Quyết định 1896/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp phần mềm thành phố Hải Phòng đến năm 2015, định hướng 2020

Số hiệu 1896/QĐ-UBND
Ngày ban hành 22/11/2011
Ngày có hiệu lực 22/11/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Lê Khắc Nam
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1896/QĐ-UBND

Hải Phòng, ngày 22 tháng 11 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN: PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP PHẦN MỀM THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 1346/QĐ-UBND ngày 14/7/2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về việc phê duyệt Đề cương Đề án phát triển công nghiệp phần mềm thành phố Hải Phòng đến năm 2015, định hướng 2020;

Xét đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 20/TTr-STTTT ngày 10/10/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp phần mềm thành phố Hải Phòng đến năm 2015, định hướng 2020 (có Đề án kèm theo)

Điều 2. Giao Sở Thông tin và Truyền thông công bố, quản lý và triển khai thực hiện theo quy định.

Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Giám đốc các Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Giám đốc Trung tâm Công nghệ phần mềm Hải Phòng; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- CT, PCT Lê Khắc Nam;
- Như điều 3;
- CPVP; CV: GD, CT, TH;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Khắc Nam

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP PHẦN MỀM THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1896/QĐ-UBND ngày 22 tháng 11 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố)

1. Quan điểm

Thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW của Bộ chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với vai trò là một trong 03 cực tăng trưởng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Hải Phòng phấn đấu trở thành 1 trung tâm mạnh về sản xuất phần mềm, các sản phẩm thông tin số và dịch vụ công nghệ thông tin.

Công nghiệp phần mềm là ngành kinh tế tri thức, công nghệ cao, công nghệ sạch, có giá trị gia tăng lớn, tạo ra giá trị xuất khẩu cao. Thành phố đặc biệt khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi, ưu đãi, hỗ trợ để thu hút đầu tư và phát triển ngành công nghiệp này trở thành một ngành kinh tế trọng điểm, góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Phát triển nguồn nhân lực về cả số lượng và chất lượng là điều kiện then chốt cho sự thành công của công nghiệp phần mềm. Thành phố tăng cường đầu tư và khuyến khích xã hội hóa công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đồng thời đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghiệp phần mềm, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và sản xuất.

Phát triển hoạt động dịch vụ phần mềm là nhiệm vụ trọng điểm, tập trung phát triển một số phần mềm đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, chú trọng phát triển hoạt động gia công phần mềm và dịch vụ cho nước ngoài.

Cần phát triển mạnh mẽ thị trường ứng dụng công nghệ thông tin nội địa nhất là khu vực cơ quan nhà nước và các lĩnh vực kinh tế trọng điểm của thành phố để làm chỗ dựa, bàn đạp cho các doanh nghiệp phần mềm rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm và phát triển.

Trong giai đoạn tới, các khu công nghiệp phần mềm, Vườn ươm nhân lực, doanh nghiệp phần mềm tập trung đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy công nghiệp phần mềm phát triển.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài và các tỉnh, thành phố bạn đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của công nghiệp phần mềm Hải Phòng.

Có các cơ chế, chính sách giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm.

Ưu tiên phát triển và ứng dụng phần mềm nguồn mở.

Phát triển công nghiệp phần mềm đồng bộ và có quan hệ chặt chẽ với sự phát triển của các ngành viễn thông - Internet, điện tử - tin học, thiết kế, lắp ráp và chế tạo phần cứng. Đây phải coi là trọng tâm trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, là yếu tố trực tiếp thúc đẩy phát triển ứng dụng và phổ cập công nghệ thông tin, phát triển các ngành công nghệ cao khác như công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ vật liệu mới, điện tử vi mạch.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát

[...]