ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2079/QĐ-UBND
|
Tiền
Giang, ngày 30 tháng 6 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THU THUẾ TRONG
LĨNH VỰC KINH DOANH XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyềt
địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11
ngày 29 tháng 11 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý
thuế số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi
hành Luật Quản lý thuế;
Căn cứ Công văn số
12733/BTC-TCT ngày 13/9/2016 của Bộ Tài Chính;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục
Thuế tại công văn số 541/CT-KTT2 ngày 15/6/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1:
Phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác quản lý thu thuế
trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang” do Cục Thuế tỉnh
Tiền Giang xây dựng.
Điều 2:
Giao Cục Thuế chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở
Khoa học và Công nghệ, Sở Tài Chính, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị tổ
chức thực hiện nội dung Đề án và Kế hoạch thực hiện Đề án do Ủy ban nhân dân tỉnh
Tiền Giang ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 3:
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Cục trưởng Cục Thuế,
Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Công
Thương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và các tổ chức, cá nhân
có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Văn Nghĩa
|
ĐỀ ÁN
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THU THUẾ TRONG
LĨNH VỰC KINH DOANH XĂNG, DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2079/QĐ-UBND ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Uỷ
ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)
Thực hiện Nghị quyết số
117/2015/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền
Giang khóa VIII, kỳ họp thứ 14 về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016
- 2020.
Thực hiện Công văn số
12733/BTC-TCT ngày 13/9/2016 của Bộ Tài chính về việc đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh,
thành phố, chỉ đạo các ngành, các cấp phối hợp với cơ quan Thuế tăng cường công
tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu thông qua giải pháp quản
lý đồng hồ (công tơ) trên các phương tiện đo xăng dầu của các cơ sở kinh doanh
xăng dầu trên địa bàn.
Để tăng cường công tác quản lý
nhà nước trong lĩnh vực thuế; đảm bảo huy động đúng, đủ, kịp thời các khoản thu
vào ngân sách nhà nước (NSNN) theo quy định của pháp luật; tạo môi trường cạnh
tranh công bằng, lành mạnh trong kinh doanh và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu
dùng mặt hàng xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang
phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác quản lý thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh
xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang” do Cục Thuế xây dựng với các nội
dung cơ bản như sau:
A. PHẦN I
THỰC TRẠNG
CÔNG TÁC QUẢN LÝ THU THUẾ LĨNH VỰC KINH DOANH XĂNG, DẦU TRONG THỜI GIAN QUA
1. Đặc điểm tình hình chung:
Tiền Giang là một tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu
long, nằm trải dọc bên bờ bắc sông Tiền với chiều dài 120 km và đường bờ biển dài 32 km; tiếp giáp với các
tỉnh Long An, Đồng Tháp, Bến Tre và Vĩnh Long, có hệ thống giao thông rất thuận
lợi cho việc giao lưu trao đổi hàng hóa cả về đường bộ, đường thủy; là địa bàn
trung chuyển hết sức quan trọng của miền Tây Nam bộ và là tỉnh nằm trong vùng
kinh tế trọng điểm phía nam theo quy hoạch của Chính phủ.
Thị trường kinh doanh xăng, dầu
trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có sự tham gia của các thành phần kinh tế, loại
hình doanh nghiệp đa dạng, mạng lưới hoạt động kinh doanh có mặt hầu hết trên
các địa bàn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vận chuyển hành
khách, nhu cầu trong sản xuất và phương tiện đi lại của nhân dân.
Hiện có 310 doanh nghiệp cung cấp
cho thị trường trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; trong đó các đơn vị có quy mô lớn
như: Công ty xăng dầu Tiền Giang, Công ty TNHH XD Hồng Đức, Công ty CPTM Thuận
Tiến, Công ty CP Chợ Gạo, Công ty TNHH Châu Thành, Công ty CP XNK dầu khí và
kho ngoại quan Sông Tiền Petro… Năm 2016 số lượng tiêu thụ
là 768 triệu lít (xăng là 389, dầu 370 lít), tổng doanh thu 16.044 tỷ đồng đã nộp
ngân sách nhà nước là 726 tỷ đồng chiếm 14% tổng thu ngân sách của tỉnh.
2. Một số nguyên nhân và hành
vi vi phạm dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước:
Trong thời gian qua, đa số các
doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh có ý thức chấp hành tuân thủ
qui định pháp luật về thuế; đăng ký, kê khai, nộp thuế đầy đủ, kịp thời đúng
quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng của
chính sách pháp luật và công tác quản lý Nhà nước để thực hiện những hành vi
gian lận và trốn thuế gây thất thu cho ngân sách nhà nước, tạo sự bất bình đẳng
trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các doanh nghiệp.
- Phần lớn người tiêu dùng là cá
nhân khi mua xăng, dầu đều không lấy hóa đơn và số lượng xăng, dầu này được hợp
thức hóa bằng việc lập hóa đơn để cung cấp cho tổ chức hành chính sự nghiệp,
thanh quyết toán với ngân sách nhà nước và cung cấp cho các cơ sở kinh doanh để
kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào đồng thời hạch toán tăng chi phí nhằm làm giảm
thu nhập chịu thuế và giảm số thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
- Một số cơ sở kinh doanh, nhập
xăng, dầu trôi nổi trên thị trường để kinh doanh, bỏ ngoài sổ sách kế toán,
không kê khai, nộp thuế. Hiện tượng này vừa gây thất thu ngân sách nhà nước, vừa
tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng giữa các thành phần kinh tế đồng
thời khó bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng.
- Từng thời điểm Nhà nước quyết định
điều chỉnh giá xăng, dầu giao dịch mua, bán trên thị trường, cơ quan thuế các cấp
chưa phối hợp với cơ quan chức năng có liên quan, kịp thời kiểm tra so sánh lượng
hàng hóa tồn kho thực tế với lượng hàng hóa tồn kho thể hiện trên sổ sách kế
toán nhằm đề ra biện pháp chống thất thu về giá.
- Công tác quản lý thuế đã có nhiều
nỗ lực, cố gắng đạt được kết quả tích cực, nhưng trong thực tế vẫn chưa có nhiều
biện pháp quản lý hữu hiệu trong việc kiểm soát kê khai, nộp thuế. Việc phối hợp
với các ngành chức năng chưa chặt chẽ và kịp thời; chưa chủ động tham mưu, đề
xuất với Ủy ban nhân dân các cấp các ngành để có biện pháp quản lý phù hợp, hiệu
quả nhằm tăng cường quản lý chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh
xăng, dầu.
3. Sự cần thiết phải xây dựng Đề án để tăng cường công tác quản lý thu
thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh tiền Giang
- Ý thức chấp hành
tuân thủ qui định pháp luật Nhà nước về thuế của một số cơ sở kinh doanh còn thấp,
vẫn còn hiện tượng bán hàng không lập hóa đơn, kinh doanh để ngoài sổ sách kế
toán, không kê khai, nộp thuế theo quy định gây thất thu các loại thuế phải nộp
ngân sách nhà nước.
- Diễn biến trên
thị trường xăng, dầu trong thời gian vừa qua là đa dạng nguồn cung, đã xuất hiện
dấu hiệu về hành vi buôn lậu xăng, dầu theo đường biển bằng nhiều loại phương
tiện khác nhau. Và trong thời gian qua cơ quan chức năng đã phát hiện một số
trường hợp vi phạm với số lượng lớn.
Nhằm khắc phục những
vấn đề còn hạn chế, tồn tại trong quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh
xăng, dầu trên địa bàn tỉnh như đã nêu trên, tiến tới quản lý bao quát toàn bộ
hoạt động của tất cả các cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh, trong đó
quản lý được việc nhập hàng, xuất hàng bán cho người tiêu dùng, quản lý được
doanh thu và thu đủ được các loại thuế phát sinh; đồng thời nâng cao ý thức
tuân thủ chấp hành chính sách pháp luật về thuế của Người nộp thuế, đảm bảo
công bằng, bình đẳng về nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước và đảm bảo quyền lợi
cho người tiêu dùng. Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang phê duyệt Đề án “Tăng
cường công tác quản lý thu thuế trong lĩnh vực kinh
doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang” làm
cơ sở cho việc quản lý thu thuế theo Luật quản lý Thuế và các Luật Thuế hiện
hành.
B. PHẦN II
NỘI DUNG ĐỀ ÁN
1. Các căn cứ pháp lý:
- Căn cứ Luật Thương mại số
36/2005/QH11 ngày 14/6/2005 của Quốc hội khóa 11;
- Căn cứ Luật quản lý Thuế số 78/2006/QH11
ngày 29 tháng 11 năm 2006 của Quốc hội khóa 11; Luật số 21/2012/QH13 ngày
20/11/2012 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11;
- Căn cứ Luật Thuế giá trị gia tăng
số 13/2008/QH12 ngày 3 tháng 6 năm 2008 của Quốc hội khóa 12 và các luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng số 13/2008/QH12;
- Căn cứ Luật Thuế thu nhập doanh
nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 3 tháng 6 năm 2008 của Quốc hội khóa 12 và các luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số
14/2008/QH12;
- Căn cứ Luật Thuế thu nhập cá
nhân số 26/2012/QH13 ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Quốc hội khóa 13;
- Căn cứ Luật Thuế Bảo vệ môi trường
số 57/2010/QH 12 ngày 29 tháng 11 năm 2010 của Quốc hội khóa 12;
- Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành
chính số 15/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012 của Quốc hội khóa 13;
- Căn cứ Nghị định số
83/2014/NĐ-CP ngày 3 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ Về kinh doanh xăng dầu;
- Căn cứ Nghị định số
80/2013/NĐ-CP ngày 19/07/2013 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa;
- Căn cứ Nghị định số
97/2013/NĐ-CP ngày 27/01/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong
lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng.
- Căn cứ Công văn
số 12733/BTC-TCT ngày 13/9/2016 của Bộ Tài Chính về việc: Đề nghị Chủ tịch UBND
tỉnh, thành phố, chỉ đạo các ngành, các cấp phối hợp với cơ quan Thuế tăng cường
công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu thông qua giải pháp
quản lý đồng hồ (công tơ) trên các phương tiện đo xăng dầu của các cơ sở kinh
doanh xăng dầu trên địa bàn.
2. Mục tiêu của Đề án:
- Quản lý, kiểm tra và kiểm soát
được các doanh nghiệp đầu mối cung cấp xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
nhằm chống triệt để tình trạng buôn lậu xăng, dầu;
- Chống tiêu cực trong việc mua,
bán hóa đơn của các cơ sở kinh doanh xăng, dầu; tăng cường tính tự giác và gắn
trách nhiệm có tính bắt buộc của các cơ sở kinh doanh xăng, dầu trong việc cung
cấp hoá đơn khi bán hàng hóa; qua đó, cơ quan thuế quản lý được doanh số bán ra
của cơ sở kinh doanh xăng, dầu và cơ sở kinh doanh xăng, dầu thực hiện đầy đủ
nghĩa vụ của mình thông qua việc kê khai, nộp thuế đúng, đủ và kịp thời vào ngân sách nhà nước;
- Nâng cao hiệu quả công tác quản
lý thu thuế đối với lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu nhằm tăng thu cho ngân sách nhà nước, đồng thời hỗ trợ cho việc kiểm
soát chi ngân sách nhà nước, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa
các cơ sở kinh doanh cùng kinh doanh mặt hàng xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Tiền
Giang, bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng;
- Nâng cao năng lực quản lý và tinh thần trách nhiệm của đội
ngũ công chức thuế theo đúng quy định chức năng, nhiệm vụ nhằm bảo đảm triển
khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với
hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên từng địa bàn;
- Nhà nước quản lý được 100% người
nộp thuế có hoạt động kinh doanh xăng, dầu và tình hình hoạt động kinh doanh
xăng, dầu trên địa bàn toàn tỉnh.
3. Nội dung quản lý của Đề án:
3.1. Phạm vi điều chỉnh của Đề
án:
- Đề án áp dụng đối với tất cả các
cơ sở kinh doanh xăng dầu; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh
doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang;
- Chế độ phát hành, quản lý, sử dụng
tem niêm phong, được thực hiện theo các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng
tem niêm phong; Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 của
Quốc hội khóa 11; Luật số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012 sửa đổi bổ sung một số
điều của Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11.
3.2. Quản lý đối tượng nộp thuế:
a) Quản lý các cơ sở kinh doanh
xăng, dầu đang hoạt động:
- Hàng năm cơ quan thuế các cấp tiến
hành phối hợp với các cơ quan chức năng, thu thập và xử lý thông tin, khảo sát và điều tra thực tế, kiểm tra hồ sơ
khai thuế từ đó có biện pháp quản lý thu thuế phù hợp đối với từng cơ sở kinh
doanh xăng, dầu;
- Thường
xuyên nắm bắt thông tin, thực hiện tốt công tác phân loại đối tượng quản lý, để từ đó tập trung kiểm tra những cơ sở kinh
doanh xăng, dầu có biểu hiện trốn
thuế, gian lận về thuế;
- Kịp thời kiểm tra và xử lý vi phạm
đối với các cơ sở kinh doanh xăng, dầu thực hiện không đúng quy định về chế độ
kế toán, về việc chấp hành bảo quản tem niêm phong chỉ số công tơ tổng đối với
tất cả cột đo xăng, dầu dẫn đến có hành vi khai sai số thuế phải nộp, cố tình
trốn thuế;
- Phối hợp chặt chẽ với chính quyền
địa phương để nắm bắt kịp thời tình hình biến động liên
quan đến quy mô, tình hình kinh doanh của các cơ sở kinh doanh
xăng, dầu trên địa bàn.
b) Quản lý các doanh nghiệp đầu mối
cung cấp xăng, dầu cho thị trường tỉnh Tiền Giang:
- Quản lý và xác định số lượng,
giá bán xăng, dầu của tất cả doanh nghiệp đầu mối thường xuyên cung cấp xăng, dầu
cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh;
- Kiểm tra hóa đơn, chứng từ và hợp
đồng kinh tế đối với lượng xăng, dầu đang lưu thông vận chuyển trên đường của
các doanh nghiệp đầu mối;
3.3. Quản lý sản lượng:
a) Bằng phương pháp dán tem niêm phong
công tơ tổng đối với tất cả cột đo xăng, dầu hiện đang
sử dụng tại tất cả các cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn toàn tỉnh nhằm để xác định các chỉ số (chỉ số đầu kỳ, chỉ số cuối kỳ) và qua đó
tính toán sản lượng xăng, dầu xuất bán, cụ thể:
- Tem niêm phong công tơ tổng do
Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Tiền Giang in, phát hành, quản lý,
xác định vị trí và dán tem;
- Các cơ sở kinh doanh xăng, dầu
có trách nhiệm bảo quản tem niêm phong đang dán trên công tơ tổng theo quy định
của pháp luật hiện hành. Nếu tem niêm phong tại cơ sở
kinh doanh bị bóc dỡ. Căn cứ tình hình thực tế, cơ quan Thuế ban hành quyết định
kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế hoặc phối hợp với Sở Công Thương, Sở Khoa học
và Công nghệ ban hành quyết định kiểm tra liên ngành, xử lý theo quy định của
ngành chuyên môn và ấn định thuế theo luật Quản lý thuế hiện hành;
- Hàng quý, vào ngày đầu của mỗi
quý; ngành Thuế (Cục Thuế, Chi cục Thuế) phân công công chức thuế đến cơ sở
kinh doanh xăng, dầu mà đơn vị mình quản lý để ghi chỉ số đang thể hiện trên
công tơ tổng (ghi vào nhật ký của cơ sở kinh doanh và sổ theo dõi của cán bộ
thuế), chỉ số công tơ là cơ sở đối chiếu với hồ sơ khai thuế của cơ sở kinh
doanh xăng, dầu;
- Khi cơ sở kinh doanh cần bóc
tem niêm phong để sửa chữa cột đo xăng, dầu hoặc các bộ phận máy móc liên quan
các trường hợp sau:
+ Việc bóc tem niêm phong bộ phận
máy không làm ảnh đến tem niêm phong công tơ tổng thì điện thoại báo Chi cục đo
lường chất lượng tỉnh (Trung tâm kiểm định) biết để cử người tới bóc tem niêm
phong;
+ Việc bóc tem niêm phong bộ phận
máy có liên quan đến công tơ tổng, cơ sở kinh doanh thông báo trước bằng văn bản
với Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất tỉnh Tiền Giang và cơ quan thuế (Cục Thuế,
Chi cục Thuế) trước 02 ngày để được giải quyết.
b) Các cơ sở kinh doanh xăng, dầu
tự xác định các chỉ số thể hiện trên công tơ tổng để tính toán sản lượng xăng,
dầu xuất bán làm cơ sở cho việc lập hồ sơ khai thuế.
c) Cơ sở kinh doanh xăng, dầu
thực hiện ghi chép đầy đủ nội dung sổ nhật ký theo dõi sử dụng phương tiện đo
xăng, dầu tại thời điểm: Khi doanh nghiệp tự kiểm tra cột đo xăng, dầu hoặc khi
cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn kiểm tra, thanh tra xác nhận tình
trạng hoạt động của cột đo xăng, dầu; đồng thời, thông báo kịp thời cho cơ quan
Nhà nước liên quan khi phát sinh việc hư hỏng công tơ tổng.
d) Cơ quan thuế các cấp tiến
hành phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra tem niêm phong
công tơ tổng đối với tất cả cột đo xăng, dầu. Xử lý đối với các trường hợp có
tác động từ bên ngoài làm ảnh hưởng đến các chỉ số công tơ tổng dẫn đến sai lệch
số lượng xăng, dầu tiêu thụ trong kỳ.
Trong quá trình kiểm tra, thanh
tra nếu xét thấy cần phải kiểm tra lượng xăng dầu tồn kho thực tế để có cơ sở
xác định tính trung thực của hồ sơ khai thuế thì tiến hành kiểm kê xăng, dầu tồn
kho tại cơ sở kinh doanh.
3.4. Quản lý giá:
a) Các cơ sở kinh doanh bán lẻ
xăng dầu cho người tiêu dùng thực hiện bán xăng dầu theo giá thông báo của
doanh nghiệp đầu mối nhưng không được vượt quá giá trần do nhà nước quy định
theo từng thời kỳ. Đối với các đơn vị đầu mối có hoạt động bán sỉ, là giá đã
đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; phải thực
hiện niêm yết giá và bán theo đúng giá đã niêm yết. Việc niêm yết giá có thể
dùng bảng cố định, bảng giá tại quầy, tại bàn hoặc treo tại nơi khách hàng có
thể dễ dàng nhận biết, các cơ quan nhà nước dễ kiểm tra, kiểm soát.
b) Các cơ quan Nhà nước có thẩm
quyền phải thường xuyên kiểm tra và xử lý cơ sở kinh doanh vi phạm về giá bán
xăng, dầu, không thực hiện niêm yết giá xăng, dầu theo quy định.
3.5. Quản lý doanh thu và thuế:
a) Xác định số lượng xăng, dầu
xuất bán, cụ thể:
Số lượng xăng, dầu tiêu thụ
trong kỳ = (Chỉ số xăng, dầu cuối kỳ thể hiện trên công tơ tổng - Chỉ số xăng,
dầu đầu kỳ thể hiện trên công tơ tổng) tại các điểm bán lẻ xăng dầu + (Chỉ số
xăng, dầu cuối kỳ thể hiện trên công tơ tổng - Chỉ số xăng, dầu đầu kỳ thể hiện
trên công tơ tổng) tại các cột đo xăng dầu ở các tổng kho đối với các đơn vị đầu
mối + Số lượng xăng, dầu giao bán thẳng không qua công tơ tổng.
b) Xác định doanh thu tính thuế
của cơ sở kinh doanh xăng, dầu:
b1. Đối với các đơn vị kinh
doanh xăng dầu lớn (doanh nghiệp đầu mối) vừa bán lẻ cho người tiêu dùng và vừa
bán sỉ cho các doanh nghiệp khác:
Doanh thu tính thuế = (Số lượng
xăng, dầu tiêu thụ trong kỳ tại các điểm bán lẻ xăng dầu x Đơn giá bán theo
thông báo của doanh nghiệp đầu mối tại thời điểm xuất bán) + (Số lượng xăng dầu
bán sỉ tại tổng kho x Giá bán đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc giá
bán theo hợp đồng kinh tế) + (Số lượng xăng dầu bán thẳng x Giá bán theo hợp đồng
kinh tế).
b2. Đối với các đơn vị bán lẻ
xăng dầu cho người tiêu dùng:
Doanh thu tính thuế = Số lượng
xăng, dầu tiêu thụ trong kỳ tại các điểm bán lẻ xăng dầu x Đơn giá bán
theo thông báo của doanh nghiệp đầu mối tại thời điểm xuất bán + Số lượng xăng
dầu bán thẳng (nếu có) x Giá bán theo hợp đồng kinh tế.
- Theo quy định, hàng tháng các
doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện kiểm tra đồng hồ đo bằng biện pháp
bơm ao lường vào bình tiêu chuẩn; sau đó, lượng xăng, dầu ao lường sẽ được đổ lại
vào bồn chứa; hoặc vì lý do khác phải bơm rút xăng, dầu ra ngoài bồn chứa, rồi
lại đổ lại bồn. Số lượng xăng dầu đó, doanh nghiệp ghi nhận vào sổ nhật ký để
giải trình cho cơ quan chức năng khi thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thuế.
- Trường hợp có thông báo điều
chỉnh về giá bán của cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị đầu mối; doanh nghiệp
ghi nhận chỉ số công tơ tổng tại thời điểm điều chỉnh vào sổ nhật ký cột bơm của
đơn vị và báo cho công chức quản lý thuế trực tiếp, ghi nhận vào sổ giám sát của
mình để có cơ sở xác định chính xác doanh thu trong kỳ.
c) Xác định khoản chi phí được
trừ và không được trừ, trong đó tập trung kiểm tra đối chiếu hợp đồng kinh tế,
hóa đơn, chứng từ để xác định lượng và giá trị xăng, dầu mua vào tương ứng với
lượng và giá trị xăng, dầu bán ra.
d) Phối hợp với cơ quan thuế tại
các địa phương khác thực hiện công tác xác minh hóa đơn đầu
vào, đầu ra. Xử lý theo quy định
đối với các trường hợp vi phạm chế độ phát hành, sử dụng hóa đơn.
4. Các giải pháp thực hiện đề
án:
4.1 Giải pháp về tuyên truyền, phổ
biến nội dung đề án:
a) Tổ chức tuyên truyền rộng rãi
trên các phương tiện truyền thông đại chúng để nhân dân, doanh nghiệp và nhất là
tất cả các cơ sở kinh doanh đang hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh
Tiền Giang để biết và thực hiện đề án quản lý thu thuế bằng phương pháp dán tem
đồng hồ đo đếm trên cột đo xăng, dầu;
b) Đẩy mạnh dịch vụ công, hỗ trợ
người nộp thuế qua điện thoại, kịp thời giải đáp các vướng mắc theo yêu cầu của
các cơ sở kinh doanh; duy trì và phát huy tính hiệu quả của “đường dây nóng”;
c) Tuyên dương những cơ sở kinh
doanh nộp thuế tốt, thực hiện xử lý đối với những hành vi vi phạm luật Quản lý
Thuế, các luật Thuế hiện hành, thực hiện xử lý đối với những hành vi vi phạm về
chế độ bảo quản tem theo quy định.
4.2 Thành lập tổ chỉ đạo triển
khai, thực hiện đề án:
Cục Thuế tham mưu UBND tỉnh thành
lập tổ chỉ đạo và triển khai đề án tăng cường công tác quản lý thu thuế trong
lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Tiền giang.
4.3 Triển khai thực hiện đề án:
a) Thu thập thông tin:
Cơ quan Thuế phối hợp với sở Khoa học và Công
nghệ tổ chức các cuộc giao lưu, học hỏi kinh nghiệm tại các địa phương đã thực hiện
đề án xác định vị trí dán tem, số lượng tem dán cho mỗi trụ đo làm cơ sở cho việc
dự trù kinh phí và thời gian thực hiện đề án.
b) Xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm tra định
kỳ, đột xuất:
Cục Thuế chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra định
kỳ và kiểm tra đột xuất đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh xăng, dầu trên
địa bàn; tập trung vào các cơ sở có dấu hiệu buôn lậu xăng, dầu; gian lận về
thuế, gian lận thương mại và kiểm tra việc bảo quản tem dán niêm phong, chỉ số
công tơ tổng của cơ sở kinh doanh. Qua đó, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
theo quy định của pháp luật hiện hành.
C. PHẦN III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cục Thuế:
1.1. Chủ trì, phối hợp với các
sở, ban, ngành tỉnh liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án bảo đảm
quản lý bao quát toàn bộ hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Phối
hợp với các ngành liên quan trên địa bàn tỉnh, huyện, thành phố; phân công giao
trách nhiệm cụ thể để tổ chức thực hiện Đề án. Phối hợp với
Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Tiền Giang đề xuất mẫu tem.
1.2. Chủ trì phối hợp với các
ngành liên quan; tổ chức tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản của Đề
án, gắn với nội dung chính sách, pháp luật thuế tại các hội nghị triển khai
chính sách, pháp luật thuế, hội nghị đối thoại về thuế.
1.3. Giao Cục trưởng Cục Thuế
ban hành quyết định thành lập các Tổ công tác liên ngành gồm công chức ngành
Thuế, công chức Sở Công Thương và công chức Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức thực
hiện việc dán tem niêm phong công tơ tổng đối với các cột đo xăng, dầu trên địa
bàn.
1.4. Hàng quý, vào ngày đầu của
quý; ngành Thuế phân công công chức thuế đến cơ sở kinh doanh xăng, dầu mà đơn
vị quản lý để ghi chỉ số tại công tơ tổng, chỉ số công tơ làm cơ sở đối chiếu với
hồ sơ khai thuế của cơ sở kinh doanh xăng, dầu.
1.5. Thực hiện kiểm tra thường
xuyên tại cơ quan Thuế và kiểm tra theo kế hoạch tại trụ sở người nộp thuế đối
với các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh. Đối chiếu số liệu của
cơ sở kinh doanh xăng dầu phản ảnh trên hồ sơ khai thuế với lượng xuất ra phản ảnh
trên chỉ số công tơ tổng của cột đo xăng, dầu và giá trị xuất bán xăng, dầu. Nếu
phát hiện sai phạm sẽ xử lý theo các quy định của pháp luật về Thuế.
1.6. Định kỳ 6 tháng và hàng
năm, cơ quan thuế các cấp dành một mục nội dung trong báo cáo sơ kết, tổng kết
của đơn vị mình để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ này và đề ra các giải
pháp mới, bổ sung hoặc điều chỉnh phương pháp quản lý thu thuế cho phù hợp với
tình hình thực tế.
1.7. Định kỳ hàng năm, Cục Thuế
tỉnh Tiền Giang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang và Sở
Công Thương tỉnh Tiền Giang họp đánh giá kết quả thực hiện, đề ra phương hướng
nhiệm vụ năm kế hoạch và báo cáo UBND tỉnh Tiền Giang.
2. Sở Khoa học và Công nghệ:
2.1. Phối hợp với Cục Thuế đề
xuất mẫu tem, tổ chức in, phát hành, quản lý và sử dụng tem theo quy định; xác
định vị trí và hướng dẫn tổ công tác thực hiện dán tem, thời điểm kiểm tra đối
với tem đang dán trên công tơ tổng tại các cột đo xăng, dầu của tất cả các cơ sở
kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh.
2.2. Phối hợp, cử công chức,
viên chức tham gia các Tổ công tác do Cục Thuế quyết định thành lập, thực hiện
công tác dán tem công tơ tổng tại các cột đo xăng, dầu của tất cả các cơ sở
kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh.
2.3. Lập
dự trù kinh phí gửi cho cơ quan Thuế bao gồm: kinh phí in
tem, kinh phí phục vụ hoạt động dán tem và kinh phí dán lại
theo yêu cầu của cơ sở kinh doanh. Xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm
pháp luật chuyên ngành.
3. Sở Công Thương:
3.1.Cử công chức tham gia tổ
công tác do Cục Thuế quyết định thành lập, thực hiện công tác dán tem công tơ tổng
tại các cột đo xăng, dầu của tất cả các cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn
tỉnh.
3.2.Xử lý nghiêm theo thẩm quyền
các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu.
4. Sở Tài chính:
4.1.Tổ chức triển khai thực hiện
nhiệm vụ, chức năng quản lý giá đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu; phối hợp
với các ngành liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về
giá trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
4.2.Thông báo về giá cả thị trường
của một số sản phẩm xăng, dầu theo từng thời điểm để cơ quan thuế tham khảo,
xác định giá giao dịch thông thường làm căn cứ ấn định giá bán, mua đối với các
cơ sở kinh doanh kê khai thuế không trung thực.
4.3.Thẩm định bảng dự toán kinh
phí do Cục Thuế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ lập trình UBND tỉnh xem
xét để thực hiện triển khai thực hiện Đề án.
5. Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã và thành phố:
5.1. Chủ tịch UBND huyện, thị
xã, thành phố Mỹ Tho triển khai thực hiện đề án trong phạm vi đơn vị mình quản
lý.
5.2. Chỉ đạo các cơ quan, ban
ngành tại địa phương cung cấp các thông tin có liên quan đến hoạt động của cơ sở
kinh doanh xăng, dầu đóng tại địa bàn.
6. Đối với cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh:
6.1. Các thương nhân kinh doanh
xăng dầu có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức
năng triển khai dán tem công tơ tổng tại các trụ đo xăng dầu của doanh nghiệp của
mình. Kịp thời cung cấp số liệu phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt
động kinh doanh của doanh nghiệp.
6.2. Thực hiện theo quy định của
Nhà nước về giá bán xăng, dầu. Thông báo cho cơ quan quản lý Nhà nước về số liệu
lượng xăng, dầu tồn kho tại thời điểm Nhà nước điều chỉnh giá bán xăng, dầu
trên thị trường và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nó.
6.3. Thông báo kịp thời cho cơ
quan Nhà nước có thẩm quyền về tình trạng hư hỏng đồng hồ công tơ tổng cột đo
xăng dầu, tem dán niêm phong do ảnh hưởng của các tác động khách quan để được sửa
chữa và thay thế tem mới.
7. Kinh phí thực hiện đề án:
Cục Thuế chủ trì, phối hợp với
Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính xây dựng dự toán thực hiện Đề án để tổ
chức triển khai thực hiện đề án.
8. Thời gian triển khai thực
hiện:
Đề án bắt đầu triển khai thực
hiện từ ngày 01/7/2017.
Trong quá trình tổ chức triển
khai thực hiện đề án, nếu có các quy định mới liên quan đến quản lý, thu thuế đối
với hoạt động kinh doanh xăng dầu, Cục Thuế có trách nhiệm tham mưu, đề xuất
UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.