Quyết định 20/2002/QĐ-BTC phê duyệt kế hoạch cải cách hành chính ngành tài chính giai đoạn 2001-2005 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 20/2002/QĐ-BTC
Ngày ban hành 04/03/2002
Ngày có hiệu lực 04/03/2002
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20/2002/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 04 tháng 3 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH SỐ 20/2002/QĐ-BTC NGÀY 4 THÁNG 3 NĂM 2002 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NGÀNH TÀI CHÍNH GIAI ĐOẠN 2001-2005

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 28/10/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010;
Theo đề nghị của trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Bộ Tài chính.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt kế hoạch cải cách hành chính của ngành Tài chính giai đoạn 2001-2005.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Bộ Tài chính, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tài chính, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Đào tạo, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thi hành Quyết định này.

 

 

Nguyễn Sinh Hùng

(Đã ký)

 

KẾ HOẠCH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NGÀNH TÀI CHÍNH GIAI ĐOẠN 2001-2005
(Ban hành kèm theo Quyết định số 20/2002/QĐ-BTC ngày 4 tháng 3 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

Thực hiện Nghị quyết đại hội VIII, các Nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 6 (lần 2) và Trung ương 7 (khoá VIII), công tác cải cách hành chính trong quản lý nền tài chính quốc gia những năm qua đã đạt được những thành tựu nhất định về thể chế tài chính, về tổ chức bộ máy, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức và về thủ tục hành chính. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục như:

- Các cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ, nhất quán, chưa theo kịp yêu cầu thực tế, chưa tạo ra sự bình đẳng thực sự cho các đối tượng, một số lĩnh vực vẫn chưa có cơ chế, chính sách tài chính cụ thể, chính sách được ban hành còn bị động, chưa có định hướng chiến lược tổng thể; tài chính công chậm đổi mới.

- Chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị trong Bộ còn chồng chéo, trùng lắp trong khi có những công việc chưa có đơn vị đảm nhiệm, cơ chế phối hợp công tác chưa hiệu quả, một số đơn vị có chức năng tham mưu kiêm cả nhiệm vụ quản lý làm giảm hiệu quả công tác tham mưu.

- Mặc dù đã có nhiều cải tiến nhưng thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực tài chính vẫn còn rườm rà, phức tạp, nhiều đầu mối và mang tính hình thức.

- Đội ngũ cán bộ, công chức trong ngành tài chính tuy đã có bước đổi mới tiến bộ về nhiều mặt nhưng vẫn còn có nhiều yếu kém về năng lực chuyên môn, kỹ năng hành chính, phong cách làm việc chậm đổi mới.

Nhằm khắc phục những tồn tại nêu trên và để góp phần thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 của Chính phủ, Bộ Tài chính xây dựng Kế hoạch cải cách hành chính ngành Tài chính giai đoạn 2001-2005 với những nội dung như sau:

Phần 1:

MỤC TIÊU, YÊU CẦU CỦA CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NGÀNH TÀI CHÍNH

1. Mục tiêu, yêu cầu chung

Cải cách hành chính ngành Tài chính được đặt trong tổng thể cải cách hành chính của đất nước và phải đáp ứng được các yêu cầu đề ra của Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ngày 17/9/2001 nhằm tạo bước ngoặt thúc đẩy công tác cải cách hành chính trên bình diện quốc gia về các mặt chủ yếu như: cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công, đặc biệt là đổi mới cơ chế phân cấp quản lý tài chính và ngân sách.

Những mục tiêu, yêu cầu đặt ra cho cải cách hành chính ngành tài chính là:

- Thể chế tài chính phải vừa đáp ứng được những đòi hỏi của nền kinh tế, vừa tạo được những tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách tài chính phù hợp với thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước; tăng tính chủ động, năng động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách, của các doanh nghiệp; đổi mới cơ chế tài chính để thích hợp với tính chất của cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp...

- Xây dựng ngành tài chính trong sạch, vững mạnh, hiện đại và hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

2. Mục tiêu cụ thể của giai đoạn 2001-2005:

- Xây dựng và hoàn thiện thể chế tài chính đối với các thị trường: thị trường vốn, tiền tệ, thị trường chứng khoán, bất động sản, khoa học công nghệ, lao động…

- Hoàn thiện thể chế về thẩm quyền của nhà nước đối với DN nói chung và DNNN nói riêng, phân biệt rõ quyền của chủ sở hữu, quyền quản lý hành chính nhà nước, quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Nâng cao thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với tài chính, ngân sách địa phương, gắn phân cấp tài chính, ngân sách với phân cấp nhiệm vụ kinh tế xã hội.

[...]