Quyết định 207/2005/QĐ-UBND thực hiện Quyết định 39/2005/QĐ-TTg hướng dẫn Điều 121 của Luật Xây dựngdo Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 207/2005/QĐ-UBND
Ngày ban hành 01/12/2005
Ngày có hiệu lực 11/12/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Văn Đua
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Xây dựng - Đô thị

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 207/2005/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 12 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 39/2005/QĐ-TTG NGÀY 28 THÁNG 02 NĂM 2005 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 39/2005/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành Điều 121 của Luật Xây dựng;
Xét nội dung thẩm định tại Công văn số 3095/STP-VB, ngày 24 tháng 8 năm 2005 của Sở Tư pháp và Tờ trình số 7837/TT-XD-CPXD, ngày 08 tháng 11 năm 2005 của Sở Xây dựng về tổ chức thực hiện Quyết định số 39/2005/QĐ-TTg, ngày 28 tháng 02 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quyết định này nhằm xử lý các công trình xây dựng không phép và sai phép đang tồn tại trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, có vi phạm xây dựng xảy ra trước ngày 01 tháng 7 năm 2004, bao gồm:

a) Công trình xây dựng phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt nhưng chưa phù hợp về kiến trúc;

b) Công trình xây dựng không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt.

2. Quyết định này không áp dụng đối với các trường hợp vi phạm xây dựng (toàn phần hay một phần) sau đây:

a) Công trình thuộc sở hữu Nhà nước;

b) Công trình vi phạm các quy định về hành lang an toàn hạ tầng kỹ thuật như: giới hạn tĩnh không, giao thông đường sắt, đê điều, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, các công trình hạ tầng kỹ thuật khác theo quy định của pháp luật;

c) Công trình vi phạm các quy định về an ninh quốc phòng, bảo vệ di tích thắng cảnh, bảo vệ rừng; công trình không đảm bảo điều kiện an toàn phòng chống cháy nổ theo quy định; công trình không đảm bảo điều kiện về vệ sinh môi trường theo quy định;

d) Công trình xây dựng vi phạm hành lang an toàn lưới điện, hành lang bên bảo vệ sông, kênh, rạch.

3. Nếu công trình hay bộ phận công trình có từng phần đã vi phạm xây dựng thuộc khoản 2 trên đây thì vẫn thực hiện tháo dỡ không điều kiện theo quy định hiện hành liên quan.

4. Công trình xây dựng vi phạm từ ngày 01 tháng 7 năm 2004 trở về sau thì việc xử lý vi phạm phải kiên quyết thực hiện theo quy định tại Điều 120 của Luật Xây dựng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài là chủ sở hữu công trình (gọi chung là chủ đầu tư) có vi phạm xây dựng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trước ngày 01 tháng 7 năm 2004, trừ trường hợp công trình của chủ đầu tư nước ngoài mà Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác.

Điều 3. Đối với công trình xây dựng có vi phạm đang tồn tại, phù hợp với quy hoạch xây dựng nhưng chưa phù hợp về kiến trúc

Công trình xây dựng có vi phạm đang tồn tại phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng, nhưng chưa phù hợp với các quy định về kiến trúc, cảnh quan khu vực của cơ quan có thẩm quyền ban hành như: quy định về hình khối kiến trúc, số tầng công trình; kiến trúc mặt đứng công trình; chiều cao xây dựng tầng 1 và các tầng; phần cho phép nhô ra của ban công các tầng; màu sắc công trình; mái công trình; mật độ xây dựng và các quy định kiến trúc khác thì được phép tồn tại theo hiện trạng.

Trường hợp chủ đầu tư có nhu cầu cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới thì phải thực hiện theo đúng các quy định của Luật Xây dựng; các quy định về kiến trúc, cảnh quan của khu vực hay phải phù hợp giấy phép xây dựng được cấp.

Điều 4. Đối với công trình xây dựng đang tồn tại nhưng không phù hợp với quy hoạch xây dựng

1. Đối với trường hợp toàn bộ công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng thì được xử lý như sau:

a) Trường hợp thực hiện ngay quy hoạch xây dựng, chủ đầu tư xây dựng phải di chuyển về khu quy hoạch và được bồi thường hay hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

b) Trường hợp chưa thực hiện quy hoạch xây dựng thì được phép tồn tại theo hiện trạng. Nếu chủ đầu tư có nhu cầu thì được sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong nhưng không được làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của công trình. Trường hợp sửa chữa, nâng cấp, cải tạo mà theo quy định phải xin cấp phép xây dựng thì chủ công trình phải xin cấp phép xây dựng tạm có thời hạn. Khi thực hiện quy hoạch xây dựng, chủ công trình phải tự thực hiện phá dỡ theo quy định của Luật Xây dựng.

2. Đối với trường hợp một phần công trình không phù hợp quy hoạch xây dựng thì được xử lý như sau:

a) Trường hợp thực hiện ngay quy hoạch xây dựng, chủ công trình xây dựng phải phá dỡ phần không phù hợp với quy hoạch xây dựng và được bồi thường hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Phần diện tích mặt bằng khu đất (hay công trình) còn lại được phép xây dựng nhưng phải tuân theo quy hoạch xây dựng, quy định về kiến trúc, cảnh quan của khu vực, quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn xây dựng, phải được cấp giấy phép xây dựng và xử lý cụ thể như sau:

- Nếu phần diện tích đất (hay công trình) còn lại nhỏ hơn 15m2, có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3m thì không được phép xây dựng. Trường hợp chiều rộng mặt tiền và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3m trở lên thì được phép xây dựng 1 tầng (trệt).

[...]