốc phòng và xã hội.

5- Mục tiêu phát triển

5.1. Mục tiêu chung:

Tăng cường năng lực mới, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại; coi trọng đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị, công nghệ, từng bước hiện đại hoá các cơ sở sản xuất.

Phát triển sản xuất công nghiệp với nhiều quy mô, thành phần kinh tế và trình độ khác nhau phù hợp với định hướng chung và lợi thế của từng vùng, từng địa phương hình thành các doanh nghiệp vệ tinh phục vụ cho các nhà máy lớn.

Khuyến khích phát triển rộng khắp công nghiệp nông thôn, làng nghề.

Thu hút nhanh các dự án đầu tư vào khu, cụm công nghiệp đã xây dựng; hình thành một số khu, cụm công nghiệp mới.

Tập trung phát triển theo thứ tự ưu tiên: Công nghiệp cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin và phần mềm; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, đồ uống; công nghiệp dệt may, da giày; công nghiệp hoá chất, in, tái chế; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản.

5.2. Mục tiêu cụ thể

+ Giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2020 đạt 160.803 tỷ đồng, tăng bình quân 19,0%/năm, trong đó giai đoạn 2006 – 2010 tăng 20%/năm, giai đoạn 2011 – 2015 tăng 20%/năm và giai đoạn 2016 – 2020 tăng 17,44%/năm.

+ Giá trị tăng thêm (GDP) công nghiệp đến năm 2020 đạt 31.125 tỷ đồng, tăng bình quân 15,2%/năm, trong đó năm 2010 đạt: 7.528 tỷ đồng, tăng bình quân 15,0%/năm, năm 2015 đạt 15.473 tỷ đồng, tăng bình quân 15,5%/năm, năm 2015 đạt 15.473 tỷ đồng, tăng bình quân 15,0%/năm.

[...]