Quyết định 1944/2003/QĐ-BGTVT Quy chế quản lý, sử dụng, khai thác đảm bảo An toàn giao thông đường Hồ Chí Minh - giai đoạn 1 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 1944/2003/QĐ-BGTVT
Ngày ban hành 04/07/2003
Ngày có hiệu lực 31/07/2003
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Ngô Thịnh Đức
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1944/2003/QĐ-BGTVT

Hà Nội , ngày 04 tháng 7 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 1944/2003/QĐ-BGTVT NGÀY 04 THÁNG 7 NĂM 2003 BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG, KHAI THÁC ĐẢM BẢO AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH - GIAI ĐOẠN 1

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29/6/2001.
Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ Qui định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu bộ máy của Bộ Giao thông Vận tải.
Để quản lý, khai thác có hiệu quả, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình đường Hồ Chí Minh - giai đoạn 1.
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế quản lý, sử dụng, khai thác đảm bảo an toàn giao thông đường Hồ Chí Minh - giai đoạn 1".

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3: Các ông (bà): Chánh văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Giám định và Quản lý Chất lượng Công trình Giao thông, Tổng Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, các Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hà Tây, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hoà Bình, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hoá, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nghệ An, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hà Tĩnh, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Trị, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Ngô Thịnh Đức

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG, KHAI THÁC ĐẢM BẢO AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH - GIAI ĐOẠN I
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1944/2003/QĐ-BGTVT ngày 4 tháng 7 năm 2003)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định việc quản lý, sử dụng, khai thác đường Hồ Chí Minh giai đoạn I từ Hoà Lạc (Hà Tây) đến Tân Cảnh (Kon Tum) nhằm hướng dẫn các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, nhân dân hai bên đường và các phương tiện, người tham gia giao thông biết thực hiện nhằm đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình và khai thác công trình có hiệu quả.

Ngoài việc thực hiện nghiêm chỉnh qui chế này, mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân cư trú hoặc hoạt động hai bên đường và phương tiện, người tham gia giao thông còn phải tuân theo các qui định của Luật Giao thông đường bộ và các văn bản pháp luật khác liên quan.

Điều 2. Các từ ngữ được dùng trong Quy chế này được hiểu như sau:

1. Đất của đường Hồ Chí Minh: là phần đất trên đó được xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh gồm cầu, đường, đường gom, cầu vượt, nút giao, đất đã giải phóng mặt bằng, điểm giao thông tĩnh, trạm nghỉ, nhà quản lý và các công trình phụ trợ khác.

2. Hành lang giải phóng mặt bằng: là phần đất đã được nhà nước đền bù thu hồi để xây dựng đường Hồ Chí Minh theo qui hoạch và được giới hạn bằng hệ thống cọc mốc giải phóng mặt bằng.

3. Hành lang an toàn đường Hồ Chí Minh: là dải đất dọc hai bên đường Hồ Chí Minh xây dựng theo qui hoạch, để bảo vệ công trình đường Hồ Chí Minh và đảm bảo an toàn giao thông, có bề rộng theo qui định của Chính phủ được giới hạn bởi hệ thống cọc mốc lộ giới.

4. Phần đường xe chạy: là phần đường dành cho các phương tiện giao thông qua lại.

5. Làn đường: là một phần đường dành cho xe chạy được chia theo chiều dọc của đường, có chiều rộng đủ cho xe chạy an toàn.

6. Dải phân cách giữa: là bộ phận của đường để phân chia mặt đường thành hai chiều xe chạy, thể hiện bằng vạch sơn hoặc bằng hộ lan tôn sóng hoặc bằng bê tông.

7. Dải phân cách bên: là bộ phận của đường để phân chia đường chính với công trình giao thông tĩnh, đường gom hoặc hành lang an toàn giao thông đường Hồ Chí Minh, thể hiện bằng vạch sơn hoặc bằng hộ lan tôn sóng hoặc rào bằng vật liệu khác.

8. Đường ngang: là đường bộ giao cắt với đường Hồ Chí Minh cùng mức hoặc khác mức.

9. Đường ngang dân sinh: là đường ngang dành cho người đi bộ, xe thô sơ, xe cơ giới nhỏ đi cắt qua đường Hồ Chí Minh.

10. Đường gom: là những đoạn đường chạy dọc đường Hồ Chí Minh dành cho giao thông của khu vực trước khi các phương tiện giao thông được phép nhập vào đường Hồ Chí Minh tại nút giao.

[...]