ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2167/QĐ-UBND
|
An Giang, ngày 14 tháng 7 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP THUỘC SỞ TƯ PHÁP TỈNH AN
GIANG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số
16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ
của đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số
141/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ
của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp
khác;
Xét đề nghị Giám đốc Sở Nội
vụ tại Tờ trình số 992/TTr-SNV ngày 28 tháng 6 năm 2017.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư
pháp tỉnh An Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ
yếu như sau:
I. QUAN ĐIỂM
1. Quy hoạch mạng lưới các đơn
vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp phải tuân thủ và phù hợp yêu cầu về đổi
mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo quan điểm, chủ
trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
2. Thống nhất, đồng bộ và phù
hợp với yêu cầu phát triển triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của ngành.
3. Sử dụng hiệu quả các nguồn
lực, tăng cường thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa
dịch vụ công; tiếp tục củng cố, đầu tư cơ sở vật chất các hoạt động dịch vụ sự nghiệp
công, đồng thời thực hiện các chính sách thúc đẩy xã hội hóa nhằm thu hút tối
đa nguồn lực của xã hội tham gia phát triển các dịch vụ sự nghiệp công.
4. Sắp xếp, kiện toàn bộ máy
tinh gọn, đồng bộ, thống nhất để nâng cao hiệu quả hoạt động; bảo đảm tính đặc
thù của lĩnh vực Tư pháp, có tính kế thừa, phát huy tối đa cơ sở vật và đội ngũ
nhân sự hiện có.
5. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ chế
hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ, tự bảo đảm chi phí
hoạt động và chi đầu tư trên cơ sở đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu
trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, nhân sự.
6. Quy hoạch mang tính động và
mở, có sự cập nhật, điều chỉnh phù hợp trong từng thời kỳ.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
a) Tăng cường khai thác các nguồn
thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công và các nguồn thu khác; bảo đảm tổ chức
bộ máy tinh gọn, nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.
b) Tăng cường phân cấp và thực
hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn cho các đơn vị sự nghiệp
công lập đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và
tài chính, có tính đến đặc điểm từng loại hình đơn vị, khả năng, trình độ quản
lý nhằm thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp công phát triển lành mạnh, bền vững.
c) Nâng cao số lượng, chất
lượng dịch vụ công, đáp ứng tốt nhu cầu của các tổ chức, cá nhân.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn 2017 - 2020:
- Về mạng lưới các đơn vị sự
nghiệp: Thực hiện rà soát, sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp đảm bảo phù
hợp với lộ trình chuyển đổi đơn vị sự nghiệp theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP và
Nghị định số 141/2016/NĐ-CP.
- Về thực hiện cơ chế tự chủ:
Các đơn vị tăng dần mức độ tự chủ hàng năm phù hợp với lộ trình dịch vụ sự
nghiệp công. Phấn đấu đến hết năm 2020 có 01 đến 02 đơn vị thực hiện chuyển đổi
thành mô hình doanh nghiệp.
b) Giai đoạn 2021 - 2030:
- Về mạng lưới các đơn vị sự nghiệp:
Tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập, nâng
cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các đơn vị, đảm bảo phù hợp với tình
hình phát triển ngành Tư pháp.
- Về thực hiện cơ chế tự chủ:
Tiếp tục chuyển đổi cơ chế hoạt động của các đơn vị ở mức độ tự chủ cao hơn,
phấn đấu đến năm 2030 các đơn vị còn lại đủ điều kiện chuyển đổi sang mô hình
doanh nghiệp theo quy định.
III. NỘI DUNG QUY HOẠCH LỘ
TRÌNH CHUYỂN ĐỔI
1. Trung tâm Trợ giúp pháp lý
Nhà nước
a) Giai đoạn 2017 - 2020: Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh An Giang thực hiện chức
năng, nhiệm vụ theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006; Nghị định
số 07/2007/NĐ-CP ngày 02/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn
thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý; Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày
05/02/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP
ngày 02/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều của Luật Trợ giúp pháp lý.
Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà
nước tỉnh An Giang là đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ về tổ
chức bộ máy, nhân sự và tài chính thuộc loại do nhà nước bảo đảm chi thường
xuyên theo Nghị định số 141/2016/NĐ-CP.
b) Giai đoạn 2021 - 2030: Khi Luật Trợ giúp pháp lý được sửa đổi, phụ thuộc vào quy định của
pháp luật về trợ giúp pháp lý sửa đổi và các văn ban hướng dẫn thi hành luật về
chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước xây dựng đề
án của đơn vị theo hướng xã hội hóa phù hợp quy định tại các văn bản đó và tình
hình thực tiễn của tỉnh An Giang.
2. Trung tâm dịch vụ bán đấu
giá tài sản
a) Giai đoạn 2017 - 2020:
Trung tâm dịch vụ bán đấu giá
tài sản tỉnh An Giang là tổ chức duy nhất của Nhà nước ở cấp tỉnh thực hiện
chức năng bán đấu giá tài sản theo quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày
04 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản và các quy định pháp
luật hiện hành. Có chức năng, nhiệm vụ tiếp nhận và
thực hiện bán đấu giá nhiều loại tài sản: Tài sản để thi hành án dân sự; tài
sản cầm cố, thế chấp tại các Ngân hàng, Tổ chức tín dụng; tài sản có quyết định
thanh lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tài sản do Tòa án và các cơ quan
có thẩm quyền quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước; tài sản tịch thu sung quỹ
nhà nước do vi phạm hành chính; bán đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có
thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất; tài sản do các tổ chức, cá nhân ủy
quyền bán đấu giá…
Trung tâm dịch vụ bán đấu giá
tài sản thực hiện cơ chế tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự
và tự chủ tài chính thuộc loại tự bảo đảm chi thường xuyên theo Nghị định số
141/2016/NĐ-CP.
b) Giai đoạn 2021 – 2030:
Tiếp tục duy trì Trung tâm dịch
vụ bán đấu giá tài sản tỉnh An Giang là đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ
chế tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tự chủ tài chính
thuộc loại tự bảo đảm chi thường xuyên theo Nghị định số 141/2016/NĐ-CP. Khi
Chính phủ có hướng dẫn chuyển đổi Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thành
doanh nghiệp theo định hướng của Luật Đấu giá tài sản thì thực hiện theo hướng
dẫn mới.
3. Phòng Công chứng số 1
a) Giai đoạn 2017 - 2020:
Phòng Công chứng số 1 là đơn vị
sự nghiệp công lập trực thuộc
Sở Tư pháp, có chức năng thực hiện việc chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp
của hợp đồng, giao dịch bằng văn bản mà theo văn bản của pháp luật, tính chính xác,
hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt
sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là
bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức
tự nguyện yêu cầu công chứng; Nhận lưu giữ di chúc; Chứng thực bản sao từ bản
chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản theo quy định của pháp luật về
chứng thực.
Phòng Công chứng số 1 thực hiện
cơ chế tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tự chủ về tài chính
thuộc loại tự bảo đảm chi thường xuyên (giai đoạn 2016 - 2018), tiến tới tự bảo
đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (giai đoạn 2018 - 2020) theo Nghị định số
141/2016/NĐ-CP.
b) Giai đoạn 2021 - 2030:
Phòng Công chứng số 1 tiếp tục
là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp, thực hiện cơ chế tự chủ về thực
hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính thuộc loại tự bảo đảm chi
thường xuyên và chi đầu tư theo Nghị định số 141/2016/NĐ-CP. Khi có đủ điều kiện, nghiên cứu chuyển đổi thành Văn phòng Công
chứng theo quy định của Luật Công chứng và các văn bản có liên quan.
4. Phòng Công chứng số 2
a) Giai đoạn 2017 - 2020:
Phòng Công chứng số 2 là đơn vị
sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp, thực hiện chức năng, nhiệm vụ như:
Chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn
bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái
đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước
ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà
theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu
cầu công chứng. Nhận lưu giữ di chúc. Chứng thực bản sao từ bản chính, chứng
thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản theo quy định của pháp luật về chứng thực.
Phòng Công chứng số 1 thực hiện
cơ chế tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tự chủ về tài chính
thuộc loại tự bảo đảm chi thường xuyên theo Nghị định số 141/2016/NĐ-CP.
b) Giai đoạn 2021 - 2030:
Phòng Công chứng số 2 tiếp tục
là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp, thực hiện cơ chế tự chủ về thực
hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính thuộc loại tự bảo đảm chi
thường xuyên theo Nghị định số 141/2016/NĐ-CP. Khi có
đủ điều kiện, nghiên cứu chuyển đổi thành Văn phòng Công chứng theo quy định
của Luật Công chứng và các văn bản có liên quan.
IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP THỰC
HIỆN
1. Về cơ chế, chính sách
a) Tiếp tục hoàn thiện chính
sách, pháp luật về cơ chế hoạt động của tổ chức sự nghiệp công lập.
b) Xây dựng, hoàn thiện tiêu
chí phân loại, xếp hạng, đánh giá kết quả, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự
nghiệp làm cơ sở cho việc ưu tiên đầu tư đối với tổ chức hoạt động hiệu quả,
sáp nhập, giải thể tổ chức hoạt động kém hiệu quả.
2. Về tổ chức và hoạt động
a) Rà soát chức năng, nhiệm vụ
của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp để thực hiện sắp xếp lại
theo Quy hoạch nhằm giảm đầu mối, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải,
trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ.
b) Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự
chủ, chuyển đổi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.
3. Về nhân lực
a) Tổ chức đánh giá, phân loại
chất lượng nhân lực để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng
hợp lý, hiệu quả nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.
b) Triển khai thực hiện kế
hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực và chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng cá
nhân có thực tài. Ưu tiên thu hút nhân lực có trình độ cao.
4. Về đầu tư và tài chính
a) Khai thác tốt các nguồn thu
sự nghiệp và các nguồn thu dịch vụ khác, nguồn vốn ưu đãi và vốn hỗ trợ phát
triển chính thức để nâng cao năng lực các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực Tư
pháp.
b) Bảo đảm sử dụng đúng các
nguồn vốn, phát huy hiệu quả sử dụng vốn, đẩy mạnh việc mở rộng phát triển,
tăng thu nhập cho người lao động.
c) Đẩy mạnh việc huy động các
nguồn lực xã hội, tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tổ chức công lập với
nhau, với doanh nghiệp, với các tổ chức khác nhằm phát triển mạnh mẽ lĩnh vực
Tư pháp.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp
với các sở, ngành và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch;
định kỳ đánh giá, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện Quy hoạch
06 tháng và hàng năm; Chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh Quyết định việc điều chỉnh Quy hoạch cho phù hợp với điều
kiện thực tế.
2. Các sở, ngành, đơn vị có
liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư
pháp thực hiện các nội dung liên quan trong Quy hoạch.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực
thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân
tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Nội vụ và Thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Văn Nưng
|