BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2169/QĐ-BNN-TCCB
|
Hà
Nội, ngày 12 tháng 6
năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO THI ĐUA “CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI,
XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG AN TOÀN” GIAI ĐOẠN 2020-2025
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng số
15/2003/QH 11 ngày 26/11/2003; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi
đua, Khen thưởng số 47/2005/QH 11 ngày 14/6/2005 và
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng số 39/2013/QH13
ngày 16/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP
ngày 17/02/2017 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Thông tư số
08/2018/TT-BNNPTNT ngày 06/8/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng
dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng
cục Phòng chống thiên tai tại Văn bản số 493/PCTT-VPTC ngày 29/5/2020 về việc
xây dựng, tổ chức phát động hai phong trào thi đua đặc biệt lĩnh vực đê điều,
phòng chống thiên tai;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ
chức cán bộ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phát động phong trào thi đua “Chủ động phòng,
chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn” giai đoạn 2020-2025.
Điều 2. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tổ chức
thực hiện Phong trào thi đua “Chủ động phòng chống thiên tai, xây dựng cộng đồng
an toàn giai đoạn 2020-2025”.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai và các cơ quan, đơn vị có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Lưu: VT; TCPCTT, TCCB.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Hoàng Hiệp
|
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA: “CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI,
XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG AN TOÀN” GIAI ĐOẠN 2020-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2169/QĐ-BNN-TCCB ngày 12/6/2020 của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Tập hợp và động viên sức mạnh của các
tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia công tác phòng chống thiên tai,
xây dựng cộng đồng an toàn. Phấn đấu đến năm 2025: giảm 30% thiệt hại về người
đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong
giai đoạn 2015-2020; 100% lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai được đào
tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng phòng chống thiên tai; chủ động trong dự báo, cảnh
báo, phòng chống lũ quét, sạt lở đất tại những khu vực dân cư tập trung và trọng
điểm kinh tế xã hội; giảm tổn thất về người và tài sản của
nhân dân và nhà nước; tạo điều kiện phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc
phòng an ninh, từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai.
2. Yêu cầu
a) Phong trào thi đua được triển khai
từ Trung ương đến cấp cơ sở với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, phù
hợp thực tiễn, thu hút đông đảo tổ chức, cá nhân tham gia, nhất là các tổ chức,
cá nhân làm việc trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai.
b) Phong trào thi đua được thực hiện
với hình thức phong phú, có nội dung, tiêu chí cụ thể, thiết thực, phù hợp quy
định, điều kiện của của cơ quan, đơn vị. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu
đơn vị trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đánh giá sơ kết, tổng kết phát hiện
nhân tố mới, bồi dưỡng nhân rộng và biểu dương khen thưởng kịp thời.
II. PHẠM VI, ĐỐI
TƯỢNG
1. Phạm vi: Phong trào thi đua được triển khai trên phạm vi cả nước.
2. Đối tượng
Tập thể, cá nhân tham gia công tác
phòng chống thiên tai hoặc có lĩnh vực hoạt động liên quan đến công tác phòng
chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, gồm:
- Các cơ quan quản lý nhà nước ở
Trung ương, địa phương.
- Các cơ quan, tổ chức; các Ban Chỉ
huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương.
- Các cơ quan nghiên cứu khoa học,
đào tạo, chuyển giao công nghệ; các chương trình, dự án
lĩnh vực phòng, chống thiên tai.
- Các Hiệp hội, doanh nghiệp có hoạt
động lĩnh vực phòng, chống thiên tai.
- Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân
tham gia công tác phòng, chống thiên tai.
III. NỘI DUNG THI
ĐUA
1. Thực hiện tốt các quy định của
pháp luật; các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Chính phủ về công tác phòng chống
thiên tai.
2. Nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo
điều hành phòng chống thiên tai của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy các cấp;
Phấn đấu đạt tiêu chí: “Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai
và Tìm kiếm cứu nạn kiểu mẫu”.
3. Thực hiện tốt phương châm “4 tại
chỗ”, đặc biệt là “Xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng
xung kích phòng chống thiên tai ở cơ sở”.
4. Thực hiện tốt công tác thông tin
truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, xây dựng xã hội an toàn trước thiên
tai.
5. Làm tốt công tác xã hội hóa nguồn
lực cho phòng chống thiên tai, triển khai thu và sử dụng có hiệu quả quỹ phòng
chống thiên tai.
IV. TIÊU CHUẨN THI
ĐUA, HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG
1. Tiêu chuẩn
thi đua
1.1. Tập thể:
a) Đối với cơ quan quản lý nhà nước
(các bộ, cơ quan Trung ương):
- Tham mưu về cơ chế, chính sách: Xây
dựng các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn;
có chế tài để thực thi hiệu quả quy định pháp luật trong phòng, chống thiên
tai; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước (Có văn bản được phát hành do đơn vị
tham mưu).
- Ban hành chính sách cụ thể thúc đẩy
xã hội hóa khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia phòng chống
thiên tai nhất là trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đầu tư xây dựng công
trình, cung cấp dịch vụ công và bảo hiểm rủi ro thiên tai (Có văn bản được phát hành do đơn vị tham mưu).
- Thực thi pháp luật trong công tác
phòng, chống thiên tai:
+ Tham mưu, xây dựng và thực hiện các
văn bản về phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; ngăn chặn các hành vi vi phạm
pháp luật công trình phòng, chống thiên tai.
+ Công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm
tra, giám sát, triển khai các nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó hiệu quả các tình huống
thiên tai.
+ Thực hiện phối hợp phòng chống
thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
- Tổ chức triển khai có hiệu quả
Phong trào này với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng,
bám sát nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị để thu hút,
tập hợp sự tham gia của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức góp phần hoàn
thành tốt nhiệm vụ được giao.
b) Đối với các cơ quan, tổ chức làm
công tác phòng chống thiên tai của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Có kế hoạch triển khai thực hiện
phong trào thi đua “Chủ động phòng, chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an
toàn” giai đoạn 2020-2025.
Các tỉnh căn cứ vào Bộ chỉ số đánh
giá công tác phòng chống thiên tai cấp tỉnh làm tiêu chí
khen thưởng, trong đó một số tiêu chí chính như sau:
- Thể chế chính sách: Hàng năm có văn
bản kiện toàn, phân công nhiệm các thành viên, xây dựng quy chế hoạt động của
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN; cập nhật phương án, kế hoạch ứng phó thiên tai theo
cấp độ rủi ro thiên tai, kế
hoạch phù hợp với điều kiện thực tế.
- Thực thi pháp luật:
+ Ban hành các công điện, văn bản, hướng
dẫn ứng phó thiên tai.
+ Tổ chức tìm kiếm cứu nạn kịp thời.
+ Tổ chức tập huấn cho lực lượng làm
công tác phòng, chống thiên tai.
+ Tổ chức diễn tập ứng phó thiên tai.
+ Hoàn thành xây dựng văn phòng thường
trực điển hình.
+ Thành lập, tổ chức hoạt động của lực
lượng xung kích phòng chống thiên tai theo hướng dẫn.
+ Phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu
quả thiên tai kịp thời, đạt hiệu quả.
- Ưu tiên các tỉnh xảy ra thiên tai lớn
nhưng chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả kịp thời, giảm
thiểu thiệt hại.
c) Đối với cơ quan thông tin, truyền
thông:
- Đầu tư trang thiết bị phù hợp từng
vùng miền, khu vực, đảm bảo thông tin dự báo, cảnh báo, chỉ đạo điều hành ứng
phó thiên tai của cơ quan chỉ đạo phòng chống thiên tai, các cấp chính quyền đến
với người dân.
- Thực hiện nâng cao chất lượng công
tác truyền thông, tuyên truyền, bảo đảm thông tin phục vụ công tác phòng, chống
thiên tai kịp thời.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở
các chuyên trang, chuyên mục, tăng cường thời lượng, bám sát cơ sở nhằm phát hiện,
biểu dương các điển hình tiên tiến trong công tác phòng chống
thiên tai.
- Chỉ đạo, xây dựng phóng sự, tin bài
phục vụ kịp thời công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
d) Đối với cơ quan nghiên cứu khoa học,
chuyển giao công nghệ, đào tạo, tập
huấn:
- Có công trình, đề tài nghiên cứu
khoa học, ứng dụng lĩnh vực phòng
chống thiên tai được áp dụng thực tế.
- Có công trình chuyển giao công nghệ
lĩnh vực phòng, chống thiên tai; tích cực chủ động tổ chức đào tạo, tập huấn,
nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ lĩnh vực phòng, chống thiên tai.
- Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao
nhận thức, hướng dẫn kỹ năng ứng phó các tình huống thiên tai phù hợp đặc thù
vùng, miền.
đ) Đối với các chương trình, dự án
phòng chống thiên tai:
- Hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch của
dự án.
- Có kết quả gắn với mục tiêu xây dựng
cộng đồng an toàn trước thiên tai.
e) Đối với các Hiệp hội, doanh nghiệp,
tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước:
- Có ứng dụng khoa học công nghệ tiên
tiến, thân thiện với môi trường, có giá trị trong công tác phòng ngừa và giảm
thiếu rủi ro thiên tai.
- Có sản phẩm tiêu biểu, hoạt động ý
nghĩa trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
1.2. Đối với cá nhân:
a) Đối với cá nhân là công chức, viên
chức, người lao động:
- Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương,
đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định, quy chế của cơ
quan, tổ chức.
- Có ít nhất một thành tích xuất sắc
về công tác phòng, chống thiên tai; tham gia tích cực trong thực hiện phong
trào thi đua; có sáng kiến, thành tích xuất sắc đóng góp đối với công tác phòng
chống thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị được Hội đồng thi đua cơ sở
xét và đề xuất.
- Tích cực hưởng ứng, tham gia Phong
trào thi đua yêu nước do Bộ Nông nghiệp và PTNT và cơ quan, đơn vị phát động.
b) Đối với cá nhân là phóng viên, nhà
báo, người tham gia công tác thông tin truyền thông:
- Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương,
đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định, quy chế của cơ
quan, tổ chức.
- Tham gia tổ chức sản xuất, thực hiện
trực tiếp các phóng sự, tin bài chính xác, kịp thời; chủ động kết nối và khai
thác những thông tin chính thống từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên
tai; thực hiện tốt các phong trào thi đua được Hội đồng thi đua cơ sở xét và đề xuất.
c) Đối với cá nhân là doanh nhân:
- Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương,
đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định, quy chế của cơ
quan, tổ chức.
- Có sáng kiến, đóng góp về ý tưởng,
vật chất phục vụ công tác phòng chống thiên tai.
d) Đối với người dân:
- Nghiêm chỉnh chấp
hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước,
nội quy, quy định của địa phương nơi cư trú.
- Chủ động phối hợp chính quyền địa
phương, cơ quan chức năng tham gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu
nạn.
- Có thành tích xuất sắc trong công
tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, hạn chế thiệt hại về người và tài
sản của nhà nước, của nhân dân.
2. Hình thức
khen thưởng
- Đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng
Huân chương Lao động hạng ba cho tập thể, cá nhân có thành tích thật xuất sắc,
tiêu biểu trong thực hiện phong trào thi đua.
- Đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng
khen cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong thực hiện
phong trào thi đua.
- Tặng Cờ Thi
đua của Bộ; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho
tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua.
- Tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh,
thành phố cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc
trong thực hiện phong trào thi đua.
- Tặng Giấy khen của Tổng cục trưởng
Tổng cục Phòng chống thiên tai; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
tỉnh, thành phố cho tập thể, cá nhân thực hiện tốt phong trào thi đua.
V. BAN CHỈ ĐẠO
PHONG TRÀO THI ĐUA
1. Thành phần Ban chỉ đạo phong
trào thi đua của Bộ.
- Trưởng ban: ông Nguyễn Hoàng Hiệp,
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Các Phó Trưởng ban:
+ Phó Trưởng ban
thường trực: ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên
tai.
+ Phó Trưởng ban: ông Ngô Hồng Giang,
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
Thành viên: Các thành viên Ban chỉ đạo
là đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Tổng cục; 01 công chức của Vụ Tổ chức
cán bộ; đại diện lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Trưởng
ban chỉ đạo quyết định.
2. Nhiệm vụ: Ban Chỉ đạo Phong trào thi đua có nhiệm vụ chỉ đạo triển khai Kế hoạch
của Bộ trên phạm vi toàn quốc; theo dõi, đánh giá, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua; đề nghị khen thưởng tập thể, cá
nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua.
3. Cơ quan thường trực Phong trào thi đua của Bộ: Tổng cục
Phòng chống thiên tai là cơ quan thường trực phong trào thi đua có trách nhiệm
hướng dẫn, theo dõi, tham mưu, đánh giá, tổng kết phong trào thi đua; tổng hợp
kết quả thực hiện báo cáo Ban chỉ đạo và Bộ trưởng, đề nghị khen thưởng những tập
thể, cá nhân có thành tích xuất sắc thực hiện phong trào thi đua.
4. Cơ quan thường trực phong trào
thi đua của các địa phương: có trách nhiệm xây dựng kế
hoạch chi tiết và hướng dẫn tổ chức thực hiện; theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết
quả phong trào thi đua, báo cáo Ban Chỉ đạo và Bộ trưởng.
VI. TIẾN ĐỘ THỰC
HIỆN
Phong trào thi đua “Chủ động phòng,
chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn” được triển khai thực hiện từ năm
2021 đến năm 2025, các năm cụ thể như sau:
1. Năm 2020: Tổ chức phát động phong
trào thi đua vào Quý II-III, tại Hội nghị tổ chức tổng kết công tác phòng chống
thiên tai vùng, miền; phổ biến, tuyên truyền tài liệu phong trào thi đua tới
các Bộ, ngành liên quan và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Năm 2021-2022:
- Triển khai sâu rộng phong trào, tổ
chức thực hiện các nội dung kế hoạch.
- Phát hiện, xây dựng điển hình tiên
tiến.
- Kiểm tra, đôn đốc triển khai thực
hiện.
3. Năm 2022: Tổ chức sơ kết 02 năm thực
hiện phong trào thi đua, đánh giá kết quả triển khai; khen thưởng, biểu dương
điển hình tiên tiến có thành tích tiêu biểu trong thực hiện phong trào.
4. Năm 2023-2025:
- Tiếp tục triển khai phong trào thi
đua theo nội dung đã phát động.
- Bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên
tiến.
5. Năm 2025: Tổ chức Tổng kết phong
trào thi đua.
Hàng năm, tổ chức tổng kết đánh giá kết
quả thực hiện; giữa kỳ tổ chức sơ kết và cuối kỳ tổ chức tổng kết phong trào
thi đua “Chủ động phòng, chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn”.
VII. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
- Theo quy định của Nhà nước.
- Tự nguyện đóng góp, hỗ trợ của các
tổ chức, cá nhân.
VIII. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc
các Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương có liên quan; các tỉnh, thành phố trực thuộc
TW; các cơ quan, tổ chức tham gia công tác phòng chống thiên tai; các Hiệp hội,
doanh nghiệp căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị chỉ đạo, tổ chức thực hiện:
- Tuyên truyền, xây dựng kế hoạch tổ
chức thực hiện phong trào thi đua trong cơ quan, đơn vị phù hợp chức năng, nhiệm
vụ được giao.
- Tổ chức đánh giá kết quả thi đua tại
cơ quan, đơn vị vào tháng 11, 12 hàng năm, báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo
Phong trào thi đua.
- Cuối năm tổ chức tổng kết, đánh giá
kết quả Phong trào thi đua, đề xuất các hình thức khen thưởng phù hợp theo quy
định và đăng ký nội dung thi đua cho năm tiếp theo.
- Trên cơ sở Kế hoạch triển khai thực
hiện Phong trào thi đua do Bộ trưởng ban hành, xây dựng Kế
hoạch chi tiết để triển khai thực hiện Phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả
tại cơ quan, địa phương.
2. Tổng cục Phòng chống thiên tai là
cơ quan thường trực phong trào thi đua có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, tham
mưu, đánh giá, tổng kết phong trào thi đua; tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo
Ban chỉ đạo và Bộ trưởng, đề nghị khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành
tích xuất sắc thực hiện phong trào thi đua cụ thể như sau:
a) Cục ứng phó và Khắc phục hậu quả
thiên tai: Là đơn vị chủ trì, tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống
thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai thực hiện các nhiệm vụ:
- Xây dựng và tổ chức Lễ phát động;
Chủ trì xây dựng tiêu chí chấm điểm Văn phòng thường trực, Văn phòng Ban chỉ
huy PCTT và TKCN kiểu mẫu; Hướng dẫn các địa phương đăng ký xây dựng Văn phòng
thường trực, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai
và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh kiểu mẫu; xây dựng Kế hoạch cụ
thể để thực hiện.
- Thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các
cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương thực hiện phong trào thi đua, bảo đảm
bám sát các tiêu chí “Văn phòng thường trực, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống
thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh kiểu mẫu”.
- Đôn đốc các địa phương thực hiện
đánh giá kết quả thực hiện Phong trào thi đua vào tháng 12 hàng năm, báo cáo
Thường trực Ban Chỉ đạo Phong trào thi đua của Bộ.
- Tham mưu Thường trực Ban Chỉ đạo
Phong trào thi đua của Bộ; kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện
Phong trào tại các địa phương.
- Tổng hợp, đề xuất Bộ các hình thức
khen thưởng phù hợp.
- Hàng năm, thực hiện tổng hợp kết quả
thực hiện của các địa phương, báo cáo Ban Chỉ đạo phong trào thi đua.
b) Vụ Quản lý thiên tai cộng đồng:
- Thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các
cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương thực hiện phong trào thi đua theo
quy định.
- Đôn đốc các cơ quan, tổ chức và cá
nhân tham gia công tác thông tin truyền thông thực hiện đánh giá kết quả thực
hiện Phong trào thi đua vào tháng 12 hàng năm, báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo
Phong trào thi đua của Bộ.
- Tham mưu Thường trực Ban Chỉ đạo
Phong trào thi đua của Bộ, Ban Chỉ đạo phong trào thi đua thành lập Đoàn kiểm
tra tổ chức kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện Phong trào tại các địa
phương.
- Tổng hợp, đề xuất Bộ các hình thức
khen thưởng phù hợp.
c) Văn phòng Tổng cục: Tổ chức Lễ
phát động phong trào thi đua; chịu trách nhiệm hướng dẫn trình tự, thủ tục khen
thưởng theo quy định./.