Quyết định 200/2001/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Côn Đảo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 200/2001/QĐ-TTg |
Ngày ban hành | 28/12/2001 |
Ngày có hiệu lực | 12/01/2002 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Phan Văn Khải |
Lĩnh vực | Xây dựng - Đô thị,Văn hóa - Xã hội |
THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 200/2001/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 200/2001/QĐ-TTG NGÀY 28 THÁNG 12 NĂM 2001 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ BẢO TỒN, TÔN TẠO VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ KHU DI TÍCH LỊCH SỬ CÔN ĐẢO TỈNH BÀ RỊA VŨNG TÀU
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin (công văn số 4747 / VHTT-KH
ngày 03 tháng 11 năm 2000) và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (công văn số 3548
BKH/VPTĐ ngày 30 tháng 5 năm 2001),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu:
a. Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Côn Đảo như một di sản văn hoá, cách mạng của dân tộc, nhằm giáo dục cho các thế hệ hiện nay và mai sau về truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta; nêu cao những tấm gương bất khuất của các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng Tổ quốc.
b. Khai thác và phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử Côn Đảo có hiệu quả nhất, phối hợp với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình phát triển du lịch lịch sử, văn hoá và sinh thái, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho nhân dân huyện Côn Đảo .
2. Quan điểm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Côn Đảo:
a. Khôi phục, bảo tồn, tôn tạo một số hạng mục tiêu biểu, quan trọng liên quan chặt chẽ đến mục tiêu của quy hoạch.
b. Sưu tầm, bảo vệ tư liệu về toàn bộ Khu di tích và các di sản văn hoá phi vật thể khác.
c. Xây dựng Nhà bảo tàng riêng về Côn Đảo tương xứng với ý nghĩa đặc biệt, tầm quan trọng và lịch sử oanh liệt của Khu di tích Côn Đảo.
d. Quy hoạch khu vực bảo tồn theo đúng qui định đã được phê duyệt.
e. Quán triệt những quan điểm của Đảng về giữ gìn bản sắc dân tộc, tuân thủ những quy định hiện hành về bảo vệ di sản văn hoá.
3. Nội dung đầu tư: Các hạng mục di tích nêu trong dự án của 8 khu chủ yếu cần bảo tồn thuộc di tích lịch sử Côn Đảo, phải được cụ thể hoá và phù hợp với tính chất của từng khu chức năng, bảo đảm nguyên tắc giữ nguyên hiện trạng, không xây dựng các công trình mới trong khu bảo tồn, không làm thay đổi, biến dạng các di tích hiện còn. Khu vực thị trấn Côn Đảo cần xác định rõ ranh giới phải được bảo tồn theo quy định của pháp luật.
4. Giải pháp thực hiện: Thực hiện theo phương án 2 (là phương án đã được chọn) nêu trong "Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Côn Đảo, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu", gồm 19 hạng mục di tích quan trọng và một số hạng mục chi tiết được điều chỉnh tại công văn số 1397/BVHTT-KH ngày 18 tháng 4 năm 2001 của Bộ Văn hoá - Thông tin, với tổng diện tích toàn bộ phạm vi bảo vệ di tích là 209,492 ha .
5. Vốn đầu tư: Tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 60.732. 819.000 đồng, bao gồm khoanh vùng bảo vệ di tích, bảo tồn trọng điểm một số di tích đặc biệt quan trọng, các di tích không được liệt hạng bảo tồn trọng điểm, công trình tôn tạo, chi phí thiết bị nội thất, chi phí khác, dự phòng (5%). Tuy nhiên, tổng mức đầu tư chỉ được tính toán chính xác trên cơ sở kết quả thẩm định của cấp có thẩm quyền về thiết kế và dự toán của từng dự án khả thi thành phần theo quy định hiện hành.
6. Cơ chế thực hiện: Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quản lý quy hoạch và thực hiện đầu tư theo quy hoạch được duyệt. Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn về chuyên môn (bao gồm cả nghĩa trang Hàng Dương và các nghĩa trang khác trên địa bàn Khu di tích), tham gia từ khâu phê duyệt dự án khả thi đến thiết kế các hạng mục công trình.
Thời hạn thực hiện: 2001 - 2005.
Điều 2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, "Người có thẩm quyền quyết định đầu tư" chịu trách nhiệm:
1. Chỉ đạo chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án) xây dựng các dự án thành phần và trình duyệt theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng.
2. Phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin và các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát kỹ cơ cấu đầu tư trước khi triển khai thực hiện quy hoạch này, bảo đảm phù hợp với mục tiêu đã đề ra và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho Khu di tích.
3. Phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin nghiên cứu xây dựng "Quy chế bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Côn Đảo" làm cơ sở cho việc triển khai các dự án thành phần cũng như công tác quản lý và tổ chức các hoạt động; xây dựng các quy định tài chính để quản lý và tăng nguồn thu hợp lý nhằm duy tu, bảo dưỡng và tái đầu tư cho việc tổ chức các hoạt động của Khu di tích.
4. Kiện toàn tổ chức Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Côn Đảo, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện hoạt động, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ, năng lực cán bộ quản lý và chuyên môn, để đáp ứng chức năng, nhiệm vụ được giao, tương xứng với quy mô và tầm quan trọng đặc biệt của Khu di tích lịch sử này.
5. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Quốc phòng, Bộ Thủy sản, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Du lịch và các Bộ, ngành liên quan trong quá trình thực hiện quy hoạch này, để việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Côn Đảo có hiệu quả, góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững của huyện Côn Đảo .
Điều 3. Bộ Văn hoá - Thông tin chịu trách nhiệm:
1. Quản lý, hướng dẫn về chuyên môn; đặc biệt là việc sưu tập, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản lịch sử - văn hoá phi vật thể và việc xây dựng, hoạt động của Nhà bảo tàng riêng về Côn Đảo .