Quyết định 21/2010/QĐ-UBND ban hành Quy định xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành

Số hiệu 21/2010/QĐ-UBND
Ngày ban hành 04/08/2010
Ngày có hiệu lực 14/08/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký Lữ Ngọc Cư
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 21/2010/QĐ-UBND

Buôn Ma Thuột, ngày 04 tháng 8 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH XỬ LÝ TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN VI PHẠM HÀNH CHÍNH BỊ TỊCH THU SUNG QUỸ NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính số 44/2002/PL-UBTVQH10 ngày 02 tháng 7 năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 số 04/2008/PL-UBTVQH12 ngày 02 tháng 04 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008, Nghị định số 70/2006/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2006 quy định việc quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính, Nghị định số 22/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 70/2006/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2006 quy định việc quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính;
Căn cứ Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản;
Căn cứ Thông tư số 34/2005/TT-BTC ngày 12 tháng 5 năm 2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm và chuyển giao tài sản Nhà nước để bán đấu giá và Thông tư số 12/2010/TT-BTC ngày 20 tháng 01 năm 2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng và quản lý số tiền thu được từ xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số: 23/TTr-STP ngày 08 tháng 06 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Điều 2. Giao cho Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các Sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện, theo dõi, kiểm tra và định kỳ 06 tháng, hàng năm báo cáo kết quả với Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tư pháp; Giám đốc Sở Tài chính; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này thay thế Quyết định số 31/2003/QĐ-UB ngày 19 tháng 02 năm 2003 về quy định tạm thời xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước và Quyết định số 15/2004/QĐ-UB ngày 15 tháng 3 năm 2004 quy định về thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành ./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lữ Ngọc Cư

 

QUY ĐỊNH

VỀ XỬ LÝ TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN VI PHẠM HÀNH CHÍNH BỊ TỊCH THU SUNG QUỸ NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 21/2010/QĐ-UBND ngày 04/8/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk)

Điều 1. Quy định chung

1. Quy định này quy định trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính do người có thẩm quyền của cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và các cơ quan Nhà nước của tỉnh ra quyết định tịch thu.

2. Việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước phải phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính: Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính số 44/2002/PL-UBTVQH10 ngày 02 tháng 7 năm 2002, Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 số 04/2008/PL-UBTVQH12 ngày 02 tháng 04 năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan.

Điều 2. Đối tượng thực hiện

Người có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, các cơ quan thuộc tỉnh, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Cục Thuế tỉnh, Kho bạc Nhà nước, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Buôn Hồ, thành phố Buôn Ma Thuột (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện), Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến công tác xử lý tài sản là tang vật, phương tiện bị tịch thu do vi phạm hành chính.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp một cách đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nhằm đảm bảo việc xử lý và bán đấu giá tài sản là tang vật, phương tiện bị tịch thu do vi phạm hành chính đúng quy định pháp luật.

2. Việc phối hợp hoạt động được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy chế hoạt động của mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân và các quy định của pháp luật, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân và quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

3. Việc phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục, thời gian của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và pháp luật về bán đấu giá tài sản.

4. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp thực hiện kiểm tra, giám sát, trao đổi thông tin kịp thời để phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh đối với các vi phạm phát sinh trong quá trình xử lý tài sản.

Điều 4. Xác định giá khởi điểm để tổ chức bán đấu giá

1. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, người có thẩm quyền tịch thu tài sản chủ trì phối hợp cùng Sở Tài chính và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tỉnh (đối với trường hợp tài sản chuyển giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tỉnh) hoặc Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện (đối với trường hợp tài sản chuyển giao cho Hội đồng bán đấu giá cấp huyện) tiến hành xác định giá khởi điểm của tài sản để bán đấu giá. Việc xác định giá khởi điểm của tài sản để bán đấu giá phải được lập thành biên bản. Biên bản định giá được giao cho mỗi cơ quan giữ 01 bản để theo dõi tổng hợp xử lý bán đấu giá.

Đối với những tài sản thuộc loại khó định giá (tài sản chuyên dùng đơn chiếc, các tài sản không phổ biến trên thị trường) thì cơ quan ra quyết định tịch thu mời Hội đồng định giá theo quy định tại Điều 5 Quy định này để tổ chức việc xác định giá khởi điểm của những loại tài sản này.

[...]