Quyết định 2146/QĐ-UBND năm 2013 về Quy hoạch Quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2013- 2015, định hướng đến năm 2020

Số hiệu 2146/QĐ-UBND
Ngày ban hành 28/10/2013
Ngày có hiệu lực 28/10/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Tây Ninh
Người ký Trần Lưu Quang
Lĩnh vực Thương mại,Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2146/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 28 tháng 10 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY HOẠCH QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2013-2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Quảng cáo ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 103/TTr-SVHTTDL, ngày 27 tháng 9 năm 2013 về việc đề nghị phê duyệt Quy hoạch Quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Quy hoạch Quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2013- 2015, định hướng đến năm 2020.

Điều 2. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã triển khai thực hiện Quy hoạch và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thủ trưởng các sở, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Lưu Quang

 

QUY HOẠCH

QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2013-2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2146/QĐ-UBND, ngày 28 tháng 10 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh)

Phần I

TÌNH HÌNH CHUNG

I. Khái quát vị trí địa lý, lịch sử văn hóa xã hội, đặc điểm tình hình kinh tế tỉnh Tây Ninh.

1. Vị trí địa lý, lịch sử văn hóa xã hội

Là một tỉnh nằm trong vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; phía Đông giáp tỉnh Bình Dương và Bình Phước, phía Nam giáp thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An, phía Tây và phía Bắc giáp 3 tỉnh Svayriêng, Prâyveng và Kôngpôngchàm của Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài 240km; Tây Ninh có 02 cửa khẩu quốc tế, 04 cửa khẩu quốc gia và 14 cửa khẩu tiểu ngạch là điều kiện thuận lợi để Tây Ninh phát triển về kinh tế - xã hội và văn hóa. Khí hậu tương đối ôn hòa, được chia ra làm hai mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm. Cùng với chế độ bức xạ dồi dào, nhiệt độ cao và ổn định thuận lợi cho phát triển nông nghiệp đa dạng, đặc biệt là các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu và chăn nuôi gia súc, gia cầm...., Tây Ninh ít chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 4.039,66 km2, với 9 đơn vị hành chính (trong đó có 8 huyện và 1 thị xã). Dân số tính đến năm 2012 là 1.090.140 người. Ngoài dân tộc Kinh, có khoảng 21 dân tộc thiểu số đang sinh sống, chiếm khoảng 1,69% dân số toàn tỉnh, trong đó số dân tộc thiểu số đông nhất là: Kh’mer, Hoa, Chăm và nhóm người Tà Mun; còn lại là các dân tộc khác như: Tày, Thái, Mường, Nùng, Dao, H’Mông, Gia Rai, Ê đê…

2. Đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội

2.1. Tình hình phát triển kinh tế:

Trong những năm gần đây, nền kinh tế tỉnh Tây Ninh đã có những bước tăng trưởng khá, giai đoạn 2001-2005 đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 14% năm, cao hơn so với mức tăng GDP bình quân của cả nước cùng giai đoạn này (7,5%/ năm) và tăng cao hơn so với mức tăng bình quân của giai đoạn 5 năm 1996-2000 (13,5%); giai đoạn 2006-2010 đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của tỉnh đạt 14,2%.

Cơ cấu kinh tế tỉnh Tây Ninh có sự chuyển dịch đúng hướng, phù hợp với các lợi thế của tỉnh, góp phần đảm bảo cho nền kinh tế của tỉnh phát triển phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 là “Xây dựng Tây Ninh cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối hiện đại và đồng bộ, gắn liền với sự phát triển kết cấu hạ tầng của vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nâng cao tiềm lực và sức cạnh tranh của toàn nền kinh tế, hội nhập thành công, nắm bắt những cơ hội thuận lợi do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại nhằm phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững. Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, tạo chuyển biến mạnh về tốc độ phát triển, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; không ngừng cải thiện nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; tạo tiền đề để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm thực hiện mục tiêu đề ra”.

2.2. Về văn hóa - xã hội

[...]