Báo cáo số 01/BC-BCĐCCHC về tổng kết việc thực hiện giai đoạn I (2001-2005) Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 và phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính giai đoạn II (2006-2010) do Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ ban hành

Số hiệu 01/BC-BCĐCCHC
Ngày ban hành 27/04/2006
Ngày có hiệu lực 27/04/2006
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA CHÍNH PHỦ
******

Số: 01/BC-BCĐCCHC

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
******

Hà Nội, ngày 27 tháng 4 năm 2006     

 

BÁO CÁO

TỔNG KẾT VIỆC THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN I (2001-2005) CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2001-2010 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH GIAI ĐOẠN II (2006-2010)

Phần 1:

KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI GIAI ĐOẠN I CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ

Ngày 17/9/2001, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010.

Mục tiêu chung của Chương trình tổng thể là: “Xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hoá, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Đến năm 2010, hệ thống hành chính về cơ bản được cải cách phù hợp với yêu cầu quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.”

Chương trình tổng thể đã xác định 9 mục tiêu cụ thể, 4 nội dung của cải cách hành chính, 7 chương trình hành động và 5 giải pháp thực hiện, đồng thời cũng xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương các cấp trong tổ chức triển khai giai đoạn I (2001-2005).

Để nhanh chóng đưa Chương trình vào cuộc sống, ngay trong năm 2001, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình tổng thể, tổ chức 2 Hội nghị quán triệt và hướng dẫn lập kế hoạch triển khai Chương trình tổng thể tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và phân công các bộ chủ trì xây dựng 5 trong tổng số 7 chương trình hành động thuộc Chương trình tổng thể trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cụ thể là:

- Chương trình 1: Đổi mới công tác xây dựng, ban hành và nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan chủ trì thực hiện là Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ.

- Chương trình 2: Nghiên cứu xác định vai trò, chức năng và cơ cấu tổ chức của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, cơ quan chủ trì thực hiện là Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ.

- Chương trình 3: Tinh giản biên chế, cơ quan chủ trì là Bộ Nội Vụ. (Đã thực hiện theo Nghị quyết số 16/CP của Chính phủ)

- Chương trình 4: Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, cơ quan chủ trì thực hiện là Bộ Nội vụ.

- Chương trình 5: Cải cách tiền lương, cơ quan chủ trì là Bộ Nội vụ (Do Ban chỉ đạo cải cách tiền lương nhà nước thực hiện).

- Chương trình 6: Đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, cơ quan chủ trì là Bộ Tài chính.

- Chương trình 7: Hiện đại hoá hành chính do Văn phòng Chính phủ chủ trì thực hiện.

Thực tiễn triển khai giai đoạn I Chương trình tổng thể trong các năm qua cho thấy các bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương các cấp đã có những nỗ lực, cố gắng trong thực hiện các kế hoạch, chương trình cụ thể về cải cách hành chính trong phạm vi trách nhiệm của mình.

Trong quá trình triển khai, Chính phủ đã kịp thời cụ thể hoá việc thực hiện các Nghị quyết hội nghị Trung ương khoá IX, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 thành các kế hoạch, chương trình, tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 38/CP của Chính phủ về cải cách một bước thủ tục hành chính, tổng kết việc thực hiện thí điểm  các cơ chế “một cửa”, khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính và cơ chế tài chính cho các đơn vị sự nghiệp có thu, cải cách thủ tục hành chính cảng biển theo cơ chế “một cửa”.

Để chuẩn bị bước sang giai đoạn II, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã có Công văn số 01/BCĐCCHC ngày 06/5/2005 yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi thẩm quyền quản lý, trực tiếp chỉ đạo tổng kết thực hiện giai đoạn I Chương trình tổng thể và xây dựng kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn II của bộ, ngành, địa phương. Việc tổng kết thực hiện giai đoạn I phải đánh giá đúng thực trạng thực hiện công tác cải cách hành chính, chỉ rõ mức độ đạt được các mục tiêu, hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra cho giai đoạn I, những yếu kém, hạn chế, nguyên nhân và rút ra các bài học kinh nghiệm qua quá trình triển khai, đồng thời kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương và đề ra chương trình cải cách hành chính giai đoạn II (2006-2010) thực hiện Chương trình tổng thể 2001-2010.

Phần 2:

ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN I CỦA CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ

I. VỀ CẢI CÁCH THỂ CHẾ

1.  Những kết quả chủ yếu đạt được

- Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện thể chế phục vụ trực tiếp cho cải cách hành chính; chú trọng công tác xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành một số lượng lớn nghị định hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Tính từ đầu nhiệm kỳ Quốc Hội khoá XI đến hết tháng 4/2005, Chính phủ đã trình Quốc hội 49 dự án luật. Mỗi năm trung bình Chính phủ ban hành gần 200 nghị định, thông qua đó đã tạo lập cơ sở vững chắc cho cải cách thể chế, thực hiện sự kết hợp giữa cải cách lập pháp và cải cách hành chính. Một loạt các luật được ban hành như Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp nhà nước, Bộ Luật dân sự, Bộ Luật lao động, Luật Đầu tư trong nước, Luật Đầu tư nước ngoài, Luật Cạnh tranh, Luật Phá sản, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Hải quan, Luật Thương mại, Luật Điện lực v.v… đã kịp thời khắc phục tình trạng thiếu luật để điều chỉnh các quan hệ kinh tế trong nhiều lĩnh vực, tạo sự an tâm và tin tưởng vào chính sách của Đảng và Nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế. Điều cần nhấn mạnh là Chính phủ đã chỉ đạo sát sao để thể hiện trong các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật tinh thần và quan điểm cải cách hành chính. Các luật đã ban hành thể hiện rõ các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế, tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước, thông qua đó giảm thiểu đáng kể sự can thiệp bằng các biện pháp hành chính của các cơ quan nhà nước vào các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng, giảm thiểu cơ chế xin – cho. Năm 2005 là năm thứ 3 liên tiếp, Việt Nam được đánh giá như một điểm sáng về nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, là một trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ cải cách nhanh nhất thế giới.

Chính quyền địa phương các cấp cũng tăng cường công tác cải cách thể chế, ban hành các văn bản pháp luật theo thẩm quyền để thi hành các thể chế do Trung ương ban hành và cụ thể hoá việc thực hiện vào điều kiện cụ thể của từng địa phương. Đáng chú ý phải kể đến các văn bản, thể chế được các địa phương đặc biệt quan tâm trong thu hút đầu tư, xây dựng khu công nghiệp, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển, phân cấp, uỷ quyền cho các sở và cấp huyện trên nhiều lĩnh vực v.v…  Nhiều địa phương làm tốt công tác này như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Nam Định, Bình Dương, Bến Tre, Cần Thơ v.v…

- Thể chế của bản thân hệ thống hành chính tiếp tục được hoàn thiện, đổi mới, thể hiện trong một loạt các văn bản như Luật tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, Luật Thanh tra , Pháp lệnh cán bộ, công chức (sửa đổi), 39 Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các văn bản về tổ chức và hoạt động của Uỷ ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân ở cấp tỉnh, huyện v.v…Các thể chế hành chính đã tiếp tục làm rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm của từng cơ quan trong hệ thống hành chính, loại bỏ phần lớn chồng chéo và trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ và bước đầu phân biệt rõ hoạt động của cơ quan hành chính với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp dịch vụ công.

- Thể chế về mối quan hệ giữa nhà nước với dân, trong đó đáng chú ý là lấy ý kiến dân trước khi quyết định các chủ trương, chính sách quan trọng, giám sát của dân đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, xử lý các hành vi trái pháp luật của cơ quan và cán bộ, công chức trong thi hành công vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan hành chính trong giải quyết khiếu nại của dân v.v.. tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện. Đáng chú ý là các văn bản về quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Khiếu nại tố cáo, cơ chế “một cửa”, công khai ngân sách, tài chính, đấu thầu, thanh tra nhân dân v.v… Việc triển khai các thể chế này đã góp phần vào xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện để nhân dân tham gia vào hoạt động của chính quyền, giám sát hoạt động của chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức.

- Quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi trách nhiệm của Chính phủ đã bước đầu được đổi mới, góp phần vào quá trình hoàn thiện hệ thống thể chế của nước ta.

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân được Quốc hội thông qua năm 2004 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương, góp phần khắc phục tình trạng tuỳ tiện trong ban hành văn bản ở địa phương, đưa công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan chính quyền nhà nước ở địa phương vào nề nếp.

[...]