Quyết định 1943/2003/QĐ-BGTVT ban hành Quy chế quản lý, sử dụng, khai thác đảm bảo an toàn giao thông đoạn Lạng Sơn - Hà Nội QL1 mới do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 1943/2003/QĐ-BGTVT
Ngày ban hành 04/07/2003
Ngày có hiệu lực 31/07/2003
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Ngô Thịnh Đức
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1943/2003/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 04 tháng 7 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 1943/2003/QĐ-BGTVT NGÀY 04 THÁNG 7 NĂM 2003 BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG, KHAI THÁC ĐẢM BẢO AN TOÀN GIAO THÔNG ĐOẠN LẠNG SƠN - HÀ NỘI QL1 MỚI

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29/6/2001;
Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ Qui định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu bộ máy của Bộ Giao thông Vận tải;
Để quản lý, khai thác có hiệu quả, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình đoạn Hà Nội - Lạng Sơn QL 1 mới;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế quản lý, sử dụng, khai thác đảm bảo an toàn giao thông đoạn Lạng Sơn - Hà Nội QL1 mới".

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3: Các ông (bà): Chánh văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, các Giám đốc Sở Giao thông Công chính Thành phố Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bắc Ninh, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bắc Giang, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lạng Sơn và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Ngô Thịnh Đức

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG, KHAI THÁC ĐẢM BẢO AN TOÀN GIAO THÔNG ĐOẠN LẠNG SƠN - HÀ NỘI QL1 MỚI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1943/2003/QĐ-GTVT ngày 4 tháng 7 năm 2003)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Quy chế này quy định việc quản lý, sử dụng, khai thác đoạn QL1 mới từ Hữu Nghị Quan - Lạng Sơn (Km0) đến Gia Lâm - Hà Nội (Km160+100) gặp QL5 tại Km5+300 (dưới đây gọi tắt là đường Lạng Sơn - Hà Nội) nhằm hướng dẫn cho mọi đối tượng tham gia giao thông, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị liên quan và nhân dân hai bên đường thực hiện, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình và khai thác công trình có hiệu quả.

Ngoài việc thực hiện nghiêm chỉnh Quy chế này, mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân cư trú hoặc hoạt động hai bên đường và phương tiện, người tham gia giao thông còn phải chịu sự điều chỉnh của Luật giao thông đường bộ và các văn bản pháp luật khác liên quan.

Điều 2: Các từ ngữ dùng trong Quy chế này được hiểu như sau:

1. Đất của đường Lạng Sơn - Hà Nội: là phần đất trên đó được xây dựng công trình đường gồm cầu, đường, đường gom, cầu vượt, nút giao, nơi dừng đỗ xe, hệ thống thoát nước, dải phân cách, hệ thống báo hiệu đường bộ và các công trình, thiết bị phụ trợ khác.

2. Hành lang an toàn đường Lạng Sơn - Hà Nội: là dải đất dọc hai bên đường bộ để đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ công trình đường được giới hạn bởi hệ thống cọc mốc lộ giới.

3. Hành lang giải phóng mặt bằng: là phần đất đã được đền bù thu hồi đất để xây dựng đường và được giới hạn bằng hệ thống cọc mốc giải phóng mặt bằng.

4. Phần đường xe cơ giới chạy: là phần đường được sử dụng cho các phương tiện giao thông cơ giới qua lại.

5. Phần đường xe thô sơ và người đi bộ: là phần đường được sử dụng cho các phương tiện giao thông thô sơ, người đi bộ qua lại.

6. Làn đường : là một phần của phần đường xe chạy được chia theo chiều dọc của đường, có chiều rộng đủ cho xe chạy an toàn .

7. Làn nhập, tách dòng: là làn đường dành cho phương tiện giao thông cơ giới vào hoặc ra khỏi đường chính.

8. Dải phân cách giữa: là bộ phận của đường để phân chia mặt đường thành hai chiều xe chạy riêng biệt.

9. Dải phân cách bên: là bộ phận của đường để phân chia phần đường dành cho xe cơ giới được đi trên đường Lạng Sơn - Hà Nội với đường gom hoặc hành lang an toàn của đường.

10. Đường ngang: là đường bộ giao cắt với đường Lạng Sơn - Hà Nội bằng nút giao cùng mức (đoạn Lạng Sơn - Bắc Ninh) hoặc nút giao khác mức liên thông hoặc trực thông (đoạn Bắc Ninh - Hà Nội).

[...]