BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1918/QĐ-BYT
|
Hà Nội, ngày 20
tháng 4 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY
ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VỤ TỔ CHỨC CÁN BỘ THUỘC
BỘ Y TẾ
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP
ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 101/2020/NĐ-CP
ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016
của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ,
cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 95/2022/NĐ-CP
ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ
Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và chức năng
Vụ Tổ chức cán bộ là vụ tổng hợp thuộc Bộ Y tế, có
chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý về lĩnh vực tổ chức bộ máy,
cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, công tác thi đua, khen thưởng
trong ngành y tế theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý hệ thống tổ chức
ngành y tế:
a) Xây dựng, đề xuất mô hình hệ thống tổ chức bộ
máy ngành y tế từ Trung ương đến địa phương phù hợp với quy hoạch phát triển
ngành y tế đã được phê duyệt. Xây dựng đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị sự
nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Y tế, trình cấp có thẩm
quyền phê duyệt;
b) Đầu mối tổng hợp xây dựng, đề xuất sửa đổi, bổ
sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế và chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ
thuộc Bộ Y tế, trình cấp có thẩm quyền ban hành;
c) Xây dựng, đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản hướng
dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương, trình cấp có thẩm quyền ban hành;
d) Tham gia xây dựng, đề xuất sửa đổi, bổ sung các
tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp y tế, trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;
đ) Đầu mối xây dựng, đề xuất sửa đổi, bổ sung các
quy định về xếp hạng đơn vị sự nghiệp y tế trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
Làm đầu mối thu thập hồ sơ xếp hạng, trình Hội đồng thẩm định quyết định xếp hạng
các đơn vị sự nghiệp công lập và các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Y tế theo quy định
của pháp luật;
e) Đầu mối tổng hợp các đề án để Bộ trưởng Bộ Y tế
trình cấp có thẩm quyền thẩm định và quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể
các tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế theo quy định của pháp luật;
g) Tổ chức thẩm định đề án thành lập, tổ chức lại,
giải thể các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quyết định của
Bộ trưởng Bộ Y tế;
h) Xây dựng, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định
về phân công, phân cấp và thực hiện tự chủ về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự
đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế, trình Bộ trưởng Bộ Y
tế ban hành. Chủ trì, thẩm định đề án, phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ
máy của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế khi thực hiện cơ chế tự
chủ, trình Bộ trưởng phê duyệt theo quy định của pháp luật;
i) Chủ trì thẩm định trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban
hành Quy chế tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc
Bộ Y tế, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước
thuộc Bộ Y tế theo quy định của pháp luật;
k) Xây dựng, đề xuất, sửa đổi, bổ sung quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Hội đồng quản lý trong các đơn
vị sự nghiệp y tế, trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; chủ trì thẩm định Quy chế
hoạt động của Hội đồng quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ
Y tế, trình Bộ trưởng ban hành.
2. Tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý viên chức
chuyên ngành y, dược, dân số và công chức nghiệp vụ chuyên ngành:
a) Hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý
và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề
nghiệp và định mức số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập ngành y,
dược, dân số sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
b) Xây dựng vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp
chuyên môn dùng chung và vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp
công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý gửi Bộ Nội vụ để tổng hợp, ban
hành.
c) Hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ
chuyên ngành được giao quản lý từ Trung ương đến địa phương; xây dựng vị trí việc
làm công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung thuộc ngành y tế được giao quản
lý gửi Bộ Nội vụ để tổng hợp ban hành.
d) Chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan xây dựng,
sửa đổi, bổ sung quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của viên chức chuyên
ngành y, dược, dân số trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành sau khi có văn bản thống
nhất của Bộ Nội vụ;
đ) Chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan xây dựng,
sửa đổi, bổ sung trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành các quy định cụ thể về tiêu
chuẩn, điều kiện thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và nội dung, hình thức,
việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp
viên chức chuyên ngành y, dược, dân số sau khi thống nhất với Bộ Nội vụ; hướng
dẫn, tổ chức thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành
y, dược, dân số theo quy định của pháp luật;
e) Chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban
hành quy định chi tiết nội dung, chương trình, hình thức, thời gian bồi dưỡng
viên chức chuyên ngành y, dược, dân số theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của
viên chức chuyên ngành y, dược, dân số và hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện.
3. Tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý chế độ,
chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động
trong ngành y tế:
a) Làm đầu mối tổng hợp, đề xuất chính sách tiền
lương đối với công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế, trình cấp
có thẩm quyền xem xét, quyết định;
b) Làm đầu mối tổng hợp, xây dựng, sửa đổi, bổ sung
các chế độ phụ cấp, và các chế độ, chính sách đặc thù đối với công chức, viên
chức, người lao động trong ngành y tế, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
4. Giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý công chức, viên
chức, người lao động trong các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập,
doanh nghiệp Nhà nước thuộc và trực thuộc Bộ Y tế theo quy định của pháp luật:
a) Chủ trì tổng hợp, xây dựng kế hoạch biên chế
công chức của Bộ Y tế, gửi Bộ Nội vụ thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;
Tổ chức thẩm định đề án vị trí việc làm và cơ cấu công chức theo ngạch của các
tổ chức thuộc Bộ Y tế, trình Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt, giao biên chế công chức
cho các đơn vị thuộc Bộ Y tế;
b) Thẩm định đề án vị trí việc làm đối với đơn vị sự
nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế, trình Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định danh mục
vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người
làm việc của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế;
c) Quản lý biên chế công chức đối với các tổ chức
thuộc Bộ Y tế và số lượng viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập
trực thuộc Bộ Y tế;
d) Chủ trì xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định,
quy chế, quy trình quản lý cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản
lý của Bộ trưởng Bộ Y tế, trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành và tổ chức thực hiện
bao gồm: quy định về phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức; tiêu chuẩn
các chức danh lãnh đạo, quản lý; quy định về đánh giá, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại,
miễn nhiệm, điều động, biệt phái đối với công chức, viên chức quản lý; quy định
thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức và đơn vị thuộc và trực
thuộc Bộ Y tế;
đ) Chủ trì tổng hợp, xây dựng, trình cấp có thẩm
quyền phê duyệt quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đối với các tổ chức
thuộc Bộ Y tế, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế, doanh nghiệp Nhà
nước thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ Y tế theo phân cấp và tổ chức
triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt;
e) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo,
bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý; biên soạn và
thẩm định các tài liệu đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, tiêu chuẩn chức
danh nghề nghiệp và theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền
quản lý; Thực hiện quy trình cử công chức đi đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và
ngoài nước thuộc đối tượng được phân cấp quản lý theo quy định của pháp luật;
g) Tổ chức thực hiện các quy trình tuyển dụng, tiếp
nhận, điều động, biệt phái, sử dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, nghỉ
hưu, kỷ luật, nâng ngạch, chuyển ngạch, thăng hạng chức danh nghề nghiệp, thực
hiện chế độ tiền lương, chế độ bảo hiểm xã hội và các chế độ, chính sách khác,
quản lý hồ sơ đối với công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế
theo phân cấp quản lý.
5. Làm đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Y tế về công tác cải
cách hành chính:
a) Chủ trì xây dựng, sửa đổi, bổ sung trình Bộ trưởng
phê duyệt kế hoạch tổng thể cải cách hành chính của Bộ Y tế theo mục tiêu và nội
dung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước và hướng dẫn, tổ chức
thực hiện sau khi kế hoạch được phê duyệt;
b) Làm thường trực cho Bộ phận tham mưu giúp việc về
cải cách hành chính của Bộ Y tế. Làm đầu mối thực hiện cải cách hành chính nhà
nước trong lĩnh vực tổ chức ngành y tế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ,
công chức, viên chức ngành y tế.
6. Tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý công tác
thi đua, khen thưởng:
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan
xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về công tác thi đua,
khen thưởng thuộc phạm vi quản lý của Bộ;
b) Tham mưu giúp Bộ trưởng trong việc hưởng ứng,
tham gia các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động; tổ chức phát
động và chỉ đạo triển khai các phong trào thi đua trong ngành y tế; sơ kết, tổng
kết các phong trào thi đua; phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên
tiến; phổ biến kinh nghiệm, đề xuất cải tiến, đổi mới công tác thi đua, khen
thưởng;
c) Chủ trì, phối hợp xây dựng tiêu chuẩn, quy trình
hướng dẫn việc xét tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trong
ngành y tế trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức triển khai thực hiện;
d) Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, đề xuất trình Hội đồng
Thi đua - Khen thưởng của Bộ Y tế xét trình Bộ trưởng để trình Thủ tướng Chính
phủ, Chủ tịch nước khen thưởng hoặc đề nghị khen thưởng các danh hiệu thi đua,
hình thức khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật;
đ) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng,
trình Bộ trưởng ban hành quy định xét tặng các Giải thưởng của Bộ trong từng
lĩnh vực quản lý và tổ chức triển khai xét tặng các giải thưởng sau khi được
ban hành theo phân công của Bộ trưởng;
e) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong Bộ thẩm định
hồ sơ, thành tích đề xuất trình Bộ trưởng hiệp y khen thưởng các danh hiệu thi
đua, hình thức khen thưởng và giải thưởng cho các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm
quyền;
g) Chuẩn bị hiện vật, quản lý, cấp phát, thu hồi, cấp
đổi hiện vật khen thưởng theo phân cấp; tham mưu, tổ chức thực hiện việc trao tặng,
đón nhận các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng và giải thưởng theo quy định
của pháp luật;
h) Là bộ phận thường trực Hội đồng Thi đua - Khen
thưởng Bộ Y tế;
i) Phối hợp với Văn phòng Bộ trong việc xây dựng,
quản lý và sử dụng Quỹ thi đua, khen thưởng của Bộ Y tế theo quy định của pháp luật.
7. Giúp Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế triển khai thực hiện
công tác bảo vệ chính trị nội bộ đối với các tổ chức, đơn vị sự nghiệp, doanh
nghiệp Nhà nước thuộc và trực thuộc Bộ Y tế.
8. Giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý nhà nước đối với
các hội nghề nghiệp và tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực y tế theo
quy định của pháp luật:
a) Đầu mối tổng hợp, góp ý với cơ quan nhà nước có
thẩm quyền về việc cho phép thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể,
đổi tên và phê duyệt điều lệ hội, quyết định công nhận ban vận động thành lập hội
theo thẩm quyền đối với hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế theo quy
định của pháp luật;
b) Đầu mối tổng hợp, đề xuất cơ chế, chính sách để
hội tham gia chương trình dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện xã hội,
cung cấp dịch vụ công, đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực y tế
theo quy định của pháp luật; hướng dẫn, tạo điều kiện để hội tổ chức đại hội
nhiệm kỳ; tổ chức lấy ý kiến của hội để hoàn thiện các quy định quản lý nhà nước
về y tế;
c) Tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo các vi phạm
pháp luật đối với tổ chức phi Chính phủ, hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực
y tế;
d) Đầu mối hướng dẫn quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tổ
chức phi Chính phủ tham gia các hoạt động trong lĩnh vực y tế theo quy định của
pháp luật.
9. Tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo công tác
giáo dục chính trị tư tưởng và giáo dục y đức cho cán bộ, công chức, viên chức
trong toàn ngành y tế.
10. Tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Y tế về công tác
thanh niên, công tác xã hội và công tác bình đẳng giới trong các tổ chức, đơn vị
sự nghiệp, doanh nghiệp thuộc và trực thuộc Bộ Y tế.
11. Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn
nghiệp vụ về công tác tổ chức, quản lý công chức, viên chức và công tác thi đua
khen thưởng cho các công chức, viên chức làm công tác tổ chức, cán bộ, thi đua
khen thưởng trong ngành y tế;
12. Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực
hiện các quy định của pháp luật về tổ chức, quản lý công chức, viên chức, người
lao động, thực hiện chế độ chính sách, thi đua, khen thưởng trong ngành y tế
theo thẩm quyền.
13. Thực hiện công tác pháp chế, nghiên cứu khoa học,
ứng dụng công nghệ thông tin và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tổ chức, quản lý
công chức, viên chức, chế độ, chính sách và thi đua, khen thưởng trong ngành y
tế theo quy định của pháp luật.
14. Thực hiện tổng hợp, thống kê và báo cáo về tổ
chức, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và thi đua, khen thưởng
trong ngành y tế theo quy định của pháp luật.
15. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Y tế
giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức và hoạt
động
1. Lãnh đạo Vụ
Vụ trưởng và các Phó Vụ trưởng do Bộ trưởng Bộ Y tế
bổ nhiệm và miễn nhiệm. Vụ trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Y tế và
trước pháp luật về mọi hoạt động của Vụ. Các Phó Vụ trưởng giúp việc Vụ trưởng
và chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân
công.
2. Biên chế
Biên chế của Vụ Tổ chức cán bộ được xác định theo
quy định của pháp luật về vị trí việc làm và được điều chỉnh hằng năm theo nhu cầu
vị trí việc làm do Bộ trưởng quyết định và theo đề xuất của Vụ trưởng Vụ Tổ chức
cán bộ.
3. Cơ chế hoạt động
Vụ Tổ chức cán bộ hoạt động theo chế độ chuyên
viên. Các công chức trong Vụ Tổ chức cán bộ chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Vụ
Tổ chức cán bộ về nhiệm vụ được phân công.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban
hành.
2. Quyết định số 5368/QĐ-BYT ngày 28 tháng 11 năm
2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Vụ Tổ chức cán bộ hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực.
Điều 5. Trách nhiệm thi hành
Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ,
Vụ trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ Y tế và thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ Nội vụ;
- Các Thứ trưởng Bộ Y tế;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế;
- Lưu: VT, TCCB.
|
BỘ TRƯỞNG
Đào Hồng Lan
|