Quyết định 2-CT năm 1985 sửa đổi chế độ đối với công nhân, viên chức, các lực lượng vũ trang, cán bộ xã, bản công tác ở xã, huyện biên giới Việt - Trung do Chủ tịch hội đồng bộ trưởng ban hành

Số hiệu 2-CT
Ngày ban hành 02/01/1985
Ngày có hiệu lực 01/01/1985
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2-CT

Hà Nội, ngày 02 tháng 1 năm 1985

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 2-CT NGÀY 2 THÁNG 1 NĂM 1985 VỀ VIỆC BỔ SUNG, SỬA ĐỔI MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, CÁC LỰC LƯỢNG VŨ TRANG, CÁN BỘ XÃ, BẢN CÔNG TÁC Ở XÃ, HUYỆN BIÊN GIỚI VIỆT - TRUNG.

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Xét nhu cầu bảo vệ biên giới phía Bắc và từng bước ổn định đời sống công nhân, viên chức, các lực lượng vũ trang, cán bộ xã, bản công tác xã, huyện biên giới Việt -Trung;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Nay sửa đổi và bổ sung một số chế độ đới với công nhân, viên chức, các lực lượng vũ trang, cán bộ xã, bản công tác ở xã, huyện biên giới Việt - Trung như sau:

A. ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC ĐANG CÔNG TÁC

Để công nhân, viên chức có điều kiện ổn định và từng bước cải thiện đời sống bản thân và gia đình, Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm giúp đỡ, tạo điều kiện để công nhân, viên chức phát triển kinh tế gia đình theo hướng:

1. Gia đình hoặc cá nhân công nhân, viên chức cần đất để tăng gia sản xuất thì được cấp đất, giúp giống, cho vay vốn theo khả năng của địa phương.

2. Tuỳ điều kiện từng nơi, giao đất, giao rừng cho gia đình công nhân, viên chức hoặc cơ quan, xí nghiệp như đối với hợp tác xã nông nghiệp.

3. Đối với công nhân, viên chức có tay nghề làm các mặt hàng tiểu, thủ công nghiệp phục vụ sản xuất và đời sống trong địa phương hoặc làm hàng xuất khẩu, cần tạo điều kiện để anh chị em sản xuất và giúp tiêu thụ sản phẩm.

Các ngành nội thương, ngoại thương, liên hiệp xã tiểu, thủ công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp có trách nhiệm giúp đỡ về mặt kỹ thuật, bán nguyên vật liệu, dụng cụ sản xuất và ký kết hợp đồng kinh tế giữa cơ quan đặt hàng với công nhân viên chức.

Ngân hàng cho vay vốn sản xuất với điều kiện dễ dàng, tỷ lệ lãi suất thấp nhất

B. ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC MỚI ĐƯỢC ĐIỀU ĐỘNG ĐẾN

1. Cần đảm bảo bằng hiện vật những trang cấp ban đầu cho công nhân, viên chức được điều động từ miền xuôi lên miền núi như Chỉ thị số 110-HĐBT ngày 13-10-1981 của Hội đồng Bộ trưởng. Nếu công nhân, viên chức yêu cầu cấp tiền thay hiện vật thì được cấp theo giá kinh doanh thương nghiệp ở địa phương.

Tuỳ khả năng quỹ hàng hoá của tỉnh mà bán thêm những đồ dùng thiết yếu cho sản xuất và sinh hoạt.

2. Trường hợp công nhân, viên chức có gia đình cùng đi thì cơ quan điều đi có trách nhiệm bố trí phương tiện đưa đến nơi ở mới. Tiền tàu xe, cước phí hành lý áp dụng theo chế độ hiện hành và do cơ quan, xí nghiệp điều đi đài thọ.

Nếu cơ quan sử dụng không bố trí được nơi ở và công nhân, viên chức có yêu cầu làm nhà thì Uỷ ban nhân dân địa phương căn cứ vào khả năng của địa phương cấp đất làm nhà theo số lượng nhân khẩu cư trú và bán nguyên liệu theo giá kinh doanh thương nghiệp.

Nếu gia đình làm nông nghiệp thì cấp đất canh tác và bán lương thực theo Thông tư số 46-LT/VP ngày 30-4-1981 của Bộ Lương thực cho những người trong gia đình.

Nếu vợ con có đủ tiêu chuẩn và địa phương có nhu cầu thì tuyển dụng vào cơ quan, xí nghiệp, kể cả vợ con cán bộ dân tộc ít người ở cơ sở xã, bản.

3. Đối với công nhân, viên chức được điều động lên công tác ở miền núi, nếu sau này một thời gian công tác sức khoẻ yếu, tuổi cao, hoàn cảnh gia đình khó khăn, được cơ quan quản lý đồng ý cho chuyển về xuôi thì nơi điều động công nhân, viên chức đi có trách nhiệm tiếp nhận trở lại và bố trí công tác thích hợp.

Điều 2.- Đặt khoản phụ cấp hàng tháng công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang, cán vộ xã, bản công tác ở xã, huyện biên giới Việt - Trung như sau:

1. Phụ cấp bằng 100% lương chính (mới) cho các đối tượng sau đây đang công tác ở các xã biên giới Việt - Trung:

- Công nhân, viên chức trong các cơ quan, xí nghiệp.

- Sĩ quan, quân nhân, chuyên nghiệp Quân đội nhân dân Việt Nam.

- Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc Bộ Nội vụ.

- Phụ cấp bằng 100% sinh hoạt phí cho cán bộ xã, cán bộ bản.

- Phụ cấp bằng 100% sinh hoạt phí của hạ sĩ quan và chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tính trên 3 khoản tiền ăn, phụ cấp quân hàm (tiền tiêu vặt), và phụ cấp theo Quyết định số 135-HĐBT ngày 17-8-1982 của Hội đồng Bộ trưởng.

2. Phụ cấp bằng 80% lương chính (mới) cho các đối tượng sau đây đang công tác ở các huỵên biên giới Việt - Trung:

- Công nhân, viên chức trong các cơ quan, xí nghiệp.

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp Quân đội nhân dân Việt Nam.

- Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc Bộ Nội vụ.

- Phụ cấp bằng 80% sinh hoạt phí cho cán bộ xã, cán bộ bản.

- Phụ cấp bằng 80% sinh hoạt phí của hạ sĩ quan, chiến sĩ Quân đội nhân dânViệt Nam tính trên 3 khoản tiền ăn, phụ cấp quân hàm (tiền tiêu vặt) và phụ cấp theo Quyết định số 135-HĐBT ngày 17-8-1982 của Hội đồng Bộ trưởng.

Khi thực hiện phụ cấp này thì không áp dụng các khoản phụ cấp khu vực, phụ cấp khuyến khích theo Chỉ thị số 110-HĐBT ngày 13-10-1981 của Hội đồng Bộ trưởng và phụ cấp chiến đấu của lực lượng vũ trang. Riêng các khoản phụ cấp khu vực hiện đang hưởng vẫn đang được dùng làm cơ sở để tính trợ cấp nghỉ hưu, mất sức lao động.

Điều 3.- Bổ sung và sửa đổi chế độ đối với cán bộ xã, bản ở các huyện biên giới Việt - Trung.

1. Cán bộ xã, bản được hưởng sinh hoạt phí theo Quyết định số 111-HĐBT ngày 13-10-1981 của Hội đồng Bộ trưởng.

2. Cán bộ xã, bản được hưởng các chế độ:

- Được mua lương thực, thực phẩm và một số hàng công nghệ phẩm như công nhân, viên chức trong biên chế Nhà nước.

- Được mua 5 mét vải/năm theo giá bán thống nhất cho công nhân, viên chức Nhà nước, ngân sách huyện bù tiền phiếu vải.

- Nếu gia đình bị thiên tai, địch hoạ thì được Uỷ ban nhân dân các cấp giúp đỡ khắc phục hậu quả kịp thời.

3. Uỷ ban nhân dân các tỉnh biên giới Việt - Trung xét nhu cầu cụ thể của mỗi xã về mọi mặt công tác, trước hết là công tác an ninh, củng cố quốc phòng mà lập các tổ công tác trực thuộc tỉnh và huyện. Mỗi tổ công tác có từ 3 đến 5 người. Số người này trước hết phải lấy từ đơn vị trong tỉnh mà tăng cường cho xã biên giới và xã vùng cao của huyện biên giới, nếu thiếu thì mới tuyển thêm.

Điều 4.- Bổ sung chế độ đào tạo cán bộ dân tộc ít người ở các xã, huyện biên giới Việt - Trung.

1. Con em cán bộ dân tộc ít người ở xã, huyện biên giới được huyện, tỉnh ưu tiên nhận vào các trường phổ thông vùng cao do Nhà nước nuôi dạy. Sau khi học xong được xét chọn đưa đi đào tạo theo kế hoạch của tỉnh theo hướng:

- Nếu đã tốt nghiệp phổ thông trung học thì huyện, tỉnh xem xét, giới thiệu vào các trường cao đẳng, đại học miền núi hoặc một số ngành nghề cần thiết ở các trường cao đẳng, đại học, miền núi hoặc một số ngành nghề cần thiết ở các trường cao đẳng, đại học miền núi không có. Đối với số học sinh này chỉ cần kiểm tra văn hoá, không phải thi tuyển như học sinh khác.

- Nếu đã tốt nghiệp phổ thông cơ sở thì huyện xét giới thiệu thắng vào các trường trung học chuyên nghiệp hoặc dạy nghề của tỉnh, nếu tỉnh không có trường thì cho vào học tại các trường trung học chuyên nghiệp, dạy nghề của Trung ương hoặc của tỉnh bạn.

- Học sinh đến học tại các các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, ngoài chế độ cung cấp lương thực, thực phẩm như các học sinh khác, còn được cấp quần áo, chăn màn, giấy bút, tiền tàu xe đi về, tương tự như các trường phổ thông vùng cao do Nhà nước nuôi dạy. Riêng về học bổng nâng lên 100 đồng người/tháng.

2. Các trường có trách nhiệm thu nhận số học sinh nói trên theo chính sách mà giải quyết chế độ; nếu thiếu kinh phí đào tạo, cần lập kế hoạch xin Uỷ ban nhân dân tỉnh (nếu trường thuộc tỉnh quản lý) hoặc trình các Bộ chủ quản (nếu trường thuộc Trung ương quản lý) cấp bổ sung. Sau khi tốt nghiệp, nhà trường trả số học sinh này về cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh nơi đưa đi đào tạo để bố trí công tác.

Điều 5.- Bổ sung một số chế độ khác.

1. Về lương thực.

Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, tạo điều kiện để các cửa hàng lương thực bảo đảm cung cấp gạo cho công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang, cán bộ xã, bản được mua đúng kỳ theo tiêu chuẩn để các đối tượng trên yên tâm làm nhiệm vụ giữ dân, giữu đất, sản xuất và chiến đấu.

2. Chế độ nghỉ phép năm.

Công nhân, viên chức Nhà nước công tác ở huyện biên giới Việt - Trung được nghỉ phép 20ngày/năm, không tính thời gian đi đường, chế độ thanh toán thực hiện theo Chỉ thị số 110-HĐBT ngày 13-10-1981 của Hội đồng Bộ trưởng. Ngành công an và giao thông vận tải tạo mọi điều kiện để đi lại thuận tiện.

Công nhân, viên chức thuộc các dân tộc ít người mà gia đình sống chủ yếu bằng nương rẫy thì có thể nghỉ phép theo mùa, vụ, mỗi năm hai lần vào các dịp trồng tỉa và thu hoạch, nhưng cộng thời gian nghỉ cả năm không quá 2 tháng.

3. Chế độ điều dưỡng, an dưỡng, tham quan.

Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Y tế, Tổng Công đoàn Việt Nam phải quan tâm đầy đủ đến cán bộ công tác ở miền núi khi xét chế độ đi chữa bệnh, điều dưỡng ở trong nước và ngoài nước. Hàng năm, Ban Tổ chức Trung ương có kế hoạch tổ chức cho cán bộ dân rộc ít người đi tham quan miền xuôi, thành phố, khu công nghiệp.

Từng tỉnh miền núi phải tổ chức cơ sở điều dưỡng, có thể cùng các tỉnh kết nghĩa phối hợp để đưa cán bộ đã hoạt động lâu năm ở miền núi (bao gồm cả cán bộ người dân tộc và cán bộ người miền xuôi lên công tác lâu năm ở miền núi) đi tham quan, nghỉ ngơi.

4. Đối với cán bộ khoa học, kỹ thuật.

Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật tỉnh cần nắm chắc lực lượng cán bộ khoa học, kỹ thuật do địa phương quản lý để có kế hoạch sử dụng hợp lý năng lực chuyên môn, khuyến khích thích đáng những tiến bộ khoa học kỹ thuật và có kế hoạch bồi dưỡng các mặt chính trị, khoa học kỹ thuật.

Điều 6.- Bộ Lao động cùng Ban Tổ chức Trung ương, Ban Dân tộc Trung ương, Ban Tổ chức Chính phủ hướng dẫn cụ thể việc thi hành quyết định này. Các Bộ theo chức năng hướng dẫn cụ thể phần việc thuộc Bộ mình phụ trách, Uỷ ban nhân dân các tỉnh biên giới có trách nhiệm thi hành quyết định trong địa phương.

Quyết định này thay thế Công điện số 345-ĐK ngày 28-5-1984 của Hội đồng Bộ trưởng và thi hành kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1985.

 

Tố Hữu

(Đã ký)