ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1977/QĐ-UBND
|
Cà Mau, ngày 26 tháng 12 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY DỰNG TỈNH CÀ MAU ĐẾN
NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân
dân và Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Luật Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP
ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Công văn số 559/UBND-XD ngày
24/02/2011 của UBND tỉnh Cà Mau về việc chủ trương lập Quy
hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm
2030;
Căn cứ Quyết định số 736/QĐ-UBND
ngày 04/5/2011 của UBND tỉnh Cà Mau về việc phê duyệt Đề cương nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển vật
liệu xây dựng của tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Biên bản họp Hội đồng thẩm
định Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và tầm
nhìn đến năm 2030, ngày 15/4/2013 (theo Quyết định số 422/QĐ-UBND ngày
27/3/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau);
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng
tại Tờ trình số 153/TTr-SXD ngày 21/11/2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch, với các nội dung chủ yếu
như sau:
1. Tên Quy hoạch: Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và tầm
nhìn đến năm 2030.
2. Mục tiêu phát
triển
Phát triển sản xuất vật liệu xây dựng
tỉnh Cà Mau, nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn lao động tại chỗ; tận dụng và phát
huy hiệu quả điều kiện hạ tầng giao thông thủy, bộ phát
triển sản xuất một số chủng loại vật liệu xây dựng (như: vật liệu xây không
nung, vật liệu lợp, vật liệu nhẹ, bê tông cấu kiện... đáp ứng
nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng của tỉnh.
Phát triển sản xuất vật liệu xây dựng,
nhằm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng nguồn thu ngân sách và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
của tỉnh.
Phát triển sản xuất vật liệu xây dựng, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động,
cải thiện đời sống nhân dân, góp phần phát triển kinh tế -
xã hội tỉnh Cà Mau nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Một số mục tiêu cụ thể như sau:
- Phát triển sản xuất vật liệu xây dựng
đáp ứng cơ bản nhu cầu một số chủng loại vật liệu xây dựng chủ yếu (như: vật liệu
xây, lợp không nung và vật liệu nhẹ...); ngoài ra, sẽ mở rộng thị trường tiêu
thụ sản phẩm ra ngoài tỉnh.
- Thu hút khoảng 1.000 lao động bổ
sung cho các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng.
3. Phương án quy
hoạch
3.1. Xi măng: Từ nay đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh
Cà Mau không đầu tư xây dựng trạm nghiền xi măng; nguồn xi măng phục vụ nhu cầu
xây dựng trong tỉnh được cung ứng từ các địa phương khác trong cả nước.
3.2. Vật liệu xây
- Phát triển một số cơ sở sản xuất gạch
không nung nhẹ với công nghệ sản xuất tiên tiến, có thể
đáp ứng phần nào nhu cầu của thị trường trong tỉnh với sản phẩm có chất lượng
cao, tiết kiệm nguyên liệu, giảm ô nhiễm môi trường, cải thiện vệ sinh công nghiệp.
- Thúc đẩy phát triển sản xuất gạch
không nung với công nghệ tiên tiến, sản phẩm đa dạng để thay thế gạch nung, đưa
tỷ lệ gạch không nung được sử dụng trên địa bàn tỉnh theo Chương trình phát triển
vật liệu xây không nung đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số
567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 về việc tăng
cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét
nung; quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng của
Bộ Xây dựng tại Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012.
- Khuyến khích sử dụng các loại phế
thải (như: xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp...) để làm cốt
liệu sản xuất gạch không nung, bê tông nhẹ, đáp ứng nhu cầu xây dựng ở khu vực
nông thôn và nhà cao tầng tại các khu đô thị mới.
- Tổ chức sắp xếp lại sản xuất các cơ
sở nhỏ lẻ, sản xuất thủ công, hướng dẫn và khuyến khích các hộ tư nhân liên
doanh liên kết, góp vốn mở rộng sản xuất chuyển đổi công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm và cải thiện môi trường.
+ Tổng công suất vật liệu xây năm
2015 đạt khoảng 60 triệu viên/năm; trong đó: Gạch không nung bê tông bọt khoảng
60 triệu viên/năm, chiếm 100%.
+ Tổng công suất vật liệu xây năm
2020 đạt khoảng 279 triệu viên/năm; trong đó: Gạch không nung xi măng cốt liệu
khoảng 25 triệu viên/năm, chiếm 9%; gạch không nung bê tông bọt khoảng 110 triệu
viên/năm, chiếm 39% và gạch không nung bê tông khí chưng áp khoảng 144 triệu
viên/năm, chiếm 52%.
3.3. Vật liệu lợp
- Tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất
tấm lợp kim loại, đa dạng về chủng loại, sản xuất các loại tôn có chất lượng
cao, có tính năng sử dụng vượt trội (như: tôn 3 lớp, tôn
cách âm, cách nhiệt...).
- Đầu tư sản xuất tấm lợp, ngói
composite chất lượng cao, có màu sắc đa dạng, đảm bảo tính thẩm mỹ đáp ứng nhu
cầu cho các công trình dân dụng và công nghiệp.
3.4. Đá, cát xây dựng
Nhu cầu đá xây dựng trong tỉnh thời
gian tới khá lớn, theo tính toán: năm 2015 cần khoảng 1.100.000m3 và năm 2020 cần khoảng
1.500.000m3. Do điều kiện của tỉnh không có mỏ đá, cát xây dựng, nên
được cung ứng từ các tỉnh lân cận trong khu vực.
Hiện tại, điều kiện giao thông đường
thủy từ các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đến
các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Cà Mau rất thuận lợi. Do đó,
trên địa bàn tỉnh cần có quy hoạch, đầu tư xây dựng các bến bãi tập kết VLXD để
trung chuyển.
3.5. Bê tông
- Đầu tư, phát triển các cơ sở sản xuất
bê tông đúc sẵn, trạm trộn bê tông thương phẩm trên địa bàn các huyện, thành phố
Cà Mau.
- Phát triển các cơ sở sản xuất cấu
kiện bê tông nhỏ thủ công bán cơ giới, sản xuất các loại cọc, tấm đan, tấm bó vỉa
hè... phục vụ dân sinh tại các huyện, thành phố Cà Mau (mỗi huyện 2-3 cơ sở); tổng
năng lực sản xuất khoảng 2.000m3/năm/huyện.
Đến năm 2020, năng lực sản xuất bê
tông của tỉnh khoảng 23.000m3 bê tông đúc sẵn và khoảng 15.000m3
bê tông thương phẩm.
3.6. Tấm xi măng cốt sợi gỗ
Đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất tấm xi
măng cốt sợi gỗ, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp và lâm nghiệp; trong giai đoạn từ
2016 đến 2020, công suất từ 15 - 20 nghìn m3/năm.
3.7. Một số loại vật liệu khác
- Đầu tư sản xuất các loại gạch lát vỉa
hè chất lượng cao (như: gạch lát bê tông, gạch lát bê tông màu, gạch
terrazzo...) đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Đến năm
2020, năng lực sản xuất gạch lát vỉa hè trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 340.000m2/năm;
trong đó: gạch lát bê tông màu khoảng 190.000m2/năm và gạch terrazzo
khoảng 150.000m2/năm.
- Giai đoạn từ năm 2016 - 2020, đầu
tư các cơ sở sản xuất vật liệu nhựa, vật liệu polyme composite để phục vụ nhu cầu
vật liệu trang trí hoàn thiện công trình.
- Đầu tư dây chuyền chế biến tro xỉ
nhiệt điện khi nhà máy nhiệt điện than Năm Căn được đầu tư xây dựng, nhằm tận dụng
phế phẩm làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và bảo vệ môi trường.
4. Định hướng
phát triển sản xuất VLXD đến năm 2030
- Sau năm 2020, tỉnh Cà Mau sẽ xây dựng
được nền tảng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trình độ công nghệ sản xuất vật liệu
xây dựng phát triển đến trình độ chung của các nước trong khu vực và thế giới.
Trong giai đoạn này, một số ngành cơ khí xây dựng, công nghệ xây lắp đã đạt được
trình độ cao và có thể hỗ trợ tích cực cho công nghiệp vật liệu xây dựng.
- Về chủng loại
sản phẩm vật liệu xây dựng: sản xuất vật liệu xây dựng mới, chất lượng cao có
khả năng thay thế các loại vật liệu xây dựng truyền thống và các loại vật liệu
nhập ngoại.
4.1. Vật liệu xây
Tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất
gạch không nung, gạch bê tông nhẹ; đồng thời, đẩy mạnh việc phát triển sản xuất
các loại vật liệu xây không nung khác: cấu kiện 3D, vật liệu composite... đa dạng
hóa các loại sản phẩm, về kích thước, màu sắc tạo điều kiện
thuận lợi cho người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn.
4.2. Vật liệu lợp
Phát triển sản xuất các loại vật liệu
lợp nhẹ, bền, có khả năng chống nóng, chống ồn, không bị rêu mốc, các loại vật
liệu lợp thông minh cho khả năng lấy ánh sáng...
4.3. Bê tông
Tiếp tục phát triển sản xuất bê tông
cấu kiện (cột điện ly tâm, cọc móng, ống cống, dầm, cột...) đáp ứng nhu cầu xây
dựng khu công nghiệp, khu nhà cao tầng, giao thông và các công trình thủy lợi. Phát triển đa dạng các loại bê tông để đáp ứng yêu cầu,
nhất là đối với vùng có nền đất yếu như Cà Mau (các loại bê tông nhẹ, bê tông
nhẹ cường độ cao, bê tông cách âm, cách nhiệt, bê tông tự đầm, tự chèn...).
4.4. Vật liệu ốp lát với những tính năng đặc biệt dùng ốp lát nội, ngoại thất
Phát triển sản xuất các loại vật liệu
dùng để làm sàn như epoxi giả đá, sàn bằng tẩm hợp chất
polyvinyl clorua lát trực tiếp trên mặt sàn xi măng (tấm có khả năng chịu tải,
chống mài mòn cao, chống trơn trượt và chống ồn tốt, trọng lượng nhẹ...). Phát
triển sản xuất các loại ván công nghiệp để thay thế gỗ tự nhiên như: sản phẩm
WPC (Wood Plastic Composite).
4.5. Vật liệu hợp kim nhôm, nhựa, thạch cao sẽ phát triển sản xuất một số loại
Sản phẩm khung cửa nhôm, khung cửa nhựa;
tấm hợp kim nhôm phẳng hoặc cong; tấm trần có khả năng chống
cháy; tấm thạch cao đa dạng về chủng loại, có khả năng cách âm, cách nhiệt, chống
ẩm và chống cháy...
4.6. Vật liệu cách âm, cách nhiệt
Phát triển sản xuất từ bông sợi
khoáng, bông gốm và các loại vật liệu cách nhiệt, cách âm đi từ các nguyên liệu
vô cơ và hữu cơ khác.
4.7. Vật liệu phục vụ thi công
xây dựng
- Vữa xây trộn sẵn đóng bao, các loại
keo, vữa dán gạch, dán đá, chít mạch...
- Về công nghệ sản
xuất vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục đầu tư đổi mới, nhằm từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các quy định về môi trường.
- Từ năm 2020, tổ chức sản xuất cần
đi theo hướng tập trung, hình thành các tập đoàn sản xuất chuyên sâu vào một sản
phẩm vật liệu xây dựng hoặc các tập đoàn sản xuất đa ngành nghề bao gồm nhiều
chủng loại sản phẩm để rút gọn đầu mối,
nhằm đơn giản hóa cho công tác quản lý và nâng cao hiệu quả
sản xuất và kinh doanh. Định hướng phân bố sản xuất vật liệu xây dựng như sau:
+ Phát triển sản xuất vật liệu xây dựng
với việc hình thành các khu, cụm công nghiệp vật liệu xây dựng tập trung, sản
xuất ra nhiều chủng loại vật liệu xây dựng để tiết kiệm vốn đầu tư xây dựng cơ
sở hạ tầng; đồng thời hỗ trợ qua lại việc đào tạo, kỹ thuật, trong đầu tư trang
bị phòng thí nghiệm...
+ Tiếp tục đầu tư các cơ sở sản xuất
vật liệu xây dựng tại những khu, cụm công nghiệp vật liệu xây dựng đã hình
thành trong giai đoạn đến năm 2020; trong đó, sẽ tập trung đầu tư cho những
khu, cụm công nghiệp vật liệu xây dựng ở khu vực ngoại thành (thị) và ven nội
thành (thị).
+ Từng bước di dời các cơ sở sản xuất
vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành, nội thị, các khu
đông dân cư tập trung di chuyển vào các khu, cụm công nghiệp
tập trung hoặc ra ngoại thành, ngoài thị.
Điều 2. Tổ chức
thực hiện
Giao Sở Xây dựng:
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị
liên quan tổ chức công bố, công khai Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh
Cà Mau đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đến các tổ chức,
cá nhân liên quan biết thực hiện.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND huyện, thành phố Cà Mau tham mưu,
đề xuất UBND tỉnh triển khai thực hiện Quy hoạch.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở:
Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận
tải, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và PTNT; Chủ tịch UBND huyện,
thành phố Cà Mau; Thủ trưởng các sở, ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan
căn cứ Quyết định thi hành.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể
từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- CVP, các
PVP UBND tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử;
- Phòng: XD (Ph), NN-NĐ, TK-TH;
- Lưu: VT, Ktr45/12.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Dương Tiến Dũng
|