Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 21/QĐ-UBND năm 2024 về Đề án tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

Số hiệu 21/QĐ-UBND
Ngày ban hành 19/01/2024
Ngày có hiệu lực 19/01/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Đào Quang Khải
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 19 tháng 01 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Công chứng ngày 20/6/2014;

Căn cứ Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng;

Căn cứ Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng;

Căn cứ Thông tư số 01/2021/TT-BTP ngày 03/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng;

Căn cứ Quyết định số 299/QĐ-BTP ngày 05/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 64/TTr-STP ngày 15/12/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký;

Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp, các Sở, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Cục Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lưu: VT.HC.NC.CVP.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đào Quang Khải

 

ĐỀ ÁN

TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 21/QĐ-UBND ngày 19/01/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh)

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH ĐỀ ÁN

Triển khai thi hành Luật Công chứng và Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày 29/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ), việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thời kỳ đó đã bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, đúng quy hoạch và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Ngày 01/01/2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch có hiệu lực, trong đó sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng năm 2014, bãi bỏ các quy định có liên quan đến quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng. Có thể nói, để xây dựng một Chính phủ kiến tạo với tiêu chí là minh bạch, tạo điều kiện thông thoáng cho đầu tư kinh doanh thì việc bỏ quy hoạch “sản phẩm” là chủ trương đúng. Việc bỏ quy định về quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng, bảo đảm tính xã hội hóa do thị trường quyết định dựa trên cơ sở cung cầu, các tổ chức hành nghề công chứng bình đẳng trong hành nghề, cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng dịch vụ và an toàn pháp lý cho các giao dịch; vấn đề xã hội hóa hoạt động công chứng đã bước sang một giai đoạn mới.

Tuy nhiên, khi bỏ quy định quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng cũng sẽ kéo theo những tác động đến mong muốn và nhu cầu thành lập, phát triển các Văn phòng công chứng. Phải thấy rằng, công chứng là loại nghề nghiệp đặc thù, cần phải quản lý chặt chẽ, bảo đảm chất lượng khi cho phép thành lập. Khi bỏ vấn đề quy hoạch, với điều kiện pháp luật để thành lập văn phòng công chứng tương đối dễ dàng như hiện nay, số lượng các văn phòng công chứng sẽ tăng lên rất nhanh, kéo theo một loạt các vấn đề phát sinh. Khi đó, để cạnh tranh, lôi kéo khách hàng, nhiều tổ chức công chứng chấp nhận rủi ro, bỏ qua các nguy cơ về mặt pháp lý để linh động khi ký các hợp đồng giao dịch dân sự cho người dân và doanh nghiệp. Rủi ro về mặt pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch là rất lớn. 

Vì thế, ngoài việc bỏ quy định về quy hoạch tổng thể, phải đồng thời với việc tăng cường các điều kiện và tiêu chuẩn hành nghề của Công chứng viên, điều kiện thành lập Văn phòng công chứng để tránh những rủi ro xảy ra. Theo đó, Luật đã có quy định giao cho Chính phủ quy định chi tiết các điều kiện phát triển tổ chức hành nghề công chứng là rất cần thiết, phù hợp với thực tiễn và sự phát triển của các tổ chức công chứng hiện nay, tránh việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng tràn lan, phân bổ không đồng đều, tập trung quá nhiều vào các địa bàn thành thị, thuận lợi, trong khi các địa bàn khác (vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn) lại không có tổ chức hành nghề. Cần phải có biện pháp quản lý khác thay thế việc bỏ biện pháp quản lý nhà nước bằng “quy hoạch”.

Tại Bắc Ninh, trong bối cảnh Quy hoạch không còn hiệu lực, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND ngày 30/10/2019 quy định về tiêu chí xét duyệt hồ sơ thành lập Văn phòng công chứng, tạo khung pháp lý quan trọng trong việc định hướng phát triển Văn phòng công chứng có kiểm soát gắn với địa bàn dân cư, tránh tình trạng phát triển không ổn định, bền vững, đồng đều. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động công chứng được thực hiện kịp thời, thường xuyên; công tác tuyên truyền, phổ biến được quan tâm thực hiện với nhiều hình thức; công tác thanh tra, kiểm tra về tổ chức và hoạt động công chứng, công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chứng viên được thực hiện định kỳ hàng năm… Nhờ đó, hoạt động công chứng thời gian qua đã từng bước ổn định và phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 25 tổ chức hành nghề công chứng với 51 công chứng viên, bao gồm 02 Phòng công chứng và 23 Văn phòng công chứng, phân bố tại 8/8 đơn vị hành chính cấp huyện; không có địa bàn cấp huyện nào chưa có tổ chức hành nghề công chứng.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động công chứng cũng như công tác quản lý Nhà nước về công chứng còn một số tồn tại, hạn chế như: một số cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận thức chưa đầy đủ về giá trị pháp lý của văn bản công chứng và vai trò của hoạt động công chứng; đội ngũ Công chứng viên còn ít, trong đó số lượng Công chứng viên là người đã về hưu chiếm tỷ lệ còn nhiều, việc phát triển Công chứng viên trẻ còn hạn chế, một số Công chứng viên hành nghề không ổn định; công tác phối hợp trong quản lý Nhà nước về công chứng còn chưa chặt chẽ, việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa tương xứng với sự phát triển các nhu cầu giao dịch trong hoạt động công chứng, chưa đáp ứng yêu cầu ngăn ngừa các hành vi lừa đảo, lợi dụng công chứng để hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp, vai trò tự quản, tự kiểm tra, tự giám sát của Hội công chứng viên chưa được phát huy cao,…

Thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng Đề án tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động công chứng tại địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp tục xã hội hóa hoạt động công chứng, bảo đảm phát triển nghề công chứng phù hợp với định hướng của Luật Công chứng, Nghị quyết này và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” được xác định tại điểm b mục 3 Phần II Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng và trách nhiệm thực hiện tại mục 1 phần VI Kế hoạch của Bộ trưởng Bộ Tư pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 172/NQ-CP (ban hành kèm theo Quyết định số 299/QĐ-BTP ngày 05/3/2021): “UBND cấp tỉnh chỉ đạo xây dựng Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng tại địa phương”; nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động công chứng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đảm bảo vai trò định hướng, điều tiết của Nhà nước trong việc hỗ trợ phát triển tổ chức hành nghề công chứng phù hợp với Luật Công chứng, Nghị quyết số 172/NQ-CP và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh thì việc ban hành “Đề án tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh” là hết sức cần thiết.

[...]