Quyết định 206/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Số hiệu 206/QĐ-UBND
Ngày ban hành 02/02/2021
Ngày có hiệu lực 02/02/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Đặng Văn Minh
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 206/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 02 tháng 02 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ GIAI ĐOẠN 2021 - 2030 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày 14/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 01/TTr-SGTVT ngày 30/01/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (sau đây gọi là Kế hoạch hành động), với các nội dung chủ yếu sau:

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu tổng quát

Hàng năm, giảm từ 5% - 10% số người chết và bị thương do tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ một cách bền vững, tiến tới xây dựng địa phương có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện; cơ chế quản lý an toàn giao thông (ATGT) phù hợp, hiệu lực, hiệu quả; kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông an toàn, hiện đại, thân thiện môi trường; người tham gia giao thông có kiến thức, kỹ năng, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), hình thành văn hóa giao thông an toàn; xây dựng hoàn thiện hệ thống cấp cứu, điêu trị kịp thời, hiệu quả đối với nạn nhân TNGT; ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT.

2. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021 - 2030

a) Rà soát hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TTATGT, tổ chức bộ máy quản lý ATGT từ tỉnh đến cơ sở hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện kết nối đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về ATGT, nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý về ATGT.

Nghiên cứu ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ tiên tiến, đặc biệt là các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho tất cả 5 trụ cột về ATGT, gồm: quản lý nhà nước, kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông, người tham gia giao thông, ứng phó sau TNGT.

b) Quản lý kết cấu hạ tầng và tổ chức giao thông hiệu quả; xóa bỏ kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT mạng lưới giao thông đường bộ địa phương; bảo đảm 100% các tuyến đường xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và đang khai thác được thẩm tra, thẩm định ATGT theo quy định; đầu tư xây dng bãi đỗ xe thông minh công cộng, ưu tiên đầu tư trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi; lập lại trật thành lang an toàn đường bộ và chống tái lấn chiếm trên các tuyến quốc lộ và đường tỉnh; các công trình, dự án xây dng lớn khi kết nối ra đường đô thị, đường tỉnh, quốc lộ không gây ùn tắc và tiềm ẩn nguy cơ TNGT.

Các tuyến đường xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo được xem xét xây dựng làn đường dành riêng cho xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp và bảo đảm ATGT cho các đối tượng tham gia giao thông dễ bị tổn thương. Từng bước xây dựng hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi trên một số tuyến đường chính trong đô thị.

Có chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực đầu tư, xây dựng các trạm dừng nghỉ trên các tuyến quốc lộ, đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh để phục vụ nhu cầu thiết yếu của lái xe, hành khách dừng nghỉ theo quy định. 100% hệ thống đường tỉnh, 50% - 80% hệ thống đường huyện được xây dựng và lắp đặt đầy đủ các công trình, trang thiết bị bảo đảm ATGT. Hình thành trung tâm dịch vụ Logistics cung cấp các dịch vụ kho bãi, tiếp vận, phục vụ nhu cầu lưu kho, tập kết, xếp dỡ, trung chuyển hàng hóa.

Có giải pháp cụ thể chống ùn tắc giao thông trên các tuyến kết nối, đi qua các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị và một số tuyến đường, điểm nút giao thông trên mạng lưới giao thông đô thị thuộc thành phố Quảng Ngãi. 100% khu vực cổng trường học nằm trên các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị được bảo đảm ATGT và chống ùn tắc giao thông. Từng bước hình thành trung tâm tích hợp quản lý, điều hành giao thông đô thị thông minh trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi.

c) Quản lý chặt chẽ hoạt động của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; 50% - 80% phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải được đăng ký, quản lý theo quy định. 100% xe cơ giới hết niên hạn sử dụng, xe tự chế ba, bốn bánh được loại bỏ, không tham gia giao thông; thực hiện kiểm soát khí thải định kỳ đối với xe mô tô, xe gắn máy có động cơ xăng tham gia giao thông. 100% xe ô tô của tchức, cá nhân trên địa bàn tỉnh sử dụng tài khoản thu phí điện tử để thanh toán đa mục đích cho các dịch vụ giao thông đường bộ và nộp phạt vi phạm.

d) Đẩy mạnh xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng, 100% người tham gia giao thông được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về TTATGT và các kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Huy động nguồn lực, thúc đẩy các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh đầu tư, xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, mô hình học cụ đạt chuẩn, đảm bảo hội nhập toàn diện theo Công ước viên 1968 về giao thông đường bộ.

đ) Tập trung đầu tư một số trạm cấp cứu, trung tâm cứu hộ, cứu nạn trên các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 24, Quốc lộ 24B và Quốc lộ 24C với đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm khả năng cấp cứu nạn nhân TNGT trong thời gian nhanh nhất kể từ khi nhận được thông tin yêu cầu cấp cứu. Tiếp tục đầu tư trang thiết bị y tế cho bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo năng lực cấp cứu, tiếp nhận nạn nhân TNGT kịp thời, hiệu quả.

3. Tầm nhìn đến năm 2045

a) Trong giai đoạn này, hàng năm kéo giảm TNGT đường bộ cả ba tiêu chí về số vụ TNGT, số người chết và số người bị thương, hướng đến mục tiêu cùng với cả nước không có người chết do TNGT đường bộ.

b) Hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về ATGT được hoàn thiện, hoạt động hiệu quả, ổn định, bền vững từ tỉnh đến cơ sở; năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi pháp luật bảo đảm TTATGT được tăng cường, ngang tầm với các tỉnh, thành phố trong khu vực.

c) Phát triển vận tải khách công cộng với hạ tầng kết nối đa dạng, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách được nâng cao, tiện nghi, đáp ứng thị hiếu và nhu cầu người sử dụng dịch vụ. Hình thành văn hóa giao thông an toàn, ý thức thượng tôn pháp luật và tính tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông trong cộng đồng; khuyến khích tối đa người dân hình thành thói quen tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải công cộng, đi bộ và đi xe đạp trong đô thị.

d) Ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào lĩnh vực ATGT, trong đó đặc biệt chú trọng đến quản lý cung cấp dịch vụ công, hoạt động vận tải và phương tiện tự lái, giao thông thông minh, giám sát và xử lý vi phạm; ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng dữ liệu lớn trong tổ chức, điều hành giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông trên một số tuyến đường đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế vào giờ cao điểm.

đ) Xây dựng hệ thống giao thông từ đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị đến các tuyến đường xã, đường thôn, khối phố bảo đảm đồng bộ, hiện đại và được lắp đặt đầy đủ các công trình, trang thiết bị ATGT, cơ bản đáp ứng tiêu chí về tuyến đường thân thiện, an toàn cho mọi đối tượng tham gia giao thông. 100% các điểm phát sinh tiềm ẩn nguy cơ TNGT trên các tuyến đường bộ được cải tạo, xóa bỏ kịp thời.

e) Xây dựng hệ thống cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu y tế TNGT trong phạm vi toàn tỉnh, hiện đại hóa các trạm cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu y tế TNGT đã đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2030 nhằm rút ngắn thời gian tiếp cận nạn nhân; phát triển mạng lưới thông tin liên lạc hiện đại nhằm ứng phó kịp thời khi có TNGT xảy ra.

[...]