Quyết định 216/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Kế hoạch Xúc tiến đầu tư của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 216/QĐ-UBND
Ngày ban hành 02/02/2017
Ngày có hiệu lực 02/02/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Nguyễn Văn Tùng
Lĩnh vực Đầu tư

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 216/QĐ-UBND

Hải Phòng, ngày 02 tháng 02 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ CỦA THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG GIAI ĐOẠN 2016-2020.

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26/11/2014;

Căn cứ Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;

Căn cứ Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư;

Xét đề nghị của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hải Phòng tại Tờ trình số 118/TTr-TTXTĐTTMDL ngày 30/11/2016 về việc ban hành Kế hoạch Xúc tiến đầu tư của thành phố giai đoạn 2016-2020;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch Xúc tiến đầu tư của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố chủ trì cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng và đơn vị liên quan lập kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố; Giám đốc các Sở, ngành thành phố; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ KH&ĐT;;
- TTTU, TT HĐND TP;
- CT, các PCT UBND TP;
- Như Điều 3;
- CPVP;
-
Phòng TC-NS;
- C
V: TC;
- Lưu: VT.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Tùng

 

KẾ HOẠCH

XÚC TIẾN ĐẦU TƯ CỦA THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 216/QĐ-UBND ngày 02/02/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng)

Phần thứ nhất

KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN 2011-2015

I. Kết quả đạt được

Giai đoạn 2011-2015, thành phố thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, trong đó có những bất lợi lớn vượt xa so với dự báo. Trước diễn biến của tình hình mới, bên cạnh sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, thành phố cũng đã chủ động có những biện pháp cho từng thời kỳ.

Trên cơ sở bám sát các nội dung của hoạt động xúc tiến đầu tư quy định tại Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư và Quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư ban hành kèm theo Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ, công tác xúc tiến đầu tư được tập trung đẩy mạnh vào các khu công nghiệp, khu kinh tế của thành phố nói riêng và toàn thành phố nói chung, đặc biệt là xúc tiến đầu tư tại chỗ, gắn bó, giúp đỡ, hỗ trợ các nhà đầu tư trong suốt giai đoạn hoạt động dự án trên tất cả các lĩnh vực như quy hoạch - xây dựng, tài nguyên - môi trường, thương mại - xuất nhập khẩu, quản lý lao động...

Bám sát chủ trương, chỉ đạo của Thành ủy và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố, hoạt động xúc tiến đầu tư đã mang lại một số thành tích nổi bật, tác động to lớn đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn này.

1. Kết quả thu hút vốn đầu tư

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những điểm sáng của nền kinh tế thành phố. Giai đoạn 2011-2015, thành phố đã có những bước đột phá mạnh mẽ về thu hút FDI với lượng vốn thu hút đạt gần 7 tỷ USD. Lũy kế đến ngày 31/12/2015, thành phố có 458 dự án còn hiệu lực với số vốn đăng ký xấp xỉ 11 tỷ USD, vốn góp để thực hiện dự án gần 4 tỷ USD. Các nhà đầu tư FDI tại Hải Phòng đến từ 34 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đã thu hút được một số dự án FDI có công nghệ sản xuất tiên tiến, sản phẩm có tính cạnh tranh cao nằm trong chuỗi giá trị phân phối toàn cầu; bước đầu thu hút được dự án của một số Tập đoàn, công ty lớn, thuộc nhóm 500 công ty, Tập đoàn hàng đầu thế giới như: Chevron, General Electric (GE), Idemitsu, Bridgestone, LG và các Tập đoàn khác có quy mô lớn và công nghệ hiện đại, tiên tiến trong sản xuất, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và hàng hóa có xuất xứ sản xuất ở Việt Nam trên thị trường quốc tế. Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tập trung chủ yếu vào khu công nghiệp, khu kinh tế của thành phố.

2. Công tác tiếp xúc, làm việc với nhà đầu tư, tổ chức trong và ngoài nước

Các hoạt động đối ngoại tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh của thành phố đối với quốc tế. Sơ bộ đến cuối năm 2015, thành phố đã ký kết 09 thỏa thuận hợp tác, kết nghĩa có ý nghĩa quan trọng với một số địa phương nước ngoài như: Incheon (Hàn Quốc), thành phố Kitakyushu, Kobe, tỉnh Niigata (Nhật Bản), vùng lãnh thổ Bắc Úc… Qua đó, vận động, thu hút được nhiều dự án hợp tác quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng quan hệ hợp tác nhiều mặt và theo chiều sâu với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc; tiếp tục củng cố quan hệ với các địa phương trên Hai lành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.

Thành phố đã đăng cai và tổ chức thành công các sự kiện quốc tế như: Hội nghị Hợp tác phi tập trung Việt Nam - Pháp lần thứ 8; Hội nghị thế giới lần thứ 57 của Hiệp hội khoa học hệ thống quốc tế (ISSS); tham gia các Hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp và các nhà đầu tư do các Đại sứ quán các nước phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức (như Ixarel, Úc...)

[...]