Quyết định 21/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024 tỉnh Kon Tum

Số hiệu 21/QĐ-UBND
Ngày ban hành 19/01/2024
Ngày có hiệu lực 19/01/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Lê Ngọc Tuấn
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 19 tháng 01 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2024 TỈNH KON TUM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;

Căn cứ Công văn số 10610/BKHĐT-ĐTNN ngày 15 tháng 12 năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024;

Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 42/SKHĐT-XTĐT ngày 06 tháng 01 năm 2024.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024 của tỉnh Kon Tum.

Điều 2. Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công Thương; Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (b/c);s
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh (đ/b);
- Các sở, ban ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh (t/h);
- UBND các huyện, thành phố (t/h);
- Trung tâm XTĐT và HTKN tỉnh (t/h);
- VP UBND tỉnh: CVP, các PCVP (đ/b);
- Lưu: VT, KTTH.
TK, NTT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Ngọc Tuấn

 

CHƯƠNG TRÌNH

XÚC TIẾN ĐẦU TƯ TỈNH KON TUM NĂM 2024
(Ban hành kèm theo Quyết định số 21/QĐ-UBND ngày 19 tháng 01 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

Phần I

CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2024

I. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG, MỤC TIÊU

1. Quan điểm:

- Thu hút đầu tư là một nội dung quan trọng, quyết định đến kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của tỉnh với những giải pháp đồng bộ, đột phá, có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với điều kiện của tỉnh.

- Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn có tiềm lực vốn, công nghệ tiên tiến để tham gia đầu tư vào các lĩnh vực lợi thế của tỉnh.

- Phát huy lợi thế vùng lõi của khu vực Tam giác phát triển, trên tuyến hành lang Đông Tây qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Tăng cường thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư kinh doanh xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; thu hút các nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết đến tìm hiểu cơ hội và đầu tư trên địa bàn khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đặc biệt là Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y để phát huy thế mạnh của địa phương, hình thành các chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm dịch vụ liên kết phát triển kinh tế liên vùng.

- Thu hút đầu tư phải sử dụng hợp lý, tiết kiệm tối đa tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ tốt môi trường, đảm bảo an ninh chính trị, phát huy lợi thế sẵn có, đảm bảo phát triển bền vững; không thu hút đầu tư bằng mọi giá.

- Chủ động tiếp xúc, kêu gọi, làm việc với nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Rút ngắn tối đa thời gian chuẩn bị một dự án đầu tư nhằm thu hút, triển khai các dự án trên địa bàn. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể, nhất là đổi mới mô hình quản trị và đẩy mạnh tự động hóa, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong sản xuất. Trên cơ sở đó, xây dựng mối quan hệ hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác để sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò trụ cột, dẫn dắt.

- Khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch của tỉnh, trọng tâm là du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Qua đó, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

2. Định hướng

- Tập trung thực hiện định hướng về phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; định hướng về phát triển du lịch tại Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 18 tháng 5 năm 2022 của Tỉnh ủy; định hướng về phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ tại Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 25 tháng 11 năm 2021 của Tỉnh ủy; bám sát quan điểm chỉ đạo về định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài tại Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị và các chương trình hành động của Chính phủ về Chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

[...]