ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
191/2014/QĐ-UBND
|
Thanh Hóa,
ngày 15 tháng 01 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ QUỐC PHÒNG - AN
NINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26
tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ số 43/2009/QH12
ngày 23/11/2009;
Căn cứ Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày
01/6/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật Dân quân tự vệ;
Căn cứ Nghị quyết số 64/2013/NQ-HĐND ngày
12/12/2013 của HĐND tỉnh về việc Thành lập Quỹ quốc phòng - an ninh trên địa
bàn tỉnh Thanh Hóa,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế thu, quản lý và sử
dụng quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ban hành.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ
trưởng các ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Đình Xứng
|
QUY CHẾ
THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ QUỐC PHÒNG - AN NINH TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH THANH HÓA
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 191/2014/QĐ-UBND ngày 15/01/2014 của UBND
tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Lập Quỹ quốc phòng
- an ninh
Quỹ quốc phòng - an ninh (sau đây viết tắt là
QP-AN) được lập ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).
Điều 2. Nguyên tắc vận động
đóng góp Quỹ QP-AN
Quỹ QP-AN do cơ quan, tổ chức, hộ gia đình cư
trú trên địa bàn đóng góp để hỗ trợ cho các hoạt động của dân quân tự vệ và hoạt
động bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cấp xã. Việc đóng góp
Quỹ QP-AN thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, công bằng, dân chủ, công khai,
đúng pháp luật.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Đối tượng vận động
đóng góp Quỹ QP-AN
- Cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có trụ
sở trên địa bàn cấp xã.
- Hộ gia đình cư trú trên địa bàn cấp xã.
Điều 4. Đối tượng không thuộc
diện vận động đóng góp Quỹ QP-AN
- Hộ nghèo (theo chuẩn hộ nghèo do Thủ tướng
Chính phủ quy định để áp dụng cho từng giai đoạn).
- Hộ gia đình thuộc diện chính sách (Thương
binh, Liệt sỹ, Mẹ Việt Nam Anh hùng).
- Hộ gia đình có người bị nhiễm chất độc da
cam/dioxin, không còn khả năng lao động, người tàn tật, người mất sức lao động
từ 81% trở lên.
- Hộ gia đình người già neo đơn, không có lương
hưu.
Điều 5. Tạm dừng tổ chức vận
động đóng góp Quỹ QP-AN
1. Tạm dừng tổ chức vận động đóng góp Quỹ QP-AN
trong các trường hợp sau:
- Địa bàn cấp xã nơi cư trú bị thiên tai, dịch bệnh
và thảm họa nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân;
- Cơ quan tổ chức bị thiên tai, hỏa hoạn và các
thảm họa khác ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.
2. Chủ tịch UBND cấp xã quyết định việc tạm dừng
tổ chức vận động đóng góp Quỹ cho các đối tượng.
Điều 6. Mức vận động đóng
góp Quỹ QP-AN
1. Đối với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức
kinh tế (gọi tắt là đơn vị):
- Đơn vị có dưới 20 người:
300.000 đồng/đơn vị/năm
- Đơn vị có từ 20 người đến dưới 50 người:
500.000 đồng/đơn vị/năm
- Đơn vị có từ 50 người trở
lên:
1.000.000 đồng/đơn vị/năm
2. Đối với hộ gia
đình:
40.000 đồng/hộ/năm
Khuyến khích các đơn vị, hộ gia đình, cá nhân
trong và ngoài địa bàn xã tự nguyện tham gia đóng góp Quỹ QP-AN ngoài mức quy định
trên.
Điều 7. Tổ chức thu Quỹ
QP-AN
1. Quỹ QP-AN do UBND cấp xã tổ chức thu.
2. UBND cấp xã có trách nhiệm tuyên truyền, vận
động nhân dân đóng góp.
Điều 8. Quản lý Quỹ QP-AN
1. UBND cấp xã trực tiếp quản lý và sử dụng Quỹ
QP-AN.
2. Hàng năm, bộ phận kế toán ngân sách cấp xã chủ
trì phối hợp với Ban CHQS, Công an cấp xã tham mưu cho Chủ tịch UBND cùng cấp
xây dựng kế hoạch tổ chức vận động đóng góp Quỹ QP-AN.
3. Quỹ QP-AN được mở tài khoản tại Kho bạc nhà
nước cấp huyện và phải mở sổ sách kế toán, sử dụng chứng từ quản lý thu, chi
theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định quản lý tài
chính hiện hành. Khi thu Quỹ QP-AN phải sử dụng biên lai theo quy định của Bộ
Tài chính. Quỹ cuối năm không sử dụng hết được phép chuyển năm sau tiếp tục sử
dụng.
4. Căn cứ kết quả thu, chi trong năm UBND xã quyết
toán Quỹ hàng năm và công khai tài chính theo đúng quy định.
Điều 9. Chế độ sử dụng Quỹ
QP-AN
Quỹ được sử dụng để bổ sung kinh phí cho việc thực
hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực QP-AN trên địa bàn thuộc chức năng, nhiệm vụ của
UBND cấp xã theo quy định của Pháp luật. UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý
toàn bộ Quỹ QP-AN, tập trung sử dụng vào các nhiệm vụ sau:
1. Chi hỗ trợ cho công tác xây dựng, huấn luyện,
hoạt động của Dân quân tự vệ, Công an cấp xã, các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ
an ninh trật tự ở cơ sở và công tác giáo dục QP-AN.
2. Chi thuốc men, thăm hỏi cán bộ, chiến sỹ hy
sinh, bị thương, ốm đau trong khi làm nhiệm vụ thuộc lĩnh vực QP-AN.
3. Chi thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự, Pháp lệnh
dự bị động viên, Pháp lệnh Công an xã, tuyên truyền vận động phong trào bảo vệ
an ninh Tổ quốc.
4. Chi hội nghị, sơ kết, tổng kết, khen thưởng
công tác QP-AN tại địa phương.
5. Chi cho công tác tập huấn nghiệp vụ về QP-AN
tại cấp xã được tổ chức theo kế hoạch và được Ban chỉ huy Quân sự, Công an cấp
trên phê duyệt.
6. Chi mua sắm, sửa chữa dụng cụ, công cụ,
phương tiện phục vụ cho công tác QP-AN tại địa phương, mua văn phòng phẩm, sổ
sách phục vụ công tác QP-AN và quản lý Quỹ QP-AN.
Việc quyết mức chi, sử dụng quỹ do Chủ tịch UBND
cấp xã quyết định theo các quy định hiện hành của nhà nước và chịu trách nhiệm
về quyết định của mình; trong đó chi cho công tác quản lý (mua biên lai, sổ
sách, phụ cấp cho cán bộ đi thu) hàng năm không được vượt quá 10% tổng số
thu Quỹ QP-AN trong năm.
Chương III
KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 10. Khen thưởng
Các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc
trong xây dựng, quản lý và đóng góp Quỹ QP-AN được khen thưởng theo chế độ nhà
nước quy định.
Điều 11. Xử lý vi phạm
Người được giao nhiệm vụ thu, quản lý, sử dụng
Quỹ QP-AN ở địa phương mà vi phạm các quy định của quy chế này thì tùy theo
tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm
hình sự.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Đối với cấp xã
UBND cấp xã phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam, các đoàn thể cùng cấp tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, các tổ chức
doanh nghiệp, đơn vị thực hiện tốt việc đóng góp xây dựng và quản lý, sử dụng
hiệu quả Quỹ QP-AN ở địa phương theo đúng quy định; thực hiện chế độ báo cáo định
kỳ (hàng quý, kết thúc năm), đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 13. Đối với cấp huyện
UBND cấp huyện có trách nhiệm triển khai, chỉ đạo,
kiểm tra việc huy động, quản lý thu, chi Quỹ QP-AN ở cơ sở; thực hiện chế độ
báo cáo định kỳ (hàng quý, kết thúc năm) và đột xuất kết quả thu, chi
Quỹ QP-AN theo yêu cầu của UBND tỉnh và Sở Tài chính.
Điều 14. Đối với các cơ
quan, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế
Thủ trưởng cơ quan, tổ chức có trách nhiệm triển
khai các quy định của Pháp luật, Nghị quyết của HĐND, Quyết định của UBND tỉnh
về Quỹ QP-AN; đồng thời vận động đến toàn bộ cán bộ, công nhân, viên chức do
đơn vị quản lý tham gia đóng góp xây dựng Quỹ QP-AN ở địa phương.
Điều 15. Đối với các cơ
quan cấp tỉnh
Sở Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh theo dõi kiểm tra việc quản lý, thu, chi
quỹ, hàng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng
mắc, các địa phương phản ánh về Sở Tài chính, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an
tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét và chỉ đạo giải quyết kịp thời./.