Quyết định 206-TTg năm 1980 quy định chế độ báo bão do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 206-TTg
Ngày ban hành 28/06/1980
Ngày có hiệu lực 13/07/1980
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 206-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 1980

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 206-TTG NGÀY 28 THÁNG 6 NĂM 1980 QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ BÁO BÃO

Bão là hiện tượng khí tượng cực kỳ nguy hiểm, có thể gây ra những thiệt hại to lớn về người và của cải.

Có dự báo kịp thời, chính xác, có báo tin nhanh chóng, đúng đắn thì việc chuẩn bị phòng chống bão mới được kịp thời và hạn chế được thiệt hại. Tổng cục Khí tượng thuỷ văn phải tổ chức tốt công tác theo dõi, dự báo bão, đồng thời phải phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương huy động mọi phương tiện có thể huy động được để báo tin bão kịp thời.

Quyết định này thay cho thông tư số 64-TTg ngày 11 tháng 6 năm 1962 quy định chế độ báo bão và nhiệm vụ của các ngành, các địa phương có liên quan. Cùng với quyết định này là sáu bảng quy định và chỉ dẫn chi tiết (từ số I đến số VI).

A. CHẾ ĐỘ DỰ BÁO ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI VÀ BÃO

Tổng cục Khí tượng thuỷ văn có nhiệm vụ theo dõi thời tiết thường xuyên, phát hiện các áp thấp nhiệt đới, các cơn bão có khả năng ảnh hưởng đến thời tiết nước ta và ra các bản tin chính thức về áp thấp nhiệt đới và bão.

I. PHÂN BIỆT ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI VÀ BÃO

Vùng áp suất thấp của không khí phát sinh trên các biển nhiệt đới khi có sức gió mạnh nhất đạt từ cấp 6 đến cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ) gọi là áp thấp nhiệt đới, khi sức gió mạnh từ cấp 8 trở lên (tức là từ 62 km một giờ trở lên) gọi là bão; sức gió mạnh từ cấp 12 trở lên (từ 118 km một giờ trở lên) thì được gọi là bão mạnh.

Áp thấp nhiệt đới và bão đều gây nguy hại; mức độ nguy hại tuỳ thuộc vào sức mạnh của gió, tình trạng sóng biển, nước dâng và tình hình mưa (mức nguy hại của gió mạnh xem bảng VI phụ lục).

II. PHÂN BIỆT TIN ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI VÀ CÁC LOẠI TIN BÃO

Khi áp thấp nhiệt đới hoặc bão hình thành ở biển Đông hay từ tây Thái Bình Dương đi vào biển Đông, Tổng cục Khí tượng thuỷ văn sẽ phát những bản tin dự báo đặc biệt để các cơ quan Nhà nước và nhân dân biết chuẩn bị phòng chống. Các bản tin này được gọi là tin bão.

1. Tin bão:

Căn cứ vào vị trí, tình hình phát triển cụ thể của bão, các bản tin bão được phân thành 5 loại.

a. Tin bão theo dõi: khi bão còn ở phía đông kinh tuyến 120o đông, nhưng phát hiện bão có khả năng di chuyển vào biển Đông thì phát tin bão theo dõi (mỗi ngày 2 bản tin, sáng và chiều). Tin này chỉ cung cấp cho Văn phòng Phủ thủ tướng, Văn phòng trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Ban chỉ huy chống lụt bão trung ương, không phổ biến rộng rãi.

b. Tin bão xa: khi vị trí trung tâm bão ở phía tây kinh tuyến 120o đông, còn cách bờ biển đất liền nước ta trên 1000 km và có khả năng di chuyển về phía nước ta; hoặc khi vị trí trung tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta từ 500 đến 1000 km nhưng chưa có khả năng di chuyển về phía đất liền nước ta thì phát Tin bão xa.

c. Tin bão gần: khi vị trí trung tâm bão ở phía tây kinh tuyến 117o đông, cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta từ 500 đến 1000 km và có khả năng di chuyển về phía đất liền nước ta; hoặc khi vị trí trung tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta từ 300 đến 500 km nhưng chưa có khả năng di chuyển về phía đất liền nước ta trong một vài ngày tới thì phát Tin bão gần.

d. Tin bão khẩn cấp: khi vị trí trung tâm bão ở phía tây kinh tuyến 115o, cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta từ 300 km trở lên và có khả năng di chuyển về phía đất liền nước ta trong một vài ngày tới; hoặc khi vị trí trung tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta dưới 300 km thì phát Tin bão khẩn cấp.

đ. Tin cuối cùng về cơn bão: khi bão đã tan hoặc bão không còn khả năng ảnh hưởng đến nước ta nữa, thì phát Tin cuối cùng về cơn bão.

2. Tin áp thấp nhiệt đới:

Đối với các bản tin áp thấp nhiệt đới không chia thành các loại khác nhau như đối với các bản tin bão mà chỉ có một loại duy nhất là Tin áp thấp nhiệt đới.

III. NỘI DUNG BẢN TIN BÃO

Trong mỗi bản tin bão phải ghi rõ:

1. Loại tin bão (như mục II), số hiệu cơn bão (theo thứ tự số bão do Tổng cục Khí tượng thuỷ văn phát trên Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam trong mùa bão hàng năm);

2. Giờ, ngày, tháng;

3. Đặc điểm cơn bão gồm:

- Vị trí trung tâm của cơn bão ghi bằng toạ độ, kinh vĩ độ (với số lẻ 1/10 độ). Khi bão còn xa, chưa có điều kiện để xác định vị trí trung tâm bão một cách chính xác thì cho trong ô vuông, mỗi cạnh bằng một hoặc hai độ kinh vĩ. Trong bản tin bão khẩn cấp, ngoài vị trí trung tâm bão cho theo toạ độ kinh, vĩ, cần ghi thêm khoảng cách (tính bằng kilômet) từ vị trí trung tâm bão đến điểm gần nhất ở bờ biển đất liền có thể bị bão đe doạ trực tiếp;

- Sức gió mạnh nhất ở gần trung tâm bão ghi theo cấp gió (có giải thích thêm bằng km/giờ). Phạm vi bán kinh của vùng gió mạnh trên cấp 6; tình trạng sóng biển do bão gây ra.

[...]