Quyết định 192/2003/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 192/2003/QĐ-TTg
Ngày ban hành 17/09/2003
Ngày có hiệu lực 10/10/2003
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 192/2003/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 9 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 192/2003/QĐ-TTG NGÀY 17 THÁNG 9 NĂM 2003 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC QUẢN LÝ HỆ THỐNG KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001.
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 12 tháng 8 năm 1991.
Xét đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại tờ trình số 1650/BNN-KL ngày 27 tháng 6 năm 2003 về việc phê duyệt "Chiến lược quản lý hệ thống Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam đến năm 2010", ý kiến của các Bộ: Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Thuỷ sản, Văn hoá - Thông tin, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Du lịch.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược Quản lý Hệ thống Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam đến năm 2010 với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU:

1. Thiết lập, tổ chức và quản lý có hiệu quả hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên phân bố ở các hệ sinh thái khác nhau (bao gồm các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn, khu bảo tồn thiên nhiên vùng đất ngập nước và các khu bảo tồn thiên nhiên biển) nhằm góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên, tính đa dạng sinh học, cảnh quan phong phú và độc đáo của Việt Nam trong khuôn khổ phát triển bền vững. Kết hợp chặt chẽ các hoạt động bảo tồn và phát triển, phát huy đầy đủ vai trò và chức năng của hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên để góp phần tích cực vào việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng toàn diện, xoá đói giảm nghèo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

2. Nâng cao nhận thức chung của người dân về tầm quan trọng, giá trị của nguồn tài nguyên và đa dạng sinh học, xác định rõ vai trò, trách nhiệm và tăng cường sự tham gia của người dân trong việc bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên.

3. Đổi mới thể chế chính sách quản lý khu bảo tồn thiên nhiên, tăng cường chức năng quản lý của Nhà nước đối với hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên. Nâng cao năng lực quản lý tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học của chính quyền các địa phương và các Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên.

4. Tăng cường hợp tác quốc tế, xác định nguồn và cách tiếp cận các khoản tài trợ.

II. NGUYÊN TẮC VÀ PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN

1. Nguyên tắc:

Nguyên tắc cơ bản là phát triển bền vững: Phải đảm bảo phát triển trước mắt không làm tổn hại đến tương lai và quản lý bảo vệ tốt tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học của đất nước, cụ thể là:

- Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên và vùng đệm cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương bằng cơ chế, kế hoạch cụ thể. Đảm bảo thực hiện các nguyên tắc trên cơ sở tổng hợp, bao gồm cả bảo tồn nguồn gen, loài và hệ sinh thái; phòng chống các nguy cơ có thể gây tổn thất cho những giá trị này.

- Kế hoạch quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động bảo tồn thiên nhiên phải tham khảo đầy đủ nguyện vọng về kinh tế và thu hút sự tham gia của các cộng đồng dân cư sống xung quanh khu bảo tồn thiên nhiên. Nâng cao nhận thức về giá trị kinh tế, môi trường và khoa học của bảo tồn thiên nhiên và phát huy vai trò quản lý Nhà nước của Uỷ ban nhân dân các cấp, đặc biệt là cấp xã, huyện đối với lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên và quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên trên địa phận hành chính của xã, huyện.

- Trong khu bảo tồn thiên nhiên, cần ưu tiên lập kế hoạch quản lý và khẩn trương hành động một cách có hiệu quả ở nơi có nguy cơ bị đe dọa cao như nguy cơ tuyệt chủng của các loài sinh vật bản địa hay gây tổn hại tới hệ sinh thái.

- Thường xuyên cập nhật, tham khảo các kết quả nghiên cứu và thông tin mới, để nâng cao hiệu quả quản lý và theo dõi kết quả thực hiện các giải pháp quản lý mới.

- Tìm hiểu đầy đủ và nhận thức đúng đắn các thông tin về truyền thống sử dụng và mối quan hệ đặc biệt của các nhóm dân tộc thiểu số với tài nguyên đất đai và đa dạng sinh học.

- Chính phủ quan tâm hỗ trợ có hiệu quả cho công tác quản lý khu bảo tồn thiên nhiên thông qua ưu tiên cấp vốn đầu tư hàng năm từ ngân sách Nhà nước và các hoạt động hỗ trợ thích hợp khác.

2. Phương pháp tiếp cận:

- Tăng cường sự quản lý liên ngành trên cơ sở xác định rõ cơ quan đầu mối theo đúng những qui định tại Luật Tổ chức Chính phủ và các Nghị định của Chính phủ qui định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các Bộ trong lĩnh vực quản lý nhà nước.

- Gắn chặt nhiệm vụ bảo tồn và phát triển bền vững để phát huy đầy đủ tiềm năng, lợi thế của tài nguyên thiên nhiên và tính đa dạng sinh học hiện có, tạo nên những nguồn lực mới ngay từ các khu bảo tồn thiên nhiên đã thiết lập để quản lý bền vững và lâu dài.

- Xã hội hoá công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học.

III. CÁC HÀNH ĐỘNG CỦA CHIẾN LƯỢC:

1. Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên.

- Hoàn thiện qui hoạch và phân hạng, xếp loại hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam ở các hệ sinh thái khác nhau (bao gồm các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn, đất ngập nước và khu bảo tồn thiên nhiên biển), trình Thủ tướng Chính phủ xét duyệt và quyết định về hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam trong thời kỳ mới.

- Xác lập thứ tự ưu tiên quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên dựa trên nguyên tắc ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học và các tiêu chí được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

[...]