QUY ĐỊNH
TIÊU CHUẨN, THỦ TỤC XÉT CÔNG NHẬN
DANH HIỆU VÀ MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI NGHỆ NHÂN, THỢ GIỎI, NGƯỜI CÓ
CÔNG ĐƯA NGHỀ MỚI VỀ TỈNH BẠC LIÊU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 19/2010/QĐ-UBND ngày 17 tháng 11 năm 2010 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu)
Chương
I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều
1. Mục đích của
việc xét công nhận các danh hiệu
1. Khuyến khích, phát
huy vai trò của các nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề mới về tỉnh Bạc
Liêu trong việc khôi phục làng nghề truyền thống và phát triển ngành nghề,
làng nghề mới trên địa bàn tỉnh;
2. Góp phần phát triển
sản xuất, tạo công ăn việc làm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị
trường trong nước và quốc tế.
Điều
2. Đối tượng
áp dụng
Đối tượng xét công nhận
nghệ nhân, thợ giỏi theo quy định này là công dân làm việc trong các ngành nghề
tiểu thủ công nghiệp, làng nghề của tỉnh Bạc Liêu. Người có công đưa nghề mới về
tỉnh không nhất thiết phải có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Bạc Liêu. Quy định
này chỉ giới hạn nghề mới trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề
nông thôn khác mà tỉnh chưa có.
Điều
3. Hội đồng
xét công nhận
Hội đồng xét công nhận,
nghệ nhân, thợ giỏi và người có công đưa nghề mới về tỉnh Bạc Liêu được Ủy ban nhân
dân tỉnh quyết định thành lập theo đề nghị của Giám đốc Sở Công thương.
Hội đồng 01 năm họp một
lần.
Chương
II
NHỮNG QUY ĐỊNH
CỤ THỂ
Điều
4. Tiêu chuẩn
xét công nhận danh hiệu thợ giỏi cấp tỉnh
1. Là thợ lành nghề,
có trình độ kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp đạt trình độ cao mà người thợ bình
thường khác không làm được.
2. Làm việc có năng suất,
chất lượng cao. Đã tham gia truyền nghề hoặc có khả năng truyền nghề cho người
khác trong xã, phường, thị trấn; chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng
và chính sách, pháp luật của Nhà nước, có phẩm chất đạo đức tốt được mọi người
cùng làm việc trong ngành nghề thừa nhận.
3. Có sản phẩm đạt giải
trong các cuộc thi tay nghề, thợ giỏi cấp tỉnh hoặc quốc gia, quốc tế. Những
người không có điều kiện tham gia thi tay nghề, thợ giỏi thì phải có sản phẩm đạt
trình độ kỹ thuật cao được nhiều người cùng ngành nghề tôn vinh, thừa nhận. Trực
tiếp làm ra tối thiểu 5 loại sản phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật.
Điều
5. Tiêu chuẩn
xét công nhận nghệ nhân cấp tỉnh
1. Là thợ giỏi, có
trình độ kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp điêu luyện, có khả năng sáng tạo mẫu mã đạt
trình độ nghệ thuật cao mà người thợ bình thường khác không làm được.
2. Chấp hành tốt đường
lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước, có phẩm chất đạo
đức tốt được mọi người trong nghề và nhiều người khác tôn vinh thừa nhận.
3. Có sản phẩm đạt
trình độ kỹ, mỹ thuật cao, đoạt huy chương trong các cuộc thi, triển lãm của tỉnh
hoặc quốc gia, quốc tế. Đối với người không có điều kiện tham gia cuộc thi, triển
lãm thì phải có sản phẩm đạt trình độ kỹ, mỹ thuật cao được thợ giỏi và nhiều
người cùng ngành nghề suy tôn. Trực tiếp làm ra tối thiểu 07 loại sản phẩm có
giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật .
4. Có công đóng góp
trong việc giữ gìn, phát triển nghề; tham gia đào tạo và truyền dạy nghề.
Điều
6. Tiêu chuẩn
xét công nhận người có công đưa nghề mới về tỉnh
1. Nghề mới được du nhập
vào tỉnh Bạc Liêu là nghề ở Bạc Liêu chưa có. Sản phẩm tạo ra phải được thị trường
chấp nhận.
2. Nghề có khả năng
thu hút được nhiều lao động (Tối thiểu là 100 lao động) hoặc có thể nhân rộng
ra nhiều hộ gia đình.
3. Nghề mới có thời
gian du nhập và phát triển từ 02 năm trở lên và mang lại hiệu quả kinh tế
- xã hội rõ rệt.
4. Thu nhập của người
lao động làm việc trong ngành nghề mới phải bằng hoặc lớn hơn mức thu nhập
trung bình của các nghề khác đã có tại địa phương.
Điều
7. Trình tự, hồ
sơ xét các danh hiệu
1. Trình tự xét công
nhận danh hiệu:
a) Ủy ban nhân dân các
xã, phường, thị trấn có ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề tổ chức tuyển
chọn, đề cử, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn, gửi văn bản đề nghị lên Ủy
ban nhân dân huyện, thành phố;
b) Ủy ban nhân dân huyện,
thành phố tập hợp hồ sơ, xác nhận và gửi văn bản đề nghị lên Hội đồng xét duyệt cấp
tỉnh (Qua Sở Công thương);
c) Hội đồng xét duyệt
cấp tỉnh tổ chức thẩm định, xét duyệt những người đủ tiêu chuẩn trình Ủy ban
nhân dân tỉnh quyết định cấp giấy chứng nhận, bằng công nhận danh hiệu.
2. Hồ sơ xét công nhận
các danh hiệu gồm có:
a) Đơn của người được
xét công nhận danh hiệu;
b) Bản thành tích cá
nhân của người được đề nghị, xét công nhận danh hiệu thợ giỏi, nghệ nhân, người
có công đưa nghề mới về tỉnh do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận;
c) Bản sao công chứng
các giấy chứng nhận huy chương đã đạt được trong các cuộc thi, hội chợ triển
lãm của tỉnh hoặc quốc gia, quốc tế;
d) Biên bản đề nghị của
tập thể, tổ chức nơi người đó làm việc, lao động thuộc các đơn vị sản xuất kinh
doanh được thành lập theo luật doanh nghiệp, luật hợp tác xã hoặc biên bản xét
duyệt và văn bản đề nghị công nhận danh hiệu thợ giỏi, nghệ nhân, người có công
đưa nghề mới về tỉnh của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;
đ) Văn bản đề nghị của
Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.
Điều
8. Một số chế độ
ưu đãi
1. Chế độ đối với thợ
giỏi:
a) Được Ủy ban nhân
dân tỉnh cấp giấy chứng nhận danh hiệu: Thợ giỏi cấp tỉnh và được thưởng bằng
tiền hoặc hiện vật tương đương trị giá 05 triệu đồng;
b) Được tổ chức truyền,
dạy nghề theo quy định của pháp luật;
c) Được tham gia các
cuộc thi tay nghề, thợ giỏi do tỉnh và nhà nước tổ chức.
2. Chế độ đối với nghệ
nhân:
a) Được Ủy ban nhân
dân tỉnh cấp bằng công nhận danh hiệu: Nghệ nhân cấp tỉnh và được thưởng một
khoản tiền hoặc hiện vật tương đương trị giá 10 triệu đồng;
b) Được tổ chức truyền
nghề, dạy nghề theo quy định của pháp luật;
c) Được hỗ trợ kinh
phí nghiên cứu, thiết kế cải tiến mẫu mã tạo dáng sản phẩm, đổi mới công nghệ để
nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành, đa dạng hóa sản phẩm từ các nguồn
kinh phí hợp pháp (Kinh phí sự nghiệp khoa học, kinh phí sự nghiệp khuyến công,
tài trợ của các tổ chức...);
d) Được đề nghị nhà nước
xét phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú khi đủ tiêu chuẩn
quy định.
3. Chế độ đối với người
có công đưa nghề mới về tỉnh:
a) Được Ủy ban nhân
dân tỉnh cấp giấy chứng nhận và được thưởng một khoản tiền hoặc hiện vật tương
đương có giá trị 10 triệu đồng/01 nghề mới;
b) Được hỗ trợ trong
việc phát triển nghề theo chương trình của tỉnh;
c) Được mở lớp dạy nghề
đó;
d) Người đưa nghề mới
về tỉnh nếu lập doanh nghiệp tại Bạc Liêu thì được ưu đãi theo quy định hiện
hành của tỉnh;
4. Tiền thưởng cho nghệ
nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề mới về tỉnh do ngân sách tỉnh cấp.
5. Đối với nghệ nhân,
thợ giỏi có tiếng của các tỉnh khác và người có công đưa nghề mới về Bạc Liêu
là người ngoài tỉnh có nguyện vọng ở lại Bạc Liêu làm ăn lâu dài được xem xét hỗ
trợ về nhà ở, đất ở theo quy định của tỉnh.
Chương
III
TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
Điều
9. Phân công
trách nhiệm
1. Sở Công thương là
cơ quan chủ trì tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập hội đồng,
là cơ quan thường trực, tiếp nhận hồ sơ thẩm định báo cáo Hội đồng xét duyệt cấp
tỉnh xem xét, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận danh hiệu thợ giỏi,
nghệ nhân, người có công đưa nghề mới về tỉnh.
2. Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm
phổ biến rộng rãi Quy định này đến các cơ sở sản xuất, làng nghề trên địa bàn;
tổ chức tuyển chọn, đề cử, lập danh sách và hoàn chỉnh hồ sơ đề
nghị Hội đồng xét duyệt cấp tỉnh xem xét trình Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận các
danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề mới về tỉnh.
3. Các sở, ban,
ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp
thực hiện tốt Quy định này.
Quá trình tổ chức thực
hiện nếu có vướng mắc hoặc cần điều chỉnh, bổ sung, các sở ngành, Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị, cá nhân có liên quan phản ánh về Sở
Công thương để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.