Quyết định 195-HĐBT năm 1982 về việc thực hiện chế độ quyết toán vật tư trong nền kinh tế quốc dân do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 195-HĐBT
Ngày ban hành 14/12/1982
Ngày có hiệu lực 31/12/1982
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán,Tài chính nhà nước

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 195-HĐBT

Hà Nội, ngày 14 tháng 12 năm 1982

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 195-HĐBT NGÀY 14 THÁNG 12 NĂM 1982 VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ QUYẾT TOÁN VẬT TƯ TRONG NỀN KINH TẾ QUỐC DÂN

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ vào Nghị định số 15-HĐBT ngày 8-2-1982 của Hội đồng Bộ trưởng về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm; để khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý trong các khâu nhập, xuất, cung ứng, sử dụng và bảo quản vật tư; để nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc sử dụng vật tư tiết kiệm và có hiệu quả cao;
Theo đề nghị của tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Tất cả các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc thành phần kinh tế quốc doanh và các thành phần kinh tế khác do trung ương và địa phương quản lý được Nhà nước cung ứng vật tư, đều phải thực hiện chế độ quyết toán vật tư. Các Bộ, Uỷ ban Nhà nước và cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng (dưới đây gọi tắt là cấp Bộ) phải tổng hợp và báo cáo quyết toán vật tư của đơn vị cơ sở thuộc ngành quản lý. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương (dưới đây gọi tắt là cấp tỉnh) phải tổng hợp và báo cáo quyết toán vật tư của tất cả các đơn vị cơ sở thuộc phạm vi lãnh thổ của địa phương mình.

Điều 2.- Quyết toán vật tư là phải tổ chức tốt công tác hạch toán thống kê, kế toán thống kê, kế toán về nhập, xuất, sử dụng, tồn kho vật tư và xác định hiệu quả sử dụng vật tư trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Quyết toán vật tư phải thể hiện các nội dung cơ bản sau:

a) Sự hình thành nguồn vật tư.

b) Tổng số vật tư đã sử dụng và tổng số sản phẩm đã hoàn thành trong từng thời kỳ sản xuất, kinh doanh.

c) Tổng số vật tư còn lại sau một thời kỳ sản xuất kinh doanh.

d) Tổng số vật tư đã tiết kiệm (hay vượt chi) so với định mức.

Căn cứ chủ yếu để lập quyết toán vật tư là những chứng từ ghi chép ban đầu, sổ sách hạch toán và báo cáo thống kê kế toán về sử dụng vật tư và về các hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị cơ sở; ngoài ra còn phải căn cứ vào văn bản giao nhiệm vụ kế hoạch, các định mức kinh tế kỹ thuật và các hợp đồng kinh tế để xác định.

Thủ trưởng các cấp Bộ, tỉnh, các đơn vị sản xuất kinh doanh, có trách nhiệm chỉ đạo và thực hiện tốt chế độ ghi chép ban đầu, chế độ báo cáo thống kê kế toán nhằm bảo đảm cho việc lập quyết toán vật tư được chính xác, đầy đủ, kịp thời.

Điều 3.- Báo cáo tổng hợp quyết toán vật tư lập theo 3 cấp và theo những quy định sau đây:

a) Các đơn vị sản xuất, kinh doanh cơ sở một năm lập báo cáo 4 lần: quý I (gửi ngày 20 tháng 4). 6 tháng đầu năm (gửi ngày 20 tháng 7), 9 tháng (gửi ngày 20-10) và cả năm (gửi ngày 25-1 năm sau).

b) Các sở, ty địa phương và các liên hiệp xí nghiệp hoặc cấp tương đương do trung ương quản lý một năm lập báo cáo 2 lần vào 6 tháng đầu năm (gửi ngày 5-8) và cả năm (gửi ngày 10-2 năm sau).

c) Các cấp Bộ, tỉnh một năm lập báo cáo 2 lần vào 6 tháng đầu năm (gửi ngày 20-8) và cả năm (gửi ngày 25-2 năm sau).

Báo cáo tổng hợp quyết toán vật tư của cấp nào phải do thủ trưởng của cấp đó kiểm tra, duyệt và ký gửi:

- Cho cấp trên trực tiếp.

- Cho cơ quan thống kê Nhà nước cùng cấp.

- Cho cơ quan kế hoạch Nhà nước cùng cấp.

- Cho cơ quan cung cấp vật tư cùng cấp (trích phần do cơ quan này phụ trách).

Người duyệt ký báo cáo quyết toán vật tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Nhà nước về tính trung thực của số liệu.

Điều 4.- Các cấp Bộ, tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt chế độ quyết toán vật tư trong nền kinh tế quốc dân.

a) Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các cấp Bộ, tỉnh có trách nhiệm triển khai công tác định mức sử dụng vật tư theo Nghị định số 201-CP ngày 26-5-1981 của Hội đồng Chính phủ về công tác định mức kinh tế kỹ thuật. Trường hợp chưa có định mức chính thức thì thủ trưởng các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các Bộ, tỉnh phải căn cứ vào nội dung và tinh thần Nghị định số 201-CP nói trên, phê chuẩn ngay các định mức tạm thời làm căn cứ tính toán các chỉ tiêu kế hoạch phân phối vật tư và kiểm tra sử dụng vật tư. Trong thời hạn không quá 6 tháng, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các Bộ, các tỉnh, thành phố phải rà soát lại để xét duyệt và phê chuẩn thành các định mức chính thức.

b) Bộ Tài chính có trách nhiệm ban hành chế độ định mức vốn lưu động trong tất cả các ngành sản xuất kinh doanh và những quy định cụ thể về thưởng phạt trong việc tiết kiệm vật tư.

Bộ Tài chính có trách nhiệm cùng với Tổng cục Thống kê hoàn thiện chế độ hạch toán vật tư thống nhất.

c) Bộ Vật tư và các Bộ quản lý cung ứng vật tư Nhà nước khác có trách nhiệm ban hành các chế độ về cung ứng, sử dụng, tồn kho và chế độ kiểm tra đối với các loại vật tư do Bộ mình quản lý trong tất cả các ngành sản xuất, kinh doanh.

[...]